Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Ngoại giao Việt Nam: 76 năm đồng hành cùng dân tộc, tận tụy phụng sự Đảng, Tổ quốc và nhân dân

Thanh Thanh

Thứ bảy, 28/08/2021 - 21:09

(Thanh tra) - Nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thành lập ngành Ngoại giao (28/8/1945-28/8/2021), Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gửi thư chúc mừng các nhà ngoại giao lão thành và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của ngành Ngoại giao và các cơ quan ngoại vụ địa phương.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: NG

Trong thư Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã bày tỏ sự tự hào, ngành Ngoại giao luôn đồng hành cùng dân tộc, tận tụy phụng sự Đảng, Tổ quốc và nhân dân, đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đi đầu giữ vững hòa bình, ổn định và toàn vẹn lãnh thổ

 Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang diễn biến rất phức tạp trên thế giới và trong nước, ngoại giao vẫn triển khai đồng bộ, toàn diện và hiệu quả hoạt động đối ngoại, đồng thời tiên phong cùng các bộ, ngành đẩy mạnh “ngoại giao vaccine”, tranh thủ sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của quốc tế về vaccine, vật phẩm y tế, thuốc điều trị, tích cực tìm hiểu kinh nghiệm các nước về phòng chống Covid-19, tạo thuận lợi cho hàng nghìn chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, ngành Ngoại giao đã đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả công tác bảo hộ công dân, ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, tích cực hỗ trợ và tạo thuận lợi cho đồng bào ta ở nước ngoài tiếp tục đóng góp vào phát triển quê hương, đất nước.

Cũng nhân dịp này, nói về ngoại giao trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng:

Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia dân tộc, ngoại giao cùng các binh chủng đối ngoại đã “đi đầu trong kiến tạo hòa bình, bảo vệ Tổ quốc và thu hút nguồn lực cho phát triển đất nước” và nâng cao vị thế quốc gia.

Thực hiện chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đóng góp có trách nhiệm vào các vấn đề chung của quốc tế, phát huy vai trò tại nhiều cơ chế đa phương, vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng được khẳng định và nâng cao trên trường quốc tế.

Hướng tới toàn diện, hiện đại

Những thành tựu đối ngoại nói trên đã đóng góp quan trọng vào thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 35 năm đổi mới, khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, là kết tinh nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, sự phối hợp chặt chẽ giữa các binh chủng đối ngoại, trong đó có nỗ lực và đóng góp quan trọng của ngành ngoại giao. Chính trong đổi mới, ngành Ngoại giao ngày càng trưởng thành và phát triển hướng tới toàn diện, hiện đại, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định.

Để góp phần thực hiện mục tiêu phát triển đất nước theo đường lối Đại hội Đảng XIII, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng, nhiệm vụ của đối ngoại là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển và nâng cao vị thế, uy tín đất nước.

Để thực hiện những nhiệm vụ nói trên, Đại hội XIII đặt ra yêu cầu “xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân”.

Nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các binh chủng đối ngoại và trụ cột của ngoại giao nỗ lực đóng góp vào thực hiện tầm nhìn và mục tiêu phát triển đất nước, trong đó ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển là nòng cốt, “lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm”.

Với tư duy “phục vụ”, ngoại giao cùng các cấp, các ngành góp phần mở rộng không gian phát triển, tạo thuận lợi cho người dân, địa phương và doanh nghiệp tiếp cận thị trường, thu hút đầu tư, công nghệ và tri thức, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.

Đến nay, Việt nam có quan hệ hữu nghị hợp tác với 189 quốc gia, trong đó 17 nước đối tác chiến lược và 13 nước đối tác toàn diện; có quan hệ kinh tế với hơn 230 nền kinh tế, đã ký 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới.

Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế lớn cũng như hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế như Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2008-2009 và 2020-2021), Hội nghị Cấp cao ASEAN (1998, 2010 và 2020), Hội nghị Cấp cao ASEM (2004), Hội nghị Thượng đỉnh APEC (2006, 2017), Diễn đàn Kinh tế giới về Đông Á (2010) và về ASEAN (2018), Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên (2019).

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm