Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư: Làm đặc khu phải chú ý lắng nghe nhưng đừng quá sợ

Thứ tư, 06/06/2018 - 15:58

(Thanh tra) - Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, chúng ta có trí tuệ thì sao cái gì cũng sợ. Làm đặc khu phải chú ý lắng nghe nhưng đừng có quá sợ…

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Ngày 6/6, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao đổi với báo chí về Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (đặc khu)…

Cái gì cũng sợ sẽ không làm được

+ Luật Đặc khu dự kiến được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 15/6 tới đây, nhưng đến nay nhiều ý kiến cho rằng, thời hạn giao đất cho nhà đầu tư tới 99 năm (thay vì tối đa là 70 năm theo quy định hiện hành) là quá dài, có thể ảnh hưởng tới chủ quyền, nhất là khi chúng ta ở gần nước láng giềng Trung Quốc. Ông nghĩ sao về điều này?

Dự thảo không có một từ, một chữ nào liên quan tới Trung Quốc. Chẳng qua một số người cố tình hiểu theo hướng đó, đẩy vấn đề lên để chia rẽ quan hệ giữa ta với Trung Quốc.

Trong môi trường hội nhập quốc tế, các quốc gia đều bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế. Chúng ta có chủ quyền có độc lập, không ai có thể vào đây làm gì trong chủ quyền đó. Chúng ta có trí tuệ thì sao cái gì cũng sợ. Phải chú ý lắng nghe nhưng đừng có quá sợ.

Ban soạn thảo đã nói, đã giải trình rất nhiều về dự luật này. Chúng ta phải hết sức khách quan, công tâm, mọi ý kiến nêu ra cần suy nghĩ, bình tĩnh xem xét, không nên nói mà không tư duy.

Nếu cái gì cũng sợ sẽ không làm được. Bây giờ chúng ta mạnh dạn làm, làm đi. Trong quá trình làm thận trọng là đúng, nhưng không có nghĩa vì vậy mà dừng. Còn với những ý kiến, quan điểm khác nhau về dự luật này, chúng tôi trân trọng lắng nghe, tiếp thu. Cái gì cần thiết kế chặt chẽ để không tạo kẽ hở lách luật... thì xem xét lại.

Khi xây dựng đặc khu ở Thâm Quyến năm 1988, cũng có nhiều ý kiến nhưng Đặng Tiểu Bình nói: "Thôi, hãy làm đi, không bàn nữa". 

Năm 1992 lại dấy lên trào lưu có ý kiến, Đặng Tiểu Bình lại nói câu trên. Và bây giờ câu đó được khắc trên bia đá ở Thâm Quyến.

Kinh nghiệm phát triển đặc khu kinh tế ở các nước cái gì hay chúng ta phải học. Trung Quốc làm hay mình cũng phải học, không câu nệ ai, nước nào.

+ Theo ông, dự luật sẽ chỉnh sửa, thiết kế như thế nào để bảo đảm chặt chẽ, tránh những hệ quả sau này?

Theo tôi, có thể thiết kế phương án chặt chẽ hơn theo hướng dự án thế nào là đặc biệt, thế nào là thật đặc biệt, rồi thế nào mới được cấp phép đầu tư...

Ngoài ra, quy trình cấp phép cũng cần chặt chẽ, thẩm quyền cấp phép phải cao hơn, có thể Quốc hội quyết định. Hiện cũng có phương án cân nhắc giảm thời hạn giao đất nhưng chưa có quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, phương án cụ thể ra sao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội mới có thẩm quyền quyết định.

Nguyên tắc số 1 là không ảnh hưởng chủ quyền quốc gia

+ Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cảnh báo, không nên đánh đổi quốc phòng an ninh với phát triển kinh tế khi xây dựng các đặc khu kinh tế?

Trong thiết kế luật không có điều khoản nào đề cập tới chuyện đánh đổi như đại biểu nêu. Tôi nhắc lại nguyên tắc, mục tiêu quan trọng số 1 khi xây dựng dự luật này là không được cao hơn Hiến pháp, ảnh hưởng tới Hiến pháp và không ảnh hưởng 4 yếu tố là: Quốc phòng an ninh, chủ quyền quốc gia, môi trường và người dân.

Với các dự án đầu tư vào đặc khu sẽ phải nằm trong quy hoạch, quy hoạch đó không được xâm hại tới an ninh quốc gia, môi trường, người dân và chủ quyền.

Dự án phải đi theo quy hoạch, có mục tiêu và chúng ta quản là quản quy hoạch, mục tiêu. Nếu quy hoạch sai thì chắc chắn dự án đó sẽ không được cấp phép, thông qua. Nhà đầu tư nếu xin dự án mà giữ đất thì cũng sẽ bị thu hồi... Tất cả đều đã có luật pháp điều chỉnh.

Tôi cho rằng thận trọng là đúng nhưng tinh thần thiết kế của luật nhằm mục tiêu quan trọng là không ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, chủ quyền, môi trường và người dân.

+ Cũng có đại biểu Quốc hội lo ngại, nếu giao đất tới 99 năm dễ dẫn tới những cuộc di dân từ nước ngoài vào các đặc khu?

Đã có nhiều luật quy định, điều chỉnh việc người nước ngoài mua, sở hữu đất ở Việt Nam, như Luật Nhà ở. Với những quy định chặt chẽ của hệ thống pháp luật hiện giờ không dễ gì họ di dân sang.

+ Nhiều ý kiến cho rằng, điều doanh nghiệp thực sự cần không phải thời hạn giao đất dài mà là môi trường đầu tư tốt, ông nghĩ sao về điều này?

Ở đây luật thiết kế thể chế, môi trường kinh doanh là quan trọng nhất. Trong 85 điều thì có 25 điều quy định về thể chế, môi trường kinh doanh. Những ưu đãi về thuế phải có nhưng ở mức hợp lý, đã được điều chỉnh giảm nhiều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4.

Thậm chí, ưu đãi ở dự luật lần này gần như không còn gì nữa rồi. Chúng ta thiết kế theo hướng tạo môi trường minh bạch, thuận lợi và bình đẳng.

+ Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm