Phố cà phê đường tàu nhộn nhịp khách trở lại, điểm "check in" yêu thích của du khách quốc tế
Phố cà phê đường tàu đông khách trở lại
Phố cà phê đường tàu nằm giáp ranh 3 phường Điện Biên (quận Ba Đình), Cửa Nam, Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm). Từ năm 2019, nơi đây từng nhiều lần bị đóng cửa, cấm kinh doanh vì lý do không đảm bảo an toàn hành lang đường sắt.
Các phường đã phải lập chốt chặn ở hai đầu, treo biển cảnh báo nguy hiểm bằng hai thứ tiếng Anh - Việt, cắt cử lực lực lượng an ninh dân phòng canh chốt.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, tại các điểm chốt chặn, rào chắn của quận Hoàn Kiếm, Ba Đình đều được gỡ bỏ “đường thông, hè thoáng”, không có lực lượng công an, dân phòng túc trực. Cùng với đó, lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến với phố cà phê đường tàu ngày càng đông, nhất là vào thời điểm có tàu chạy qua. Khi chưa đến giờ tàu chạy, du khách đi lại, chụp ảnh thoải mái trên đường ray.
Dọc phố Phùng Hưng, nhiều hàng quán được mở thêm và trang trí rất bắt mắt, bàn ghế kê san sát hai bên, sát với đường ray tàu hỏa. Khi màn đêm buông xuống, ánh sáng mờ ảo của những chiếc đèn lồng hắt xuống, khiến nơi đây càng trở nên lung linh, huyền ảo.
Những hộ kinh doanh không chỉ bán cà phê mà còn cả đồ ăn, đồ lưu niệm… cùng với đó là những người bán hàng rong, đánh giày dép với lời chào mời du khách bằng thứ tiếng Anh bồi.
Chị Thu Thủy, nhân viên một quán cà phê đường tàu trên phố Phùng Hưng cho biết, thời điểm đông du khách nhất vào khoảng 11-12 giờ trưa và từ 15 giờ chiều đến tối.
“Du khách đến đây chủ yếu là người nước ngoài, họ muốn ngắm tàu chạy qua, chụp ảnh check-in, tận hưởng không khí sôi động, nhộn nhịp, việc uống cà phê chỉ là phụ. Các hộ kinh doanh ở đây luôn đặt an toàn cho du khách lên hàng đầu, trước 15 phút khi có đoàn tàu chạy qua, chúng tôi đã gấp gọn bàn ghế và nhắc nhở khách đứng lùi vào bên trong, cách xa đường ray để đảm bảo an toàn”, chị Thủy nói.
Có mặt tại phố cà phê đường tàu buổi chiều đông lúc 17 giờ, đi dọc suốt con phố Phùng Hưng, tôi như lạc vào thiên đường bởi sự trang hoàng, bài trí, sắp đặt rất nghệ thuật, công phu của các hàng quán. Trên đường ray tàu, những vị khách quốc tế tranh thủ check-in, hai bên đường ray các dãy bàn ghế đều đông nghịt khách quốc tế, chỗ ngồi được xếp cố định, trật tự, vì sắp tới giờ tàu chạy nên mọi ánh nhìn đều hướng về phía ga Long Biên với chiếc điện thoại cầm sẵn trên tay.
Trở thành điểm yêu thích của du khách nên việc kinh doanh nước giải khát, đồ ăn vặt hay cả quà lưu niệm trên phố cà phê đường tàu đều rất đắt hàng. Có người còn bày hàng lưu niệm ra giữa đường ray để bán.
Tôi gọi cho mình một ly cà phê muối nóng để chờ ngắm đoàn tàu chạy qua. Kế bên tôi là chị Sara (32 tuổi), du khách đến từ Colombia cho biết: “Tôi biết phố cà phê đường tàu qua mạng xã hội, hai lần đến Hà Nội tôi đều đến đây để thử cảm giác được ngắm đoàn tàu chạy sát bên mình. Dù thót tim nhưng tôi vẫn rất thích. Đây quả là một trải nghiệm thú vị có một không hai”.
John Tran, hướng dẫn viên du khách từ Anh cho biết, trước khi đến Việt Nam, khách quốc tế thường sẽ tìm hiểu các địa điểm nên trải nghiệm. Trong đó, phố cà phê đường tàu tại Hà Nội là một trong những điểm đến được rất nhiều người yêu thích và muốn đến một lần.
"Phần lớn khách quốc tế đều bày tỏ sự thích thú địa điểm này. Không chỉ cảm giác kinh ngạc lúc đoàn tàu chạy qua mà còn là không khí náo nhiệt, khung cảnh trang trí đẹp mắt tại nơi đây", John Tran cho biết.
Nên tính toán xây dựng thành điểm đến hấp dẫn của Thủ đô
Ông Nguyễn tiến Đạt, Giám đốc Công ty Du lịch AZA cho rằng, phố cà phê đường tàu là mô hình kinh doanh mới, thu hút khách du lịch, thay vì cấm đoán, Hà Nội cần tìm cách khai thác giá trị độc đáo của con phố này một cách có trách nhiệm, để vừa giữ được sức hút vừa đảm bảo an toàn cho mọi người.
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã tìm ra cách quản lý hiệu quả những điểm đến có yếu tố mạo hiểm, “độc nhất vô nhị” mà không làm mất đi sự hấp dẫn. Chẳng hạn, tại chợ đường ray Maeklong ở Thái Lan. Hay khu phố cổ Thập Phần ở Đài Loan, người ta còn có hoạt động thả những chiếc đèn trời và du khách viết ước nguyện rồi ra giữa đường sắt thả lên, khu phố đó chủ yếu bán hàng ăn và đồ lưu niệm rất tấp nập.
Du khách có thể trải nghiệm tàu chạy qua chợ một cách an toàn nhờ hệ thống cảnh báo, lịch trình tàu được thông báo rõ ràng và sự giám sát chặt chẽ tại chỗ.
“Ở Hà Nội, nếu coi phố cà phê đường tàu là một nơi thí điểm để phát triển du lịch “độc nhất vô nhị” của Thủ đô, có thể đưa ra các biện pháp để vừa đảm bảo an toàn, vừa giữ lại một điểm du lịch “độc nhất vô nhị” của Thủ đô. Chúng ta có thể áp dụng nhiều biện pháp bảo đảm an toàn như quy định các tàu khi đi qua đoạn phố dài chỉ khoảng 1km, yêu cầu phải chạy chậm và phải có còi cảnh báo.
Đối với các hàng quán kinh doanh cũng đều phải lắp đèn báo hiệu, chuông cảnh báo ngay trước hàng quán của mình để khi sắp có tàu chạy qua, chuông đồng loạt phát ra tiếng kêu, tạo không khí náo nhiệt khiến du khách thêm háo hức. Đặc biệt, nghiêm cấm các hàng quán không được bán rượu, bia, vì khách uống vào sẽ không tự chủ được bản thân.
“Cùng với đó, mỗi hộ kinh doanh phải có người thường xuyên nhắc nhở du khách khi có tàu chạy qua. Chúng ta cũng nên bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, ông Đạt nhấn mạnh.
Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, phố cà phê đường tàu cần có quy hoạch, cần sự phối kết hợp giữa các hộ kinh doanh với chính quyền sở tại để vừa đảm bảo cho việc kinh doanh, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước nhưng vừa đảm bảo an toàn cho hoạt động đường tàu cũng như an toàn về tính mạng cho khách check-in ở đó. Bởi, ở một khoảng cách rất gần nếu không cẩn trọng thì rất dễ xảy ra tai nạn.
“Nếu không đảm bảo an toàn cho hộ kinh doanh, khách tham quan thì phải đóng cửa, còn nếu có cách thức để đảm bảo được sự an toàn cho người dân cũng như hoạt động thông suốt của tàu hỏa thì hoàn toàn có thể kinh doanh được”, ông Thịnh cho hay.
Các chuyên gia giao thông cho rằng, nhiều du khách quốc tế nhận xét phố cà phê đường tàu Hà Nội là "điểm du lịch phải ghé đến một lần trong đời", vậy tại sao chúng ta không biến nó thành điểm đến hấp dẫn, an toàn - một sản phẩm du lịch độc đáo?
Thay vì cấm cửa, chúng ta có thể áp dụng những biện pháp khác để đảm bảo an toàn hành lang đường sắt, như lắp rào chắn, giảm tốc độ tàu, lắp thêm chuông cảnh báo hoặc đèn cảnh báo tại các quán. Du khách muốn đến tham quan cũng cần cam kết tuân thủ các quy định an toàn, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt nặng.
Nhằm bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, ngày 15/1, Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ số 1 (Phòng CSGT Công an Hà Nội) phối hợp cùng Công an phường Hàng Bông, Cửa Đông (quận Hoàn Kiếm) tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm tại khu vực "cà phê đường tàu".
Khu vực đường tàu cắt ngang đường Trần Phú là địa bàn giáp ranh giữa các phường Hàng Bông, phường Cửa Đông, phường Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm) và phường Điện Biên (quận Ba Đình). Đã từ rất lâu, người dân thường gọi nơi đây là "phố cà phê đường tàu", cũng là một trong những địa chỉ tham quan thu hút đông du khách nước ngoài.
Tuy nhiên, đây cũng là điểm nóng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông đường sắt, nhất là khi lượng khách du lịch và người dân đổ về khu vực này tăng cao vào dịp cuối năm.
Trong đợt kiểm tra lần này, lực lượng chức năng đã xử lý 2 trường hợp vi phạm, yêu cầu chấm dứt ngay hành vi kinh doanh gây nguy hiểm đến hành lang an toàn đường sắt.
Cán bộ Công an phường Hàng Bông cho biết, dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, các chuyến tàu hoạt động liên tục, lượng khách tập trung đông, khiến việc bảo đảm an toàn tại khu vực này trở nên cấp thiết. Lực lượng Công an địa phương đã thường xuyên cắt cử cán bộ túc trực, đặc biệt vào khung giờ tàu chạy, để nhắc nhở người dân và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, một số hộ kinh doanh vẫn thiếu ý thức, gây nhiều khó khăn cho công tác bảo đảm an toàn giao thông.
Còn theo Trung tá Vũ Hùng - Phó Trưởng Công an phường Cửa Đông, trước giờ tàu đi qua khoảng 30 phút, cán bộ Công an phường và người dân chủ động dọn dẹp bàn ghế, nhắc nhở du khách và người dân giữ khoảng cách an toàn.
Được biết, trước đó, nhiều giải pháp của người dân phố đường tàu đã được đề xuất để đảm bảo an toàn cho khách hàng cũng như an ninh đường sắt như: Tự dựng barie trước khu vực cửa nhà để ngăn không cho hành khách bước ra khu vực đường ray, lắp camera giám sát để biết trước mỗi khi có tàu đến, nhằm cảnh báo cho người dân và du khách du lịch
Sau khi làm việc với lực lượng chức năng, người dân sinh sống và kinh doanh trên khu vực từ nút giao Trần Phú cắt ngang đường tàu về số nhà số 2 “đường tàu”, đối diện ngã ba Phùng Hưng - Nguyễn Quang Bích, phường Cửa Đông đều chấp hành và ký cam kết không vi phạm hành lang an toàn đường sắt, ngăn chặn các biểu hiện quá khích như lao ra đường tàu chụp ảnh, tụ tập hò reo gần đường sắt khi tàu hỏa chạy qua.
Việc tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm tại khu vực "cà phê đường tàu" không chỉ nhằm bảo đảm an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán, mà còn góp phần xây dựng ý thức tuân thủ pháp luật của người dân. Trong những ngày cao điểm Tết sắp tới, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục duy trì tuần tra, nhắc nhở để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân và hành khách trên mỗi chuyến tàu.