Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ tư, 03/07/2013 - 14:46
Thúc đẩy hội nhập khu vực, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với hai thành viên ASEAN là Thái Lan và Indonesia, củng cố và làm sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc là những điểm nổi bật nhất của đối ngoại Việt Nam trong tháng 6.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra nhất trí thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Thái Lan với 5 trụ cột chính
Thiết lập quan hệ chiến lược với Thái Lan, Indonesia
Những ngày cuối tháng 6 đánh dấu chương mới trong quan hệ song phương giữa Việt Nam với Thái Lan và Indonesia sau chuyến thăm chính thức của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tới sứ xở Chùa Vàng – Thái Lan (ngày 25-27/6) và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới đất nước vạn đảo – Indonesia (ngày 27-28/6).
Thái Lan chọn Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực để thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược. Theo đó hai bên nhất trí thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Thái Lan với 5 trụ cột chính, gồm: Quan hệ chính trị, hợp tác quốc phòng và an ninh, kinh tế, xã hội-văn hóa, hợp tác khu vực và quốc tế.
Hai bên nhấn mạnh việc trao đổi các đoàn cấp cao và đối thoại chính trị chiến lược, tăng cường, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc phòng, an ninh, tăng cường hợp tác về đầu tư, thương mại, phấn đấu tăng kim ngạch thương mại hai nước đạt 15 tỷ USD vào năm 2020.
Hai nước cam kết tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế nhằm xây dựng Cộng đồng ASEAN gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và trách nhiệm xã hội. Lãnh đạo hai nước nhất trí giao các cơ quan chức năng của hai nước sớm xây dựng, ký kết và triển khai kế hoạch hành động về các lĩnh vực trên trong năm 2013.
Một ngày sau khi Việt Nam và Thái Lan thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, Indonesia chính thức trở thành đối tác chiến lược thứ hai của Việt Nam tại Đông Nam Á nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới đất nước vạn đảo này. Trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, chuyến thăm của Chủ tịch nước tới Indonesia lần này là “dấu mốc lịch sử quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam và Indonesia”.
Hai nước đã ký kết hơn 30 hiệp định và thỏa thuận hợp tác trên tất cả các lĩnh vực hợp tác quan trọng như chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, nông nghiệp… tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho sự hợp tác toàn diện giữa hai nước. Đặc biệt, hai bên nhất trí đề ra mục tiêu nâng kim ngạch thương mại lên 10 tỉ USD vào năm 2018.
Như vậy, tới thời điểm này, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 181 quốc gia, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược với 11 quốc gia gồm Nga (2001), Nhật Bản (2006), Ấn Độ (2007), Trung Quốc (2008), Hàn Quốc, Tây Ban Nha (2009), Anh (2010), Đức (2011), Italia, Thái Lan, Indonesia (2013).
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình duyệt đội danh dự - Ảnh: AFP
Củng cố quan hệ chiến lược Việt-Trung
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thăm cấp Nhà nước Trung Quốc từ ngày 19-21/6. Đây là chuyến thăm chính thức Trung Quốc đầu tiên trên cương vị Chủ tịch nước của Chủ tịch Trương Tấn Sang và là chuyến thăm đầu tiên của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Trung Quốc sau khi Trung Quốc có Ban lãnh đạo mới.
Tại cuộc hội đàm, hai bên đã trao đổi và đạt nhất trí cao về tầm quan trọng của việc củng cố và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc.
Hai bên đã ra Tuyên bố chung, ký kết 10 văn kiện hợp tác trong nhiều lĩnh vực như hợp tác giữa hai chính phủ, hai Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp, quản lý cửa khẩu biên giới đất liền, kiểm nghiệm và kiểm dịch động thực vật xuất nhập khẩu, dầu khí, đối ngoại nhân dân...
Trong bản Tuyên bố chung, hai bên cam kết sẽ nghiêm túc thực hiện “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc”, sử dụng tốt các cơ chế như đàm phán biên giới lãnh thổ cấp Chính phủ, kiên trì thông qua hiệp thương và đàm phán hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được.
Hai bên đã nhất trí quyết liệt nhằm giảm dần nhập siêu của Việt Nam, tiến tới cân bằng thương mại. Trước mắt thực hiện trước thời hạn đưa kim ngạch thương mại song phương lên 60 tỷ USD vào năm 2015.
Tăng cường liên kết kinh tế khu vực Mekong
Ngày 6/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) về Đông Á tại Myanmar. Trong bài phát biểu khai mạc, Thủ tướng cho rằng việc Hội nghị lần này đặt trọng tâm vào hội nhập khu vực và chuyển đổi là một lựa chọn “phù hợp và rất đúng thời điểm”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị WEF Đông Á 2013. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Một cấu phần không thể thiếu trong tiến trình này, theo Thủ tướng, là nỗ lực tăng cường kết nối và liên kết kinh tế giữa các nước lục địa ASEAN hay khu vực Mekong, trong đó có việc “hình thành các hành lang kinh tế xuyên quốc gia”.
Các tuyến hành lang này cũng sẽ là cầu nối gắn kết giữa khu vực Nam Á, Trung Á với Đông Á, giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Đây là yếu tố quan trọng mà bất cứ doanh nghiệp nào có tham vọng mở rộng thị trường không thể bỏ qua.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào những dự án phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương dọc tuyến hành lang vì lợi ích của doanh nghiệp, của cộng đồng và của cả khu vực. Đồng thời khẳng định Chính phủ Việt Nam sẵn sàng đối thoại cùng doanh nghiệp để tiếp tục cải thiện và tạo dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi và bảo đảm lợi ích của tất cả các bên.
Trước đó, ngày 4/6, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã dự Lễ khai mạc Hội chợ Trung Quốc-Nam Á và Hội chợ Côn Minh 2013. Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng cho rằng Hội chợ này là hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng, thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và các nước Nam Á, Việt Nam và Trung Quốc nói chung, các tỉnh thành của Việt Nam và tỉnh Vân Nam nói riêng.
Chính vì vậy, Việt Nam luôn là một trong những nước có nhiều doanh nghiệp tham gia hội chợ Côn Minh, với 196 gian hàng năm 2012. Năm 2013, có 180 gian hàng tham gia sự kiện, nhiều nhất trong số các nước ASEAN tham gia hội chợ, trưng bày hàng hóa trong các lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, thực phẩm, đồ uống, giày dép…
Tiếp tục đa dạng hóa quan hệ
Trong tháng 6, Chủ tịch Quốc hội El Salvador Sigfrido Reyes có chuyến thăm chính thức tới Việt Nam (ngày 6-11/6), đánh dấu mốc phát triển quan trọng trong quan hệ giữa hai nước, hai Quốc hội, góp phần vào việc thúc đẩy gắn kết giữa hai khu vực Đông Nam Á và Trung Mỹ.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Cộng hòa Mozambique thăm Việt Nam ngày 4/6 với mong muốn thắt chặt quan hệ hợp tác phòng chống tội phạm giữa hai nước.
Quốc vụ khanh phụ trách thương mại và đầu tư Vương quốc Anh Stephen Green ngày 12/6 có cuộc tiếp kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ mong muốn tăng cường đầu tư nhất là trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng, cung cấp dịch vụ giáo dục, chế tạo máy.
Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi Hoa Kỳ ngày 17/6 khẳng định Hoa Kỳ cam kết hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong phòng, chống dịch bệnh mới nổi, nhất là dịch bệnh lây lan và chyển giao công nghệ cho Việt Nam trong phòng chống HIV/AIDS.
Phó Thủ tướng Lào, Chủ tịch phân ban hợp tác Lào-Việt Nam Somsavad Lengsavath ngày 21/6 dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Lào sang thăm và làm việc tại Việt Nam
Ngoại trưởng Ecuador, Ricardo Patino ngay 24/6 thăm Việt Nam nhằm thúc đẩy quan hệ chính trị và thương mại giữa hai nước.
Đặc biệt, từ ngày 13-14/6 tại Hà Nội đã diễn ra cuộc họp Vòng 4 Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam-Vatican. Tòa thánh Vatican mong muốn tiếp tục phát triển quan hệ Việt Nam-Tòa thánh Vatican và việc cần thiết sớm có Đặc phái viên thường trú Vatican tại Việt Nam để phục vụ cho cho lợi ích của các bên.
Hai bên đánh giá quan hệ Việt Nam-Tòa thánh Vatican đã có bước tiến triển tích cực trên tinh thần đối thoại thiện chí, xây dựng, tôn trọng các nguyên tắc trong quan hệ Việt Nam-Tòa thánh Vatican.
(Theo Chinhphu.vn)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - “Nếu trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028, Việt Nam sẽ thúc đẩy thực hiện các mục tiêu chung của Hội đồng Nhân quyền là bảo đảm ngày càng tốt hơn việc thụ hưởng quyền con người của mọi người dân trên toàn thế giới”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt khẳng định.
T.Thanh
12:17 13/12/2024(Thanh tra) - Hôm nay (11/12), tại Hà Nội, Cục Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã tổ chức Hội nghị Đường sắt biên giới Việt - Trung lần thứ 44.
Trần Quý
17:45 11/12/2024T.Thanh
15:02 10/12/2024Hoàng Nam
21:46 05/12/2024T.Lương
21:25 05/12/2024Đông Hà
Nguyễn Điểm
Kim Thành
Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân
Hải Hà
Văn Thanh
Lê Hữu Chính
Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà