Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bàn giải pháp biên soạn sách giáo khoa, doanh nghiệp y tế không “ngao ngán” thủ tục

Hương Giang

Thứ tư, 01/11/2023 - 18:00

(Thanh tra) - Trong phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội ngày 1/11, nhiều vấn đề liên quan đến y tế, giáo dục được đại biểu Quốc hội đưa ra nghị trường. Các bộ trưởng giải trình làm rõ, đưa ra giải pháp.

Các đại biểu tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội ở Quốc hội. Ảnh: P.Thắng

Nghịch lý, càng xã hội hóa giá sách giáo khoa càng tăng

Quan tâm đến ngành Giáo dục, đại biểu Hà Ánh Phượng (đoàn Phú Thọ) nói lương và thu nhập của nhà giáo thấp, thậm chí có người không đủ trang trải cuộc sống gia đình. “Nhiều người đã phải nghỉ, chuyển việc hoặc làm thêm, dẫn đến chưa tròn vai và chưa tâm huyết với nghề”, theo phản ánh của bà Phượng.

Cạnh đó, nhân viên trường học (khoảng 10% trong môi trường giáo dục) có vai trò quan trọng vận hành và phát triển nhà trường. Song dù họ làm việc 8 tiếng mỗi ngày nhưng không được hưởng phụ cấp công vụ như công chức và phụ cấp thâm niên như nhà giáo dù cùng làm trong ngành giáo dục.

Đại biểu đề nghị Quốc hội và Chính phủ có giải pháp tăng lương và phụ cấp cho nhân viên trường học để họ yên tâm công tác, cống hiến với nghề, đáp ứng yêu cầu dạy và học giai đoạn hiện nay.

Đại biểu Hà Ánh Phượng (đoàn Phú Thọ). Ảnh: P.Thắng

“Cải cách tiền lương lần này cần quy định lương của giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”, bà Phượng nhấn mạnh.

Việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo làm 1 bộ sách giáo khoa cũng là vấn đề được đại biểu quan tâm nêu ý kiến và tranh luận.

“Tôi cho rằng thay vì bộ tổ chức biên soạn 1 bộ sách giáo khoa thì tập trung chỉ đạo biên soạn sách giáo khoa cho trẻ em khiếm thính, khiếm thị, sách giáo khoa dạy tiếng dân tộc thiểu số cấp thiết hơn”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy nói.

Bà Thúy nhấn mạnh, theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, dù Bộ Giáo dục và Đào tạo có đứng ra tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa hay không thì bộ sách ấy cũng phải được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân khác biên soạn.

Đại biểu Trần Văn Sáu (Đồng Tháp). Ảnh: P.Thắng

Tranh luận lại, đại biểu Trần Văn Sáu (Đồng Tháp) nói, chúng ta đẩy toàn bộ biên soạn sách giáo khoa ra xã hội hóa, dẫn tới sách giáo khoa thả nổi, giá tăng, không kiểm soát được.

“Không nên biến xã hội hóa thành thương mại hóa sách giáo khoa. Thực tế, lĩnh vực nào khi xã hội hóa đều hạ giá, riêng sách giáo khoa càng xã hội hóa lại càng tăng, đây là nghịch lý và không có căn cứ nào để đảm bảo rằng sách giáo khoa tiếp tục không tăng”, theo lời ông Sáu.

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho hay trong báo cáo của Chính phủ đã nhận định sách giáo khoa chưa đáp ứng được yêu cầu.

“Chúng tôi hiểu và ra sức cố gắng để thực hiện tốt hơn”, ông Sơn bày tỏ và nhấn mạnh, trong biên soạn sách giáo khoa đã huy động đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo có trình độ, uy tín, kinh nghiệm. Từ năm 2020 đến nay đã có 381 đầu sách mới được xuất bản.

Về việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn 1 bộ sách giáo khoa, ông Sơn cho rằng, từ nay đến năm 2024, việc quan trọng nhất cần ưu tiên là thẩm định chất lượng sách giáo khoa lớp 5, 9, 12 cho thật tốt, đảm bảo đủ sách trước năm học mới.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: P. Thắng

“Vấn đề được giao, chúng tôi sẽ nghiên cứu, cố gắng trong 1, 2 năm tới, khi chu trình đổi mới sách được hoàn tất sẽ có những đánh giá sâu, đề đạt phương án với Quốc hội”, Tư lệnh ngành Giáo dục nêu.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề cập đến việc cả nước còn thiếu hơn 127.500 giáo viên và còn gia tăng không ngừng bởi số lượng học sinh tăng lên rất nhiều. Cạnh đó, là tình trạng giáo viên nghỉ việc, khi tính đến tháng 9/2023, toàn quốc có hơn 17.200 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc.

Theo thống kê của Bộ Nội vụ, các tỉnh còn 64.000 chỉ tiêu chưa dùng. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay, có nơi không có người ứng tuyển vì lương thấp. “Cho nên, bên cạnh chuẩn bị nguồn tuyển, cần phải sớm điều chỉnh về lương, chế độ, chính sách, nhà công vụ, phụ cấp ưu đãi…”, ông Sơn nêu giải pháp.

Doanh nghiệp thiết bị y tế nhìn thủ tục “lắc đầu ngao ngán”

Với lĩnh vực ngành Y tế, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) nói, khó khăn nhất hiện nay là không thể mua được hàng chất lượng tốt và phát triển được kỹ thuật mới.

“Rất nhiều hàng chất lượng không tốt vẫn vượt qua khe cửa hẹp để trúng thầu với giá rẻ, có những hãng sẵn sàng in sửa lại mục lục để đáp ứng yêu cầu đưa vào danh sách đấu thầu”, ông Hiếu nêu thực tế.

Vì vậy, ông Hiếu cho rằng, cần đẩy mạnh tiêu chí bảo hành, chuyển giao kỹ thuật, phân nhóm, chỉ có hãng chất lượng tốt mới chấp nhận bảo hành, bảo trì lên đến 5 năm kèm theo các điều khoản đào tạo chuyển giao.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định). Ảnh: Đ.X

Cạnh đó, đại biểu nêu thực tế việc cấp phép nhập khẩu cho phép sử dụng các dụng cụ mới tại Việt Nam bị bế tắc nhiều năm nay, khiến số hồ sơ đợi cấp phép xếp chồng ngày càng cao mà đầu ra vẫn nhỏ giọt.

“Các hãng lớn nhìn thấy quy định về thủ tục, thời gian trung bình để được cấp phép đều lắc đầu ngao ngán. Có những công ty không định hướng phát triển thậm chí rút khỏi thị trường Việt Nam”, theo lời ông Hiếu.

Với bệnh viện tỉnh, ông Hiếu nhận định, khó khăn còn nhiều hơn do quá nhiều khâu phê duyệt, kiểm tra. Đáng nói, tình trạng sợ trách nhiệm dẫn đến tâm lý trì hoãn, hồ sơ để trên bàn không đọc, gần hết hạn thì tìm vài lỗi nhỏ để trả về cơ sở.

“Hãy giao trách nhiệm chính cho những người sử dụng sản phẩm đấu thầu, giao cho bệnh viện quyền và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình trước bệnh nhân và pháp luật”, ông Hiếu đề xuất.

Giải trình, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nói, đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn của ngành Y tế.

“Sau gần 3 năm tập trung chống dịch, vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trầm trọng ở nhiều cơ sở y tế; cán bộ, nhân viên y tế từ Trung ương xuống địa phương, nhiều người vi phạm pháp luật, làn sóng xin nghỉ việc chuyển ra khỏi khu vực y tế công; cơ chế chính sách còn nhiều vướng mắc”, bà Lan khái quát.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan. Ảnh: P.Thắng

Nói về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan thừa nhận, việc tổ chức thực hiện mua sắm đấu thầu còn vướng mắc; công tác phối hợp giữa các đơn vị chưa kịp thời hiệu quả… “Đặc biệt là có tâm e ngại, sợ sai của một số cá nhân, đơn vị và địa phương”, bà Lan nêu.

Để đảm bảo nguồn cung thuốc và trang thiết bị y tế trên thị trường, theo bà Lan, Bộ Y tế đã tập trung đẩy nhanh tiến độ cấp, gia hạn thuốc, đăng ký lưu hành thuốc và thiết bị y tế. Tổng số thuốc có đăng ký lưu hành, nguyên liệu làm thuốc còn hiệu lực tại thời điểm hiện nay là khoảng trên 22.000 thuốc và trên 1.000 chủng loại trang thiết bị còn hiệu lực.

“Bộ đã đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; thực hiện phân cấp toàn diện việc phê duyệt thẩm quyền quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho các đơn vị, cơ sở y tế trực thuộc bộ..”, bà Lan nói, tình trạng thiếu thuốc cục bộ tại một số cơ sở y tế địa phương.

Theo báo cáo của 1.078 cơ sở y tế trên toàn quốc, có 61,41 % đơn vị báo cáo đã đủ cung ứng thuốc cho hoạt động khám, chữa bệnh; 38,59 % đơn vị báo cáo có tình trạng thiếu cục bộ.

“Pháp lý được tháo gỡ, chắc chắn tín dụng sẽ tăng” Trong phiên thảo luận, các đại biểu lo ngại việc doanh nghiệp không tiếp cận được vốn, trong khi đến 11/10, tăng trưởng tín dụng đạt 6,29%, thấp hơn 4,8% so với cùng kỳ 2022.  Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: P.Thắng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, năm 2023 đã điều hành “rất linh hoạt” để thúc đẩy cả bên cung và bên cầu vốn tín dụng. Dù vậy, thống đốc thừa nhận, “tín dụng vẫn tăng chậm”. Vì vậy, các ngành cùng Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện đồng bộ các giải pháp như xúc tiến thương mại để tăng đơn hàng xuất khẩu; tăng cường khai thác cầu nội địa để doanh nghiệp có đầu ra, có dự án khả thi, như vậy sẽ tiếp cận được tín dụng. Đặc biệt, theo bà Hồng, các bộ, ngành, địa phương đang quyết liệt gỡ khó khăn cho bất động sản. “Khi những yếu tố về pháp lý được tháo gỡ, chắc chắn tín dụng sẽ tăng”, thống đốc nhấn mạnh. Riêng doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm đến 95% tổng số doanh nghiệp), bà Hồng cho hay, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần kiến nghị phải tăng các giải pháp như bảo lãnh vay vốn. Bà cũng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều phối tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống; chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát giảm thiểu thủ tục hành chính, rút ngắn quá trình xem xét tín dụng. “Với nhiều giải pháp như vậy mới tạo điều kiện để có thể hỗ trợ về tín dụng đối với doanh nghiệp và người dân”, theo lời Thống đốc Nguyễn Thị Hồng.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bắc Ninh: Tránh lãng phí tài sản công sau sáp nhập các xã

Bắc Ninh: Tránh lãng phí tài sản công sau sáp nhập các xã

(Thanh tra) - Từ 1/12/2024, tỉnh Bắc Ninh giảm 5 đơn vị hành chính cấp xã, Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu, phải có phương án sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí và không để tham ô, tham nhũng, trục lợi cá nhân đối với trụ sở công, tài sản công dôi dư.

14:59 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm