Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cộng đồng chung ASEAN: Chúng ta cùng đi sẽ tiến rất xa!

Thứ bảy, 02/01/2016 - 11:57

(Thanh tra) - Khi năm 2016 bắt đầu gõ cửa, cũng là lúc Cộng đồng chung ASEAN chính thức trở thành hiện thực. Với sự khác biệt về kinh tế, chủng tộc, hệ thống luật pháp của hơn 625 triệu dân, ASEAN nói chung, Việt Nam nói riêng còn nhiều việc phải làm, nhưng có một điều rõ ràng “nếu bạn đi một mình, bạn có thể đi nhanh. Nhưng nếu chúng ta cùng đi, chúng ta sẽ tiến rất xa”.

Tại sân chơi ASEAN, lao động Việt sẽ có nhiều lợi thế để có cơ hội việc làm nhưng cũng không ít thách thức nếu không chuẩn bị tốt sẽ bị thua ngay trên đất nước chúng ta. Ảnh: TN

Thiết lập môi trường hòa bình, hữu nghị

ASEAN có tầm nhìn sau 2015 xanh hơn, bền vững hơn, sáng tạo hơn, thông minh hơn và khả năng chống chịu hơn. Trong Cộng đồng chung ASEAN, Việt Nam có nhiều lợi thế. Đầu tiên “chúng ta có cơ hội củng cố môi trường hòa bình, hữu nghị khi các nước ASEAN chia sẻ và gắn kết sâu hơn các lợi ích an ninh”.

Cộng đồng chính trị - an ninh ASEAN (APCS) được hình thành tạo dựng một môi trường hòa bình, một nền an ninh toàn diện ở khu vực, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, như khủng bố, ứng phó thiên tai khẩn cấp và hợp tác về an ninh hàng hải... ASEAN khẳng định, không hướng tới hình thành liên minh quân sự ở khu vực, hoặc một khối phòng thủ chung; các nước thành viên có quyền tự do theo đuổi chính sách đối ngoại riêng cũng như bố trí phòng thủ riêng của mình.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, lợi ích chung của tất cả các nước ASEAN là duy trì hòa bình trong khu vực mà duy trì hòa bình ở Biển Đông cũng là lợi ích chung. Việc giải quyết các bất đồng về vấn đề chủ quyền phải là các nước liên quan trực tiếp. Còn các nước trong cộng đồng đều thống nhất quan điểm, duy trì hòa bình an ninh trên biển.

“ASEAN đã thống nhất với nhau về vấn đề duy trì hòa bình này nên mới cùng nhau ra được Tuyên bố về Ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) và thống nhất để tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên trên biển Đông (COC). Đó là những mục đích chung”, Phó Thủ tướng nói.

An ninh của người dân cũng sẽ được tăng cường vì sẽ có những cơ chế được áp dụng để chống tội phạm xuyên quốc gia hoặc tội phạm ma túy bởi có sự hợp tác để bảo đảm an ninh cho người dân mỗi nước. Văn hóa - xã hội cũng thế, với cộng đồng đa dạng văn hóa như vậy lại có những bản sắc riêng và mỗi nước đều nâng cao tiêu chuẩn văn hóa, kể cả việc nâng cao tiêu chí về bảo vệ quyền con người, phụ nữ và trẻ em theo tiêu chuẩn chung.

Cơ hội “trời cho” để Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình

Song song với đó, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ mang lại những cơ hội lớn cho nền kinh tế và các doanh nghiệp (DN) trong nước. Đó là, cơ hội mở rộng thị trường đến hơn 625 triệu dân và GDP hàng năm đạt gần 2.700 tỷ USD. Không những thế, các DN Việt Nam còn có cơ hội tiếp cận với thị trường rộng lớn hơn, là những đối tác đã ký hiệp định thương mại tự do riêng rẽ với ASEAN, như Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.

TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CEIM) nhận định, ASEAN là sân chơi thú vị bởi nó là một phần trong mạng chuỗi giá trị toàn cầu. Hãy nhớ rằng, ASEAN không chỉ là kinh doanh mà còn là hợp tác. Tại sân chơi này, DN sẽ có nhiều lợi thế bởi có rất nhiều chương trình hỗ trợ.

“Đây là một cơ hội “trời cho” để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Nếu không tận dụng được cơ hội này, 5-7 năm nữa, Việt Nam sẽ không thể thoát được bẫy thu nhập trung bình. Cho nên, đã đến lúc chúng ta phải chuyển sang cách chơi, thế cờ khác với đối phương thì mới có thể thắng được trên sân chơi hội nhập”, ông Thành nói.

Hàng rào thuế quan dần được loại bỏ, các hàng rào phi thuế được cắt giảm sẽ giúp hàng hóa, dịch vụ, vốn, lao động lưu chuyển thông thoáng hơn, tạo tiền đề nâng cao sức mạnh của nền kinh tế. Từ đó, sẽ có thêm hàng triệu việc làm mới và DN cũng có thêm cơ hội tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn, kỹ năng từ các nước ASEAN để bổ sung vào nguồn lực sẵn có, khắc phục tình trạng thiếu lao động trình độ cao hiện nay…

Thách thức lớn hơn các nước khác

Thời cơ là vậy, nhưng Việt Nam cũng đứng trước nhiều thách thức lớn hơn các nước khác, nhất là về kinh tế. Thực tế, mức độ phát triển trên nhiều mặt của nước ta vẫn còn xa với nhiều nước ASEAN, nhất là các nước trong nhóm ASEAN-4. Đến 96% DN khu vực tư nhân đang hoạt động thuộc nhóm nhỏ và siêu nhỏ, chỉ 4% còn lại thuộc DN lớn và vừa, rồi 4,6 triệu hộ kinh doanh cá thể hoạt động dưới dạng phi chính thức hoặc bán chính thức (không đăng ký thành lập DN nhưng vẫn có mã số thuế). Giới doanh nhân cũng chưa có nhiều kinh nghiệm trong cạnh tranh, trong kinh doanh quốc tế.

Thời điểm cộng đồng ASEAN bắt đầu có hiệu lực, DN Việt sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh rất lớn từ hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu từ ASEAN, từ đầu tư của các nước ASEAN. Một số có thể sẽ phải thu hẹp sản xuất, thậm chí đóng cửa.

Trong khi đó, chỉ khoảng hơn 40% DN hiểu một cách đầy đủ về những tác động của AEC đối với công việc kinh doanh của mình. Đây là một tỷ lệ khá thấp so với các quốc gia ASEAN khác. Và, người dân cũng gặp thách thức, nhất là phải cạnh tranh về tìm kiếm việc làm có tay nghề, ngay trên đất nước chúng ta. Thậm chí, còn “chảy máu” nguồn lợi khi người Việt sẽ ra ngoài.

Để đón đầu các cơ hội, ứng phó với thách thức và rủi ro khi Cộng đồng ASEAN được thành lập, theo các chuyên gia, cần nhận thức rõ rằng, hội nhập không chỉ đơn thuần là bãi bỏ tất cả rào cản. Quá trình hội nhập cần cân đối các biện pháp điều chỉnh phù hợp, nhằm thu hút sự tham gia của người dân và giảm thiểu nguy cơ gia tăng chi phí môi trường hoặc rủi ro xã hội.

Chính phủ cần tiếp tục đổi mới thể chế, xây dựng hành lang pháp lý nhất quán, thông thoáng, minh bạch, công khai; cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thương mại, khuyến khích, hỗ trợ DN vừa và nhỏ phát triển và tham gia vào chuỗi cung ứng. TS Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, DN Việt và cả người dân cũng cần coi các chương trình hội nhập kinh tế là một sự cam kết kinh tế mà trong đó có cả hợp tác và cạnh tranh. “Cần xem ASEAN như sân nhà, và nhận thức rõ nếu không cạnh tranh và phát triển được trong ASEAN thì hội nhập sâu rộng vào thị trường thế giới sẽ thiếu hiệu quả”, TS Đoàn Duy Khương lưu ý.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, việc hiện thực hóa được các cơ hội trong Cộng đồng ASEAN sẽ đóng góp rất thiết thực vào các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh Tổ quốc. Ảnh: TN Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: Trở thành cộng đồng không có nghĩa chỉ “đánh một tiếng kẻng” Khi các nước trở thành cộng đồng không có nghĩa chỉ “đánh một tiếng kẻng” và ký kết thì lập tức cả khối trở thành cộng đồng. Quá trình này đã được tịnh tiến từ khi Hiến chương ASEAN được thông qua (năm 2007 - PV) và thành lập cộng đồng hướng đến mục tiêu cụ thể. Ví dụ trong chính trị, có hơn 300 đầu việc, trong kinh tế có hơn 500 mục tiêu, văn hóa - xã hội cũng khoảng 200 - 300 đầu việc thì đến thời điểm này 90% các mục tiêu đặt ra đã được thực hiện, chứ không phải đến thời điểm trở thành cộng đồng mới được thực hiện. Chúng ta xây dựng cộng đồng trên những mục tiêu cụ thể và mục tiêu đã hoàn thành. Đối với Việt Nam, những mục tiêu đề ra từ đầu đã được đưa dần vào chính sách, đi vào cuộc sống… Ví dụ đơn giản, vấn đề visa giữa các nước ASEAN, chúng ta đã bỏ rồi, giờ bất cứ người dân nào cầm hộ chiếu của mình là có thể đi lại trong 10 nước ASEAN với nhau. Hoặc một số nhóm hàng hóa đã được miễn giảm với mức thuế suất về 0, tất nhiên việc áp dụng có thời điểm nhất định. Nói thế để thấy cộng đồng thực sự đã đi vào hoạt động, nhưng lấy mốc ngày 31/12/2015 để khẳng định, 100% tất cả các mục tiêu đề ra được hoàn thành, giúp cộng đồng vận hành đầy đủ.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam công bố tái ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028

Việt Nam công bố tái ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028

(Thanh tra) - “Nếu trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028, Việt Nam sẽ thúc đẩy thực hiện các mục tiêu chung của Hội đồng Nhân quyền là bảo đảm ngày càng tốt hơn việc thụ hưởng quyền con người của mọi người dân trên toàn thế giới”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt khẳng định.

T.Thanh

12:17 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm