Theo trình bày của ông Nguyễn Khắc Mạnh (sinh năm 1973, trú tại thôn Kim Bí, xã Tiên Phong), thửa đất số 08, tờ bản đồ số 1, do vợ chồng ông quản lý, sử dụng có nguồn gốc do bố, mẹ ông là Nguyễn Khắc Triển khai hoang từ đầu những năm 1980, có diện tích là 6.201m2 (theo bản đồ giải phóng mặt bằng (GPMB) điều chỉnh ngày 6/7/2020).

Đến khoảng năm 1992, khi ông Mạnh kết hôn thì bố, mẹ giao cho quản lý, sử dụng. Thửa đất này không tranh chấp với ai và cũng không có bất kỳ cán bộ nào của thôn, xã đến trao đổi, thông báo thửa đất này là đất công ích (đất quỹ II) do UBND xã Tiên Phong quản lý.

Trong suốt quá trình gia đình chăn nuôi, trồng cấy, thậm chí 3 - 4 lần xây dựng nhà cửa, trang trại cũng không thấy cán bộ của xã, huyện đến kiểm tra, xử lý.

Thậm chí, sau khi có thông báo chủ trương thu hồi đất của gia đình vào năm 2011 của huyện Ba Vì, sau nhiều năm Nhà nước không tiến hành đền bù GPMB, cuộc sống khó khăn, gia đình ông Mạnh đã vay mượn để làm nhà, làm chuồng trại để chăn nuôi phát triển kinh tế, cũng không có bất kỳ động thái xử lý nào của cơ quan quản lý Nhà nước.

Trong buồn bã, ông Mạnh chia sẻ: Bản thân tôi, do tai nạn mà mất đi một chân, cả gia đình chỉ trông vào thu nhập từ chăn nuôi và trồng chọt trên mảnh đất này. Hiện nay, do chăn nuôi thất bại, nhà tôi còn đang nợ hơn tỷ đồng mà chưa biết trông vào đâu. Nay Nhà nước thu hồi đất, lấy hết nhà cửa, không biết rồi vợ chồng, con cái chúng tôi sẽ ở đâu.

Để có thêm thông tin, phóng viên đã đến làm việc với ông Đỗ Đình Trưởng - Chủ tịch UBND xã Tiên Phong và được cho biết: Hiện theo thẩm quyền, xã đang thụ lý giải quyết đơn khiếu nại của gia đình anh Mạnh. Về nguồn gốc đất của gia đình anh Mạnh, hiện xã không có hồ sơ nào để xác định chính xác mà dựa trên một số tài liệu như: Bản đồ 299 (đo vẽ năm 1987), văn bản lưu tại Hạt Kiểm lâm huyện Ba Vì, biên bản xác minh cộng đồng dân cư. Xã cũng đang phối hợp với các ban, ngành để xác minh làm rõ nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước cũng như người dân.

Qua tài liệu do UBND xã Tiên Phong cung cấp, thì thửa đất nhà ông Mạnh theo bản đồ 299 gồm các thửa số 88; 89; 90; 91; 92; 93; 139; 140 (tờ bản đồ số 9) có diện tích hơn 5,1 nghìn m2, trong đó: có 1.162m2 ghi ký hiệu H (đất hoang), 128m2 không ghi loại đất, còn lại là đất 1L (1 lúa).

Còn hồ sơ lưu trữ do Hạt Kiểm lâm huyện Ba Vì cung cấp gồm: Đơn đề nghị của UBND xã Tiên Phong gửi UBND huyện và Hạt Lâm nghiệp huyện Ba Vì, ngày 3/4/1995; biểu kiểm kê rừng trồng vườn hộ; sơ đồ quản lý và bảo vệ rừng xã Tiên Phong, tỷ lệ 1:10.000. Trong đó có ghi hộ ông Triển + Táo, lô D1 khu Gò Mỹ có diện tích 2ha.

Đến đây phát sinh vấn đề cần phải xác minh làm rõ là: Thứ nhất, đơn đề nghị này do xã Tiên Phong tự thống kê để gửi huyện và Hạt Lâm nghiệp thì liệu có phải là văn bản đủ tính pháp lý để chứng minh nguồn gốc đất của nhà ông Mạnh là đất do UBND xã quản lý? Thứ 2, trong đơn UBND xã Tiên Phong khẳng định đã trực tiếp đi kiểm tra, vậy cần xác minh xem khu Gò Mỹ có rộng đến 2ha như số liệu ghi trong đơn đề nghị của UBND xã?

Để xác minh nguồn gốc đất, xã đã tiến hành lấy ý kiến của cộng đồng dân cư và nguyên lãnh đạo xã, thôn và hợp tác xã qua các thời kỳ. Trong đó, có một số ý kiến cho rằng, năm 1990, gia đình ông Mạnh có hợp đồng trồng rừng PAM và sau đó có nhận thầu khoán, nhưng hiện nay không còn hợp đồng để chứng minh. Ngoài ra, có nguyên lãnh đạo thôn, hợp tác xã các thời kỳ sau đó có ý kiến rằng không được nhận bàn giao quản lý diện tích đất nhà ông Mạnh.

Đồng thời, nhiều người dân tham gia ý kiến đều cho rằng diện tích đất gia đình ông Mạnh quản lý, sử dụng là do phát hoang từ trước năm 1993.

Ông Mạnh nói: “Biết bao mồ hôi, nước mắt, ba thế hệ nhà tôi mới xây dựng nên cơ nghiệp này. Giờ cầm bản quyết định cưỡng chế thu hồi đất mà tôi không biết phải làm sao. Số tiền Nhà nước chi trả không đủ trả một phần nợ nần, giờ nhà cửa bị phá dỡ thì gia đình không biết phải ở đâu. Chúng tôi là người dân, kém hiểu biết, chỉ biết chăm chỉ làm ăn, có biết gì đến làm thủ tục giấy tờ gì đâu mà xã bảo gia đình tôi có hồ sơ, tài liệu chứng minh nguồn gốc đất, đến UBND xã còn không có cơ mà”.

Theo các chính sách hiện hành về quản lý, sử dụng đất, thì từ sau Luật Đất đai 1993 ra đời đến nay đã có nhiều lần tiến hành thống kê, đo vẽ bản đồ, quy chủ về đất đai, rồi dồn điền, đổi thửa, chả nhẽ chưa một lần mảnh đất nhà ông Mạnh được gọi tên, quản lý?

Thiết nghĩ, để quyền lợi người dân được đảm bảo một cách tối đa, đề nghị UBND huyện Ba Vì giao cho cơ quan chuyên môn giúp UBND xã Tiên Phong tiến hành xác minh làm rõ hộ gia đình ông Nguyễn Khắc Mạnh đã quản lý thửa đất này từ khi nào, quá trình sử dụng đất có tranh chấp với ai và có bị xử lý gì hay không, để có kết luận chính xác nhất về quyền quản lý.

Trung Hà