Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Biến đổi niềm tin tôn giáo: Một góc nhìn từ trường hợp Công giáo

TS Ngô Quốc Đông

Thứ tư, 24/11/2021 - 08:00

(Thanh tra)- Bài viết này thông qua dữ liệu khảo sát xã hội học cụ thể, chúng ta sẽ xem xét biến đổi trong đối tượng thờ cúng của tôn giáo.

Ảnh minh họa: https://baotintuc.vn

Tiếp theo chúng ta sẽ tìm hiểu xem đối tượng thiêng đó có vị trí như thế nào trong lòng người tin nhận cũng như trong nhận thức của người tín đồ. Cuối cùng chúng ta hãy xem giữa mức độ niềm tin với các thực hành luân lý, đạo đức để giữ gìn cũng như biểu đạt niềm tin đó tương quan như thế nào với nhau.

Có thể nói, Công giáo là tôn giáo có tổ chức chặt chẽ với giáo lý, giáo luật đầy đủ và một nền luân lý lâu đời, nên những đối tượng thiêng của tôn giáo này luôn được bảo vệ suy tôn và độc tôn. Bởi lẽ tín điều căn cốt của tôn giáo suy cho cùng là cái hầu như không biến đổi so với các thành phần khác trong cấu trúc cấu thành mỗi tôn giáo. Cái phần biến đổi thường chỉ là những cải sửa, còn cốt lõi tín điều vẫn không thay đổi. Khi thay đổi tín điều thường xảy ra những mâu thuẫn, chia cắt, thậm chí phát sinh các tôn giáo mới, thấy rõ điều này trong trường hợp xuất hiện của Tin lành vào thế kỷ XVI.

Thần học cũng như giáo huấn Công giáo luôn coi Thiên chúa là khởi nguyên của vạn vật cũng như con người. Bản thân Chúa Giêsu là hiện thân của Đấng Hoàn hảo, mẫu hình tuyệt đối của các giá trị Chân - Thiện - Mỹ. Nhận thức này vẫn bao trùm trong nhiều thế kỷ qua đối với Giáo hội.

Tuy nhiên, nhận thức của con người sở hữu những niềm tin này thì có thể thay đổi, bởi họ sống trong những không gian văn hóa, hoàn cảnh địa lý, kinh tế, phong tục... khác nhau.

Trên thực tế hiện nay, dù kinh tế, xã hội có nhiều đổi thay so với trước đây, nhưng nhìn chung người Công giáo Việt Nam vẫn có niềm tin khá bền vững ở chân lý Công giáo, biểu hiện rõ nhất ở việc tin vào những điều Chúa mạc khải. Trước trào lưu tục hóa thì mẫu hình Thiên chúa vẫn có vị trí quan trọng trong lòng nhiều tín đồ.

Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu Tôn giáo năm 2013 tại 5 tỉnh Tây Nguyên với 399 phiếu hỏi tín đồ Công giáo, bước đầu cho ta thấy với Công giáo thì các tín điều cơ bản của tôn giáo này đều được những người trả lời bảng hỏi xác tín với một tỷ lệ cao như: 98,7% người được hỏi tin là loài người được sinh ra bởi Chúa, Phép Thánh thể (phép Mình Thánh Chúa) để hiệp thông với Chúa được 100% người được hỏi trả lời tin, có quỷ dữ (94%), tội tổ tông truyền (97,2%), cuộc sống trên Thiên đàng (97,7%), Đức Mẹ hiện ra (97,5%), có phép lạ (96,2%)...

Có 92,2% tín đồ Công giáo trong mẫu khảo sát trên địa bàn Tây Nguyên thời điểm khảo sát thường xuyên tham gia học giáo lý. Nếp sống đạo này tác động mạnh mẽ đến trẻ em trong gia đình Công giáo. Do đó, 92,7% trẻ em trong gia đình Công giáo tham gia đầy đủ các lóp học giáo lý dành cho lứa tuổi của mình.

Qua mẫu khảo sát cho thấy số tín đồ Công giáo được hỏi trả lời tham gia đi lễ nhà thờ thường xuyên lên đến 97,7%, trong số đó 96,0% vì niềm tin tôn giáo. Việc đọc kinh cầu nguyện thường xuyên tại nhà cũng được tín đồ Công giáo chú trọng, với 86,5%.

So sánh một chút với tôn giáo khác: Phật giáo có 82,8% số người được hỏi trả lời là thường xuyên đi lễ chùa, 16,4% là thỉnh thoảng mới đi lễ. Với Tin lành có 89,6% người được hỏi trả lời là nhóm họp, thờ phượng Chúa hằng tuần, có 10,4% là thỉnh thoảng nhóm họp.

Trong đợt khảo sát 2017 của Đề tài Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trong gia đình Việt Nam, 299 người Công giáo được hỏi câu ông bà có thực hành theo giáo lý của tôn giáo mình? Kết quả có 291 người trả lời làm theo giáo lý, chiếm tỷ lệ 97,3%.

Công giáo với tổ chức chặt chẽ, giáo lý nghiêm ngặt đã tạo ra một định tín cơ bản trong việc giữ người tín hữu gắn bó với cộng đồng của mình. Một người Công giáo nếu có tuyên bố hay nhận thức sai lạc với những tín điều mà họ đã tuyên xưng, lập tức họ sẽ bị trước tiên những người thân như cha mẹ, anh em và sau đó là chức sắc cảnh báo. Thêm nữa họ còn bị lương tâm hối thúc, phải đắn đo xem có nên xưng tội hay không. Ngoài gia đình, các thành viên của cộng đồng Công giáo cũng chính là các quan sát viên kiểm soát chính các cá nhân trong cộng đồng của họ, nhất là khi cộng đồng ấy lại gắn chặt giữa luật đạo với họ hàng, và cơ cấu làng Việt truyền thống.

Cách nay không lâu, có những vùng Công giáo ở đồng bằng Bắc Bộ, việc hôn nhân khác đạo vẫn chưa phải thuận lợi vì không phải được tất cả các thành viên gia đình và cộng đồng chấp nhận. Nếu không có sự đồng ý của linh mục, đó là hôn nhân bất thành sự, gia đình có làm mâm cao cỗ đầy cũng ít người tới dự tới ăn, trừ những người thân thích. Điều đó có nghĩa họ bị chính cộng đồng tẩy chay, và đó cũng chính là một thiết chế có tính chất kiểm soát cao với các cuộc hôn nhân khác đạo, mà theo quan điểm nhiều người, những hôn nhân đó dễ đẩy tới viễn cảnh người Công giáo bị mất truyền thống, phai nhạt hay biến đổi niềm tin với những tín điều của chính tôn giáo mình.

Tuy nhiên dù có tổ chức tốt, trước sự lên ngôi của các giá trị thế tục, giáo hội Công giáo xem ra cũng không tạo tra sự kiểm soát, hay một thiết chế hoàn hảo để giữ vững niềm tin của người tín đồ. Niềm tin vẫn có thể biến đổi trước bối cảnh của thời cuộc. Tình trạng khô đạo, nhạt đạo vẫn luôn xảy ra dù cả ở trong quá khứ lẫn hiện tại, điểm khác giữa hôm nay và hôm qua là tình trạng này diễn ra mạnh hay nhẹ và Giáo hội nhìn nhận về mức độ nguy cơ của nó tới đấu đối với tôn giáo của mình.

Khô đạo, nhạt đạo là một thuật ngữ có tính chất dân gian để nói về tình trạng cá nhân hoặc một tập thể tôn giáo nào đó không còn hăng say hoặc giữ vững niềm tin của mình vào đối tượng thiêng của mình kèm theo đó là các thực hành tôn giáo tương ứng để biểu đạt niềm tin đó.

Khô đạo, nhạt đạo còn là việc loại bỏ, hoặc suy giảm trầm trọng ảnh hưởng của Thiên chúa ra khỏi hoạt động thường nhật của người tín đồ.

Xưa kia, khi vấn đề quyền con người chưa được tuyên truyền rộng rãi do công nghệ thông tin chưa phát triển, dường như người giáo dân sống trong một môi trường Kitô giáo với các khuôn mẫu thuần nhất. Khi ấy người ta ít nói đến tự do lương tâm và quyền lựa chọn các giá trị luân lý bên ngoài Kitô giáo. Khi ấy sống đạo gắn liền với giữ đạo, bởi vậy đã có nhiều thánh tử đạo trong quá khứ.

Tất nhiên việc này còn có nguyên nhân trực tiếp từ việc hạn chế tôn giáo của các thể chế chính trị khác nhau, nhưng cũng nói lên rằng tinh thần giữ đạo, bảo vệ niềm tin là một giá trị rất được đề cao trong quá khứ. Sống đạo gắn với việc duy trì các khuôn mẫu đức tin cũng như sinh hoạt đạo của chính Công giáo. Trong các kết cấu làng xã bền chặt bởi niềm tin và tình thân tộc, người giáo dân cũng rất khó thoát ra khỏi cái khung cảnh văn hóa tôn giáo đậm đặc và có tính chất thuần nhất như vậy.

Nhưng rồi những bước tiến của khoa học kỹ thuật cũng như trào lưu thế tục hóa, việc quy chiếu đời sống về với Thiên chúa mất dần chỗ đứng. J. Baubérot - nhà sử học và nhà xã hội học người Pháp chuyên về xã hội học của các tôn giáo nhận xét: “Trước kia Thiên chúa là niềm tin chắc chắn trong xã hội, thì nay trở thành niềm xác tín riêng tư của cá nhân”. Ông cho rằng: Quyết định tin hay không tin, theo chính thức là tùy thuộc vào sở thích lựa chọn cá nhân. Tại Pháp cũng như trong bất cứ xã hội tự do nào, sự cạnh tranh trở thành quy luật và các thị hiếu gọi là tôn giáo thay thế thì nhan nhản trên thị trường như: Tôn thờ sức khỏe, tôn thờ mức sống, đam mê thể thao, hăng say đấu tranh chính trị…

Việc loại bỏ tầm quan trọng của Thiên chúa dẫn đến một số người Công giáo không còn giữ vững các giá trị luân lý của tôn giáo mình, một số chuyển sang niềm tin khác. Bởi vậy quan điểm của Giáo hội Công giáo Việt Nam ngày nay trong công cuộc tân Phúc Âm hóa của đặc biệt chú trọng tới đối tượng khô đạo, nhạt đạo này bên cạnh việc truyền giáo cho những người chưa tin vào Thiên chúa.

Bên cạnh sự suy giảm tính thiêng cũng chính là vai trò của Thiên chúa với đời sống cá nhân. Sự khô đạo, nhạt đạo còn thấy rõ trên phương diện hình thức. Điều này thường xảy ra ở những tín đồ trẻ. Tại một vài nơi, số tín đồ trẻ đi lễ cũng suy giảm nghiêm trọng, một số đi theo truyền thống gia đình, làm vui lòng cha mẹ chứ không từ tâm tình bên trong.

Một tác giả là tu sĩ Công giáo mô tả về hiện trạng phai đạo, nhạt đạo như sau: “Nhiều bạn trẻ ngày nay sống đức tin rất hời hợt. Có dịp tiếp xúc với các bạn trẻ đang học lớp giáo lý hôn nhân, thật ngỡ ngàng về một số đông không biết gì về giáo lý căn bản, ngay cả những kinh đọc hằng ngày họ cũng không thuộc. Họ mang danh nghĩa là đạo gốc nhưng dường như họ theo đạo chủ yếu làm cho cha mẹ vui lòng, không ý thức mình là người Kitô hữu".

Một bạn trẻ nói: “Những việc như đi nhà thờ, đọc kinh và cầu nguyện chỉ là do thói quen, cũng như do áp lực của những người thân”. Như vậy, hơn bao giờ hết, ngày nay, đức tin của giới trẻ chúng ta đang xuống dốc trầm trọng. Ở một vài giáo xứ, số lượng người trẻ đi học giáo lý ngày càng ít đi. Và người ta không còn thấy bóng dáng bạn trẻ đi tham dự thánh lễ hằng tuần. Nếu có đi, thì ghế ngồi của họ là “xe ôm”, hoặc tụ tập thành nhóm đứng ngoài lề trò chuyện, hút thuốc cho qua giờ lễ…

Một người mẹ chia sẻ: "Mỗi lần tôi nhắc nhở đứa con trai đi tham dự thánh lễ, nó trả lời rằng: “Thời đại này, đến nhà thờ làm gì hả mẹ? Chỉ cần mình tin có Chúa là đủ. Mẹ thử nghĩ xem, mấy đứa bạn con có đi lễ đâu mà nhà nó vẫn giàu có đấy thôi”".

Nguyên nhân của tình trạng khô đạo, nhạt đạo được tập trung vào một số điểm sau:

Thứ nhất, bản thân giới trẻ ngày nay sống trong một thế giới đa dạng nhận thức và các nguồn thông tin mở. Có thể bản thân họ nhận thấy Công giáo không phải là một hệ giá trị duy nhất cung cấp cho con người sự cứu rỗi cũng như các động lực của của cuộc sống và cách hiểu biết thế giới, nhân sinh. Bên cạnh đó còn có những giá trị khác, những chủ thuyết khác có sức hấp dẫn không kém với giới trẻ. Giáo hội luôn cảnh báo về những nguy cơ của hiện tượng tục hóa có thể cuốn hút giới trẻ đánh mất đi tính chất tôn giáo trong con người mình như chủ nghĩa hưởng thụ, đề cao vật chất; thuyết tương đối hay sự hoài nghi đối với cái thiêng...

Thứ hai, trong bản thân bộn bề công việc của các gia đình, họ luôn bị mâu thuẫn giữa mưu sinh và giữ gìn bản sắc tôn giáo của mình. Rõ ràng việc dạy dỗ các truyền thống tôn giáo đã bị suy giảm đi ở nhiều gia đình Công giáo Việt Nam so với mấy chục năm trước. Chẳng hạn có nhiều gia đình không còn dạy giáo lý từ ông bà cha mẹ cho trẻ con, hay việc đọc kinh sớm, tối cũng ít được coi trọng. Trong một khung cảnh mà sức hút của truyền thống gia đình Công giáo không còn, lại thêm sự tự do cá nhân, bận rộn của các thành viên trong sinh kế và công việc, đã khiến việc truyền thụ các giá trị Công giáo bị sao nhãng giữa các thế hệ.

Thứ ba, như trên đã đề cập, bản thân chính trong việc giảng dạy giáo lý ở nhà thờ cũng như các nghi thức phụng vụ từ thời gian cho đến bài giảng cũng còn ít sáng tạo, lệ quy tắc, không tạo được sự cuốn hút, sốt sắng của giới trẻ tới sinh hoạt. Khi người ta đến sinh hoạt như một nghĩa vụ thì phải chẳng các yếu tố thiêng của tôn giáo đã giảm đi với chính họ? Và họ không còn thấy cuốn hút cho dù nhà thờ là nơi hiện diện của Thiên chúa, ngôi nhà của Chúa.

Tuy nhiên những điều nêu trên chỉ là một xu hướng trong chuyển đổi niềm tin của người Công giáo. Thực tế vấn đề phải nhạt mối quan hệ của con người với Đấng Thiêng có lẽ không chỉ riêng với người Công giáo, mà với cả các tôn giáo khác. Bởi những tác động của ngoại cảnh như khoa học, kỹ thuật và thế tục hóa đều có tính chất thời đại, không chỉ ảnh hưởng riêng đối với một tôn giáo nào. Điều khác nhau là những ảnh hưởng đó tạo ra hiệu ứng khác nhau ở từng tôn giáo. Điều này là do mỗi tổ chức tôn giáo có các thiết chế và cách thức để duy trì niềm tin với mỗi tín đồ khác nhau.

Có một thực tế là người Công giáo dù có khô đạo, nhạt đạo nhưng cũng ít khi đổi đạo, cải đạo sang một tôn giáo khác. Đây là điểm khác biệt so với tín ngưỡng cũng như một số hệ phái Tin lành.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sàn thương mại điện tử, nền tảng số có thể phải nộp thuế doanh nghiệp

Sàn thương mại điện tử, nền tảng số có thể phải nộp thuế doanh nghiệp

(Thanh tra) - Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đề nghị làm rõ khả năng thu thuế doanh nghiệp trên thực tế với các doanh nghiệp nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam cung cấp hàng hoá vào Việt Nam thông qua các giao dịch trên sàn thương mại điện tử, nền tảng số.

Hương Giang

10:49 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm