Theo dõi Báo Thanh tra trên
Đại tá, nhà báo ĐỖ PHÚ THỌ
Thứ năm, 30/01/2025 - 06:30
(Thanh tra) - Mỗi khi Tết đến, Xuân về, Nhân dân cả nước, trong đó có cán bộ ngành Thanh tra lại nhớ đến Bác Hồ - Người đã hy sinh trọn cuộc đời để mang lại những mùa Xuân ấm no, hạnh phúc cho đất nước.
Bác Hồ trồng cây đa tại xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây (nay là Hà Nội) ngày 16/2/1969. Ảnh: Tư liệu
Năm Ất Tỵ 2025 này, Nhân dân cả nước nói chung và ngành Thanh tra nói riêng có khá nhiều sự kiện trọng đại liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Đầu tiên là kỷ niệm 95 năm Ngày Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2025) mà Bác Hồ là người sáng lập. Bác là tác giả đầu tiên của Cương lĩnh thành lập Đảng: Chính cương, sách lược vắn tắt; Chương trình hành động vắn tắt, Điều lệ Đảng… đặt nền móng vững chắc cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng ta.
Đảng ta ra đời vào mùa Xuân - mùa Xuân của đất nước và dân tộc.
11 năm sau sự kiện thành lập Đảng và 30 năm sau kể từ khi Bác Hồ từ Bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước, mùa Xuân Tân Tỵ (năm 1941), Người từ nước ngoài trở về Tổ quốc qua biên giới Việt - Trung, thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Bác về ở hang Pác Bó, trực tiếp cùng Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam kháng chiến, giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Mùa Xuân Giáp Ngọ (năm 1954), Bác chúc: “Kháng chiến, kiến quốc nhất định thành công”. Chính năm đó, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân ta làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Năm nay chúng ta kỷ niệm trọng thể 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm đặc biệt cho đồng bào miền Nam. Bác nói: “Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi”. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ đầy hy sinh gian khổ, Bác luôn theo sát từng bước đi của cách mạng miền Nam.
Vào mùa Xuân Kỷ Dậu (năm 1969), Bác Hồ có thơ chúc Tết đồng bào và chiến sĩ cả nước: “Năm qua, thắng lợi vẻ vang/Năm nay, tiền tuyến chắc càng thắng to!/Vì độc lập, vì tự do/Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/Bắc Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!”.
Lời chúc Tết của Bác như lời hịch truyền cổ vũ cuộc đấu tranh cách mạng ngoan cường của dân tộc, để chúng ta kết thúc trọn vẹn bằng Đại thắng mùa Xuân Ất Mão (năm 1975), giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước… Thắng lợi huy hoàng này đều gắn liền với vai trò lãnh đạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Năm nay, chúng ta kỷ niệm 80 năm ngày ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (sau được đổi thành nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) do Bác Hồ sáng lập.
Bác cũng là Người soạn thảo và đọc Bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử ngày 2/9/1945. Bác là Người giữ trọng trách Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong thời gian lâu nhất (từ năm 1945 đến năm 1969).
Tết Bính Tuất (năm 1946) đến chỉ sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hơn năm tháng. Mặc dù bộn bề công việc để xây dựng nền móng chế độ mới, song Người vẫn không quên quan tâm tới cái Tết đầu tiên của Nhân dân vừa thoát khỏi ách thực dân phong kiến.
Trong đêm Giao thừa độc lập đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm một người phu kéo xe ở cuối ngõ Hàng Đũa (nay là khu vực phố Ngô Sỹ Liên, Đống Đa, Hà Nội), không đủ tiền về quê ăn Tết với gia đình. Vào thời khắc mọi gia đình quây quần bên nhau chuẩn bị đón Giao thừa thì lại chỉ có một mình, bị sốt, nằm đắp chiếu trên chiếc võng tre trong căn phòng hẹp lạnh lẽo. Thương cảm trước cảnh "30 Tết mà không có Tết" của người phu xe nghèo, Bác dặn đồng chí thư ký hôm sau nhớ mang thuốc, quà và thiếp chúc Tết đến thăm hỏi.
Đến nhà một viên chức ở phố Hàng Lọng gần ga Hàng Cỏ (nay là phố Lê Duẩn, Hà Nội), khi nhận ra Bác Hồ, mọi người luýnh quýnh cả lên, thu vội quần áo đang phơi trên dây thép chăng ngang nhà để đón Bác vào…
Từ mùa Xuân của nước nhà độc lập đầu tiên đến khi về với “thế giới người hiền”, cứ vào dịp Tết, Người lại đi thăm Nhân dân.
Tết Kỷ Dậu 1969, có lẽ linh cảm đây là cái Tết cuối cùng của mình nên dù sức khỏe giảm sút nhiều, Bác vẫn đặt chương trình đi thăm, chúc Tết nhiều nơi. Bác còn dặn đồng chí thư ký bố trí cho cho Bác đi trồng cây ở một địa phương có thành tích nhân dịp kỷ niệm 10 năm Tết trồng cây.
Sáng ngày 16/2/1969 (tức ngày mùng 1 Tết Kỷ Dậu), sau khi đi thăm bộ đội Quân chủng Phòng không - Không quân ở Bạch Mai, Hà Nội, Bác đến trồng cây đa ở đồi Đồng Váng (xã Vật Lại, huyện Ba Vì, Hà Nội). Nói chuyện và chúc Tết Nhân dân địa phương, Bác nhấn mạnh: "Đất nước bây giờ là của ta, cho nên cần phải thi đua sản xuất giỏi, trồng cây giỏi". Hôm ấy, trồng cây xong đã gần trưa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch xã mời Bác ăn bữa cơm Tết cùng địa phương nhưng Bác cảm ơn và nói những người giúp việc đã chuẩn bị cơm cho Bác rồi. Bác mời lãnh đạo xã sang ăn cơm cùng Bác. Mọi người phấn khởi, vui vẻ ngồi quây quần xung quanh Bác, vừa ăn vừa nói chuyện rôm rả.
Năm 2025 là năm kỷ niệm 80 năm Ngày Truyền thống ngành Thanh tra Việt Nam. Ngày 23/11/1945, nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 64-SL thành lập Ban Thanh tra Đặc biệt. Bản sắc lệnh gồm 8 điều được xác định là văn kiện mang tính pháp lý về công tác thanh tra cũng như về công việc xét xử của tòa án, là cơ sở pháp lý cho hoạt động của Ban Thanh tra và được cho là “viên gạch đầu tiên cho việc xây dựng hệ thống pháp luật về thanh tra”. Cũng từ ngày đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có sự quan tâm đặc biệt đến ngành Thanh tra.
Ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 64-SL thành lập Ban Thanh tra Đặc biệt - là văn kiện mang tính pháp lý về công tác thanh tra cũng như xây dựng hệ thống pháp luật về ngành Thanh tra Việt Nam. Ảnh: Tư liệu
Theo các tài liệu còn lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, từ năm 1945 đến lúc “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin” vào năm 1969, với cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký 38 sắc lệnh liên quan đến tổ chức, cán bộ và công tác thanh tra. 3 lần Bác đến dự và phát biểu với hội nghị tổng kết công tác thanh tra toàn miền Bắc đều diễn ra vào mùa Xuân các năm 1957, 1960, 1961. Bác cũng có nhiều bài nói, bài viết về công tác thanh tra, kiểm tra quan trọng khác.
Nói chuyện với hội nghị cán bộ thanh tra toàn miền Bắc vào tháng 3 năm 1960, Bác nói: “Nhiệm vụ của các ban thanh tra là phải làm cho nghiêm chỉnh, hợp thời, làm sớm chừng nào hay chừng ấy, đồng bào có oan ức mới khiếu nại, hoặc vì chưa hiểu rõ chính sách của Đảng và Chính phủ mà khiếu nại. Ta phải giải quyết nhanh, tốt thì đồng bào mới thấy rõ Đảng, Chính phủ quan tâm, lo lắng đến quyền lợi của họ. Do đó quan hệ giữa Nhân dân với Đảng và Chính phủ càng được củng cố tốt hơn”.
Học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu, 80 năm qua, lớp lớp các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Thanh tra Việt Nam đã luôn phấn đấu nỗ lực khắc phục khó khăn để phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân. Ngành đã phát hiện những sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; thể hiện được vai trò nòng cốt trong hệ thống chính trị, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với những phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước trao tặng.
Đầu Xuân mới Ất Tỵ, đọc lại Bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta có quyền tự hào báo cáo với Người rằng, ước nguyện của Người đã và đang được toàn Đảng, toàn dân ta thực hiện. Đặc biệt, mùa Xuân này là dấu mốc quan trọng để dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới với mục tiêu “xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” theo đúng ý nguyện của Bác trước lúc đi xa.
Với ngành Thanh tra, lời căn dặn của Bác: “Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới” vẫn mãi mãi là kim chỉ nam cho nhận thức và hành động của cán bộ, nhân viên toàn ngành trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 48/TB-VPCP ngày 18/2/2025 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi.
PV
(Thanh tra) - Tin tưởng các Phó Thủ tướng và bộ trưởng mới được bổ nhiệm sẽ tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp chung, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng thời quán triệt phát huy tinh thần chủ động, linh hoạt, xây dựng Chính phủ liêm chính, trong sạch, vì Nhân dân phục vụ.
Hương Giang
Trần Kiên
Cảnh Nhật
Hương Giang - Đình Tuệ
Hương Giang - Đình Tuệ
Trần Quý
PV
Văn Thanh
Trần Lê
PV
T.Vân
Trần Quý
Văn Thanh
Bùi Bình
Hương Giang
Hoàng Long
Trần Kiên