Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bộ trưởng Đinh La Thăng: “Đã hứa là thực hiện”

Thứ ba, 18/11/2014 - 21:28

(Thanh tra) - "Tất cả những gì tôi báo cáo là lời hứa. Không hứa thì thôi, đã hứa là phải thực hiện”. Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải trong phiên trả lời chất vấn chiều 18/11.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng. Ảnh: Hương Giang

Đi ô tô trên đường cao tốc có thể nghe nhạc, làm thơ

Mở đầu phiên chất vấn, Đại biểu Quốc hội (ĐB) Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đặt vấn đề: Qua nhiều vị Bộ trưởng trong lĩnh vực giao thông, dù có nhiều cố gắng và tâm huyết nhưng đến nay đường ô tô thông suốt từ Pắc Bó đến mũi Cà Mau vẫn chưa đạt được 100% về trung tâm xã và huyện. Với quyết tâm của ngành, có thể hoàn thành các tuyến đường trong năm 2015?

Theo Bộ trưởng Thăng, thực tế là như vậy dù những năm qua ngành Giao thông Vận tải được sự quan tâm đầu tư rất nhiều. Dù bộ mặt giao thông có cải thiện trong vài năm gần đây nhưng việc đáp ứng nhu cầu để thành động lực phát triển kinh tế - xã hội cần cố gắng hơn nữa. “Chúng tôi đã có kế hoạch trong 8 huyện đảo có 5 huyện đầu tư cầu trong năm tới sẽ kết nối cả đường và cầu, còn 3 huyện sẽ tiếp tục nghiên cứu”, Bộ trưởng cam kết.

Riêng đường ô tô về xã, theo Bộ trưởng, thực hiện chiến lược phát triển giao thông nông thôn đến 2020 và tầm nhìn 2030 thì đến năm 2020, 100% xã sẽ có đường ô tô đến từng xã và hiện nay các địa phương cũng hết sức quan tâm đến đầu tư phát triển đường giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

ĐB Bạch Thị Hương Thủy chất vấn: Việc thành lập các trạm thu phí trên quốc lộ có đúng không? Khoảng cách các trạm thu phí có bảo đảm đúng quy định? Bộ lên phương án nào để quản lý số phí thu đúng mục đích, hạn chế thất thoát, tiêu cực?. Ảnh: Thảo Nguyên


Lo ngại về mức phí cao và khoảng cách trạm thu phí không đảm bảo sau khi hoàn thành mở rộng quốc lộ 1 của ĐB Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình), Bộ trưởng Đinh La Thăng trấn an rằng, mức thu phí là theo khung giá, khoảng cách tối thiểu mỗi trạm cách nhau 70km theo quy định của Bộ Tài chính chứ không phải muốn thu bao nhiêu thì thu.

“Để thực hiện thu phí nhanh nhất, tránh thất thoát lãng phí, chúng tôi đang xây dựng đề án thu phí tự động thực hiện ở quốc lộ 1 trước, sau đó sẽ thực hiện trên cả nước”.

Bộ trưởng Thăng dẫn chứng, "lúc đầu có ý kiến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai mức phí quá cao. Nhưng thực tế tuyến đường rút ngắn thời gian đi từ Hà Nội - Lào Cai xuống một nửa, tiết kiệm được 30% xăng dầu. Đi trên cao tốc này thẳng nên an toàn hơn. Ví dụ trước đây đường sắt đi Lào Cai mua vé khó vì đông người đi. Nay có đường cao tốc nên khách đi tàu giảm xuống một nửa. Khách giờ đi ô tô trên đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai có thể vừa nghe nhạc hay làm thơ”.

Không có chuyện nhà đầu tư nước ngoài thu phí với giá cao

Theo ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội), cử tri rất quan tâm Bộ Giao thông Vận tải đang nghiên cứu bản quyền khai thác một số công trình giao thông để lấy tiền đầu tư cho công trình khác. Đây là vấn đề mới của Việt Nam nên cử  tri băn khoăn.

ĐB Hà cũng phản ánh tình trạng Dự án Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng qua huyện Gia Lâm (Hà Nội) gây hư hỏng công trình thủy lợi dù kỳ họp trước đã kiến nghị bổ sung hầm chui dân sinh, cầu vượt nhưng chưa được thực hiện. Bao giờ thì giải quyết?

ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà chất vấn Bộ trưởng Thăng. Ảnh: Thảo Nguyên

Bộ trưởng Thăng cho biết hiện nay, ngành Giao thông có nhiệm vụ đột phá phát triển hạ tầng nhưng do Chính phủ tái đầu tư công nên nguồn lực dành cho giao thông ngày một hạn chế. Để tạo ra đột phá nữa, Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu chuyển giao quyền khai thác hạ tầng cho các nhà đầu tư khác. Hiện đang xây dựng đề án tổng thể báo cáo Chính phủ.

“Ví dụ đường cao tốc làm được 524 km đang khai thác, nếu chuyển được quyền khai thác sẽ lấy tiền làm được 500km nữa. Như vậy mục tiêu đến năm 2020 có thể hoàn thành 2.000km đường cao tốc”, Bộ trưởng nói và đề nghị ĐB, Quốc hội yên tâm.  

Thực tế đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương đã chuyển giao quyền thu phí thời hạn 5 năm. “Còn một số nhà đầu tư nước ngoài cũng xin chuyển giao một số dự án với sự kế thừa toàn bộ điều kiện hợp đồng của nhà đầu tư trước đây, kể các mức phí. Cho nên không có chuyện nhà đầu tư nước ngoài thu phí với giá cao được. Chúng ta có thể hoàn toàn kiểm soát được”, Bộ trưởng Thăng khẳng định.

Về việc thi công dự án gây khó khăn cho cuộc sống của người dân, Bộ trưởng Thăng cho rằng, từ trước tới nay, các dự án đều được triển khai thực hiện tốt giữa chủ đầu tư với các ban quản lý dự án và địa phương. Tuy nhiên có một số dự án, việc phối hợp không tốt gây phiền hà khó khăn cho người dân địa phương.

“Chúng tôi đã chấn chỉnh và yêu cầu kiểm tra giám sát để hạn chế tối thiểu đến người dân trong vùng dự án. Người dân nhường đất làm đường nhưng có khi phải đi vòng lên đường cao tốc. Vì đường có tiêu chuẩn nhất định nên mong bà con nhân dân chia sẻ với sự phát triển chung của đất nước”, Bộ trưởng Thăng nói.

Trong 3 năm sẽ xây xong hơn 7.800 cây cầu treo

ĐB Ngô Văn Hùng (Lào Cai) chất vấn, thực trạng hạ tầng giao thông nông thôn nước ta ra sao? Hệ thống cầu treo ở vùng sâu, vùng cao, hết sức cần thiết, tiến độ xây dựng như thế nào? 

ĐB Ngô Văn Hùng chất vấn khi nào các dự án làm cầu treo hoàn thành để bà con ở vùng sâu, vùng xa, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số đi lại bớt khó khăn. Ảnh: Thảo Nguyên


Bộ trưởng Thăng khẳng định, để toàn thành xây dựng giao thông nông thôn, theo Bộ trưởng vẫn cần sự chỉ đạo quyết liệt cũng như sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.

Về việc xây cầu treo, Bộ trưởng Thăng bày tỏ chia sẻ khó khăn khi nhận được thông tin người dân phải đu dây qua sông. 

“Bộ đã chủ động đề xuất và được Chính phủ chỉ đạo xây dựng đề án phát triển xây dựng cầu treo và cầu dân sinh cho 50 tỉnh trong cả nước với khoảng 7.800 cây cầu. Chúng tôi cùng với các địa phương đã khảo sát, rà soát để xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để đầu tư. Bộ đã bảo cáo và được Chính phủ đồng ý đầu tư trước 186 cây cầu với sự ứng vốn của ngân sách”, Bộ trưởng Thăng cho biết.

Để thực hiện hơn 7.800 cây cầu dự kiến phải mất khoảng gần 2 nghìn tỷ đồng huy động từ nhiều nguồn khác nhau. Trong đó, các địa phương phải cùng tích góp, tiết kiệm ra một khoản ngân sách. Cùng với đó, Bộ đã làm việc với các nhà tài trợ, Ngân hàng thế giới, JICA để cho vay; xây dựng chương trình xây cầu nhân ái để kêu gọi sự ủng hộ của các nhà hảo tâm. 

“Chúng tôi cũng đề xuất sử dụng vốn dư từ các dự án đầu tư hạ tầng giao thông, cụ thể là Dự án Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên để làm một phần dự án cầu treo. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, xác định rõ nguồn vốn, trong 3 năm sẽ đầu tư xong 7800 cây cầu này”, ông Thăng nhấn mạnh.

Dự án đường sắt trên cao sẽ tuyệt đối an toàn?

ĐB Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh) chất vấn, đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông sử dụng công nghệ quốc gia nào? Cũ hay mới? Sao tiến độ chậm, đội vốn cao như vậy? Bộ trưởng có khẳng định được tàu đi trên cao như thế sẽ tuyệt đối an toàn? Và nếu để đảm bảo an toàn tuyệt đối, cần đầu tư thêm những gì, liệu vốn đầu tư khi đó còn đội lên đến thế nào nữa?

“Đây là câu hỏi được sự quan tâm của cử tri, xã hội”, Bộ trưởng Thăng nói và cho biết, dự án sử dụng vốn vay ODA của Trung Quốc, do nhà thầu Trung Quốc thi công và sử dụng công nghệ của Trung Quốc nhưng là công nghệ mới nhất.

“Vừa qua, khi xảy ra sự cố đã tạm dừng để kiểm tra, đảm bảo an toàn mới cho thi công tiếp. Khi dự án hoàn thành sẽ tổ chức giám sát vận hành đúng thiết kế, an toàn cho người dân. Việc bảo đảm an toàn theo đúng tiêu chuẩn quốc tế”.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm