Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kỳ vọng trước thềm chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp

Thứ bảy, 03/09/2016 - 09:12

Tổng thống Pháp François Hollande sẽ có chuyến thăm chính thức Việt Nam trong những ngày sắp tới. Đây là chuyến thăm được chờ đợi từ lâu và là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Pháp kể từ năm 2004.

Tổng thống Pháp François Hollande. (Nguồn: sightcall.com)

Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại Pháp đã gặp gỡ và phỏng vấn người dân và kiều bào tại Pháp về triển vọng tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Pháp sau chuyến thăm, đặc biệt trong bối cảnh hai nước đang phấn đấu xây dựng quan hệ Đối tác chiến lược sâu sắc và toàn diện.

Theo giáo sư Pierre Journoud, giảng viên môn lịch sử đương đại trường Đại học Paul-Valéry Montpellier 3, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp François Hollande được chờ đợi từ lâu. 

Chuyến thăm được thông báo từ năm 2013 nhưng sau đó đã bị hoãn lại nhiều lần vì những lý do nội bộ của nước Pháp và những vấn đề quốc tế. Chuyến thăm cấp cao gần đây nhất là chuyến thăm của Tổng thống Jacques Chirac vào năm 2004. Với mối quan hệ tốt đẹp hiện nay, hai nước Việt Nam và Pháp nên tiến hành thường xuyên hơn các chuyến thăm cấp cao giữa các nhà lãnh đạo hai nước.

Ông cho rằng Pháp có những tiềm năng hợp tác rất lớn trong nhiều lĩnh vực và mong muốn hợp tác lâu dài với Việt Nam. Sự hợp tác giữa hai nước Pháp và Việt Nam, dù là theo con đường chính thức hay không chính thức, dù là Nhà nước hay cá nhân đều vô cùng phong phú và đa dạng. Sự hợp tác này có ở tất cả các cấp: Nhà nước, địa phương, các ngành nghề, hiệp hội. Đây là kết quả của một quá trình hợp tác lâu dài, phong phú và chặt chẽ.

Kể từ sau năm 1954, hai nước đã thiết lập mối quan hệ khá bền chặt cho phép hai nước duy trì đối thoại và sự hợp tác tương đối chặt chẽ. Các nhà lãnh đạo Pháp nhận thức được rằng Việt Nam có rất nhiều thế mạnh, vì vậy, nên đặc biệt tăng cường quan hệ với Việt Nam.

Ông cho rằng trong những năm gần đây, ít nhất là kể từ đầu nhiệm kỳ của Tổng thống François Hollande, khu vực Đông Nam Á ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Pháp. 

Tuy nhiên, về kinh tế và thương mại, hai nước cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để tăng kim ngạch thương mại, vì con số này thấp hơn rất nhiều so với khả năng và tiềm năng của cả hai nước. Hai nước cần phải xem xét, phân tích xem đâu là những lực cản, những điểm yếu nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp hai nước vượt qua. 

Ông tin rằng từ góc độ này, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hollande có thể tạo ra một xung lực mới cho quan hệ Pháp-Việt.

Ông cũng nhấn mạnh rằng đối với Pháp, Việt Nam là một quốc gia giàu tiềm năng và cơ hội. Pháp đang ngày càng xích lại gần hơn với Việt Nam trong khi Việt Nam cũng đang ngày càng mở cửa với thế giới trên cả phương diện kinh tế và văn hóa.

Về phần mình, tiến sỹ Sử học Patrice Jorland, nguyên Chủ tịch Hội hữu nghị Pháp-Việt (AAFV) bày tỏ sự hy vọng rằng chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp François Hollande sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa hai nước.

Theo ông, Pháp và Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào tháng 9/2013, kể từ đó, rất nhiều điều đã được thực hiện trong khuôn khổ này. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều việc phải làm để đưa quan hệ hai nước đi xa hơn nữa và làm sâu sắc thêm mối quan hệ đó.

Liên quan đến phán quyết của Tòa Trọng tài về vấn đề Biển Đông, tiến sỹ Patrice Jorland hy vọng rằng chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp sẽ đóng góp tích cực vào tình hình khu vực. Pháp cũng sẽ bày tỏ quan điểm của mình, bởi phán quyết của Tòa Trọng tài có giá trị phổ quát và cũng liên quan đến Pháp.

Giáo sư Henry Đặng, một kiều bào sinh sống tại Pháp, giảng viên trường Đại học Paris 1-Sorbonne, cho biết ông hy vọng là Pháp ủng hộ Việt Nam nhiều hơn trong vấn đề Biển Đông và mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Pháp và Việt Nam ngày càng đi vào thực chất, làm tăng cường hơn nữa các trao đổi kinh tế, thương mại và văn hóa giữa hai nước./.

Theo TTXVN

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm