Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Việt Nam đề xuất ASEAN nghiên cứu “du lịch cầu hàng không” khi mở cửa lại biên giới

Hương Giang

Thứ tư, 09/09/2020 - 15:56

(Thanh tra) - Đoàn Việt Nam đề xuất nghiên cứu khái niệm “du lịch cầu hàng không” giữa “các nước xanh lá cây” như một sáng kiến sơ bộ trong quá trình mở cửa lại biên giới, hình thành các khu vực di chuyển an toàn trong ASEAN.

Theo đánh giá của các Nghị viện AIPA, đại dịch Covid -19 không chỉ là cuộc khủng hoảng y tế đơn thuần, mà còn là một cuộc khủng hoảng đối với sự phát triển khi các chuỗi cung ứng và thương mại quốc tế bị phá vỡ. Ảnh: Q.Vinh

Tiếp tục chương trình nghị sự Đại hội đồng AIPA - 41, sáng 9/9 diễn ra phiên họp Ủy ban Kinh tế AIPA với chủ đề "Vai trò của Nghị viện trong việc thúc đẩy gắn kết và phục hồi kinh tế ASEAN sau đại dịch Covid-19" dưới sự điều hành của ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam.

Phát biểu chào mừng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, hợp tác kinh tế trong AIPA là một trong những vấn đề then chốt, có ảnh hưởng sâu sắc tới các lĩnh vực hợp tác của khu vực, cộng đồng kinh tế ASEAN.

Chủ đề phiên họp lần này mang tính thiết thực, có tính thời sự cấp bách với mọi quốc gia thành viên AIPA.

“Tôi mong rằng, các nước thành viên sớm vượt qua khó khăn, phục hồi nền kinh tế, ổn định đời sống xã hội và “không để ai bị bỏ lại phía sau”, ông Phùng Quốc Hiển nói.

Covid-19 làm đảo ngược phát triển kinh tế

Đại dịch Covid -19 không chỉ là cuộc khủng hoảng y tế đơn thuần, mà còn là một cuộc khủng hoảng đối với sự phát triển khi các chuỗi cung ứng và thương mại quốc tế bị phá vỡ.

Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực Đông Nam Á sẽ giảm từ 4,4% năm 2019 xuống còn -2,7% trong năm 2020, trước khi phục hồi lên mức 5,2% vào năm 2021, đặc biệt do các mối quan hệ thương mại và đầu tư mạnh mẽ của khu vực này với Trung Quốc.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, chủ đề phiên họp mang tính thiết thực, có tính thời sự cấp bách với mọi quốc gia thành viên AIPA. Ảnh: Q.Vinh

Đại diện Đoàn Singapore lưu ý, dịch bệnh Covid-19 không chỉ làm nhiều người thiệt mạng mà còn khiến đời sống của hàng triệu người dân gặp khó khăn.

“Chúng ta cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn để phục hồi kinh tế sau đại dịch”, nghị sĩ Singapore nhấn mạnh và cho rằng, trong cuộc chiến, mỗi nước đều xây dựng chính sách, biện pháp riêng để giải quyết khó khăn. Do đó, các nước thành viên có thể học hỏi lẫn nhau cũng như tìm ra biện pháp hiệu quả.

Đại diện đến từ Đoàn Brunei nhấn mạnh, không nước nào có thể vượt qua đại dịch một mình. “ASEAN cần nỗ lực duy trì tự cường và các nghị sĩ đoàn kết đóng vai trò tích cực”, nghị sỹ nước này đề nghị.

Theo đại diên Brunei, kế hoạch phục hồi cần ưu tiên sáng kiến giúp nhanh chóng vượt qua những ảnh hưởng, trong đó nới lỏng đi lại trong khu vực để có thể phục hồi, làm sâu sắc thêm hội nhập kinh tế khu vực, thúc đẩy thương mại và đầu tư trong nội khối.

Hình thành các khu vực di chuyển an toàn trong ASEAN

“Trong thế giới toàn cầu hoá, không nước nào tồn tại được một mình, đặc biệt trong tình hình khủng hoảng hiện nay”, đại diện Campuchia nêu.

Đại diện Campuchia nêu rõ, đại dịch Covid-19 khiến kinh tế đối mặt tăng trưởng âm toàn cầu, số người rơi vào tình trạng nghèo đói cùng cực cũng tăng lên.

Do đó, theo đại diện Campuchia, ASEAN cần tăng cường sự đoàn kết, đáp ứng vai trò là khu vực quan trọng trên thế giới để phục hồi mạnh mẽ hơn, đáp ứng được nguyện vọng của người dân.

Các nghị viện thành viên AIPA đã biểu quyết thông qua Dự thảo Nghị quyết về “Vai trò của Nghị viện trong thúc đẩy gắn kết và phục hồi kinh tế ASEAN sau dịch COVID-19”

Trong phần phát biểu của mình, theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến, Đoàn Việt Nam quan ngại sâu sắc về những tổn thất to lớn do dịch bệnh Covid-19 gây ra ở các quốc gia ASEAN; gây cản trở rất lớn đến kinh tế các nước ASEAN, hoạt động thương mại nội khối và ngoại khối.

“Liên kết kinh tế trong thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế của các nước thành viên ASEAN và việc triển khai tốt các hoạt động kinh tế số sẽ có tầm quan trọng sâu sắc, đóng vai trò quan trọng trong tăng cường liên kết kinh tế ASEAN cũng như sự sẵn sàng của ASEAN để ứng phó với các thách thức từ đại dịch Covid -19”, ông Tiến nhấn mạnh.

Trên tinh thần đó, Đoàn Việt Nam đề xuất, 6 giải pháp “mang tính đột phá, khả thi” và mong muốn cộng đồng ASEAN thống nhất thực hiện. Trong đó có đẩy nhanh việc trao đổi thông tin liên quan đến du lịch, sức khỏe và các biện pháp cần thiết khác để kiểm soát sự lây lan của đại dịch Covid-19; nghiên cứu khái niệm “du lịch cầu hàng không” giữa “các nước xanh lá cây” như một sáng kiến sơ bộ trong quá trình mở cửa lại biên giới, hình thành các khu vực di chuyển an toàn trong ASEAN…

Sau khi thảo luận, các nghị viện thành viên AIPA đã biểu quyết thông qua Dự thảo Nghị quyết về “Vai trò của Nghị viện trong thúc đẩy gắn kết và phục hồi kinh tế ASEAN sau dịch COVID-19”.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam công bố tái ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028

Việt Nam công bố tái ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028

(Thanh tra) - “Nếu trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028, Việt Nam sẽ thúc đẩy thực hiện các mục tiêu chung của Hội đồng Nhân quyền là bảo đảm ngày càng tốt hơn việc thụ hưởng quyền con người của mọi người dân trên toàn thế giới”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt khẳng định.

T.Thanh

12:17 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm