Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bộ trưởng Giao thông Vận tải: Quản chặt quy hoạch nhà cao tầng để khắc phục tắc đường, ngập úng ở đô thị

Hương Giang

Thứ năm, 03/11/2022 - 21:43

(Thanh tra) - “Chia lửa” cùng Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị tại phiên chất vấn chiều ngày 3/11, ông Nguyễn Văn Thắng nêu giải pháp khắc phục thiếu vật liệu xây dựng hạ tầng giao thông, ngập úng và tắc đường ở đô thị, sau 12 ngày được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm làm Bộ trưởng Giao thông Vận tải.

Tân Bộ trưởng Giao thông Vận tải tham gia trả lời chất vấn. Ảnh: P.Thắng

Đồng bộ giữa quy hoạch đô thị và quy hoạch giao thông

Theo tân Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, vấn đề ngập úng ở đô thị có nhiều nguyên nhân.

Đầu tiên là các khu đô thị cũ được xây dựng từ lâu thường có cốt nền thấp, nhưng khi sửa chữa đường đã dùng phương pháp cũ là trải thảm đường mới lên thảm cũ, khiến cốt đường cao hơn, các đô thị, dẫn đến dễ ngập lụt.

“Tôi được biết, Bộ Xây dựng đã có những chỉ đạo để áp dụng các phương thức mớ - cào bóc và tái sinh. Tức là, đường cũ hỏng, chúng ta bóc ra sau đó mới tái chế và trải xuống thì không làm tăng cốt đường ở những khu vực đô thị cũ”, ông Thắng nói.

Nguyên nhân thứ hai là hệ thống cống rãnh ở các đô thị cũ trước đây được xây dựng chưa đồng bộ, thường nhỏ nên không đáp ứng yêu cầu.

Thứ ba là các khu đô thị mới ngập do kết nối với hạ tầng giao thông, hạ tầng khác chưa đồng bộ. Nhiều khu đô thị mới xây dựng ở những nơi đường sá, cầu cống chưa có.

Ngoài ra, quá trình vận hành, có nơi chưa quan tâm xử lý vướng mắc về hệ thống giao thông, cống rãnh thoát nước.

Vì vậy, Bộ trưởng nhấn mạnh cần phải quản lý thật chặt, bảo đảm đồng bộ giữa quy hoạch đô thị và quy hoạch giao thông, đặc biệt là “không để câu chuyện cốt trong các khu đô thị cao hơn cốt đường”.

Về tình trạng tắc nghẽn giao thông tại các đô thị, Bộ trưởng Giao thông Vận tải lý giải có nhiều nguyên nhân, nhưng “chủ yếu do áp lực phương tiện giao thông rất lớn, trong khi hạ tầng chưa phát triển kịp”.

Đại biểu Quốc hội Lý Văn Huấn (Thái Nguyên) cho rằng, quy hoạch xây dựng nhà ở các khu chung cư cao tầng có nhiều bất cập. Ảnh: Đ.X

Đưa ra giải pháp, tân Bộ trưởng Giao thông Vận tải tiếp tục cho rằng, phải quản lý chặt chẽ quy hoạch đô thị. “Cần phải quản lý chặt chẽ quy hoạch nhà cao tầng, không chạy theo lợi nhuận thương mại để phá vỡ các quy hoạch”.

Cạnh đó, hệ thống giao thông công cộng cần phát triển nhanh hơn. Việc di dời công trình, trụ sở ra khỏi nội đô cần tiến hành đồng bộ.

Đường Lê Văn Lương “phá vỡ quy hoạch tầm chiến lược”

Câu chuyện quy hoạch cũng là vấn đề được nhiều đại biểu đề cập trong phiên chất vấn.

“Hiện nay việc quy hoạch xây dựng nhà ở các khu chung cư cao tầng có nhiều bất cập”, đại biểu Lý Văn Huấn (Thái Nguyên) dẫn điển hình là sai phạm trong xây dựng nhà hai bên đường Lê Văn Lương.

Ông cho rằng vi phạm này “phá vỡ quy hoạch tầm chiến lược và mất cảnh quan đô thị”. “Bộ trưởng có giải pháp gì khắc phục tồn tại này trong thời gian tới”, đại biểu chất vấn.

Trả lời câu hỏi đại biểu Huấn, ông Nghị thừa nhận trong quá trình điều chỉnh quy hoạch ở một số địa phương, có trường hợp điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, chưa đảm bảo yêu cầu, quy chuẩn của quy hoạch, dẫn đến phá vỡ quy hoạch.

Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn. Ảnh: P.Thắng

Nguyên nhân là do công tác rà soát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch còn chưa kịp thời; trong quá trình đánh giá thì nội dung đánh giá chưa đầy đủ, chưa thấu đáo. Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong điều chỉnh quy hoạch cũng chưa được chú ý đúng mức, nặng tính hình thức.

“Còn có tình trạng điều chỉnh quy hoạch, nhất là quy hoạch cục bộ do mong muốn thu hút đầu tư hoặc cũng có thể do áp lực từ nhà đầu tư, dẫn đến không tính đến sự phù hợp, khả năng đáp ứng của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị”, ông Nghị nói.

Bộ trưởng Xây dựng cho rằng, trách nhiệm thuộc về các cơ quan lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch.

Tiếp đó, là trách nhiệm cơ quan quản lý Nhà nước trong đó có Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm trong việc thiếu đôn đốc, kiểm tra, giám sát, phát hiện cũng như hướng dẫn các địa phương trong việc điều chỉnh quy hoạch thực hiện theo đúng quy trình, quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị.

“Bộ cũng chưa kịp thời rà soát, bổ sung các quy định của pháp luật để đảm bảo các quy định chặt chẽ hơn, nhất là quy định đối với việc điều chỉnh quy hoạch và cũng chưa kịp thời thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm”, ông Nguyễn Thanh Nghị thẳng thắn.

Vì vậy, thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát, cập nhật, bổ sung, sửa đổi quy định của pháp luật để đảm bảo quy định chặt chẽ hơn trong việc điều chỉnh quy hoạch cũng như là quy định rõ trong công tác xử lý vi phạm, tăng cường thanh tra, kiểm tra.

Ông Nguyễn Thanh Nghị cũng đề nghị các địa phương thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng để thực hiện công tác điều chỉnh quy hoạch theo đúng quy định.

Quy hoạch tổng thể quốc gia đang chậm Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, hiện nay quy hoạch tổng thể quốc gia đang chậm so với yêu cầu. Đoàn giám sát của Quốc hội đã giảm sát tối cao, nêu nhiều vấn đề và Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 61 tháo gỡ nhiều khó khăn vướng mắc. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng  Nguyên nhân của tình trạng này, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là do lần đầu tiên thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia, cách hiểu còn khác nhau về tích hợp quy hoạch. Bộ trưởng cho biết, Chính phủ có nhiều chỉ đạo để đảm bảo tiến độ nhưng quan tâm lớn nhất là chất lượng quy hoạch đảm bảo, không vì tiến độ bỏ qua chất lượng. “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức vừa tháo gỡ khó khăn, vừa hướng dẫn, cùng địa phương các ngành để có phương pháp lập quy hoạch tốt nhất đảm bảo tiến độ như Nghị quyết 61 Quốc hội yêu cầu”, ông Dũng cam kết.

Thiếu cát sông xây công trình trọng điểm rất lớn, đang nghiên cứu cát biển thay thế

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, thời gian qua thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, bộ đã phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường và các bộ, ngành liên quan để thực hiện việc nghiên cứu vật liệu thay thế cho cát sông khi triển khai các dự án, công trình giao thông trọng điểm ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Thắng đưa ra con số, tổng nhu cầu dùng cát để làm vật liệu cho các công trình giao thông của khu vực này là 39 triệu m3, nhưng toàn khu vực chỉ đáp ứng được 26 triệu m3.

“Như vậy, chúng ta thiếu một số lượng vật liệu xây dựng là cát nền rất lớn”, Bộ trưởng Giao thông Vận tải nói và cho biết, bộ đang đánh giá việc nghiên cứu vật liệu cát biển để thay thế cho cát sông.

“Riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, lượng cát biển lên tới 150 triệu tỷ m3. Nếu chúng ta thành công thì không chỉ dùng cho Đồng bằng sông Cửu Long mà có thể áp dụng cho cả nước”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết, đến cuối năm 2023 mới có kết quả nghiên cứu có thể dùng cát biển thay thế cát sông được hay không. Dù vậy, nghiên cứu ban đầu cho thấy rất khả thi, và nhiều nước như Nhật Bản, Singapore đã áp dụng thành công.

Bộ Giao thông Vận tải đã cho phép nhà thầu có thể dùng tro xỉ làm vật liệu đắp nền thay thế cho cát sông.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bắc Ninh: Tránh lãng phí tài sản công sau sáp nhập các xã

Bắc Ninh: Tránh lãng phí tài sản công sau sáp nhập các xã

(Thanh tra) - Từ 1/12/2024, tỉnh Bắc Ninh giảm 5 đơn vị hành chính cấp xã, Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu, phải có phương án sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí và không để tham ô, tham nhũng, trục lợi cá nhân đối với trụ sở công, tài sản công dôi dư.

14:59 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm