Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Định hướng thông tin về hợp tác trong ASEAN trong thời gian tới

Hoàng Nam

Thứ năm, 17/10/2024 - 19:06

(Thanh tra) - Ngày 17/10/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức buổi giới thiệu, cập nhật thông tin, chia sẻ về tình hình, định hướng hợp tác của ASEAN trong thời gian tới. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh về 3 trụ cột cơ bản trong cơ chế hợp tác của ASEAN là chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa – xã hội.

Ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông. Ảnh: Hoàng Nam

Việt Nam là 1 thành viên tích cực của ASEAN và đang chủ động triển khai nhiều chương trình, sáng kiến hợp tác để nâng cao vai trò và vị thế của ASEAN nói chung và vai trò của Việt Nam nói riêng trong việc đóng góp vào sự phát triển, thịnh vượng của khu vực và của thế giới.

Theo ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, với các nội dung chia sẻ do các diễn giả trình bày, các cơ quan báo chí, truyền thông sẽ có bức tranh toàn cảnh và những thông tin cập nhật nhất, nhưng phân tích, chia sẻ sâu sắc về tình hình hợp tác của ASEAN; qua thảo luận, chia sẻ của các diễn giả, những người trực tiếp làm công tác tham mưu, xây dựng chính sách về hợp tác trong ASEAN, sẽ làm rõ hơn những vấn đề mà các cơ quan báo chí, truyền thông đang quan tâm liên quan đến vấn đề hợp tác trong ASEAN.

Trình bày về các nội dung của Hội nghị cấp cao ASEAN 44,45 “ASEAN: Thúc đẩy kết nối và tự cường” thành tựu và định hướng ưu tiên của ASEAN trong giai đoạn tới, ông Trần Đức Bình, Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao cho biết, năm 2024, Lào giữ vai trò là Chủ tịch ASEAN đã triển khai các hoạt động rất sôi động, bằng sự nỗ lực và đầu tư rất nghiêm túc với chủ đề hợp tác là “ASEAN: Thúc đẩy kết nối và tự cường”. 

Với 9 ưu tiên được triển khai gồm 2 cụm vấn đề là kết nối và tự cường, trong đó, kết nối nhấn mạnh ưu tiên về tăng cường sự gắn kết giữa các nền kinh tế, thúc đẩy phát triển bao trùm và bền vững, chuyển đổi số, hợp tác văn hóa - nghệ thuật; Tự cường: nhấn mạnh về xây dựng các chiến lược triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, củng cố vai trò trung tâm, thúc đẩy hợp tác môi trường, tăng cường vai trò và đóng góp của phụ nữ, trẻ em, và nâng cao năng lực y tế khu vực. 

Ông Trần Đức Bình, Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao. Ảnh: Hoàng Nam

Theo thống kê, sau 8 năm thực hiện các kế hoạch hành động của ASEAN, năm 2023, GDP ASEAN đã tăng 51% so với 2015, quy mô nền kinh tế đạt 3.800 tỷ USD, đứng thứ 5 thế giới; với tốc độ tăng trưởng năm 2023 là 4,2% và năm 2024 dự báo là 4,6% thì dự kiến đến năm 2030, quy mô kinh tế của ASEAN sẽ đứng thứ 4 thế giới, ông Bình cho biết thêm.

Hiện tại, các bên đang triển khai kiểm điểm cuối kỳ các kế hoạch tổng thể để đánh giá kết quả cũng như rút ra bài học kinh nghiệm để cho việc triển khai các nhiệm vụ trong thời gian tới.

Bà Nguyễn Việt Chi, Phó Vụ Trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương cho biết, ngày 7/10/2024, tại Hội nghị cấp cao ASEAN 44,45 và các hội nghị liên quan, các Bộ trưởng đã trao đổi và đánh giá lại tất cả các công việc mà cộng đồng kinh tế ASEAN đã triển khai trong năm 2024 và đề ra các định hướng hợp tác của ASEAN trong thời gian tới và trình lên lãnh đạo cấp cao ASEAN báo cáo kết quả kênh kinh tế đã đạt được trong năm; các văn kiện để lãnh đạo thông qua và ghi nhận tại hội nghị vừa qua.

Bà Nguyễn Việt Chi, Phó Vụ Trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương. Ảnh: Hoàng Nam

Bộ Công thương là cơ quan chủ trì của trụ cột kinh tế, đã nhận được sự phối hợp, hợp tác hiệu quả của 11 cơ quan, bộ ngành liên quan, nên đã đạt được nhiều kết quả, chuyển biến tích cực, bất chấp những diễn biến bất lợi do ảnh hưởng từ căng thẳng địa chính trị, gián đoạn chuỗi cung ứng, chi phí vận chuyển tăng cao… GDP năm 2023 của cả khu vực ASEAN đã tăng 4,1% cao hơn mức trung bình của thế giới 3,1% trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Tổng kim ngạch thương mại đạt 3.560 tỷ USD, tổng dòng vốn FDI vào ASEAN là 229,8 tỷ USD.

Với những kết quả đạt được và những dấu hiệu trên cho thấy sức mạnh bền bỉ của hội nhập trong ASEAN, cũng là động lực thúc đẩy hơn nữa dòng chảy thương mại và đầu tư của ASEAN trong thời gian tới, bà Chi nhận định.

Chia sẻ về chủ đề nỗ lực của ASEAN trong việc hình thành và thiết lập các biện pháp hỗ trợ lao động di cư trong khu vực, bà Hà Thị Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng, hiện nay, tình trạng di cư trong cộng đồng khối ASEAN là rất lớn, mỗi năm có khoảng 7 triệu người. Đặc biệt, với những diễn biến bất ổn vừa qua tại Myanmar, tình trạng di cư phi chính thức từ Myanmar sang Thái Lan là rất nhiều.

Bà Hà Thị Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Ảnh: Hoàng Nam

Về vấn đề lao động di cư phi chính thức (không có giấy tờ hoặc đi làm việc ở nước ngoài theo các kênh không chính thống), hiện số lượng này trong ASEAN vẫn còn cao. Bên cạnh đó còn các vấn đề như lao động trẻ em, lao động trên tàu cá cần được quan tâm của Chính phủ các nước.

ASEAN đã có một số nghiên cứu và cơ chế kết nối công nhận lẫn nhau về trình độ kỹ năng, tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm chưa thống nhất trong tiêu chuẩn trình độ giữa các quốc gia trong khu vực.

Di cư lao động quốc tế hiện đang đi theo xu hướng chủ sử dụng lao động trả phí. ASEAN hiện đang bắt đầu trao đổi, thảo luận về nội dung này. Việt Nam nói riêng đã có một số bước tiến trong việc này. Nội dung này sẽ tiếp tục được đưa ra trao đổi trong ASEAN trong thời gian tới, bà Đức cho biết.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm