Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Bài học ngăn ngừa thảm kịch trong tương lai, trách nhiệm của HĐBA

Thanh Thanh

Thứ bảy, 09/05/2020 - 09:55

(Thanh tra) - Nhận lời mời của Ngoại trưởng Estonia Urmas Reinsalu, ngày 8/5, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tham dự Phiên họp trực tuyến Cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) với chủ đề: 75 năm sau Chiến tranh Thế giới thứ hai tại châu Âu - Bài học rút ra để ngăn ngừa thảm kịch trong tương lai, trách nhiệm của HĐBA.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tham dự Phiên họp trực tuyến Cấp cao của HĐBA LHQ. Ảnh: PV

Tại cuộc họp, các nước đã phát biểu với tinh thần đề cao vai trò của hệ thống đa phương với LHQ là trung tâm trong duy trì an ninh và hòa bình thế giới; khẳng định luật pháp quốc tế là công cụ thiết yếu điều chỉnh hành vi của các quốc gia để ngăn ngừa và xử lý xung đột; kêu gọi các quốc gia nêu cao tinh thần hợp tác, đối thoại, thúc đẩy hợp tác đa phương trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế để giữ gìn và thúc đẩy hòa bình và ổn định trên thế giới.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói: Cách đây 75 năm, cuộc chiến tranh đẫm máu nhất trong lịch sử loài người đã khép lại sau khi gây thương đau không kể xiết cho hàng trăm triệu người dân trên thế giới.

Xin được gửi những lời tri ân tới sự hy sinh, mất mát của các dân tộc Âu, Á, Phi, của những người lính đồng minh và nhất là của nhân dân Xô Viết đã ngã xuống trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, Phó Thủ tướng xúc động.

Chiến thắng trước quân phát xít và xâm lược trong cuộc thế chiến, và trong tất cả các cuộc chiến tranh và xung đột, đã chứng minh rằng mọi hành động bành trướng, quân phiệt và tham vọng chinh phục, thống trị không bao giờ có thể thuyết phục được ý chí của các dân tộc tranh đấu vì độc lập và tự do. Không một thế lực nào có thể dập tắt được khao khát cháy bỏng của mọi dân tộc được sống trong hòa bình và những giá trị chung của nhân loại, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định.

Với Việt Nam, Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc đã mang lại cho đất nước một khởi đầu mới. Việt Nam đã giành được độc lập sau gần một thế kỷ dưới chế độ thực dân. Việt Nam cũng đã phải nếm trải thêm hàng thập kỷ chiến tranh tàn khốc trước khi giành được thắng lợi cuối cùng là hòa bình, độc lập và thống nhất đất nước, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Phó Thủ tướng cũng tin tưởng rằng, khát vọng chung của loài người về hòa bình, tự do và công lý, và quyết tâm bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ sẽ chiến thắng mọi hành vi đối đầu, sử dụng vũ lực cùng những âm mưu thống trị và chinh phục.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng tin tưởng cùng với sự vận hành của hệ thống đa phương, việc thượng tôn pháp luật và tuân thủ Hiến chương LHQ, nhất là những nguyên tắc về độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không sử dụng vũ lực và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình đã góp phần quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ngăn chặn một thảm họa chiến tranh thế giới trong 75 năm qua. Đây cũng là những nội dung được nhất trí trong Tuyên bố Chủ tịch về 75 năm Hiến chương LHQ của HĐBA do Việt Nam chủ trì thông qua vào tháng 1/2020 trên cương vị Chủ tịch HĐBA LHQ.

Khép lại bài phát biểu của mình, Phó Thủ tướng đã trích lời Chủ tịch Hồ Chí Minh, Danh nhân văn hóa kiệt xuất được UNESCO vinh danh. Người viết: "Nhân dân nước nào cũng yêu chuộng hòa bình, cũng chán ghét chiến tranh, cũng muốn sống tự do độc lập". Những lời nói ấy thể hiện khát vọng của tất cả các dân tộc muốn ngưng mọi tiếng súng và chấm dứt mọi cuộc chiến tranh, xây dựng nền hòa bình bền vững.

Phiên họp trực tuyến Cấp cao của HĐBA LHQ do Ngoại trưởng Estonia, nước Chủ tịch HĐBA trong tháng 5/2020, chủ trì cũng có sự tham dự và phát biểu của 48 Bộ trưởng Ngoại giao và nhiều đại diện các nước thành viên LHQ được đưa ra trong bối cảnh kỷ niệm 75 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai - cuộc chiến tàn khốc nhất trong lịch sử nhân loại, đây là dịp để HĐBA LHQ thảo luận và rút ra các bài học từ quá khứ, chỉ ra những thách thức về an ninh trong tương lai, đồng thời đánh giá về những mối đe dọa an ninh ở châu Âu và các khu vực khác.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm