Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hà Anh
Chủ nhật, 22/01/2023 - 06:38
(Thanh tra)- “Các nước lớn nể Việt Nam hơn, bạn bè đối tác quý Việt Nam hơn”. Đó không chỉ là cảm nhận của Đại sứ Đặng Đình Quý, nguyên Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc mà thực tế có thể dễ dàng nhận diện qua sự trọng thị của các quốc gia khi đón tiếp các nhà lãnh đạo cấp cao ta đến thăm, làm việc cũng như việc Việt Nam ngày càng là điểm đến được nhiều nguyên thủ lựa chọn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (trái) và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 31/10. Ảnh: TTXVN
Bức tranh đối ngoại Việt Nam năm 2022 với lượng lớn, nhộn nhịp các chuyến thăm cấp cao, đi đến… càng tô đậm rõ hơn điều này.
Quan hệ Việt Nam- Trung Quốc từ chuyến thăm của Tổng Bí thư: Tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác thực chất hơn
“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo cao nhất nước ngoài đầu tiên mà Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp ngay sau Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc - sự kiện chính trị trọng đại hàng đầu của Đảng và nhân dân Trung Quốc. Điều này thể hiện sự coi trọng lẫn nhau giữa hai Đảng, hai nước, nhất là sự trân trọng của Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc và cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đối với Tổng Bí thư Đảng ta, thông qua việc thu xếp đón Tổng Bí thư Đảng ta với nghi thức lễ tân cao nhất và có nhiều thu xếp đặc biệt” - đó là nhìn nhận của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn về chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (30/10 - 1/11).
Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, đó là một chuyến thăm thành công tốt đẹp trên tất cả các phương diện. Trong chuyến thăm, hai bên đã ra Tuyên bố chung gồm 13 điểm, bao gồm cả những nội dung mang tính chiến lược định hướng cho phát triển quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực trong thời gian tới; nhất trí tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc theo phương châm 16 chữ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 tốt “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.
Sau chuyến thăm, trong Điện cảm ơn Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết: “Trung Quốc tươi đẹp, phồn vinh, người dân Trung Quốc giàu lòng mến khách đã để lại những ấn tượng vô cùng sâu sắc trong tôi và các đồng chí trong đoàn. Chắc chắn những kết quả tích cực đạt được trong chuyến thăm lần này sẽ góp phần quan trọng vào việc tăng cường tình hữu nghị, sự tin cậy chính trị, tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc vì sự phát triển của hai nước, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới”.
Chuyến công tác châu Âu của Thủ tướng: Nồng ấm và trọng thị
“Nồng ấm và trọng thị". Đó là những tính từ nổi bật nhất, dễ nhận diện nhất từ chuyến công tác châu Âu từ 9 - 15/12 của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Trong chuyến công tác tới châu Âu lần này, ngoài việc tham dự Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm 45 năm quan hệ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm chính thức Luxembourg, Hà Lan, Bỉ, với hơn 60 hoạt động song phương, đa phương và cộng đồng, ngoài các cuộc hội đàm, hội kiến với hầu hết lãnh đạo cấp cao của Chính phủ, Quốc hội và Hoàng gia của 3 nước mà Thủ tướng thăm chính thức, Thủ tướng còn có 14 cuộc gặp với lãnh đạo EU, lãnh đạo các nước ASEAN và các nước EU.
Điều đáng nói là tại tất cả các chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ ta đều được đón tiếp vô cùng nồng hậu, chân tình, vượt qua lễ nghi ngoại giao thông thường. Điều này cho thấy các nước đánh giá cao chuyến thăm và coi trọng quan hệ với Việt Nam.
Đơn cử, khi thăm Đại Công quốc Luxembourg, đích thân Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel đã hướng dẫn, giới thiệu với Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Bảo tàng thành phố Luxembourg; thăm Thành cổ Luxembourg. Hai Thủ tướng cùng dạo phố, cùng thưởng thức món ngon của Luxembourg.
Còn khi hội kiến với Đại Công tước Luxembourg Henri, hai nhà lãnh đạo vui mừng như những người bạn lâu năm gặp lại. Chính Đại Công tước Henri cũng thừa nhận hiếm có cuộc hội kiến giữa ông với lãnh đạo một quốc gia nào mà ông hào hứng, có thời gian hội kiến dài và nhiều nội dung như hội kiến với Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Có lẽ chính sự nồng ấm, trọng thị, những đón tiếp nồng hậu, chân tình ấy đã khiến các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, hội đàm, những đàm phán song phương càng trở nên hiệu quả.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, tại mỗi nước, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì diễn đàn doanh nghiệp, gặp và làm việc với lãnh đạo các vùng cùng 20 tập đoàn, doanh nghiệp lớn. 30 thỏa thuận hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương, viện nghiên cứu và giữa các doanh nghiệp đã được ký kết.
Như đánh giá của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: “Chuyến thăm chính thức ba nước của Thủ tướng Chính phủ đã thành công về mọi mặt, là dấu mốc quan trọng trong quan hệ của Việt Nam với ba nước, gia tăng tin cậy chính trị, đẩy mạnh toàn diện quan hệ hợp tác trong giai đoạn phát triển mới ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, phục vụ các lợi ích an ninh - phát triển của ta và đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới”.
Thủ tướng thăm, làm việc tại Hoa Kỳ: Đồng tình và đánh giá cao
Trong rất nhiều những chuyến thăm làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong năm 2022, một dấu ấn thành công lớn nữa là chuyến công tác “3 trong 1”: Tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - Hoa Kỳ, thăm, làm việc tại Hoa Kỳ và Liên hợp quốc hồi tháng 5.
Nói là thành công lớn bởi trong khoảng thời gian 10 ngày (từ 10-19/5 - được xem là chuyến công tác nước ngoài dài ngày nhất của Thủ tướng kể từ khi nhậm chức), người đứng đầu Chính phủ ta đã có lịch trình làm việc dày đặc với gần 70 hoạt động, trong đó có tới hơn 45 hoạt động song phương diễn ra liên tục, xuyên suốt từ Washington D.C, Boston, New York, San Francisco.
Thủ tướng đã gặp Tổng thống Joe Biden, Chủ tịch Thường trực Thượng viện Mỹ Patrick Leahy, các bộ trưởng quan trọng nhất trong nội các, giới học giả, các doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu của nước Mỹ.
Sau hơn 2 năm gián đoạn vì đại dịch, đây là những tiếp xúc, trao đổi trực tiếp, xin nhấn mạnh là các cuộc gặp đều ở cấp cao nhất và toàn diện nhất giữa hai nước.
Điều đáng nói là các cuộc gặp giữa Thủ tướng và các nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ đều diễn ra trong không khí cởi mở, thẳng thắn và chân thành. Tại các cuộc gặp, tất cả các giới của Mỹ đều bày tỏ coi trọng quan hệ với Việt Nam, khẳng định tôn trọng thể chế chính trị, ủng hộ Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng, đánh giá cao khả năng giải quyết các thách thức của Việt Nam và đều bày tỏ mong muốn quan hệ song phương ngày càng phát triển sâu rộng, hiệu quả. Các tập đoàn đều khẳng định Việt Nam chiếm vị trí cao trong chiến lược kinh doanh, là thị trường tiềm năng mà họ đang hướng tới, cam kết sẽ mở rộng đầu tư…
Thủ tướng Phạm Minh Chính là lãnh đạo ASEAN duy nhất trong dịp này có phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS) - một trong những cơ quan nghiên cứu hàng đầu của Mỹ về chiến lược, chính sách đối ngoại và các vấn đề quốc tế; và là lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Việt Nam phát biểu tại Đại học Harvard.
Trên đất Mỹ, các đối tác, các giới đều đón nhận tích cực, đồng tình, chia sẻ với những thông điệp của Thủ tướng, đặc biệt là về “sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm vì một thế giới tốt đẹp hơn” trong hợp tác quốc tế và giải quyết các vấn đề toàn cầu cũng như thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Mỹ vì lợi ích thiết thực của nhân dân hai nước và vì hoà bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới; về mục tiêu của Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Cũng những ngày trên đất Mỹ, tuy thời gian có hạn song các cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo các cơ quan quan trọng hàng đầu của Liên hợp quốc, gồm Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc, Giám đốc Điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đều đạt những kết quả có ý nghĩa.
Các lãnh đạo Liên hợp quốc đều coi Việt Nam là bạn, là đối tác quan trọng, thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc và khẳng định các cơ quan Liên hợp quốc sẽ tiếp tục đồng hành, tích cực hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên như ứng phó và phục hồi bền vững sau đại dịch, phát triển kinh tế xanh và chuyển đổi năng lượng sạch, chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, rà phá bom mìn và khắc phục hậu quả chiến tranh.
Có thể nói, trong chuyến công tác lần này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu Việt Nam đã tranh thủ được mọi cơ hội, phát huy hiệu quả của các hoạt động. Dư luận quốc tế, Mỹ và ASEAN quan tâm, đánh giá cao chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu Việt Nam. Đất nước Việt Nam nói chung, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã “ghi điểm” tuyệt đối, được đồng tình và đánh giá cao với sự tự tin, chủ động, chân thành, tin cậy, trách nhiệm, thẳng thắn, mạnh mẽ, nhiều năng lượng, sự chủ động, linh hoạt, hiệu quả và tầm nhìn chiến lược. Trên hết thêm một lần nữa khẳng định một vị thế Việt Nam ngày càng vững vàng trên trường quốc tế, một Việt Nam đang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, mở cửa, phục hồi nhanh và phát triển bền vững.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc: Đến Việt Nam bởi sự ngưỡng mộ
Bên cạnh một Việt Nam ngày càng được vì nể, tôn trọng, còn có một Việt Nam luôn được các đối tác, quốc gia tìm đến, muốn nâng tầm quan hệ đối tác bởi những mối thiện cảm hết sức đặc biệt. Đáng chú ý nhất trong các chuyến thăm Việt Nam trong năm 2022 là chuyến thăm của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.
"Tôi rất vui mừng được trở lại Việt Nam, không phải với tư cách một du khách, mà là trên cương vị Tổng Thư ký Liên hợp quốc. Tôi rất ngưỡng mộ Việt Nam, coi Việt Nam không chỉ là thành viên quan trọng của Liên hợp quốc, mà còn với chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế". Đó là cách Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ về lý do có mặt tại Hà Nội nhân dịp lễ kỷ niệm 45 năm Việt Nam trở thành thành viên của Liên hợp quốc (20/9/1977 - 20/9/2022).
Tại buổi lễ, ông Antonio Guterres đã thể hiện sự ngưỡng mộ ấy bằng việc bắt đầu bài phát biểu bằng câu chào tiếng Việt: "Xin chào". Ông gọi quan hệ Việt Nam - Liên hợp quốc là "một quan hệ đối tác bền chặt", "một hành trình đáng nhớ", "một câu chuyện về sự chuyển đổi và hy vọng do dân tộc Việt Nam viết lên".
Với Tổng Thư ký Liên hợp quốc, việc Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc không chỉ là cơ hội để mỗi quốc gia thành viên đề cao quyền con người trên mọi góc độ mà còn một lần nữa chứng minh tinh thần “vì con người” của dân tộc Việt mà ông từng biết. "Cách quê hương hàng nghìn dặm - ở những nơi xa xôi như Cộng hòa Trung Phi - những người lính Việt Nam đang dấn thân vào hiểm nguy để những người dân nơi đây có được hòa bình, hy vọng và cơ hội về một cuộc sống tốt đẹp hơn" - ông Antonio Guterres minh chứng cho cảm nhận của mình.
Cũng tại buổi lễ kỷ niệm tại Hà Nội ngày 21/10/2022, người đứng đầu Liên hợp quốc khẳng định: “Liên hợp quốc tự hào là đối tác của Việt Nam”, rằng Việt Nam đã có nhiều đóng góp thực chất, hiệu quả vào các hoạt động của Liên hợp quốc. Đồng thời cảm ơn sự hợp tác và ủng hộ của Việt Nam đối với những nỗ lực của tổ chức này trong việc xử lý các thách thức toàn cầu trong 45 năm qua.
“Việt Nam là một tấm gương vô cùng đặc biệt. Tất cả những nỗ lực mà Việt Nam đã thể hiện trong thời gian qua là một sự đột phá. Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào vì tiếng nói của các bạn được tất cả các quốc gia tôn trọng. Các bạn là tấm gương về sự thống nhất để mang lại những lợi ích cho người dân”, Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh.
Người đứng đầu Liên hợp quốc cũng ghi nhận những thành công mới của Việt Nam khi lần thứ hai được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. “Việt Nam đã đi được một chặng đường dài. Nhưng hành trình phát triển của Việt Nam vẫn còn tiếp diễn. Một lần nữa, Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành nơi tiên phong cho những giá trị mới".
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio: "Việt Nam là một đất nước đặc biệt”
Tròn nửa thế kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao, cho tới nay, Việt Nam - Nhật Bản đã là đối tác chiến lược sâu rộng, tin cậy, quan trọng hàng đầu.
Cố Thủ tướng Abe Shinzo và nguyên Thủ tướng Suga Yoshihide đều chọn Việt Nam là nước đầu tiên để tới thăm sau khi nhậm chức.
Và giờ đây, tân Thủ tướng Kishida Fumio tiếp tục là một chính khách Nhật Bản khá am hiểu và yêu mến Việt Nam. Ông từng nhiều năm giữ chức Tổng Thư ký Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam, từng thăm Việt Nam vào tháng 7/2014 và 5/2016 trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao, tháng 5/2018 trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu chính sách và là một trong những người tiên phong nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản năm 2014. Ông Kishida luôn tự hào là thành viên của nhóm Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt suốt 25 năm qua. Ông cho biết, đã nhiều lần thăm Việt Nam - một "đất nước đặc biệt", là "mối lương duyên" đối với cá nhân ông.
Có lẽ cũng bởi tình cảm đặc biệt ấy mà trong chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam trên cương vị Thủ tướng, ông Kishida Fumio, không chỉ bằng với con số 22 văn kiện hợp tác được ký kết giữa hai bên, mà còn là quyết tâm cao nhằm đưa quan hệ đối tác chiến lược bước vào giai đoạn phát triển mới trên tinh thần “tình cảm, chân thành, tin cậy, thực chất, hiệu quả”, được triển khai sâu rộng trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ...
"Khả năng hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản là không có giới hạn. Tháng 1 vừa qua, Nhật Bản công bố "Sáng kiến đầu tư tương lai châu Á" và tôi mong muốn cùng ngài Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa quan hệ giữa hai nước mạnh mẽ hơn, mang lại lợi ích cho cả hai nước", Thủ tướng Kishida Fumio chia sẻ mong muốn.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hôm nay (11/12), tại Hà Nội, Cục Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã tổ chức Hội nghị Đường sắt biên giới Việt - Trung lần thứ 44.
Trần Quý
17:45 11/12/2024(Thanh tra) - Hôm nay (10/12), trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc, đồng chủ trì Phiên họp lần thứ 16 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã hội kiến Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Hàn Chính.
T.Thanh
15:02 10/12/2024Hoàng Nam
21:46 05/12/2024T.Lương
21:25 05/12/2024T.Thanh
18:49 05/12/2024Trần Kiên
Bùi Bình
Hải Hà
Phương Anh
Lê Phương
Văn Thanh
Chính Bình
Theo VietinBank
Theo EVNNPC
Theo VietinBank
Thu Hương
Theo EVNNPC