Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Vì sao người dân khiếu nại kéo dài?

Đinh Mười - Đông Hà

Thứ bảy, 14/05/2022 - 08:00

(Thanh tra) - Các công dân khiếu nại kéo dài vì cho rằng cơ quan có thẩm quyền giải quyết chưa thoả đáng các vấn đề liên quan đến Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Song Lập (Công ty Song Lập) trong việc xây trạm xử lý nước thải vì vị trí xây dựng không đúng theo quy định. Các khách hàng đã bị “lừa dối” khi mua các căn nhà.

Bảng vẽ có chữ ký xác nhận của chủ đầu tư và “sổ hồng” do Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cấp đều thể hiện phía trước nhà các hộ dân là công viên (vòng tròn màu đỏ). Ảnh: Đ.M

Theo hồ sơ vụ việc, khu nhà ở Công ty Song Lập (Melosa Garden - Khang Điền) tại phường Phú Hữu, quận 9 (nay là TP Thủ Đức) được UBND TP Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 5356/QĐ-UBND ngày 30/10/2014 công nhận chủ đầu tư và chấp thuận đầu tư dự án với diện tích 72.292.8m2, bao gồm nhà biệt thự, nhà liền kế và chung cư thấp tầng.

Ngày 10/8/2016, UBND TP ban hành Quyết định số 4072/QĐ-UBND duyệt điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500, quy mô dự án được điều chỉnh bao gồm: 98 căn nhà biệt thự, 344 căn nhà liên kế và 120 căn nhà ở thấp tầng (thay thế 2 khối chung cư được điều chỉnh bỏ).

Sau đó, Công ty Song Lập đề xuất giảm công suất hệ thống xử lý nước thải từ 700m3/ngày xuống còn 600m3/ngày và được Sở Tài nguyên và Môi trường chấp thuận theo Văn bản số 751/STNMT-CCBVTM ngày 19/1/2017.

Theo nội dung trình bày trong đơn khiếu nại, năm 2016, các cư dân đến ở nhưng chủ đầu tư chưa xây dựng trạm xử lý nước thải để đảm bảo nguồn nước thải được xử lý theo quy định.

Tháng 4/2019, Công ty Song Lập tiến hành xây dựng trạm xử lý nước thải tại vị trí công viên sát đường số 1 khiến các hộ dân bức xúc khiếu nại. Theo cư dân, việc xây dựng trên chưa phù hợp các quy định, khu vực công viên trước nhà bây giờ trở thành trạm xử lý nước thải, chủ đầu tư đã “lừa dối” khách hàng.

Trong bản vẽ sơ đồ nhà đất, Công ty Song Lập ký xác nhận với người nhận nhà, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất do Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cấp cũng đã thể hiện vị trí này là công viên, không phải trạm xử lý nước thải.

"Nếu biết phía trước nhà là trạm xử lý nước thải, tôi không bao giờ mua căn nhà này", ông Dương Minh, chủ sở hữu ngôi nhà tại vị trí giáp công trình cho biết.

Theo thông tin từ Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (Công ty Khang Điền) cung cấp, ngày 5/11/2020, Sở Quy hoạch - Kiến trúc có Văn bản số 3900/SQHKT-HTKT thông tin về việc xây dựng trạm xử lý nước thải thì lựa chọn vị trí đặt trạm xử lý nước thải, theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng có nêu: “Khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường tối thiểu đối với loại công trình xử lý nước thải làm sạch sinh học không có sân phơi bùn, có máy làm khô bùn, có thiết bị xử lý mùi hôi, xây dựng kín với công suất từ 200-5.000m3/ngày tối thiểu là 15m”.

Vì thế, việc lựa chọn trạm xử lý nước thải tại thời điểm đề xuất của chủ đầu tư là phù hợp do sử dụng công nghệ kín, không mùi, có khoảng cách ly an toàn.

Theo phản ánh của các cư dân, thực tế công trình trạm xử lý nước thải chỉ cách vỉa hè đường số 1 là 2m. Ảnh: Đ.M

Về nội dung quy hoạch hệ thống thoát nước thải xác định trong giai đoạn ngắn hạn, chủ đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước riêng, nước thải được thu gom đưa về trạm xử lý đặt trong khu vực quy hoạch, sau xử lý đạt QCVN 14:2008/BTNMT.

Trong giai đoạn dài hạn, nước thải đưa về nhà máy xử lý nước thải tập trung cạnh rạch Ông Nhiêu; tổng lượng nước thải từ 584 - 700m3/ngày.

Liên quan đến nội dung khiếu nại của các hộ dân về việc xây dựng công trình trên, ngày 30/3/2021, Sở Xây dựng TP ban hành Văn bản số 3381/SXD-CPXD trả lời về việc xây dựng trạm xử lý tại vị trí trên và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn tại thời điểm phê duyệt quy hoạch thì khoảng cách an toàn của công trình xử lý nước thải cơ học, hoá lý và sinh học được xây dựng khép kín và có hệ thống thu gom, xử lý mùi vẫn giữ khoảng cách tối thiểu 15m.

Mặc dù được Sở Xây dựng trả lời cụ thể về khoảng cách an toàn tối thiểu của trạm xử lý nước thải, nhưng theo phản ánh của công dân, công trình thực tế chỉ cách vỉa hè đường số 1 là 2m, trong khi theo quy định công trình phải cách khu dân cư 22,5m, đồng thời phải có dải cây xanh phù hợp.

Ngày 18/2, Công ty Song Lập có thông báo về việc tái khởi tạo xây dựng công trình dựa trên các văn bản liên quan để các đơn vị thi công, giám sát… tiến hành thực hiện.

Trước sự việc trên, các hộ dân tiếp tục gửi đơn khiếu nại tới các cơ quan chức năng phản ánh về việc chủ đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải sai quy định, hành vi “lừa dối” khách hàng; yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc, kiểm tra việc sử dụng quỹ bảo trì của chủ đầu tư có đúng theo quy định.

Để làm rõ những nội dung trên, phóng viên đã liên hệ, gửi các câu hỏi liên quan đến Công ty Khang Điền (công ty mẹ của Công ty Song Lập). Đến nay, đơn vị vẫn chưa có thông tin phản hồi.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Phát hiện hàng chục đại lý phân phối phân bón giả “khủng” ở Tây Nguyên

Phát hiện hàng chục đại lý phân phối phân bón giả “khủng” ở Tây Nguyên

(Thanh tra) - Khám xét cơ sở của một doanh nghiệp tư nhân kinh doanh phân bón trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, cơ quan công an phát hiện một số lượng lớn phân bón giả. Đồng thời mở rộng điều tra, cơ quan công an còn phát hiện nhiều địa điểm phân phối phân bón giả khác ở các tỉnh, thành phố.

14:07 22/01/2025

Tin mới nhất

Xem thêm