Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đặc khu kinh tế: Chú trọng thể chế ưu tú hơn ưu đãi

Thứ ba, 15/05/2018 - 08:14

(Thanh tra)- Theo đánh giá của chuyên gia, việc hình thành các đặc khu kinh tế sẽ là điểm hút về đầu tư, công nghệ, nhân tài và là nơi để khẳng định với thế giới đẳng cấp của Việt Nam. Nhưng việc xây dựng đặc khu cần chú trọng thể chế ưu tú hơn ưu đãi…

Cảng Cái Rồng (Vân Đồn, Quảng Ninh). Nguồn: Zing.vn

Điểm hút đầu tư, công nghệ và nhân tài

Việt Nam hiện có 16 khu kinh tế ven biển, 26 khu kinh tế cửa khẩu, 328 khu công nghiệp được thành lập. Chỉ tính đến cuối năm 2016, các khu kinh tế đã thu hút được 153,7 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký (chiếm 52,5% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam) và 1.644 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước đăng ký; thu hút hơn 3 triệu lao động…

Tuy nhiên, trước sức ép của cạnh tranh quốc tế và những hạn chế nội tại, sức hút của các mô hình trên đang giảm dần, thiếu động lực phát triển đột phá.

PGS.TS Vũ Minh Khương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học quốc gia Singapore nhận định, với việc hình thành các đặc khu kinh tế sẽ tạo đột phá trong tăng trưởng.

“Các đặc khu không chỉ là điểm hút về đầu tư, mà còn là điểm hút về công nghệ, về nhân tài và là nơi để khẳng định với thế giới rằng Việt Nam không kém ai, bởi đấy là một đẳng cấp với thông điệp chiến lược về thể chế. Đặc khu cũng sẽ là nơi gắn kết với các địa phương trong cả nước”, ông Khương nói.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho rằng, sẽ có nhiều nguồn lực đổ vào các đặc khu. Dù có sự dịch chuyển nguồn lực giữa các địa phương nhưng xét về tổng thể là tăng trưởng trong dài hạn.

"Cách đây khoảng 30 năm, Thâm Quyến chỉ là một làng chài hoang nhưng bây giờ là một thành phố khổng lồ, đô thị lớn, tạo ra của cải lớn và đóng góp lớn vào GDP của Trung Quốc. Tuy nhiên, điều Thâm Quyến đóng góp nhiều hơn là mô hình được chia sẻ, lan tỏa dần dần ở Trung Quốc", ông Nguyễn Đức Thành dẫn ví dụ.

“Nhà nghèo mà ưu đãi nhiều thì rất vô lý”

Với những chính sách mang tính đột phá, ưu đãi mang tính vượt trội, thông thoáng, có lợi thế cạnh tranh quốc tế, các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đều hứng khởi, kỳ vọng về triển vọng đầu tư vào các đặc khu.

Tuy nhiên, PGS.TS Khương lưu ý, các đặc khu kinh tế cần chú trọng thu hút các nhà đầu tư lớn bằng một thể chế ưu tú, bền vững, chứ không phải chỉ chú trọng ưu đãi. Cho nên, cần nhìn lại những ưu đãi, nhất là ưu đãi về miễn giảm thuế bởi có thể sẽ làm cạn kiệt ngân sách.

Lấy ví dụ từ Singapore, một quốc gia đã phát triển thành công các đặc khu kinh tế, theo ông Khương, ở quốc gia này, thuế vẫn phải thu và ưu đãi về thuế là hết sức hạn chế. Nhà nước sẽ sử dụng tiền thuế mà chính các doanh nghiệp đóng để hỗ trợ cho các nhà đầu tư có dự án nằm trong vùng được hưởng các chính sách ưu đãi như xây dựng hạ tầng, đào tạo nhân công…

“Thể chế phải rất ưu tú, Nhà nước sẽ bảo đảm cùng các nhà đầu tư giải quyết tất cả các bài toán khó khăn. Chứ nhà nghèo mà cứ ưu đãi nhiều thì rất vô lý. Hơn nữa, ưu đãi, miễn giảm trong nhiều năm có thể khiến các nhà đầu tư coi là điều mặc nhiên dẫn đến sau này thu thêm được 1 đồng thuế sẽ rất khó”, ông Khương nhấn mạnh.

Do đó, theo ông Khương, ưu đãi về thuế cần có một sự tính toán linh hoạt nhất định. Trong vài ba năm đầu sẽ có một số hỗ trợ đặc biệt, tuy nhiên sang năm thứ tư khi các đặc khu kinh tế đã cất cánh và trở nên hấp dẫn hơn nhiều đối với các nhà đầu tư thì không cần ưu đãi, hỗ trợ đặc biệt nữa.

“So với các nước, ưu đãi của Việt Nam khá cao và chỉ nghĩ đến ưu đãi thôi. Cách đi ấy phải xem lại, tôi nghĩ phải có chiến lược. Đặc khu phải là đột phá để tạo nên nguồn ngân sách”, TS Khương nêu.

“Quy hoạch đất phải rõ ràng, đừng như Thủ thiêm mất cả bản đồ”

Liên quan đến việc xây dựng quy hoạch của các đặc khu, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đề xuất, cần xây dựng có tầm nhìn và tính toán kỹ lưỡng.

Việc trích quỹ đất hàng năm bao nhiêu cần tính toán đến quyền lợi của những người thực sự có đóng góp cho sự phát triển và những người sống ở đặc khu, tránh để tiền rơi vào những "cò" đất buôn bán chạy chọt, lợi dụng cơ chế.

“Toàn bộ quy hoạch đất phải rõ ràng, đừng như Thủ thiêm mất cả bản đồ. Việt Nam có tư duy rất cởi mở, rất hội nhập, quyết liệt nhưng thiết chế không tốt, chiến lược không có tầm nhìn thì đi cũng không được xa”, ông Khương nhấn mạnh.

Theo dự thảo, căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư, chủ tịch UBND đặc khu quyết định thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu không quá 70 năm; trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

TS Khương cho rằng, không nên quy định thời hạn 99 năm vì quá cao sẽ khiến các đặc khu kinh tế bị thiên lệch về hướng thu hút các nhà đầu tư có tính đầu cơ đất.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

(Thanh tra) - Muốn thu hút được đông đảo người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hoá các phương tiện, thì việc đồng bộ cơ sở hạ tầng là vô cùng cần thiết. Đây được coi là vấn đề then chốt, TP Hà Nội cần phát triển một cách đồng bộ hạ tầng xe buýt và cả các loại hình kết nối khác trong hệ thống VTHKCC.

Cao Sơn

07:05 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm