Theo dõi Báo Thanh tra trên
Ngân Nga
Thứ bảy, 06/01/2024 - 21:07
(Thanh tra) - Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (GCN) số 5997 cấp ngày 29/7/2003 tại địa chỉ số 11 đường Tân Thới Nhất 1A, phường Tân Thới Nhất, quận 12 của hộ ông Trần Đức Khâm có diện tích 1.622,6m2 đất ở nhưng UBND quận 12 tính diện tích bồi thường chỉ hơn 70,7m2 đất ở. Giá đền bù bình quân chưa đến 500.000 đồng cho 1m2 đất ở.
Với hơn 1.600m2 diện tích đất ở nằm vị trí đắc địa tại đô thị nhưng UBND quận 12 chỉ bồi thường hơn 800 triệu đồng. Ảnh: Ngân Nga
Bồi thường giá đất rẻ như cho
Theo phản ánh của ông Trần Đức Khâm (trú tại 163 đường Chấn Hưng, phường 6, quận Tân Bình, TP HCM), gia đình là chủ sở hữu và sử dụng nhà đất tại thửa đất số 382-2, tờ bản đồ số 4H, địa chỉ số 11 đường Tân Thới Nhất 1A, phường Tân Thới Nhất, quận 12 theo GCN 5997 cấp ngày 19/7/2003, là một trong những hộ bị ảnh hưởng bởi Dự án Đầu tư xây dựng khu tái định cư và Depot Tham Lương. Dự án được UBND TP HCM phê duyệt năm 2004.
Ngày 19/2/2020, gia đình ông được Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) quận 12 thông báo Quyết định 158/QĐ-UBND-BT ngày 13/1/2020 của UBND quận 12 về việc bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và bàn giao mặt bằng.
Khi nhận được quyết định, gia đình rất hoang mang bởi có quá nhiều điểm bất thường trong việc thu hồi và bồi thường, không phù hợp pháp luật, ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình. Đó là diện tích được bồi thường không đúng với diện tích được công nhận theo GCN số 5997 cấp ngày 19/7/2003. Đơn giá bồi thường quá thấp, UBND quận 12 ban hành quyết định bồi thường vào năm 2020 nhưng áp dụng phương án bồi thường năm 2004.
Không những thế, UBND quận 12 không bồi thường đầy đủ nhà ở, công trình, kiến trúc, hiện vật trên đất và còn khấu trừ tiền sử dụng đất trong khi ông Khâm đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính tại thời điểm được cấp GCN năm 2003.
Thửa đất của ông Khâm có diện tích 1.622,6 m2 đất ở nhưng UBND quận 12 chỉ đền bù 70,7m2 đất ở với giá 4.400.000/m2. Diện tích đất ở còn lại, UBND quận 12 áp giá đất trồng cây hàng năm với giá 385.000/m2. Tổng giá trị đền bù hơn 1.600m2 diện tích đất ở ông Khâm chỉ nhận được 845.000.000 đồng. Giá trị tài sản trên đất 120.000.000 đồng. Tổng toàn bộ số tiền bồi thường đất ở, nhà ở và hỗ trợ lãi suất chỉ hơn 3 tỷ đồng.
Ông Khâm cho rằng, với hơn 1.600m2 đất ở đô thị, mặt tiền đường lớn, nằm ở vị trí đắc địa, trung tâm phường Tân Thới Nhất nhưng gia đình chỉ nhận được hơn 3 tỷ đồng, một cái giá rẻ mạt như cho. Điều đó thể hiện UBND quận 12 cố tính áp đặt, thiếu công bằng và dấu hiệu làm trái quy định pháp luật.
Điều ngạc nhiên, UBND quận 12 căn cứ vào phương án bồi thường năm 2004 để áp giá bồi thường, nhưng lại không căn cứ theo diện tích thực tế trong GCN hợp pháp được công nhận ở thời điểm năm 2004 mà dựa vào quyết định thu hồi GCN năm 2018 để khấu trừ diện tích đất ở.
Đáng nói hơn, Quyết định 1151/QĐ-UBND-TNMT ngày 19/12/2018 do Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Đức UBND quận 12 (nay là Chủ tịch) ký ban hành là một quyết định không có cơ sở pháp luật, đã được TAND TP HCM và TAND Cấp cao tại TP HCM yêu cầu hủy bỏ.
Ông Khâm chia sẻ: “GCN thửa đất trên của chúng tôi hoàn toàn hợp pháp, được Nhà nước công nhận, nếu UBND quận 12 căn cứ phương án bồi thường năm 2004 thì phải căn cứ vào diện tích đất được công nhận trên GCN 5997 cấp ngày 29/7/2003 của gia đình tôi, bởi thời điểm đó thửa đất 5997 chưa bị thu hồi, đang còn hiệu lực pháp luật”.
Ông Khâm đã nhiều lần khiếu nại yêu cầu bồi thường theo diện tích thực tế là 1.622,6m2 đất ở như trong GCN nhưng không được chấp nhận. Quận đưa ra lý do GCN của ông bị thu hồi tại Quyết định 1151/QĐ-UBND-TNMT ngày 19/12/2018.
Ông Khâm cho rằng, lý do đó hết sức vô lý, bởi thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong Dự án Đầu tư xây dựng tái định cư Depot Tham Lương là năm 2004, theo quy định phải căn cứ vào hồ sơ pháp lý của người có đất bị thu hồi tại thời điểm năm 2004 chứ không thể căn cứ vào quyết định năm 2018. Chưa kể quyết định đó đã được tòa án phát quyết là không có cơ sở pháp luật.
“Tại thời điểm lập phương án bồi thường năm 2004, GCN của chúng tôi chưa bị thu hồi bởi Quyết định 1151/QĐ-UBND-TNMT ngày 19/12/2018 của UBND quận 12, nên vẫn còn hiệu lực pháp luật và phù hợp với điểm a Mục 1 Phần III về điều kiện để nhận bồi thường và không bồi thường thiệt hại về đất của phương án bồi thường quy định “a. có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của luật đất đai”. Chúng tôi không hiểu lý do gì khiến UBND quận 12 tính giá đất trên phương án bồi thường năm 2004 nhưng không căn cứ vào GCN ở thời điểm năm 2004 mà căn cứ vào quyết định năm 2018?”, ông Khâm búc xúc.
Phải chăng UBND quận 12 đo đếm, áp giá bồi thường một cách tùy tiện cho các hộ dân bị ảnh hưởng tại Dự án Khu tái định cư và Depot Tham Lương?
UBND căn cứ phương án bồi thường của 20 năm trước
Mặc dù phương án bồi thường, hỗ trợ thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng tái định cư và Depot Tham Lương được điều chỉnh nhiều lần, lần cuối cùng là năm 2019, nhưng với phần đất của ông Khâm được UBND quận 12 áp dụng phương án bồi thường năm 2004.
Tiến trình điều chỉnh, tại Quyết định 158/QĐ-UBND-BT ngày 13/1/2020, UBND quận 12 căn cứ vào Phương án giá số 1985/PA-BTGT ngày 22/12/2004 về việc bồi thường hỗ trợ và tái định cư trong Dự án Khu tái định cư và Depot Tham Lương và Quyết định 436/QĐ-UB ngày 22/12/2004 của Chủ tịch UBND quận 12 về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư trong Dự án Đầu tư xây dựng tái định cư và Depot Tham Lương, phường Tân Thới Nhất, quận 12.
Thực tế, phương án bồi thường dự án này được UBND quận 12 điều chỉnh nhiều lần, phương án lần đầu được phê duyệt tại Quyết định 436/QĐ-UB ngày 22/12/2004, đến năm 2008 UBND quận 12 chấp thuận điều chỉnh phương án bồi thường tại Công văn 4642/UBND-ĐTMT ngày 23/7/2008 đối với đất ở và Công văn 5844 ngày 18/9/2008 đối với đất nông nghiệp.
Năm 2013, UBND quận 12 ban hành Quyết định 412/QĐ-UBND-BT ngày 19/3/2013 về việc điều chỉnh, bổ sung phương án bồi thường.
Đến năm 2019, UBND quận 12 một lần nữa ban hành thêm 2 quyết định điều chỉnh: Quyết định số 3363/QĐ-UBND-BT ngày 28/5/2019 và Quyết định số 4246/QĐ-UBND-BT ngày 9/7/2019 về việc điều chỉnh một phần Quyết định 412/QĐ-UBND-BT ngày 19/3/2013.
Mặc dù phương án bồi thường được UBND quận 12 điều chỉnh nhiều lần, nhưng với hộ ông Khâm, quận áp dụng phương án bồi thường năm 2004. Điều đáng nói, quận 12 không căn cứ vào GCN của ông Khâm ở thời điểm năm 2004 mà cho rằng GCN bị thu hồi năm 2018.
Giải thích về vụ việc, UBND quận 12 cho rằng, tại thời điểm ban hành Quyết định 158/QĐ-UBND-BT ngày 13/1/2020 về việc bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và bàn giao mặt bằng đối với hộ ông Khâm, phần đất bị ảnh hưởng của ông Khâm không có GCN do bị thu hồi và hủy bỏ. Căn cứ xác minh nguồn gốc, quá trình sử dụng đất của UBND phường Tân Thới Nhất, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận tham mưu bồi thường đối với diện tích đất ở là 70,7m2 là phù hợp với phương án bồi thường. Phần diện tích đất còn lại, UBND quận 12 căn cứ vào hồ sơ trước khi được cấp GCN.
Thật nghịch lý, mặc dù tòa án các cấp đã từng khẳng định, diện tích đất của ông Khâm đã được chính UBND quận 12 công nhận 100% đất ở (1.622,6m2), GCN được cấp phù hợp với quy định pháp luật ở thời điểm đó, đã hoàn thành nghĩa vụ thuế đầy đủ. Nhiều năm qua GCN ông Khâm sử dụng hợp pháp. Thế nhưng, UBND quận 12 không căn cứ vào diện tích đất thực tế đã được công nhận trên GCN để tính giá trị bồi thường mà căn cứ vào hồ sơ trước khi cấp GCN?
Như Báo Thanh tra đã phản ánh, mặc dù TAND TP HCM và TAND Cấp cao tại TP HCM phán quyết UBND quận 12 ban hành Quyết định 1151/QĐ-UBND-TNMT ngày 19/12/2018 về việc thu hồi GCN số 5997 cấp ngày 29/7/2003 của hộ ông Trần Đức Khâm là không có cơ sở pháp luật và yêu cầu hủy bỏ quyết định trên.
Thế nhưng, UBND quận 12 bất chấp phán quyết của tòa án, bỏ qua Quyết định 1151, ngày 15/9/2023, Phó Chủ tịch Nguyễn Minh Chánh tiếp tục ban hành Quyết định số 4572/QĐ-UBND về việc thu hồi sổ đỏ số 5997 nêu trên với những lý do khác tương tự.
Liên quan đến việc thi hành bản án trên, ngày 29/11/2023, UBND quận 12 phản hồi với Báo Thanh tra, quận nhận thấy đã chấp hành theo bản án của tòa án, đồng thời có văn bản kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Đồng thời, đã có Công văn 6504/UBND-TNM ngày 15/9/2023 kiến nghị UBND TP giải quyết một số vướng mắc đối với hộ ông Khâm liên quan đến Dự án Khu tái định cư và Depot Tham Lương.
Ông Khâm cho rằng, thực tế UBND quận 12 chưa hề thực hiện việc thi hành bản án, bởi quận này cố tình ban hành quyết định mới thay thế quyết định đã bị tòa án phán quyết hủy bỏ.
Ngày 5/1/2024, TAND TP HCM đã tiếp nhận đơn yêu cầu của ông Trần Đức Khâm về việc bắt buộc thi hành án hành chính theo Bản án số 693/HCPT ngày 17/8/2023 của TAND Cấp cao tại TP HCM.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành, kết quả kiểm tra 17 trạm trộn bê tông thương phẩm và trạm trôn bê tông nhựa nóng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, thì có đến 16 trạm có nhiều lỗi vi phạm, bị xử lý buộc tháo dỡ, di dời, hoặc tạm dừng hoạt động để hoàn thiện hồ sơ, nhưng riêng trạm trộn bê tông tươi Trường An thì không phải dừng hoạt động.
Thành Nam
18:43 20/11/2024(Thanh tra) - Như bài viết trước chúng tôi đã đề cập, năm 2017, Công ty Dương Minh được độc quyền nhập khẩu, phân phối các sản phẩm của Obagi Hoa Kỳ. Tháng 9/2017, Công ty Dương Minh chính thức được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế Việt Nam cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với các sản phẩm Obagi và cũng chính thức trở thành nhà nhập khẩu phân phối độc quyền các sản phẩm Obagi ở thị trường Việt Nam.
Đan Quế - Lê Phương - Phương Anh
08:00 20/11/2024Nam Dũng
07:30 20/11/2024Công Thắng - Bạch Vân
07:30 20/11/2024Đan Quế - Lê Phương - Phương Anh
10:09 19/11/2024Nam Dũng
10:11 16/11/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương