Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bí thư cấp ủy phải trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID -19

Hương Giang

Chủ nhật, 15/08/2021 - 18:38

(Thanh tra) - “Lãnh đạo, chỉ đạo phải tập trung, thống nhất, chuyên sâu cao nhất, dứt khoát phải quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả và gần dân, bám sát dân”, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: N.Bắc

Ngày 15/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến sơ kết công tác phòng, chống dịch COVID -19 với các tỉnh, TP đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg và triển khai thực hiện Nghị quyết số 86/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Giãn cách xã hội phải thực hiện nghiêm, đúng tinh thần “ai ở đâu ở đó”

Kết luận hội nghị, người đứng đầu Chính phủ đánh giá thời gian qua các địa phương thực hiện Chỉ thị 16 đã có một số kết quả tích cực, đạt một số mục tiêu đề ra.

Dự báo tình hình dịch bệnh vẫn hết sức phức tạp và có nơi nghiêm trọng. Theo Thủ tướng, các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16 phải ưu tiên cho công tác chống dịch, nhưng không có nghĩa là chỉ tập trung chống dịch, nơi nào an toàn vẫn phải duy trì sản xuất.

Bí thư cấp ủy phải trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch. Các Phó Bí thư, Ủy viên Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND phụ trách các lĩnh vực tùy theo chức năng, nhiệm vụ, tình hình cụ thể, bảo đảm “rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm”.

Các địa phương cũng phải thành lập sở chỉ huy hoặc trung tâm chỉ huy do Phó Bí thư, Chủ tịch UBND làm chỉ huy trưởng, có bộ phận thường trực giúp việc 24/7.

“Lãnh đạo, chỉ đạo phải tập trung, thống nhất, chuyên sâu cao nhất, dứt khoát phải quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả và gần dân, bám sát dân”, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ.

Một lần nữa, người đứng đầu Chính phủ nhắc khi quyết định thực hiện giãn cách xã hội thì phải thực hiện nghiêm, thực chất, đúng tinh thần “ai ở đâu ở đó”. Các địa phương phải tranh thủ thời gian vàng “giãn cách” để kiểm soát dịch bệnh nhanh nhất có thể, không để lây lan rộng

“Phòng chống dịch thì quan trọng nhất là chống lây nhiễm giữa người với người, kiểm soát được con người thì cắt được lây nhiễm”, Thủ tướng nói.

Điều tra, xử lý ngay hành vi tiêu cực trong tiêm vaccine

Các địa phương, nhất là tại các địa bàn đang thực hiện phong tỏa, cần “thần tốc” xét nghiệm các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao trên địa bàn nhằm phát hiện nhanh nhất, phong tỏa ổ dịch, cách ly bằng được nguồn lây, phân loại F0 để điều trị phù hợp.

Đồng thời tổ chức tốt việc điều phối, lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm nhanh nhất, tiện lợi nhất.

“Tiến hành xét nghiệm mà tạo ra ổ dịch mới thì không được”, Thủ tướng yêu cầu, thí điểm hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tự xét nghiệm. TP HCM, Bình Dương tiến hành xét nghiệm diện rộng hoặc xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm theo yếu tố dịch tễ, phù hợp tình hình.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Đ.X

Các địa phương căn cứ tình hình dịch bệnh ở từng địa bàn và điều kiện cụ thể của từng trường hợp, chủ động thực hiện cách ly F0, F1 tập trung hoặc tại nhà. Đối với địa bàn ít ca mắc, vẫn phải cách ly tập trung.

Các cơ sở điều trị (kể cả bệnh viện dã chiến, bệnh viện tư nhân) phải bảo đảm các điều kiện về môi trường, ô xy y tế, thuốc, trang thiết bị, vật tư và nhân lực y tế.

Để giảm tỷ lệ tử vong, Thủ tướng gợi ý một số biện pháp như ưu tiên tiêm, bao phủ vaccine cho các đối tượng trên 50 tuổi, có điểm tiêm riêng cho người cao tuổi; loại bỏ ngay các giấy tờ thủ tục hành chính với các trường hợp nhập viện cấp cứu theo hướng “nhập viện trước, làm thủ tục sau”. Tiếp tục nghiên cứu thí điểm theo dõi, điều trị F0 hiệu quả ngay tại cộng đồng thông qua các tổ y tế…

Về vaccine, Thủ tướng yêu cầu tăng cường thông tin truyền thông, quán triệt đến người dân tinh thần “vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm  sớm nhất”; khắc phục ngay tình trạng kén chọn, chờ đợi vaccine trong khi đang rất khan hiếm vaccine và dịch bệnh vẫn đang lây lan nhanh, làm nhiều người tử vong.

Ông đặc biệt nhấn mạnh tiêm vaccine là miễn phí cho toàn dân. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, các cơ quan chức năng phải vào cuộc điều tra, xử lý ngay những hành vi tiêu cực trong việc tiêm vaccine như trả tiền để được tiêm. Cạnh đó, nghiên cứu tăng thêm phụ cấp cho đội ngũ làm nhiệm vụ tiêm vaccine.

Trung ương không “bỏ mặc”, địa phương không “trông chờ, ỷ lại”

Về thực hiện chủ trương “4 tại chỗ”, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 30, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 86 tạo điều kiện tối đa về quy trình, thủ tục về đầu tư, mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm y tế phòng chống dịch.

Theo đó, lãnh đạo địa phương phải kịp thời triển khai mua sắm, bảo đảm điều kiện phòng, chống dịch trên địa bàn, tuyệt đối không trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Trung ương.

Thủ tướng chia sẻ, nói như vậy không có nghĩa là Trung ương “bỏ mặc” mà vẫn phải lo nguồn dự trữ để hỗ trợ khi các địa phương gặp khó khăn. Song tinh thần là các địa phương phải chủ động, mỗi cấp, mỗi ngành theo chức năng, vị trí, vai trò của mình để thực hiện nhiệm vụ.

Ngoài ra, các địa phương phải rà soát, bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp; tăng cường phối hợp tốt với các bộ, địa phương liên quan, thống nhất thực hiện các biện pháp kiểm soát, tạo điều kiện cho việc vận tải, lưu thông hàng hóa trên địa bàn, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch, phục vụ đời sống nhân dân và nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa xuất khẩu...

Trong thực hiện giãn cách xã hội theo Nghị quyết 86, nếu có gì thay đổi thì báo cáo ngay Ban Chỉ đạo quốc gia để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Với từng vùng có nguy cơ rất cao phải tiếp tục giãn cách xã hội theo phương châm có thể áp dụng sớm hơn, cao hơn nhưng không được chậm hơn, thấp hơn yêu cầu tại Chỉ thị số 16; tiếp tục phong tỏa chặt, cô lập, thu hẹp các vùng có nguy cơ, đặc biệt vùng nguy cơ rất cao (vùng đỏ); giữ vững, củng cố, mở rộng vùng xanh an toàn.

"Vùng xanh" có thể giảm nhẹ các yêu cầu giãn cách (áp dụng Chỉ thị 15), song dứt khoát phải kiên trì các biện pháp như 5K, tuyệt đối không lơ là, chủ quan.

“Khi chưa có đầy đủ vaccine và thuốc điều trị thì phòng ngừa vẫn là chủ yếu, chiến lược”, Thủ tướng nhấn mạnh, cần chuẩn bị các phương án ứng phó dịch bệnh ở mức cao hơn.

Thủ tướng nhắc lại, phong tỏa chặt ổ dịch, xét nghiệm thần tốc, phát hiện nguồn lây để cách ly khỏi cộng đồng là rất quan trọng; an sinh xã hội là trọng yếu, thường xuyên; giảm số ca tử vong là ưu tiên hàng đầu; lưu thông hàng hóa phải kịp thời, thông suốt; phối hợp giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân phải chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả.

Số ca mắc mới sàng lọc cộng đồng bắt đầu giảm

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, sau 26 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg tại 19 tỉnh, TP phía Nam, các địa phương này ghi nhận 216.719 ca mắc, số ca mắc mới sàng lọc cộng đồng đã bắt đầu có xu hướng giảm tại một số địa phương.

Các ngành, địa phương đã xây dựng, đưa ứng dụng công nghệ vào giám sát, hỗ trợ điều trị, chăm sóc người bệnh tại nhà, tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Đồng thời, chủ động hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 địa điểm”; tổ chức các hệ thống bán hàng thiết yếu; phối hợp triển khai “luồng xanh” quốc gia thực hiện các chính sách đối với người bị ảnh hướng bởi dịch COVID-19...

Tuy nhiên, việc thực hiện Chỉ thị 16 tại một số nơi, một số thời điểm chưa nghiêm, chưa đầy đủ, chưa dứt khoát, chưa thực chất, chưa thống nhất các biện pháp, chính sách phòng, chống dịch.

Một số địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và một bộ phận người dân còn chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước diễn biến dịch bệnh. Việc đáp ứng sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” gặp khó khăn do dịch kéo dài.

Công tác tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm, trả kết quả ở một số địa bàn còn chậm. Công tác điều phối chuyển tuyến giữa các tầng điều trị chưa thực sự hiệu quả. Việc tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 chưa đáp ứng được tiến độ mong muốn… 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

(Thanh tra) - Ngày 22/11, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 lấy chủ đề “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững” đã diễn ra thành công tốt đẹp, với sự tham gia của 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Hoàng Nam

22:10 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm