Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ tư, 27/06/2018 - 21:51
(Thanh tra) - Sáng ngày 27/6, tại Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp lần thứ 6 Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF).
Kỳ họp Đại hội đồng GEF lần thứ 6 do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với Ban Thư ký GEF tổ chức là sự kiện quốc tế quan trọng về môi trường với sự tham dự của khoảng 1.500 đại biểu, trong đó có nhiều đại biểu cấp cao, đại biểu cấp Bộ trưởng của 183 quốc gia thành viên, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ về môi trường, đại diện một số đối tác phát triển tại Việt Nam và định chế tái chính quốc tế…
Phát biểu tại phiên khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng ngôi nhà chung của nhân loại, Trái đất, đang phải chịu nhiều tác động nghiêm trọng do suy thoái, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây ra. Thách thức to lớn đó cũng chính là cơ hội để nhân loại phải nhìn nhận, đánh giá lại con đường và mô hình phát triển, từ đó tạo ra những thay đổi trong nhận thức và hành động để môi trường sống tự nhiên trên toàn cầu mãi trường tồn, những giá trị văn hóa, lịch sử cao đẹp của bao thế hệ của chúng ta sẽ được gìn giữ, trao truyền cho các thế hệ mai sau. Và hơn hết là để chúng ta cùng đoàn kết hiện thực hóa ước vọng của biết bao thế hệ người dân không phân biệt màu da, dân tộc về một “Hành tinh có sức chống chịu tốt, bền vững và tràn đầy sức sống”.
Thủ tướng nêu rõ, là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam phải đối mặt với nhiều vấn đề về suy thoái, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế về nguồn lực, Chính phủ Việt Nam đã kiên quyết triển khai lồng ghép các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, huy động các nguồn lực, sự sáng tạo, chung tay của cả cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, làm ảnh hưởng tới phát triển bền vững. Trên thực tế, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs 2030), cam kết tại COP-21 về biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Việt Nam là địa điểm thuận lợi để GEF thực hiện các dự án mới về bảo vệ môi trường và sẵn sàng tham gia các dự án toàn cầu, liên vùng, liên lĩnh vực nhằm chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm xử lý các vấn đề môi trường toàn cầu như rác thải nhựa đại dương, bảo tồn đa dạng sinh học...
Nêu ra một số vấn đề góp phần vào thảo luận của Kỳ họp, Thủ tướng cho rằng, cần nhận diện cụ thể những thách thức chính về môi trường đối với nhân loại hiện nay, từ đó đề ra được chính sách ưu tiên nhằm giải quyết một cách tổng thể, hiệu quả những thách thức đó.
Cần đánh giá được hiệu quả của cơ chế hỗ trợ và hợp tác hiện nay, từ đó có những cải tiến mang tính đột phá, đặc biệt trong khâu huy động và phân bổ nguồn lực để hỗ trợ các quốc gia thành viên, nhất là những quốc gia đang phải đối mặt với những thách thức to lớn do suy thoái, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra.
Cần đề xuất được những dự án tổng hợp mang tính toàn cầu, liên vùng, liên lĩnh vực nhằm giải quyết các nguyên nhân sâu xa của ô nhiễm, suy thoái môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu...; cũng như cần có các dự án trọng điểm để giải quyết những vấn đề cấp bách hiện nay như vấn đề rác thải nhựa nói chung, rác thải nhựa đại dương nói riêng.
Thủ tướng tiếp lãnh đạo các tổ chức quốc tế
Sáng cùng ngày, bên lề kỳ họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc tiếp Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), ông Achim Steiner; Tổng Giám đốc Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), ông Li Yong; Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ông Takehiko Nakao.
Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Giám đốc UNDP đã cùng thảo luận về các nỗ lực của Liên Hợp Quốc trong việc cải tổ hệ thống phát triển Liên Hợp Quốc (LHQ) trong thời gian gần đây theo hướng nâng cao tính minh bạch, đại diện và dân chủ của các tổ chức LHQ, nhằm hỗ trợ các nước tốt hơn trong việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam ủng hộ việc phát huy những kết quả, kinh nghiệm trong triển khai Sáng kiến Thống nhất Hành động (DaO) cho việc cải tổ Hệ thống phát triển LHQ; ủng hộ tăng cường vai trò lãnh đạo của Điều phối viên LHQ. Ở cấp độ quốc gia, Việt Nam tự hào là một trong những nước đi đầu trong Sáng kiến Thống nhất hành động và nơi có Ngôi nhà xanh chung LHQ thân thiện với môi trường đầu tiên trên thế giới. Đây là biểu tượng của mối quan hệ hợp tác Việt Nam-LHQ cũng như quyết tâm tăng cường tính gắn kết hệ thống và hiệu quả hoạt động của LHQ.
Hai bên nhất trí cần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác Việt Nam-LHQ nói chung và Việt Nam-UNDP nói riêng. Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao quan hệ 40 năm qua giữa Việt Nam-LHQ, nhấn mạnh Việt Nam luôn coi trọng vai trò trung tâm của LHQ, là đối tác quan trọng hàng đầu và sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào cả 3 trụ cột chính của LHQ là hòa bình, phát triển và thúc đẩy quyền con người..
Nhân 40 năm (1978-2018) hợp tác và phát triển giữa Việt Nam và UNDP, Thủ tướng Chính phủ cảm ơn sự hỗ trợ quý báu của UNDP đối với Việt Nam ngay từ những ngày đầu thống nhất đất nước, giúp tái thiết sau chiến tranh, trong việc thực hiện Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ trước đây và nay là Mục tiêu Phát triển bền vững, tư vấn chính sách vĩ mô về phát triển kinh tế-xã hội, triển khai Sáng kiến Thống nhất hành động.
Ông Achim Steiner bày tỏ ấn tượng về những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được sau hơn 30 năm đổi mới, đặc biệt là tấm gương thành công về phát triển kinh tế xã hội, hoàn thành trước hạn nhiều Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG).
Ông bày tỏ tự hào về quan hệ hợp tác hữu nghị, tin cậy với Việt Nam và cho biết, trong các cuộc làm việc với các bộ, ngành chức năng của Việt Nam ngày hôm qua, ông đã nắm được các trọng tâm phát triển của Việt Nam thời gian tới, trong đó có việc thích ứng với biến đổi khí hậu, tận dụng cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0. Cho rằng tinh thần đổi mới sáng tao của Việt Nam truyền cảm hứng cho các quốc gia khác, ông khẳng định UNDP sẽ sát cánh với Việt Nam, tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển.
Tiếp Tổng Giám đốc UNIDO, ông Li Yong, Thủ tướng đánh giá cao sự hỗ trợ của UNIDO về hiệu quả tư vấn chính sách, điển hình là Dự án hỗ trợ xây dựng khu công nghiệp ở 5 thành phố lớn, tư vấn về hiệu suất sử dụng năng lượng và xử lý chất thải; dự án đổi mới đăng ký doanh nghiệp, tư vấn quản lý tài nguyên, môi trường, đánh giá hệ thống đào tạo kỹ năng chế tạo, hỗ trợ Việt Nam xây dựng Chiến lược Công nghiệp mới...
Nhắc đến nhận định của UNIDO cho rằng Việt Nam có thể được coi là một trong các hình mẫu về hỗ trợ của UNIDO, Thủ tướng đề nghị UNIDO tăng cường các dự án cụ thể theo hướng giúp Việt Nam phát triển chuỗi công nghiệp phụ trợ ô tô, may mặc; phát triển công nghiệp theo hướng carbon thấp và bền vững; xây dựng năng lực tiếp nhận và chuyển giao công nghệ, hỗ trợ sử dụng năng lượng có hiệu quả, phát triển nguồn nhân lực trong cách mạng công nghiệp 4.0 phục vụ phát triển sản xuất trong thời gian tới.
Việt Nam sẵn sàng hợp tác với UNIDO trong triển khai chiến lược năng lượng xanh; kêu gọi UNIDO hỗ trợ các dự án hạ tầng công nghiệp kết nối Trung Quốc với ASEAN nói chung và với Việt Nam nói riêng, Thủ tướng nêu rõ.
Tổng Giám đốc Li Yong cảm ơn Việt Nam đã ủng hộ các hoạt động của UNIDO thời gian qua. Điểm lại những thành tựu hợp tác giữa UNIDO với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam trong thời gian 40 năm qua, trong đó có dự án phát triển khu công nghiệp sinh thái, chuyển giao công nghệ tại Đà Nẵng, ông Li Yong cũng cho biết UNIDO sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam trong việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới hướng đến phát triển bền vững để triển khai tại Việt Nam.
Đánh giá cao các đề nghị hợp tác mà Thủ tướng nêu ra, ông Li Yong nhấn mạnh những đóng góp của Việt Nam cho UNIDO đã góp phần vào sự thành công và phát triển chung của tổ chức, hy vọng hai bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn trong thời gian tới.
Tại cuộc tiếp Chủ tịch ADB Takehiko Nakao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định ADB là đối tác quan trọng của Việt Nam, một trong những nhà tài trợ hàng đầu trong việc cung cấp nguồn vốn, hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn cho Việt Nam, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội Việt Nam.
Hoan nghênh ADB ủng hộ những thành quả phát triển và triển vọng kinh tế xã hội của Việt Nam, Thủ tướng cho biết, Việt Nam cam kết sử dụng hết 613 triệu USD nguồn vốn ADF (là nguồn vốn của Quỹ phát triển châu Á- có kỳ hạn khá dài và lãi suất ưu đãi) còn lại trong năm 2018 trước khi tốt nghiệp ADF từ năm 2019. Đến nay, Chính phủ đã phê duyệt đề xuất 5 dự án, chương trình thuộc danh mục năm 2018 trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, du lịch và giao thông; tiếp tục thực hiện Chương trình Phát triển ngành tài chính-ngân hàng, tài chính toàn diện; Chương trình Kỹ năng và Tri thức cho Tăng trưởng kinh tế toàn diện.
Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị ADB tiếp tục cung cấp cho Việt Nam các hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực và tư vấn chính sách; phối hợp với Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) và các nhà tài trợ khác nhằm huy động nguồn vốn viện trợ hỗ trợ chống biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế-xã hội cho Việt Nam; đề nghị ADB huy động thêm nguồn vốn viện trợ để giảm lãi suất vay hỗ trợ các lĩnh vực ưu tiên như biến đổi khí hậu, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp nông thôn, giáo dục, y tế và giảm nghèo tại Việt Nam.
Chủ tịch ADB Takehiko Nakao đánh giá cao kinh tế xã hội Việt Nam có nhiều khởi sắc thời gian qua, kinh tế vĩ mô ổn định, tỷ lệ nợ công/GDP đã giảm xuống. Hiện Việt Nam đã tiếp cận được nhiều nguồn vốn quốc tế và ADB vui mừng được cung cấp các khoản vay cho Việt Nam. Chủ tịch đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt 5 dự án, chương trình thuộc danh mục năm 2018. ADB mong muốn hợp tác với Việt Nam để thúc đẩy tiến độ các dự án.
Chủ tịch cũng cho biết, ADB sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để thúc đẩy việc sử dụng các nguồn vay của ADB hiệu quả, trong đó có các dự án về nguồn nước và cải cách về tài chính. Hiện ADB đã nhận được đề nghị của thành phố Đà Nẵng, hỗ trợ các dự án chống sạt lở bờ biển, phát triển một số cơ sở hạ tầng thành phố.
Cũng trong sáng nay, 27/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp ông Paul Polman, Chủ tịch Unilever toàn cầu (Vương quốc Anh) đến Việt Nam dự Hội nghị Môi trường toàn cầu (GEF)./.
N.Hoàng
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - “Nếu trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028, Việt Nam sẽ thúc đẩy thực hiện các mục tiêu chung của Hội đồng Nhân quyền là bảo đảm ngày càng tốt hơn việc thụ hưởng quyền con người của mọi người dân trên toàn thế giới”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt khẳng định.
T.Thanh
12:17 13/12/2024(Thanh tra) - Hôm nay (11/12), tại Hà Nội, Cục Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã tổ chức Hội nghị Đường sắt biên giới Việt - Trung lần thứ 44.
Trần Quý
17:45 11/12/2024T.Thanh
15:02 10/12/2024Hoàng Nam
21:46 05/12/2024T.Lương
21:25 05/12/2024Đông Hà
Nguyễn Điểm
Kim Thành
Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân
Hải Hà
Văn Thanh
Lê Hữu Chính
Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà