Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ sáu, 11/08/2023 - 21:38
(Thanh tra) - Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, trong công tác xây dựng pháp luật vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Một trong những nguyên nhân là tại một số nơi “có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh công việc trong tham mưu xây dựng thể chế”.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long sẽ trả lời chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng ngày 15/8. Ảnh: P. Thắng
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long sẽ đăng đàn trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 15/8.
Thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ… là những nội dung Tư lệnh ngành Tư pháp sẽ trả lời chất vấn.
Chính phủ sẽ có nghị quyết để ngăn ngừa “lợi ích nhóm” trong xây dựng pháp luật
Báo cáo gửi đại biểu Quốc hội về các vấn đề chất vấn, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định, nhiệm kỳ này, Bộ Tư pháp có sự chuẩn bị kỹ hơn và đổi mới cách thức trong lập đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (chương trình).
Với sự chuẩn bị của các bộ, ngành, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 22 luật và 10 nghị quyết, không có dự án luật phải rút ra khỏi chương trình.
Chính phủ đã ban hành 312 nghị định; Thủ tướng đã ban hành 87 quyết định quy phạm pháp luật.
“Về cơ bản, công tác lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện nghiêm, cơ bản đảm bảo quy trình, thủ tục, hồ sơ và chất lượng theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, Bộ trưởng nhận định.
Đề cập đến công tác thẩm định đề nghị, theo ông Long, từ năm 2021 đến 31/5/2023, Bộ Tư pháp đã thẩm định 533 dự án, dự thảo và 71 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Trong đó, Bộ Tư pháp đã thẩm định 1.209 thủ tục hành chính tại 127 đề nghị xây dựng và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có thủ tục hành chính; đề nghị không quy định 7 thủ tục, sửa đổi 903 thủ tục, bổ sung 10 thủ tục.
Với văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết đã có hiệu lực pháp luật, theo Bộ trưởng Lê Thành Long, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Chính phủ, Thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ có nhiệm vụ phải ban hành 123 văn bản (75 nghị định, 13 quyết định và 45 thông tư).
Tính đến hết tháng 7, đã ban hành 105 văn bản (62 nghị định, 11 quyết định và 32 thông tư). “Số văn bản có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật đã từng bước được cải thiện”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nêu.
Ông cũng cho hay, Chính phủ thường xuyên yêu cầu các bộ, ngành tăng cường kỷ luật, kỷ cương; bảo đảm tuân thủ nghiêm quy trình, thực hiện minh bạch, khách quan trong xây dựng pháp luật…
Bộ Tư pháp đang tham mưu giúp Chính phủ ban hành nghị quyết về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ…
Dự thảo nghị quyết này đã hoàn tất chỉnh lý và chuẩn bị thông qua, theo Bộ trưởng Lê Thành Long.
Mâu thuẫn, chồng chéo trong văn bản pháp luật vẫn còn
Bên cạnh kết quả đạt được, ông Long nhìn nhận, vẫn còn tình trạng bổ sung và đang có chiều hướng tăng các dự án vào chương trình, không theo chương trình tổng thể hoặc đề nghị sát thời điểm tổ chức kỳ họp, phiên họp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Có dự án phải chuyển từ 2 kỳ thành 3 kỳ họp như Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); chất lượng một số dự án luật chưa cao. Tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, chưa đồng bộ giữa một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật dẫn đến cách hiểu khác nhau, khó tổ chức thi hành vẫn còn.
Thêm nữa, tính đến hết tháng 7, Chính phủ, Thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ còn nợ 17 văn bản (giảm 11 văn bản so với năm 2020, tăng 9 văn bản so với năm 2021 và tăng 5 văn bản so với năm 2022).
Những tồn tại, hạn chế trên có nhiều nguyên nhân. Trong đó, theo Bộ trưởng Lê Thành Long, đầu tiên là do số lượng các dự án luật, pháp lệnh cần sửa đổi, bổ sung "rất lớn".
Bên cạnh 106 nhiệm vụ lập pháp được giao nghiên cứu, rà soát để thực hiện Kết luận số 19 về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Chính phủ phải rà soát, đề xuất bổ sung vào chương trình các dự án luật khác để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, kịp thời điều hành, phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19.
Trong khi đó, một số trường hợp, cơ quan chủ trì chưa thực sự chủ động, chưa trù liệu hết các yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng; chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của tổ chức pháp chế, chuyên gia trong việc xây dựng, ban hành văn bản…
Đáng lưu ý, “có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh công việc trong tham mưu xây dựng thể chế tại một số nơi”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết.
Đề cao trách nhiệm người đứng, xử nghiêm vi phạm trong xây dựng pháp luật
Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề cập đến 5 giải pháp để khắc phục tồn tại, hạn chế; nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật.
Trong đó, ông nhấn mạnh tăng cường kỷ luật, kỷ cương; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan của Chính phủ, bảo đảm đúng quy định “chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung và tiến độ trình các đề án, dự án, văn bản pháp luật được giao”.
Các bộ, ngành cần chú trọng việc lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, các chuyên gia, nhà khoa học; tăng cường truyền thông chính sách, phản biện xã hội với các nội dung có tác động lớn đến người dân và doanh nghiệp.
Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ nâng cao chất lượng thẩm định, thông qua việc phát huy cơ chế hoạt động của các hội đồng thẩm định, hội đồng tư vấn thẩm định, nhất là thu hút sự tham gia của đại diện các bộ, ngành liên quan, các tổ chức đại diện cho các nhóm lợi ích, các hiệp hội và các chuyên gia, nhà khoa học uy tín.
Để tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, theo Bộ trưởng Lê Thành Long, cơ quan chủ trì lập đề nghị, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cần kịp thời báo cáo, xin ý kiến cấp ủy, tổ chức Đảng về những chính sách quan trọng, định hướng lớn.
“Cần đề cao trách nhiệm người đứng đầu và từng cá nhân, chú trọng tổng kết pháp luật, đánh giá tác động chính sách, lấy ý kiến, tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý, thẩm định; tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong công tác xây dựng pháp luật”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nêu quan điểm.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày 22/11 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Minh Tân
17:29 22/11/2024(Thanh tra) - Ông Nguyễn Việt Phương, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì được điều động, bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Hải Hà
17:28 22/11/2024Hương Giang
17:27 22/11/2024Vũ Linh
14:58 22/11/2024Hương Giang
11:45 22/11/2024Thái Hải
Trần Trung
Lê Hữu Chính
Minh Tân
Hải Hà
Hương Giang
Nguyễn Điểm
Lâm Ánh
Phương Anh
Hoàng Nam
Thu Huyền