Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Hàng trăm hộ dân mong chờ xây dựng trạm xử lý nước thải đến bao giờ?

Nguyên Dũng

Thứ hai, 14/08/2023 - 20:47

(Thanh tra) - Hàng trăm hộ dân sống ở khu dân cư A1-C1 (khu đô thị Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai) phản ánh, hơn 10 năm qua, vì không có trạm xử lý nước thải sinh hoạt nên xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, mùa nắng bốc mùi hôi thối, mùa mưa ngập lụt sình lầy. Hiện, người dân rất mong chờ chủ đầu tư và cơ quan chức năng sớm xây dựng trạm xử lý nước thải để xử lý ô nhiễm.

Vì chưa có trạm xử lý nước thải nên mỗi lần mưa to, nước từ khu dân cư A1-C1 chảy ra, đổ dồn về phía dưới, nơi có các hộ dân sinh sống gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Nguyên Dũng

Mùa nắng bốc mùi hôi thối, mùa mưa ngập lụt sình lầy

Dự án khu dân cư A1-C1 tọa lạc cạnh khu hành chính các cơ quan chức năng của huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, nằm gối đầu bên quốc lộ 1A, đoạn qua địa bàn thị trấn Dầu Giây.

Dự án này đã trải qua 11 năm, nhưng đến nay mới hoàn thành cơ sở hạ tầng, đưa vào sử dụng giai đoạn 1, 2, 3 theo quy hoạch được cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai phê duyệt với diện tích 53ha. Phần đất còn lại của dự án (khoảng 43ha), chủ đầu tư chưa thực hiện được vì đang chờ UBND tỉnh cho phép gia hạn, điều chỉnh tiến độ thực hiện.

Những ngày tháng 7 và tháng 8/2023, chúng tôi đã nhiều lần đi thị sát tại dự án. Hiện, dự án có khoảng hơn 200 hộ dân đã xây dựng nhà cửa, chuyển đến sinh sống ổn định. Bên cạnh đó, nhiều quán xá, nhà hàng, quán nhậu, cà phê, quán cơm, nước giải khát… cũng mọc lên.

Một phần dự án khu dân cư A1-C1 chụp từ trên cao. Ảnh: Nguyên Dũng

Anh Trần Văn Thân (tổ 12, thị trấn Dầu Giây) là chủ một quán cà phê tại dự án cho biết, nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân mua đất đã chuyển đến xây nhà, ăn ở, sinh hoạt ổn định, nhưng nơi đây vẫn chưa có trạm xử lý nước thải sinh hoạt.

Toàn bộ nước sinh hoạt từ hộ gia đình, quán xá, nhà hàng, quán nhậu… xả thẳng vào cống thoát nước, chảy dồn ứ về khu vực quanh quán cà phê nơi anh đang kinh doanh.

“Nước ở đây dồn ứ, đặc quánh màu đen. Vào mùa nắng, nước bốc mùi hôi thối nồng nặc rất kinh khủng”, anh Thân nói.

Theo quan sát của chúng tôi, khu vực cống dẫn thải khu dân cư A1-C1 được thiết kế chảy ngầm dưới mặt đất, phía trên đậy bằng nhiều tấm đan sắt bê tông, nằm sát vỉa hè, gom nước vào mùa mưa.

Nước chảy xuống cống rồi đổ về cuối khu dân cư giáp đường DT-769.

Cống dẫn thải do UBND huyện Thống Nhất đầu tư được thiết kế chảy ngầm dưới mặt đất, phía trên đậy bằng nhiều tấm bê tông nhưng vẫn chưa xử lý được vấn đề ô nhiễm môi trường. Ảnh: Nguyên Dũng

Vừa qua, cơ quan chức năng thị trấn Dầu Giây đầu tư thêm một đoạn mương cống dài hơn 200m, nhưng hệ thống này lại cao hơn mặt đường nhựa gần 1m, miệng cống bịt kín, góp phần làm giảm thiểu mùi hôi thối nhưng không có tác dụng thoát nước. Vào mùa mưa, nước từ nơi cao đổ dồn về nơi thấp, ứ đọng thành vũng lớn, chảy dồn ứ trên mặt đường rồi chảy tràn xuống nhà nhiều hộ dân tại tổ 10, khu phố Lập Thành, thị trấn Dầu Giây.

Rác thải, đất cát, bùn lầy, chất uế tạp, ô nhiễm… chảy vào sân, nhà khiến hàng chục hộ dân nơi đây phải chịu cảnh ô nhiễm nhiều năm qua.

Anh Vũ Văn Trường (tổ 10, khu phố Lập Thành) bức xúc cho biết, vào mùa mưa, nước dâng cao, chảy tràn vào tận sân nhà anh.

“Mùi hôi thối của nước thải đen đặc chảy từ khu dân cư hòa tan vào nước mưa tạo mùi tanh hôi, chảy tràn vào sân nhà tôi khiến cuộc sống gia đình đảo lộn”, anh Trường nói.

Cũng theo anh Trường, mùi hôi thối, ẩm ướt, cỏ mọc rậm rạp, ruồi muỗi sinh sôi, nảy nở, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh.

Cống dẫn nước thải quanh khu dân cư cao hơn mặt đường gần 1m, không hạn chế được ô nhiễm. Ảnh: Nguyên Dũng

Anh Nguyễn Đình Tý, nhà gần trường mầm non tọa lạc tại khu dân cư cho biết, không riêng gì người lớn phải chịu cảnh “sống chung với ô nhiễm”, mà nhiều năm qua, trẻ em, các cháu mầm non cũng bị “vạ lây”.

Mỗi lần mưa lớn, nước thải chảy tràn lan, mang theo rác, cát sỏi, đất đá, bùn nhầy đen đặc quánh vào tận sân trường khiến môi trường học của học sinh xáo trộn, ảnh hưởng sức khỏe.

“Nhiều năm nay, người sinh sống ở đây đã họp, gửi đơn lên cơ quan chức năng đề xuất xây dựng trạm xử lý nước thải sinh hoạt cho khu dân cư A1-C1 và vùng lân cận, nhằm xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường. nhưng vẫn chưa có kết quả. Không biết đến bao giờ, chủ đầu tư, cơ quan chức năng mới cho xây dựng. Hàng trăm hộ dân mong chờ từng ngày”, anh Tý nói.

Ngoài anh Thân, anh Trường, anh Tý, nhiều hộ dân sống ở khu dân cư A1-C1 cho rằng, để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường thì cần nhanh chóng cho xây dựng khu xử lý nước thải sinh hoạt, lúc ấy người dân sẽ có môi trường sống tốt hơn.

Chủ đầu tư và cơ quan chức năng nói gì?

Ông Đặng Phước Dừa, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH Đầu tư Phú Việt Tín (chủ đầu tư dự án khu dân cư A1-C1) cho biết, theo quy hoạch, tiến độ, hiện đơn vị đã hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng trong giai đoạn 1 gồm: Hệ thống đường giao thông, xây dựng hệ thống thoát nước mưa, hệ thống cống nước thải, cấp điện chiếu sáng, cấp nước, hệ thống phòng cháy, chữa cháy... Tuy nhiên, vì chưa được cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai cấp phép gia hạn tiến độ dự án nên chủ đầu tư chưa thể xây dựng trạm xử lý nước thải sinh hoạt cho người dân sống tại khu dân cư.

Cũng theo ông Dừa, theo hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường, dự án khu dân cư A1-C1 sẽ có 2 khu đất trạm xử lý nước thải, gồm 1 trạm phía Nam dự án (khu 1, 2) có diện tích 466m2, công suất khoảng 855m3/ngày; 1 trạm phía Tây Bắc (phía sau Bệnh viện Dầu Giây) diện tích 1.702m2, công suất khoảng 2.000m3/ngày.

Anh Nguyễn Minh Thành chỉ vào mực nước từ khu dân cư A1-C1 chảy ra, gây ngập lụt cho trường mầm non nằm cuối đường ống xả thải. Ảnh: Nguyên Dũng

“Trong 2 năm 2022 và 2023, chủ đầu tư đã nhiều lần gửi văn bản đến các sở, ngành và UBND tỉnh Đồng Nai xin xây dựng trước trạm xử lý nước thải để phục vụ nhu cầu của người dân đang sống tại dự án, nhưng đến nay vẫn chưa được chấp thuận”, ông Dừa nói.

Chung diễn biến vụ việc, vừa qua, ông Quản Minh Cường, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai dẫn đầu đoàn công tác đã tiến hành giám sát dự án khu dân cư A1-C1. Mục đích của cuộc giám sát là tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp và đảm bảo quyền lợi chính đáng của khách hàng mua đất nền tại dự án.

Theo UBND huyện Thống Nhất, nguyên nhân dẫn đến thủ tục đầu tư hạ tầng các giai đoạn 4, 5, 6 không thực hiện được, không thể bàn giao quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội lại cho địa phương, không đầu tư được khu xử lý nước thải của khu dân cư theo quy hoạch, các công trình hạ tầng xã hội như trung tâm thương mại của dự án… là vì chủ đầu tư chưa được UBND tỉnh Đồng Nai cho gia hạn, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư.

“Dân bức xúc do công ty - chủ đầu tư chưa xử lý hệ thống nước thải của các khu dân cư trong dự án”, ông Mai Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất nói.

Bùn đất còn lại sau khi nước rút. Ảnh: Nguyên Dũng

Về vấn đề xử lý nước thải, ông Quản Minh Cường, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai yêu cầu các sở, ngành phối hợp với địa phương, chủ đầu tư khẩn trương thi công hệ thống xử lý nước thải, không để xảy ra ô nhiễm môi trường tại dự án.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đơn vị đang chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan để rà soát các thủ tục pháp lý về tiến độ, điều chỉnh tiến độ dự án cho nhà đầu tư khu dân cư A1-C1.

Theo ông Nguyên, vì dự án được triển khai xây dựng trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát nên cơ quan chức năng đang rà soát lại các bước theo quy định của pháp luật, sau đó mới có hướng điều chỉnh tiến độ cho phù hợp.

Trả lời câu hỏi: Vì sao chủ đầu tư đã nhiều lần gửi văn bản xin gia hạn tiến độ dự án khu dân cư A1-C1, nhưng đến nay UBND tỉnh vẫn chưa đồng ý, ông Võ Tấn Đức, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, đơn vị đang giao Công an tỉnh và các đơn vị liên quan tiến hành rà soát lại một số nội dung liên quan đến dự án, sau đó mới tiến hành các thủ tục pháp lý liên quan.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm