Theo dõi Báo Thanh tra trên
Văn Thanh - Xuân Thống
Thứ tư, 01/11/2023 - 09:03
(Thanh tra) - Một dự án thủy điện ở tỉnh Quảng Bình được khởi công xây dựng cách đây 16 năm, qua 5 lần điều chỉnh, gia hạn tiến độ trong giấy chứng nhận đầu tư. Hiện đang phải thực hiện các quy trình, thủ tục tiếp tục điều chỉnh gia hạn lần thứ 6 nhưng chưa biết đến khi nào mới có thể đi vào hoạt động, gây nhiều hoài nghi trong dư luận xã hội.
Dự án Thủy điện La Trọng nằm trên địa bàn xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Văn Thanh
16 năm đầu tư vẫn phải chờ !
Theo tìm hiểu, Dự án Thủy điện La Trọng nằm trên địa bàn xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa được UBND tỉnh Quảng Bình cấp giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) lần đầu vào ngày 3/5/2007 cho Công ty Cổ phần Thủy điện Trường Thịnh (gọi tắt là Công ty Trường Thịnh).
Mục tiêu và quy mô dự án thủy điện cấp III, công suất 18 Mw, diện tích sử dụng 40 ha. Tổng vốn đầu tư 308 tỷ đồng, trong đó vốn góp để thực hiện 76 tỷ đồng; thời gian hoạt động 50 năm. Theo đó, các ưu đãi của dự án, được miễn thuế 4 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo; miễn tiền thuê đất 15 năm kể từ khi hoàn thành dự án đưa vào hoạt động; được hưởng ưu đãi thuế xuất nhập khẩu; được hưởng vay ưu đãi và hỗ trợ lãi suất sau đầu tư theo quy định của Nhà nước …
Kể từ khi Dự án Thủy điện La Trọng được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) lần đầu, đến nay Công ty Trường Thịnh đã đề xuất và được UBND tỉnh Quảng Bình và các sở, ngành điều chỉnh GCNĐT tới 5 lần, lần đầu vào ngày 23/7/2009; lần 2 vào ngày 11/10/2013; lần 3 vào ngày 21/2/2019; lần 4 vào ngày 16/1/2020 và lần 5 ngày 9/7/2021.
Trong GCNĐKĐT lần 5 có thời hạn đến 21/8/2023, Công ty Trường Thịnh đã nâng công suất Thủy điện La Trọng lên 22Mw và tổng vốn đầu tư lên 1.099.989.078.363 đồng, trong đó nguồn vốn của nhà đầu tư hơn 639 tỷ đồng, vốn vay thương mại 460 tỷ đồng, thời hạn hoạt động của dự án đến tháng 5/2057. Tiến độ thực hiện dự án hoàn thành vào tháng 3/2022.
Nhà đầu tư có trách nhiệm triển khai thực hiện dự án theo đúng mục tiêu, quy mô, nội dung, tiến độ đã cam kết và tuân thủ các quy định tại GCNĐT và các quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, môi trường, xây dựng, thủy lợi, thủy điện, phòng chống cháy nổ, an toàn lao động và phát luật có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư. Trường hợp nhà đầu tư không thực hiện đúng các quy định của pháp luật, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý các vi phạm theo đúng quy định hiện hành. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác, trung thực của hồ sơ và các văn bản gửi cơ quan Nhà nước, những phát sinh từ hành vi kê khai không chính xác, giả mạo nội dung hồ sơ tài liệu.
Trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư, nếu phát hiện có đất, tài sản trên đất là tài sản công, đất rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, di tích lịch sử, văn hóa, đất công trình quốc phòng hoặc đất, tài sản trên đất khác được quản lý đặc thù hoặc đất thuộc trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất thì các cơ quan Nhà nước liên quan có trách nhiệm tham mưu xử lý theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, lâm nghiệp, xử lý tài sản công trước khi thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án theo quy định của pháp luật.
“Dự án Thủy điện La Trọng sẽ chấm dứt hoạt động theo quy định tại Điều 48 Luật Đầu tư và các văn bản pháp lý có liên quan, khi nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết và trái với các quy định của pháp luật”, nội dung GCNĐKĐT lần 5 của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình cấp cho Công ty Trường Thịnh nêu rõ.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Thanh tra, đến thời điểm hiện tại, GCNĐT của dự án Thủy điện La Trọng đã hết hạn từ tháng 3/2022, thế nhưng đến nay (tháng 10/2023) dự án vẫn chưa thể hoàn thành đi vào hoạt động theo đúng kế hoạch đề ra, chậm tiến độ theo cam kết trong GCNĐT, gây nhiều hoài nghi trong dư luận xã hội.
Đáng nói, đây là dự án lớn, được nhiều người dân Quảng Bình và cả nước quan tâm, nhưng kể từ khi chính thức khởi công từ tháng 11/2007 cho đến nay đã là 16 năm trôi qua chưa thể hoàn thành, đưa vào sử dụng, khiến nhiều người đặt dấu hỏi về chủ đầu tư.
Để tạo điều kiện cho dự án, ngày 15/9/2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình đã phát đi Văn bản số 2614/KHĐT- QLĐT lấy ý kiến thẩm định của các sở, ban, ngành và huyện Minh Hóa nhằm tiếp tục gia hạn đầu tư cho Dự án Thủy điện La Trọng trên cơ sở đề xuất của Công ty Trường Thịnh.
Như vậy, đây là lần thứ 6 xin gia hạn thủ tục chứng nhận đầu tư, nếu như UBND tỉnh Quảng Bình và các sở, ban, ngành, huyện Minh Hóa thống nhất cho Công ty Trường Thịnh được tiếp tục gia hạn dự án này.
Muôn kiểu lý giải của việc chậm tiến độ dự án
Theo lý giải của chủ đầu tư dự án đối với UBND tỉnh Quảng Bình và Sở Kế hoạch và Đầu tư, nguyên nhân chậm tiến độ là do dự án gặp nhiều yếu tố bất lợi, nhiều khó khăn trong quá trình đầu tư, trong đó do đặc thù của dự án thủy điện nằm ở vùng sâu, vùng xa, địa hình, địa chất công trình phức tạp, quá trình triển khai thi công chủ đầu tư đã điều chỉnh một số hạng mục công trình chính như hầm, đập dâng… nhằm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo chất lượng, an toàn công trình và hiệu quả của dự án.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trong tháng 10/2010, tỉnh Quảng Bình có 2 cơn lũ lịch sử đã gây ngập lụt kéo dài gây đứt liên lạc, ách tắc giao thông vào công trình nhiều ngày, gây thiệt hại nghiêm trọng tại một số hạng mục công trình như đường giao thông công vụ, mặt bằng thi công, hệ thống cấp điện, các hạng mục phụ trợ, vật liệu dự trữ tập kết, giá trị thiệt hại theo thống kê lên đến 35 tỷ đồng.
Sau những trận mưa lũ này, tình hình kinh tế trong nước diễn biến phức tạp, khủng hoảng tài chính nghiêm trọng, kéo dài, giá cả tăng vọt, mất ổn định kinh tế vĩ mô. Nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp thắt chặt tài chính, tiền tệ, kiểm soát lạm phát, cắt giảm đầu tư công cũng đã ảnh hưởng đến dự án. Từ năm 2017 đến 2021, chủ đầu tư mới bắt đầu tập trung đẩy mạnh thi công các hạng mục xây lắp chính của công trình, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng tiến độ đề ra.
Báo cáo của chủ đầu tư Dự án Thủy điện La Trọng còn thể hiện, đến năm 2022 - 2023 chỉ còn lại hạng mục tuyến đường dây 110 kV đi qua 6 xã và 1 thị trấn thuộc địa bàn huyện Minh Hóa và Tuyên Hóa, dài 32km, bị ảnh hưởng của 400 hộ dân nên công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, thủ tục chuyển đổi đất rừng bị chậm, do trình các bộ, ngành từ năm 2021 đến nay nhưng đến ngày 7/7/2023 mới có văn bản đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, hiện chủ đầu tư đang phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để hoàn thiện các các thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và trồng rừng thay thế theo quy định.
Ông Trần Chí Việt - Trưởng phòng Quản lý đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Dự án Nhà máy Thuỷ điện La Trọng và dự án đường dây truyền tải điện là một. Dự án này gồm đập chính, các đập nhỏ, nhà máy, hồ, đường dây 110kV nối từ nhà máy phát điện về nguồn điện quốc gia.
Theo ông Việt, dự án đang vướng giải phóng mặt bằng, mới đạt gần 85%. Khó khăn nhất là khâu giải phóng mặt bằng chỗ đường dây điện. Chủ đầu tư đã định thôi rồi vì thấy hiệu quả không cao, chi phí quá lớn…
Việc đưa ra “muôn vàn” lý do về những nguyên nhân chậm tiến độ của chủ đầu tư Dự án Thủy điện La Trọng cần được UBND tỉnh Quảng Bình và các sở, ban, ngành chức năng đánh giá, xem xét kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định gia hạn hay không ra hạn thực hiện dự án.
Đồng thời, cũng cần lưu ý hiện dự án đã trải qua một thời gian dài, chậm tiến độ nhiều năm, đã gia hạn thực hiện tới 5 lần và những kiến nghị, phản ánh của công dân, tổ chức gửi đến các cơ quan chức năng liên quan đến việc chưa đồng thuận trong thu hồi đất làm móng trụ và hành lang đường dây tải điện, chưa có đánh giá tác động môi trường đối với đường dây tải điện 110 kV từ nhà máy thủy điện đấu nối vào trạm điện ở thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa do tuyến đường dây này có sau khi phê duyệt dự án…
Kỳ II: Đánh giá tác động môi trường thiếu đường dây tải điện đúng hay sai?
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành, kết quả kiểm tra 17 trạm trộn bê tông thương phẩm và trạm trôn bê tông nhựa nóng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, thì có đến 16 trạm có nhiều lỗi vi phạm, bị xử lý buộc tháo dỡ, di dời, hoặc tạm dừng hoạt động để hoàn thiện hồ sơ, nhưng riêng trạm trộn bê tông tươi Trường An thì không phải dừng hoạt động.
Thành Nam
18:43 20/11/2024(Thanh tra) - Như bài viết trước chúng tôi đã đề cập, năm 2017, Công ty Dương Minh được độc quyền nhập khẩu, phân phối các sản phẩm của Obagi Hoa Kỳ. Tháng 9/2017, Công ty Dương Minh chính thức được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế Việt Nam cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với các sản phẩm Obagi và cũng chính thức trở thành nhà nhập khẩu phân phối độc quyền các sản phẩm Obagi ở thị trường Việt Nam.
Đan Quế - Lê Phương - Phương Anh
08:00 20/11/2024Nam Dũng
07:30 20/11/2024Công Thắng - Bạch Vân
07:30 20/11/2024Đan Quế - Lê Phương - Phương Anh
10:09 19/11/2024Nam Dũng
10:11 16/11/2024Bùi Bình
Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh