Theo phản ánh của ông Nguyễn Quốc Đương, bà Trần Thị Hồng (trú tại thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình), tháng 5/2020, sau hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, vợ chồng ông, bà được chia sở hữu, sử dụng các di sản do bố mẹ để lại, gồm:

Quyền sử dụng các thửa đất số 552 và 553, thuộc tờ bản đồ số 1A, xã Văn Hải, huyện Kim Sơn, có diện tích mỗi thửa là 110m2 đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Nguyễn Xuân Quang.

Được quyền sử dụng căn nhà 2 tầng sát phía Nam cổng chợ xã Văn Hải và gian quán bán hàng trong chợ xã Văn Hải, có vị trí phía Đông, Tây và Nam sát với đất của gia đình ông Hoạt, phía Bắc sát chợ xã Văn Hải (toàn bộ hai thửa đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hai thửa đất và hai căn nhà nêu trên đều do vợ chồng ông Hoàng Văn Chinh, bà Nguyễn Thị Vân, trú tại xóm Bắc Cường, xã Văn Hải, huyện Kim Sơn đang quản lý).

Được quyền sử dụng 69 chỉ vàng 9999 của các cụ Quang, Hường để lại, hiện do bà Nguyễn Thị Nhã (trú tại xóm Đông Thổ, xã Văn Hải, huyện Kim Sơn) đang quản lý và số tiền 10,8 triệu đồng là số tiền còn lại trong tổng số tiền 20 triệu đồng ông Chinh nợ của các cụ Quang, Hường mà ông Chinh đã bàn giao cho bà Nhã quản lý chi tiêu cho các cụ Quang, Hường.

Do người bị thi hành án không tự nguyện thi hành án, ngày 17/6/2020, vợ chồng ông Đương, bà Hồng đã gửi đơn yêu cầu thi hành án đến Chi cục THADS huyện Kim Sơn.

Ngày 23/6/2020, Chi cục THADS huyện Kim Sơn ra Quyết định thi hành án theo yêu cầu số 321/QĐ-CCTHADS và phân công cho chấp hành viên Nguyễn Tài Tuấn tổ chức thực hiện.

Sau khi tiến hành xác minh điều kiện thi hành án cho thấy, ông Hoàng Văn Chinh và bà Nguyễn Thị Vân có đủ điều kiện thi hành án nhưng không tự nguyện thi hành.

Ngày 16/7/2020, chấp hành viên Chi cục THADS huyện Kim Sơn ban hành Quyết định cưỡng chế số 03/QĐ-CCTHADS đối với ông Chinh, bà Vân.

Trong buổi cưỡng chế thi hành án ngày 29/12/2020, sau khi đọc quyết định cưỡng chế và cắt khóa căn nhà 2 tầng để bàn giao tài sản cho ông Đương, bà Hồng, chấp hành viên Nguyễn Tài Tuấn đã không thực hiện việc kiểm đếm và bàn giao tài sản trong căn nhà cho người được thi hành án, đồng thời cũng không kiểm đếm và yêu cầu người bị thi hành án di chuyển tài sản của mình ra khỏi căn nhà nói trên.

“Khi đoàn cưỡng chế đang thực hiện các thủ tục để bàn giao tài sản thì bà Vân và con gái đã có những hành vi ngăn cản, thậm chí dùng hung khí làm bị thương cả ông Đương chồng tôi. Thế nhưng, lực lượng cưỡng chế đông vậy mà không có hành động gì, nhà tôi đúng là nhận nhà trên giấy”, bà Hồng bức xúc nói.

Chi cục THADS huyện Kim Sơn cho rằng việc cưỡng chế thi hành án, bàn giao tài sản cho người được thi hành đã xong nên đã tiến hành thu phí thi hành án với số tiền 4,2 triệu đồng của ông Đương, bà Hồng.

leftcenterrightdel
Nhiều cơ quan đã có văn bản yêu cầu Chi cục THADS huyện Kim Sơn giải quyết vụ việc theo thẩm quyền. Ảnh TH 

Do không thực sự nhận được tài sản của mình, ông Đương, bà Hồng đã có đơn gửi nhiều cơ quan chức năng và nhiều cơ quan đã có văn bản chuyển đơn đề nghị Chi cục THADS huyện Kim Sơn giải quyết theo thẩm quyền, như: Văn phòng Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tổng cục Thi hành án, Tỉnh ủy Ninh Bình…

Cực chẳng đã, ông bà đã có đơn tố cáo chấp hành viên Nguyễn Tài Tuấn đến Chi cục THADS huyện Kim Sơn.

Ngày 21/10/2021, bà Trần Thị Ngọt - Chi cục Trưởng Chi cục THADS huyện Kim Sơn ban hành Kết luận nội dung tố cáo số 01/KL-CCTHADS, trong đó kết luận: Sau khi cắt khóa cửa xong, ông Nguyễn Tài Tuấn không chỉ đạo lực lượng vào nhà để thực hiện nhiệm vụ kê biên, niêm phong, không vào nhà để kê biên tài sản của người phải thi hành án và chuyển đồ vật tài sản đó ra khỏi diện tích căn nhà phải giao trả, là đúng với thực tế của buổi cưỡng chế ngày 29/12/2020.

Tại khoản 1, Điều 115 Luật Thi hành án đã quy định: “Trường hợp người phải thi hành án có nghĩa vụ trả nhà thì chấp hành viên buộc người phải thi hành án và những người khác có mặt trong nhà ra khỏi nhà, đồng thời yêu cầu họ tự chuyển tài sản ra khỏi nhà; nếu họ không tự nguyện thực hiện thì chấp hành viên yêu cầu lực lượng cưỡng chế đưa họ cùng tài sản ra khỏi nhà.

Trường hợp họ từ chối nhận tài sản, chấp hành viên phải lập biên bản ghi rõ số lượng, chủng loại, tình trạng từng loại tài sản và giao tài sản cho tổ chức, cá nhân có điều kiện bảo quản hoặc bảo quản tại kho của cơ quan thi hành án dân sự và thông báo địa điểm, thời gian để người có tài sản nhận lại tài sản”.

Lạ ở chỗ, kết luận là vậy, luật quy định là thế, nhưng bà Chi cục trưởng lại chỉ yêu cầu ông Nguyễn Tài Tuấn tiếp tục thực hiện việc kê biên tài sản của người phải thi hành án và đưa ra khỏi nhà!

Vậy là sau gần một năm thực hiện nhiệm vụ chưa xong, ông Tuấn lại được cấp trên yêu cầu thực hiện tiếp việc làm còn “dang dở”. Còn người được thi hành án thì đến nay đã hơn 2 năm sau khi bản án có hiệu lực, 2 năm sau khi yêu cầu thi hành án, 18 tháng sau khi được cưỡng chế bàn giao tài sản trên “giấy”, 8 tháng sau khi được bà Chi cục trưởng yêu cầu tiếp tục cưỡng chế thi hành án, vẫn tiếp tục “chờ” để nhận lại tài sản.

Để đảm bảo quyền lợi cho người được thi hành án (đã nộp phí thi hành án), đề nghị Cục THADS tỉnh Ninh Bình sớm tiến hành xác minh quy trình thực hiện cưỡng chế thi hành án của chấp hành viên, quy trình xử lý đơn tố cáo của Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Kim Sơn có đảm bảo quy định của pháp luật.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Trung Hà