Theo dõi Báo Thanh tra trên
Nguyễn Hồng Bài
Chủ nhật, 29/05/2022 - 07:00
(Thanh tra) - Bản án sơ thẩm số 07/DSST ngày 30/10/2018 của TAND huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình về tranh chấp quyền sử dụng đất (QSDĐ) giữa ông Bùi Văn Sơn (nguyên đơn) với ông Bùi Văn Thui (bị đơn) có hiệu lực pháp luật đã gần 4 năm. Đến nay (5/2022) bản án vẫn còn trên giấy. Bao giờ Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Tân Lạc mới thi hành xong vụ án trên?
Ông Bùi Văn Sơn (trái ảnh) đã gửi đơn lên Cục THADS tỉnh Hòa Bình, Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc, Chi cục THADS huyện Tân Lạc, nhưng vẫn chưa được giải quyết. Ảnh: HB
Vì "nể nang" nên phải ra tòa
Ông Bùi Văn Sơn (tức ông Ọm), xóm Chợ, xã Đông Lai, huyện Tân Lạc, có một mảnh đất tại khu đồi Đung Cắm, thuộc địa phận xóm Cóm, xã Đông Lai.
Mảnh đất này đã được UBND huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình cấp Giấy chứng nhận (GCN) QSDĐ số H 199629, vào sổ cấp GCN số 555/QSDĐ, ngày 20/4/1997. Thửa đất được cấp số 83, tờ bản đồ số 6, diện tích ghi trên GCNQSDĐ là 9.000m2, mục đích sử dụng: Trồng rừng, thời hạn 50 năm.
Sau khi nhận đất, gia đình ông Sơn đã khoanh nuôi bảo vệ rừng. Thời điểm đó, ông Bùi Văn Thui (SN 1965), xóm Bái Trang, xã Đông Lai có một mảnh ruộng khai hoang đang canh tác dưới chân đồi Đung Cắm gần khu đất ông Sơn.
Năm 2000, do điều kiện gia đình khó khăn; con nhỏ thường xuyên ốm đau, nhà neo đơn, lại ở cách xa khu đất nên ông Sơn không thường xuyên vào chăm sóc, trông coi khu rừng được.
Ông Thui tưởng rừng không có chủ nên đã trồng xen cây keo vào khu đất hộ ông Sơn.
Khi ông Sơn phát hiện ông Thui trồng cây vào khu đất của mình, đã gặp và thông báo. Vì ông Thui đã trồng cây lên khu đất và vì nể tình là người trong xã nên ông Bùi Văn Sơn cho mượn đất với điều kiện, sau khi thu hoạch cây, phải trả lại thửa đất.
Ông Thui đồng ý.
Năm 2015, ông Thui thu hoạch hết cây keo. Ông Sơn nhiều lần đến gặp ông Thui yêu cầu trả lại khu đất để gia đình dử dụng như đã giao ước. Tuy nhiên, ông Thui đã không thực hiện lời hứa mà còn ngang nhiên cho máy xúc san đất, đào hố trồng lứa keo mới trên thửa đất của ông Sơn.
Ông Bùi Văn Sơn khởi kiện ông Bùi Văn Thui ra tòa án huyện Tân Lạc yêu cầu hoàn trả nguyên vẹn thửa đất số 83, tờ bản đồ số 6, diện tích 9.000m2, vị trí tại đồi Đung Cắm thuộc xóm Cóm, xã Đông Lai, huyện Tân Lạc.
Ông Sơn sẽ bồi hoàn giá trị tài sản trên đất (cây keo) mà ông Thui đã cố tình trồng trên thửa đất số 83.
Sau phiên tòa, ông Bùi Văn Sơn đã bồi hoàn cho ông Bùi Văn Thui giá trị cây đã trồng.
Đã sai lại còn... "la làng"?
Trình bày trước tòa, ông Bùi Văn Thui cho rằng, nguồn gốc đất tranh chấp là đất nghĩa địa của xóm Bái Trang 1, Bái Trang 2 từ những năm 1971 - 1972 và ông mượn của xóm Bái Trang 1, Bái Trang 2 từ năm 1978 đến nay (10/2018) để trồng cây keo.
Vô lý hơn, ông Bùi Văn Thui còn đề nghị tòa án, cơ quan chức năng thu hồi GCNQSDĐ của hộ ông Bùi Văn Sơn và giao lại cho ban quản lý xóm Bái Trang 1, Bái Trang 2 làm nghĩa địa.
Tuy nhiên, tại biên bản ghi lời khai ngày 22/5/2017, ông Bùi Văn Thui khai rằng: Nguồn gốc đất (thửa 83) là do bố mẹ ông khai phá và sử dụng từ năm 1978 đến nay. Nay bố đã chết, mẹ già yếu nên ông trực tiếp sử dụng.
Có điều, khi tòa yêu cầu đưa ra bằng chứng thì ông Thui không có giấy tờ gì chứng minh “mượn” đất của xóm Bái Trang 1, Bái Trang 2 và không chứng minh được thửa đất ông Sơn sử dụng là do bố mẹ ông khai phá.
Ông Bùi Văn Sơn cho biết, chấp hành bản án mà hội đồng xét xử đã tuyên, ông đã nộp đủ số tiền 11.012.400 đồng bồi hoàn giá trị cây keo ông Thui đã trồng và được sở hữu toàn bộ số cây keo ông Bùi Văn Thui đã trồng trên đất. Số tiền trên ông Sơn đã nộp cho Chi cục THA huyện Tân Lạc.
Vậy nhưng, gần 4 năm trôi qua, Chi cục THA huyện Tân Lạc vẫn chưa thi hành xong bản án. Đây chính là nguyên cớ để ông Bùi Văn Thui không hoàn trả lại đất cho ông Sơn, mà còn ngang nhiên khai thác cây keo trên thửa đất mà ông Sơn đã có quyền sử dụng.
Những căn cứ pháp lý của thửa đất
Thực hiện Nghị định số 02-CP ngày 15/1/1994 của Chính phủ “v/v giao đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp”, ngày 30/9/1995, ông Bùi Văn Sơn làm đơn xin cấp đất rừng tại khu đồi Đung Cắm - giáp ranh giữa xóm Cóm và xóm Bái Trang, xã Đông Lai.
Ngày 20/4/1997, UBND huyện Tân Lạc đã cấp GCNQSDĐ cho ông Bùi Văn Sơn.
Các ông Bùi Đức Phương (cán bộ quản lý ruộng đất xã Đông Lai), Bùi Văn Dưm (Chủ nhiệm HTX Xóm Cóm) là những người đã tham gia tổ công tác giao đất, giao rừng, khẳng định: Tổ công tác trực tiếp giao thửa đất số 83, khu đồi Đung Cắm, vị trí khu đất hiện đang tranh chấp, cho ông Bùi Văn Sơn. Việc giao đất được căn cứ vào bản đồ lập sẵn của Hạt Kiểm lâm huyện. Tại thời điểm giao đất, trên khu đất có vài ngôi mộ, nhưng không phải là nghĩa trang. Khi đó, hộ ông Thui có thửa ruộng dưới chân đồi Đung Cắm chứ không có đất lâm nghiệp.
Tòa án huyện Tân Lạc xác minh tại Hạt Kiểm lâm huyện, cho thấy: Khi giao đất cho ông Bùi Văn Sơn (1997), khu đất đó không thuộc đất nghĩa trang mà là đất giao đất trồng rừng. Theo bản đồ quy hoạch 3 loại đất rừng huyện Tân Lạc, thửa đất số 83 của ông Sơn là đất rừng phòng hộ đầu nguồn và chưa chuyển đổi mục đích sử dụng.
UBND xã Đông Lai xác định, có thời gian gia đình ông Bùi Văn Sơn không sử dụng đất nhưng chưa bị cơ quan có chức năng thu hồi GCNQSDĐ. Hiện nay thuộc diện tích quy hoạch làm nghĩa trang của xã Đông Lai.
Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tân Lạc, thửa đất số 83 của ông Bùi Văn Sơn đúng vị trí trong bản đồ giao đất, giao rừng theo Nghị định 02-CP của Chính phủ. Tuy nhiên theo bản đồ quy hoạch tổng thể về SDĐ xã Đông Lai (quy hoạch nông thôn mới), thì thửa đất đã cấp cho ông Sơn thuộc diện tích đất nghĩa trang của xã Đông Lai. Quy hoạch đã được UBND huyện Tân Lạc phê duyệt tại Quyết định số 1957/QĐ-UBND ngày 31/12/2011. Hiện tại, khu đất ông Sơn vẫn thuộc rừng phòng hộ theo tài liệu quy hoạch 3 loại rừng xã Đông Lai. Như vậy, UBND xã Đông Lai đã quy hoạch nghĩa trang vào đất rừng phòng hộ!
Tại Công văn số 804/UBND-KT, ngày 19/9/2018 của UBND huyện Tân Lạc có nêu: Từ năm 2011 đến nay (2018), UBND xã Đông Lai chưa đăng ký nhu cầu SDĐ xây dựng nghĩa địa xã. Do đó, diện tích đất quy hoạch mở rộng nghĩa địa của xã Đông Lai chưa nằm trong kế hoạch thu hồi đất của huyện.
UBND huyện Tân Lạc khẳng định: “Căn cứ khoản 2 Điều 29 Luật Đất đai 2003, khoản 2 Điều 49 Luật Đất đai 2013, nếu việc SDĐ của hộ ông Bùi Văn Sơn không vi phạm pháp luật thì vẫn tiếp tục sử dụng”.
Từ những tài liệu trên đã chứng minh, ông Bùi Văn Sơn là người quản lý sử dụng thửa đất số 83, bản đồ số 6 tại đồi Đung Cắm, xã Đông Lai là hợp pháp.
Hội đồng xét xử sơ thẩm TAND huyện Tân Lạc tuyên xử: Ông Bùi Văn Thui có nghĩa vụ trả lại cho ông Bùi Văn Sơn diện tích đất đã chiếm dụng tại thửa số 83, thuộc tờ bản đồ số 6, tại xóm Cóm, xã Đông Lai. Ông Bùi Văn Sơn có nghĩa vụ bồi hoàn cho ông Bùi Văn Thui giá trị cây keo ông Thui đã trồng và ông Sơn được sở hữu toàn bộ số cây keo mà ông Thui đã trồng trên đất. Đây là bản án thấu tình, đạt lý.
Sau khi ban hành Quyết định THA bản án số 07/DSST ngày 30/10/2018 của Tòa án huyện Tân Lạc, “Chi cục THADS huyện Tân Lạc đã tiến hành các thủ tục theo quy định. Do còn một số quan điểm chưa thống nhất với bản án nên việc tổ chức THA bị chậm. Việc tổ chức cần có ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo THADS huyện Tân Lạc. Chi cục THADS đang chờ ý kiến chỉ đạo thống nhất quan điểm của Ban Chỉ đạo THADS…”. Đây là ý kiến của chấp hành viên Hoàng Trọng Lộc, Chi cục THADS huyện Tân Lạc trả lời trực tiếp kiến nghị của ông Bùi Văn Sơn về việc chậm thi hành bản án trên.
Bao giờ Ban Chỉ đạo THADS huyện Tân Lạc mới thống nhất được quan điểm? Và, ông Bùi Văn Sơn phải đợi đến bao giờ?
Câu trả lời xin gửi đến Chi cục THADS huyện Tân Lạc.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Theo đại diện quán nhậu Tự Do, hiện trạng bàn nhậu lấn chiếm vỉa hè có thể do khách kê ra. Còn chính quyền thường xuyên nhắc nhở, có những thời điểm đã bị phạt hành chính. Ở khía cạnh khác, nếu nhìn vào con số tăng trưởng về nguồn vốn, tài sản, doanh thu của chủ sở hữu hệ thống quán nhậu Tự Do, có thể lý giải được phần nào việc đơn vị này thường xuyên vi phạm.
Thanh Giang - Trang Nhung
08:00 21/11/2024(Thanh tra) - Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành, kết quả kiểm tra 17 trạm trộn bê tông thương phẩm và trạm trôn bê tông nhựa nóng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, thì có đến 16 trạm có nhiều lỗi vi phạm, bị xử lý buộc tháo dỡ, di dời, hoặc tạm dừng hoạt động để hoàn thiện hồ sơ, nhưng riêng trạm trộn bê tông tươi Trường An thì không phải dừng hoạt động.
Thành Nam
18:43 20/11/2024Đan Quế - Lê Phương - Phương Anh
08:00 20/11/2024Nam Dũng
07:30 20/11/2024Công Thắng - Bạch Vân
07:30 20/11/2024Đan Quế - Lê Phương - Phương Anh
10:09 19/11/2024Hương Giang
Lê Hữu Chính
Thanh Lương
Thái Hải
Thái Hải
LA
Phương Anh
Công Thắng - Bạch Vân