Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kỳ II: Đánh giá tác động môi trường thiếu đường dây tải điện, đúng hay sai?

Văn Thanh - Xuân Thống

Thứ năm, 02/11/2023 - 10:51

(Thanh tra)- Liên quan đến Dự án Thủy điện La Trọng ở tỉnh Quảng Bình, mới đây, Trung tâm Nghiên cứu Kiến thức bản địa và Phát triển (CIRD) đóng ở thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa đã có văn bản “phản biện” về bản đánh giá tác động môi trường của dự án này gửi đến các cơ quan Trung ương và địa phương để yêu cầu làm rõ những tác động mà thủy điện sẽ gây ra khi đi vào hoạt động.

Đánh giá tác động môi trường thiếu đường dây tải điện 110kV từ Nhà máy Thủy điện La Trong đến thị trấn Đồng Lê là đúng hay sai? Ảnh: Xuân Thống

Những ý kiến phản hồi về bản ĐTM Thủy điện La Trọng

Dự án Nhà máy Thủy điện La Trọng được báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) do cơ quan tư vấn là Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Quảng Bình lập. Hồ sơ ĐTM chính thức được UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt tại Quyết định số 1144/QĐ-UBND ngày 30/5/2007.

Năm 2009, chủ đầu tư Công ty Trường Thịnh đã xin thay đổi thiết kế kỹ thuật từ đập đá đổ bản mặt sang đập bê tông trọng lực RCC và thay đổi tăng công suất từ 18 lên 22 Mw. Chủ dự án phải lập báo cáo ĐTM bổ sung và báo cáo ĐTM bổ sung đã được phê duyệt tại Quyết định 1807/QĐ- UBND ngày 29/7/2010. Tuy nhiên, đến nay, hết tháng 10/2023, dự án vẫn chưa hoàn thành hạng mục đường dây tải điện, đồng nghĩa chưa thể đưa vào vận hành phát điện.

Liên quan đến bản đánh giá ĐTM của Dự án Thủy điện La Trọng, mới đây CIRD, một đơn vị bị ảnh hưởng bởi đất rừng khi triển khai đường dây tải điện của Thủy điện La Trọng thuộc thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa.

Đây là trung tâm đã tham gia công tác phát triển cộng đồng nông thôn miền núi, bảo vệ hệ sinh thái, môi trường cộng đồng được thành lập theo Quyết định số 931/TC- LHH ngày 8/9/2000 của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Qua đánh giá và nghiên cứu về bản ĐTM Thủy điện La Trọng, CIRD đã có văn bản gửi các cơ quan Trung ương và tỉnh Quảng Bình cho rằng Thủy điện La Trọng là một dự án tác động rất lớn đến môi trường hệ sinh thái tại Quảng Bình, ảnh hưởng sâu rộng đến cuộc sống, sản xuất của đồng bào tại địa bàn.

Trong những năm gần đây, đã có hiện tượng những thiệt hại do lũ lụt, thiên tai gây ra ngày một tăng lên khi ngày càng có nhiều công trình nhà máy thủy điện ra đời, đặc biệt là khu vực miền Trung, nơi tập trung rất nhiều các dự án nhà máy thủy điện. Việc đánh giá ĐTM của các dự án thủy điện, dự báo đúng những rủi ro, nguy cơ là việc hết sức hệ trọng, liên quan đến sinh mạng, cuộc sống của cộng đồng rộng lớn bị ảnh hưởng bởi thủy điện.

Với trách nhiệm của người dân và là chủ rừng bị ảnh hưởng, sau khi nghiên cứu báo cáo ĐTM của Dự án Nhà máy Thủy điện La Trọng, với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của một đơn vị nghiên cứu khoa học công nghệ, CIRD cùng với các chuyên gia, nhà khoa học xem xét, nghiên cứu báo ĐTM của Dự án Thủy điện La Trọng và cho thấy nổi lên một số nội dung.

Thứ nhất, diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng sẽ bị hồ chứa nước của Thủy điện La Trọng nhấn chìm đã không được làm rõ. Cụ thể, trong báo cáo ĐTM chưa làm rõ diện tích rừng các loại sẽ bị dự án thủy điện chiếm dụng, sẽ bị hồ chứa nước của thủy điện nhấn chìm. Trong báo cáo ĐTM chỉ thể hiện diện tích đất rừng bị hồ thủy điện nhấn chìm là 93,7 ha là rừng sản xuất, nhưng theo báo cáo đầu tư và thiết kế kỹ thuật thì diện tích này sẽ lớn hơn.

Đặc biệt, không có văn bản, căn cứ pháp lý về văn bản pháp lý (kèm bản đồ) chứng minh rằng, diện tích 93,7 ha rừng sản xuất mà báo cáo ĐTM đưa ra đã được chuyển đổi (chưa có văn bản nào cho thấy đã chuyển đổi, cấp nào ký, ai ký, ký năm nào, thuộc hệ bản đồ nào, kèm trích dẫn cơ sở pháp lý và bản đồ phân loại rừng của toàn vùng dự án chính xác và có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền theo luật định).

Đường vào CIRD ở thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Văn Thanh

Đây là vấn đề rất lớn, nhưng vì lý do gì đã không được làm rõ trong báo cáo ĐTM? Vấn đề này cần phải được xác minh, làm rõ có hay không việc rừng đặc dụng, rừng phòng hộ bị xâm phạm và hồ sơ pháp lý chuyển đổi diện tích rừng này?

Thứ hai, về việc lấy ý kiến của cộng đồng dân cư đã không được thực hiện. Báo cáo ĐTM của Dự án Thủy điện La Trọng chưa chỉ ra được một quy trình hợp pháp trong báo cáo về tham vấn ý kiến cộng đồng; chưa liệt kê được các đối tượng cộng đồng bị tác động xấu phải được lấy ý kiến tham vấn (đối tượng trong lòng hồ, đối tượng thượng du, hạ du, đối tượng dưới, hai bên đường tải điện…).

Báo cáo ĐTM này không những không chỉ ra được cách thực hiện tham vấn, các đối tượng được tham vấn, thời gian, địa điểm tổ chức thực hiện tham vấn, bước tham vấn trước và sau hoàn thành báo cáo ĐTM, mà còn không minh chứng được quá trình tham vấn ý kiến cộng đồng gồm những bước nào?

Điều này là sai nghiêm trọng do không tuân thủ quy định pháp luật, cụ thể tại Thông tư số 08/2006/BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các con số, số liệu đưa ra trong báo cáo ĐTM không có cơ sở, báo cáo dựa trên nhiều thông tin số liệu chưa có nguồn rõ ràng (báo cáo không có chỉ dẫn nguồn tài liệu, dữ liệu tham khảo, danh mục tài liệu trích dẫn tham khảo) và một số kết quả, số liệu nghiên cứu không có xác nhận của các cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin không được cập nhật. Từ đó dẫn đến các nhận định dựa trên số liệu không có cơ sở sẽ bị sai lệch, không chính xác.

Ngoài ra, báo cáo ĐTM của Dự án Thủy điện La Trọng đã không tuân thủ yêu cầu của một báo cáo ĐTM theo quy định của pháp luật. Cụ thể, nội dung của báo cáo ĐTM, phần kết luận và kiến nghị của báo cáo ĐTM đang viết sai so với yêu cầu của hướng dẫn trong Thông tư số 08/2006/BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường thời điểm đó.

“Mặc dù có rất nhiều vấn đề nổi cộm nghiêm trọng như nêu trên, nhưng báo cáo ĐTM chính thức vẫn được UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt tại Quyết định số 1144/QĐ- UBND ngày 30/5/2007 và báo cáo ĐTM bổ sung năm 2010 được UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt bổ sung tại Quyết định số 1807/QĐ- UBND ngày 29/7/2010”, nội dung văn bản của CIRD thể hiện.

CIRD cho rằng, báo cáo ĐTM của Thủy điện La Trọng cần được thực hiện đúng quy định, để những nguy cơ, rủi ro phải được nhận diện đúng, từ đó đưa ra được các giải pháp đúng, phù hợp, hiệu quả để giảm thiểu những rủi ro. Đặc biệt là những dự án nhà máy thủy điện có tính ảnh hưởng, tác động lớn tới hệ sinh thái, đời sống của cộng đồng, không những hiện tại mà cả trong tương lai thì công tác đánh giá, dự báo trong ĐTM càng phải cẩn trọng.

Tuy nhiên, báo cáo ĐTM của Dự án Thủy điện La Trọng đã không đáp ứng được yêu cầu đó, dẫn đến hệ lụy rất nguy hiểm cho cộng đồng dân cư bị tác động, ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp từ công trình này. Đặc biệt, CIRD là chủ thể bị thu hồi đất rừng để làm đường dây tải điện, nhưng không hề thấy cơ quan chức năng nào lấy ý kiến cộng đồng trước khi ban hành quyết định đánh giá ĐTM của Dự án Thủy điện La Trọng.

Đánh giá ĐTM thiếu đường dây tải điện, đúng hay sai?

Để có thông tin đa chiều về bản đánh giá ĐTM của Dự án Thủy điện La Trọng, phóng viên Báo Thanh tra đã có buổi làm việc với ông Phan Xuân Hào, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình. Ông Hào khẳng định: Đánh giá ĐTM của Thủy điện La Trọng được thực hiện vào năm 2008 và được điều chỉnh bởi Luật Môi trường năm 2005, sau đó có dự án có ĐTM bổ sung năm 2010. Khi đó, hội đồng thẩm định thực hiện dân chủ, khách quan, đến bây giờ đã qua 4 đời giám đốc và 3 lần thay đổi luật có hiệu lực (Luật Môi trường năm 2018 và năm 2020).

Theo ông Phan Xuân Hào, đường dây tải điện 110 kV từ Nhà máy Thủy điện La Trọng nối về thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa là một dự án đường dây riêng, không nằm trong thủy điện La Trọng. Đây là một dự án nhỏ, không phải làm thủ tục ĐTM mà chỉ có thủ tục ĐTM ở Thủy điện La Trọng thôi, dự án đường dây tải điện này chỉ cần xác nhận cam kết môi trường ở cấp huyện nên không cần phải tham vấn cộng đồng. Vì vậy, việc thu hồi đất để thực hiện dự án đường dây tải điện này không liên quan gì đến Thủy điện La Trọng.

“Năm 2019, mới xác định quy hoạch hướng tuyến đường dây, mới có 24 trụ cột, mỗi trụ cột đường dây diện tích 98m2 và hành lang an toàn lưới điện, do đó khi thẩm định ĐTM Dự án Thủy điện La Trọng không có đường dây tải điện này. Còn về đánh giá ĐTM ở dự án Thủy điện La Trọng lúc đó, tôi có tham gia thẩm định, việc lấy ý kiến cộng đồng nơi đặt nhà máy thủy điện đã có văn bản phản hồi, đóng góp ý kiến của UBND, Uỷ ban MTTQ xã Trọng Hóa”, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình khẳng định.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình (phải ảnh) trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra và khẳng định đường dây tải điện 110 kV từ Nhà máy Thủy điện La Trọng về thị trấn Đồng Lê là một dự án riêng. Ảnh: Xuân Thống

Tìm hiểu về đường dây tải điện 110 kV đấu nối từ Nhà máy Thủy điện La Trọng về thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, chúng tôi được biết ngày 6/10/2007, Sở Công nghiệp (nay là Sở Công thương) tỉnh Quảng Bình có Văn bản 501/SCN-QLĐ về kết quả thẩm định thiết kế cơ sở Dự án Thủy điện La Trọng vị trí nối lưới dự kiến hòa vào lưới 110 kV của trạm biến áp 110 kV Qui Đạt đặt ở huyện Minh Hóa đã được duyệt trong quy hoạch điện của tỉnh. Vị trí cụ thể, sẽ được thỏa thuận với ngành điện khi trạm biến áp 110 kV Qui Đạt khi đưa vào vận hành.

Đến ngày 3/7/2017, trong quyết định phê duyệt Quy hoạch Phát triển Điện lực tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2016 - 2025 có xem xét đến năm 2035 quy hoạch phát triển hệ thống điện 110 kV của Bộ Công thương, trong đó có hạng mục đấu nối Thủy điện La Trọng vào thanh cái 110 kV trạm biến áp 110 kV Tuyên Hóa.

Ngày 2/5/2019 UBND tỉnh Quảng Bình đã có Văn bản số 585/UBND-KT thống nhất hướng tuyến đường dây 110 kV từ Nhà máy Thủy điện La Trọng đấu nối vào hệ thống điện quốc gia, thuộc Dự án Thủy điện La Trọng, huyện Minh Hóa theo đề xuất của Sở Công thương và Công ty Trường Thịnh.

Đến ngày 17/6/2019, Hội đồng Quản trị Công ty Trường Thịnh mới có phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công gói thầu số 1.4 xây dựng đường dây 110 kV, thuộc Dự án Thủy điện La Trọng và ngày 12/9/2020 mới tiếp tục có quyết định phê duyệt bổ sung, điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công gói thầu này nhằm mục đích tránh các vị trí cột trùng với các ngôi mộ mới chôn, giao chéo đường dây 22 kV mới được xây dựng hoặc vừa cải tạo nâng cao dây và có một số đoạn đi qua khu dân cư cần điều chỉnh tuyến nhằm hạn chế đền bù, giải phóng mặt bằng…

Ông Nguyễn Việt Hà - Phó Giám đốc Sở Công thương Quảng Bình cho biết thêm, đây là dự án được triển khai từ lâu, thuộc lĩnh vực ngành Công thương nên sở có theo dõi. Liên quan lý do chậm tiến độ dự án thuỷ điện này đã được chủ đầu tư báo cáo và đề xuất đến Sở Kế hoạch và Đầu tư. Hiện nhà máy chính đã được xây dựng, còn đường dây 110 kV đang vướng mặt bằng để triển khai đấu nối điện, trong đó có phần diện tích của CIRD. Từ trước đến nay, theo quản lý của Sở Công thương thì đây là một dự án, vì từ sở cũ là Công nghiệp, đã có báo cáo thẩm định thiết kế cơ sở có hạng mục đường dây, đây chắc chắn là một dự án nhưng vì thời điểm đó chưa làm nên hồ sơ trình có thể họ chưa có.

Như vậy, có thể hiểu đường dây tải điện 110 kV từ Nhà máy Thủy điện La Trọng kéo về thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa có sau khi cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình đánh giá ĐTM về Dự án Thủy điện La Trọng. Trong khi đó, hiện trong tất cả hồ sơ liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng ở huyện Tuyên Hóa và các quyết định phê duyệt thiết kế bản vẽ về đường dây, phê duyệt bổ sung, điều chỉnh gói thầu đường dây tải điện này của Công ty Trường Thịnh đều ghi rõ “đường dây 110 kV thuộc Dự án Thủy điện La Trọng”.

Từ những lý do này, nhiều ý kiến cho rằng Dự án Nhà máy Thủy điện La Trọng ngay từ đầu phải được đưa đường dây tải điện vào phê duyệt thì mới đúng quy định. Vì nhà máy thủy điện mà không có đường dây tải điện thì biết phát điện đi đâu, ảnh hưởng đến cuộc sống, sản xuất của đồng bào tại các địa phương thế nào, đấu nối điện ra sao, hoà vào lưới điện nào?

Do đó, để đảm bảo tính công bằng, nghiêm minh của pháp luật công trình đường dây tải điện 110 kV từ Nhà máy Thủy điện La Trọng nối về thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa cũng phải được đưa vào đánh giá ĐTM, nếu chưa đánh giá ĐTM thì chủ đầu tư, các cơ quan chức năng phải tiếp tục lấy ý kiến cộng đồng để đánh giá ĐTM bổ sung theo quy định của pháp luật hiện hành.

Bởi hiện nay công trình đường dây tải điện 110kV vẫn chưa thực hiện xong, còn dở dang và hiện đang có công dân, tổ chức khiếu nại (trong đó có CIRD) về việc Dự án Thủy điện La Trọng vi phạm nghiêm trọng về đánh giá ĐTM và chưa lấy ý kiến cộng đồng theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng Trung ương cũng cần thanh tra, kiểm tra, làm rõ đánh giá ĐTM ở Dự án Thủy điện La Trọng không có đường dây tải điện về thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa là đúng hay sai. Đồng thời kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân, tập thể để xảy ra những sai phạm nếu có; mặt khác có hướng dẫn cụ thể có cần phải thực hiện đánh giá ĐTM bổ sung, trong đó phải có tham vấn cộng đồng cụ thể để tránh những rủi ro có thể xảy ra ở Dự án Thủy điện La Trọng.

Kỳ 3: Chuyên gia độc lập chỉ ra thiếu sót trong quá trình phê duyệt và đánh giá ĐTM                                                                                                  

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sai từ khi lập dự án cho đến thi công và nghiệm thu thanh toán

Sai từ khi lập dự án cho đến thi công và nghiệm thu thanh toán

(Thanh tra) - Như Báo Thanh tra đã phản ánh, dự án đầu tư xây dựng cơ bản công trình sửa chữa, bảo dưỡng đường trục tiểu khu Đông Đoài đi A27, kết nối vào đường gom thị trấn Phú Xuyên đi Vân Từ - Phú Yên, có tổng chiều dài chỉ 1.039m với tổng vốn đầu tư là 14,989 tỷ đồng và đã được Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên kết luận có nhiều sai phạm.

Nam Dũng

16:00 14/12/2024
Phát hiện Công ty CP Đầu tư xây dựng 886 - Thành Nam kê khai gian lận trong đấu thầu

Phát hiện Công ty CP Đầu tư xây dựng 886 - Thành Nam kê khai gian lận trong đấu thầu

(Thanh tra) - Tại gói thầu số 12 thuộc Dự án Mở rộng đường Phú Mỹ - Tóc Tiên (từ khu tái định cư 105ha đến đường Hắc Dịch - Tóc Tiên - Châu Pha), thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, Công ty CP Đầu tư xây dựng 886 - Thành Nam đã bị phát hiện có hành vi gian lận trong đấu thầu…

Ngọc Tuấn

08:00 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm