Trong đơn ông Thuật trình bày, gia đình có mảnh đất diện tích khoảng 8.200m2 tại thửa số 1, số 6, số 7 tờ bản đồ địa chính E117-IV; địa chỉ tổ 18, khu phố 7, đường Trần Thánh Tông, phường 3, thành phố Đà Lạt có nguồn gốc mua lại của bà Phạm Thị Hường vào năm 1990. Khi mua hiện trạng đất là cây ăn trái và trên đất đã tồn tại 1 căn nhà tạm. Việc mua bán có lập giấy viết tay, có xác nhận của tổ dân phố. Hiện, đất được gia đình quản lý và sử dụng ổn định đến nay.

Quá trình sử dụng đất ông Thuật có trồng thêm cây trái và xây thêm nhà trên đất.

Ngày 26/5/2005, gia đình ông Thuật nhận được Quyết định thu hồi đất số 1033/QĐ-UB của UBND thành phố Đà Lạt về việc giải tỏa lấn chiếm đất rừng đặc dụng.

Từ khi có quyết định trên, ông Thuật đã gửi đơn để được giải quyết việc công nhận quyền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên ông không được UBND thành phố giải quyết.

Trong số diện tích khoảng 8.200m2, hiện nay Nhà nước đã thu hồi hoảng 2.500m2 để xây dựng làm nhà máy nước từ năm 2009 nhưng nhà máy nước đến nay chưa hoạt động.

Ông Thuật cho biết: “Nhà máy nước nay đã bán lại cho người khác, cụ thể ai thì không rõ. Thời điểm này gia đình không được bồi thường bất cứ khoản tiền hay bố trí đất tái định cư nào”.

Đến tháng 10/2019, gia đình ông Thuật nhận được Quyết định số 4516/QĐ-UBND ngày 18/10/2019 của UBND thành phố Đà Lạt về việc phê duyệt chi phí bồi thường hỗ trợ bổ sung do thu hồi đất thuộc dự án khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm và Quyết định số 4517/QĐ-UBND ngày 18/10/2019 của UBND thành phố Đà Lạt về việc điều chỉnh Quyết định số 394/QĐ-UBND ngày 6/3/2009 của UBND thành phố Đà Lạt về việc thu hồi đất của gia đình ông Thuật.

Gia đình ông Thuật không đồng ý với việc thu hồi đất của UBND thành phố Đà Lạt mà đề nghị phải được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì đất có nguồn gốc là do gia đình mua của bà Hường năm 1/1/1990, đã sử dụng ổn định, lâu dài, không có tranh chấp với ai từ thời điểm đó đến nay.

Do không được UBND thành phố chấp nhận, ông Thuật đã khởi kiện, đề nghị tòa án hủy các quyết định của UBND thành phố Đà Lạt đã ban hành đối với thửa đất của gia đình đang sử dụng.

Ngày 18/4/2022, Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã đưa ra xét xử vụ án khiếu kiện quyết định hành chính trong quản lý Nhà nước về đất đai giữa ông Thuật và UBND thành phố Đà Lạt. Sau đó, Tòa án nhân dân tỉnh đã bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Thuật về việc hủy các quyết định của UBND thành phố Đà Lạt.

Không đồng tình về bản án sơ thẩm do UBND tỉnh Lâm Đồng xét xử, ông Thuật tiếp tục kháng cáo lên Tòa án nhân dân Cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh và được thụ lý.

Luật sư Nguyễn Văn Túy, Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, việc ban hành Quyết định 4517/QĐ-UBND của UBND thành phố Đà Lạt ngày 18/10/2019 không đúng quy định của pháp luật.

Cụ thể, Quyết định 394/QĐ-UBND ngày 06/03/2009 ban hành căn cứ vào Luật Đất đai 2003 và Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004. Tại thời điểm ban hành Quyết định 4517/QĐ-UBND ngày 18/10/2019, Luật Đất đai 2003 và Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 không còn hiệu lực thi hành nữa.

Do vậy, nếu ra quyết định thu hồi 2.914,2m2 đất nằm ngoài Quyết định 394 năm 2009 mà hộ ông Phan Thành Thuật đang sử dụng, thì UBND thành phố Đà Lạt phải căn cứ quy định tại Điều 62, Điều 66, Điều 67, Điều 69 của Luật Đất đai năm 2013 để ban hành quyết định thu hồi đất với 2.914,2m2 đất thu hồi thêm. Không thể điều chỉnh Quyết định 394/QĐ-UBND ngày 06/03/2009 bằng Quyết định 4517/QĐ-UBND ngày 18/10/2019.

Ngoài ra, Quyết định số 394 năm 2009 của UBND thành phố Đà Lạt thu hồi 5.292,2m2 đất của hộ ông Phan Thành Thuật để thực hiện dự án xây dựng khu du lịch sinh thái Tuyền Lâm đã ban hành 10 năm trước (năm 2009), nhưng chưa được thực hiện; theo quy định tại Khoản 3 Điều 49 Luật Đất đai năm 20013 thì đến năm 2019 UBND thành phố Đà Lạt phải rà soát hủy bỏ hoặc ban hành quyết định thu hồi đất mới.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 69 Luật Đất đai năm 2013 thì quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải ban hành trong cùng một ngày.

Như vậy, UBND thành phố Đà Lạt giữ nguyên nội dung Quyết định số 394/QĐ-UBND ngày 06/03/2009 thu hồi 5.292,2m2 đất của hộ ông Phan Thành  Thuật, làm căn cứ phê duyệt phương án đền bù, hỗ trợ, tái định cư cho hộ ông Thuật tại Quyết định  4517/QĐ-UBND ngày 18/10/2019 của UBND thành phố Đà Lạt trái với quy định tại Khoản 3, Điều 49, Khoản 3, Điều 69 Luật Đất đai năm 2013. Theo quy định tại các khoản trên, UBND thành phố Đà Lạt phải ban hành quyết định mới thu hồi 5.292,2m2 thay thế Quyết định 394/QĐ-UBND ngày 06/03/2009 làm căn cứ để ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Bên cạnh đó, trong bảng chiết tính bồi thường, hỗ trợ (bổ sung) do thu hồi đất thuộc công trình khu du lịch Tuyền Lâm, phường 3, TP. Đà Lạt (kèm theo Quyết định 4516/QĐ-UBND ngày 18/10/2019 của UBND thành phố Đà Lạt cũng có những sai phạm.

Trong diện tích 4.610,4m2 thuộc thửa đất số 6 và một phần thửa đất số 7-TBĐ số 37, phường 3, thành phố Đà Lạt không được đền bù, do UBND thành phố nhận định đây là đất gia đình ông lấn chiếm rừng phòng hộ (theo Quyết định 1033/QĐ-UBND ngày 26/5/2005 của UBND thành phố Đà Lạt).

Nhưng trong văn bản trình bày ý kiến của UBND thành phố Đà Lạt số 6723/UBND-NC ngày 21/10/2021 thì đại diện Hạt kiểm lâm (ông Nguyễn Khoa Quốc) trình bày Chi cục kiểm lâm không xác định được vị trí diện tích 5.076m2 mà ông Thuật xâm chiếm đất rừng để sử dụng vào mục đích khác có thuộc thửa đất số 6 và một phần thửa đất số 7 - TBĐ 37 phường 3, TP Đà Lạt hay không. Các cơ quan Nhà nước cũng không hề có văn bản gì về xử lý vi phạm hành chính đối với hộ ông Thuật tại thời điểm ông Thuật bắt đầu sử dụng diện tích đất này.

Cho nên không có cơ sở xác định hộ ông Thuật lấn chiếm đất của Chi cục kiểm lâm.

Ngoài ra, đối với 3.596,0 m2 thuộc một phần thửa đất số 01 - TBĐ 37, phường 3, thành phố Đà Lạt, UBND thành phố cũng không đền bù cho hộ gia đình ông Thuật vì UBND TP Đà Lạt nhận định đất này có nguồn gốc ông Phan Thành Thuật lấn chiếm từ năm 1998 (bỏ hoang, không canh tác và không sử dụng đến nay). Nhận định này cũng không có căn cứ pháp luật vì các cơ quan Nhà nước cũng không hề có văn bản gì về xử lý vi phạm hành chính đối với hộ gia đình ông Thuật tại thời điểm ông Thuật bắt đầu sử dụng diện tích đất này. Thực tế thì ông Thuật đã tự khai hoang đất để sử dụng trước ngày 15/10/1993.

Như vậy, không có cơ sở xác định hộ ông Thuật lấn chiếm đất công. Mà hộ ông Thuật sử dụng diện tích đất này thuộc trường hợp quy định tại Điều 101 Luật Đất đai và Điều 20 Nghị định 43/2014/NĐ-CP Sử dụng đất trước 15/10/1993 nhưng không có giấy tờ về quyền sử dụng đất.

Chính Bình