Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chủ tịch nước phát biểu khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC

Thứ tư, 08/11/2017 - 17:45

(Thanh tra) - Chiều ngày 8/11, tại TP Đà Nẵng, Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tiếp tục với việc khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp (DN) APEC 2017. Chủ tịch nước Trần Đại Quang tham dự và phát biểu khai mạc.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: VNN

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhiệt liệt chào mừng quý vị tham dự Hội nghị Thượng đỉnh DN APEC 2017.

Đây là sự kiện có quy mô lớn nhất của cộng đồng DN khu vực với sự tham gia của các nhà lãnh đạo APEC, các tổ chức quốc tế và hơn 2.000 DN hàng đầu khu vực.

Sự tham gia đông đảo và tích cực của các bạn ngày hôm nay thể hiện trách nhiệm và tâm huyết cùng chung tay xây dựng châu Á - Thái Bình Dương ngày càng thịnh vượng hơn.

Sau gần ba thập niên phát triển, APEC không chỉ chứng kiến nhiều sự thay đổi mang tính bước ngoặt của thế giới mà còn là một phần của những thay đổi đó. Là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu ở khu vực, APEC đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đưa hàng trăm triệu người thoát cảnh đói nghèo.

Ngày nay, APEC là cơ chế hợp tác hiệu quả nhất trong việc phát huy vai trò của doanh nghiệp, đưa châu Á - Thái Bình Dương trở thành động lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu và là vườn ươm của các ý tưởng mới cho tương lai. Các thành tựu đó của APEC có sự đóng góp rất quan trọng của cộng đồng DN khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh: “Nhờ những đóng góp mang tính quyết định của cộng đồng DN, từ các DN hàng đầu thế giới đến các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, các DN do phụ nữ làm chủ, châu Á - Thái Bình Dương đã trở thành đầu tàu kinh tế năng động, là trung tâm đầu tư, khoa học - công nghệ, đóng góp gần 50% tổng đầu tư, thương mại và gần 60% GDP toàn cầu.

Cộng đồng DN APEC còn đóng vai trò tiên phong trong phát triển các ngành công nghệ, năng lượng mới, các hình thức hợp tác kinh doanh, các lĩnh vực thương mại, đầu tư thế hệ mới, đem lại của cải, vật chất dồi dào hơn, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của người dân”.

Trong nhiều năm qua và đặc biệt qua gần một năm triển khai Năm APEC 2017, Việt Nam đã cùng các nền kinh tế thành viên xây dựng, triển khai nhiều nội dung hợp tác thiết thực cho người dân và DN về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, phát triển DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa, thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên biên giới, thúc đẩy kinh tế số và kinh tế mạng, phát triển bao trùm về tài chính, kinh tế và xã hội. Mục tiêu xuyên suốt là nỗ lực cùng nhau đặt người dân và DN vào vị trí trung tâm của sự phát triển.

Để APEC tiếp tục là diễn đàn liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, Chủ tịch nước Trần Đại Quang mong muốn cộng đồng doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc cùng chính phủ giải quyết những vấn đề cấp bách sau đây:

Thứ nhất: Ưu tiên hàng đầu hiện nay là duy trì đà liên kết và phục hồi kinh tế toàn cầu, phát huy vai trò tiên phong trong tự do hóa thương mại và đầu tư, hoàn tất các Mục tiêu Bô-go vào năm 2020.

Đẩy mạnh hợp tác công - tư trong tăng cường kết nối toàn diện và bao trùm, phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng, kết nối các chuỗi cung ứng, thương mại và đầu tư thế hệ mới.

Đặc biệt, tại diễn đàn này, tôi kêu gọi các DN tăng cường hợp tác và hỗ trợ các nền kinh tế thành viên đầu tư mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực giáo dục, đào tạo để các nền kinh tế và người lao động thích ứng tốt hơn với môi trường kinh tế mới.

Quan tâm đầu tư vào con người chính là để củng cố đồng thuận xã hội về tự do hóa thương mại, đầu tư về dài hạn. Đây chính là tiền đề quan trọng để doanh nghiệp tiếp tục tận dụng những cơ hội của toàn cầu hóa và mở rộng đầu tư, kinh doanh trên phạm vi toàn cầu.

Thứ hai: APEC cần đẩy mạnh nỗ lực bảo đảm tính bao trùm của phát triển. Chúng ta cần biến “câu chuyện thần kỳ kinh tế” thành “câu chuyện thần kỳ về phát triển bao trùm” của khu vực, đi đầu thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Cộng đồng doanh nghiệp cần phát huy trách nhiệm xã hội, tích cực đóng góp xây dựng các cộng đồng tự cường và bao trùm, góp phần bảo đảm an ninh lương thực - nước - năng lượng, truyền tải tinh thần kinh doanh và khởi nghiệp, tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ, hỗ trợ các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa tham gia sâu hơn vào thị trường toàn cầu.

Thứ ba: Để hướng tới tương lai chung tốt đẹp hơn, quý vị cũng như hàng triệu DN khác ở khu vực cần tích cực tham gia đóng góp vào tiến trình xây dựng và hiện thực hóa tầm nhìn APEC sau năm 2020 về xây dựng một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng.

Với đóng góp và kinh nghiệm thực tiễn của doanh nghiệp, chúng ta có thể xây dựng tầm nhìn khu vực toàn diện và bao trùm, bảo đảm lợi ích của người dân và DN. Đây chính là tiền đề cho sự phát triển bền vững của các nền kinh tế và của cộng đồng doanh nghiệp APEC trong tương lai.

Trải qua hơn 30 năm đổi mới và gần 20 năm tham gia APEC, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn.

Từ một nước kém phát triển, Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế đang phát triển có thu nhập trung bình, một mắt xích quan trọng trong mạng lưới 16 hiệp định thương mại tự do. Là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn, tương lai của hơn 90 triệu người dân Việt Nam ngày càng gắn kết chặt chẽ với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Nhiều nền kinh tế thành viên APEC đang và sẽ tiếp tục là những nhà đầu tư lớn nhất và những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.

Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục đổi mới đồng bộ và toàn diện, đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược. Đó là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển nguồn nhân lực và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Cùng với đó, tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế tri thức, công nghệ cao, hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, kinh tế biển, du lịch.

Chú trọng hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, bảo vệ môi trường, mở rộng không gian kinh doanh cho các chủ thể, khơi dậy mọi tiềm năng của DN, tăng cường trách nhiệm thực thi và đề cao thượng tôn pháp luật...

Ngọc Phó

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam công bố tái ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028

Việt Nam công bố tái ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028

(Thanh tra) - “Nếu trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028, Việt Nam sẽ thúc đẩy thực hiện các mục tiêu chung của Hội đồng Nhân quyền là bảo đảm ngày càng tốt hơn việc thụ hưởng quyền con người của mọi người dân trên toàn thế giới”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt khẳng định.

T.Thanh

12:17 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm