Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đánh đố người lao động?

Hiếu Lê

Chủ nhật, 21/08/2022 - 11:00

(Thanh tra) - “Toàn bộ hồ sơ, tài liệu, tài sản cá nhân cũng như con dấu hiện Công ty Cổ phần Vật tư Apromaco Thái Bình tự ý niêm phong từ ngày 3/7/2018. Chúng tôi bị đuổi ra khỏi công ty từ ngày 3/7/2018 và bị sa thải trái quy định pháp luật kể từ đó. Giờ lại yêu cầu chúng tôi phải bàn giao hồ sơ, tài liệu, khác gì đánh đố người lao động”, ông Vũ Khắc Căn bức xúc.

Niêm phong phòng làm việc tầng 1. Ảnh chụp từ camera giám sát của Công ty Cổ phần Apromaco Thái Bình chiều ngày 3/7/2018

Mới đây, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thái Bình có quyết định thi hành án đối với Bản án số 08/2022/KDTM-PT ngày 9/5/2022 của TAND Cấp cao tại Hà Nội.

Theo đó, “buộc ông Vũ Khắc Căn và bà Lê Thị Mừng phải thực hiện nghĩa vụ bàn giao cho công ty cổ phần con dấu cùng toàn bộ công việc có liên quan đến chức danh giám đốc, kế toán; toàn bộ tài liệu pháp lý, hồ sơ, sổ sách, tài liệu kế toán; toàn bộ tài sản của công ty bao gồm tài sản được thống kê, ghi nhận tại báo cáo tài chính do chính ông Căn, bà Mừng lập ngày 31/3/2018 và các tài liệu, chứng từ, tài sản hợp pháp khác là tiền, hàng hoá, công nợ, tiền thuê tài sản tính đến ngày 12/8/2020 chưa được thống kê, ghi nhận trên báo cáo tài chính do ông Căn lập ngày 31/3/2018”.

Trước đó, ngày 9/5/2022, sau gần 2 năm với nhiều lần tạm hoãn, TAND Cấp cao tại Hà Nội cũng đã đưa vụ án tranh chấp giữa Công ty Cổ phần Vật tư Apromaco Thái Bình với các thành viên liên quan đến việc bàn giao tài sản ra xét xử phúc thẩm.

Tại phiên toà, với rất nhiều lý lẽ, căn cứ pháp lý cũng như hồ sơ tài liệu kèm theo được bị đơn là ông Vũ Khắc Căn, bà Lê Thị Mừng và người làm chứng là bà Chu Thị Diệp cùng luật sư Đinh Thị Hoà - người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Căn đưa ra, nhưng không được toà án chấp thuận.

Kết thúc, tòa tuyên buộc ông Vũ Khắc Căn phải đền bù nhiều tỷ đồng với lý do không bàn giao con dấu, tài sản liên quan sau khi bị bãi nhiệm vào năm 2018; buộc ông Căn, bà Mừng phải thực hiện nghĩa vụ bàn giao cho Công ty Cổ phần Vật tư Apromaco Thái Bình con dấu cùng toàn bộ tài liệu pháp lý, hồ sơ, sổ sách, tài liệu kế toán, toàn bộ tài sản của công ty…

Hình ảnh nhóm người phá camera giám sát của Công ty Apromaco Thái Bình chiều ngày 3/7/2018. Ảnh chụp lại từ camera giám sát

Tuy nhiên, phía bị đơn là ông Vũ Khắc Căn và bà Lê Thị Mừng không đồng tình với phán xét của tòa án bởi toàn bộ hồ sơ, tài liệu, con dấu hiện vẫn ở trụ sở của công ty tại số 196 Lý Thường Kiệt, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình từ ngày 3/7/2018 do công ty cho người đến đập phá tài sản và niêm phong phòng làm việc của kế toán, phòng hành chính.

Điều này được chính đại diện công ty thừa nhận tại phiên toà xét xử vụ án “yêu cầu hủy quyết định chấm dứt hợp đồng lao động” của TAND TP Thái Bình ngày 26/2/2020 là đầu giờ chiều ngày 3/7/2018, lãnh đạo công ty đã chỉ đạo một số nhân viên khóa cửa và niêm phong phòng làm việc của kế toán, hành chính, rút hệ thống camera bảo vệ.

Cũng tại Văn bản số 36/2019/CV- Apromaco Thái Bình ngày 28/8/2019, Công ty Apromaco Thái Bình khẳng định: Phòng làm việc của kế toán và kho lưu trữ là tài sản thuộc quyền sở hữu của Công ty Cổ phần Vật tư Apromaco Thái Bình, không phải là tài sản cá nhân của ông Căn. Vì vậy, Công ty Cổ phần Vật tư Apromaco Thái Bình có toàn quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đối với các tài sản trên. Kể từ ngày 3/7/2018, để bảo vệ và đảm bảo tính nguyên vẹn của tài sản phục vụ công tác bàn giao, Công ty Cổ phần Vật tư Apromaco Thái Bình đã tiến hành niêm phong các tài sản trên”.

Trở lại với vụ việc cho thấy, tháng 1/1985, sau khi thực hiện nghĩa vụ quân sự, ông Vũ Khắc Căn được chuyển về làm công nhân tại Công ty Vật tư Nông nghiệp Thái Bình - nay là Công ty Cổ phần Vật tư Apromaco Thái Bình.

Thời gian công tác tại Công ty Cổ phần Vật tư Apromaco Thái Bình, ông Căn lần lượt kinh qua các công việc từ công nhân, thủ kho, cán bộ kế hoạch kinh doanh, rồi đến Phó Giám đốc Công ty.

Tháng 1/2015, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty và là thành viên với tỷ lệ góp vốn 20%.

Ngày 13/6/2018, Công ty Cổ phần Vật tư Apromaco Thái Bình tổ chức đại hội cổ đông bất thường. Tuy nhiên, theo ông Căn, việc tổ chức đại hội cổ đông bất thường này không đúng theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2015 và điều lệ của công ty nên đã gửi văn bản đến Chủ tịch Hội đồng Quản trị nhưng không được chấp nhận, giải quyết.

Đến ngày 3/7/2018, công ty đã niêm phong phòng làm việc của kế toán, hành chính, đập phá khóa cửa các phòng làm việc tầng 2, phá hủy toàn bộ hệ thống camera bảo vệ và lục soát phòng làm việc dẫn đến ông Căn và một số người lao động khác bị mất một số giấy tờ, sổ sách, đồ dùng và nhiều tài sản cá nhân khác.

Không những vậy, Công ty Cổ phần Vật tư Apromaco Thái Bình còn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật đối với ông Căn và một số người lao động khác vì không có căn cứ và vi phạm thời hạn báo trước, không đúng quy định tại Điều 37, Điều 38 Bộ luật Lao động.

“Cớ gì lại cho rằng tôi không bàn giao con dấu, tài sản liên quan sau khi bị bãi nhiệm vào năm 2018”, ông Vũ Khắc Căn bức xúc.

Tại phiên toà ngày 9/5/2022, rất nhiều lý lẽ, căn cứ pháp lý được phía bị đơn đưa ra, nhưng không được toà án chấp thuận. Ảnh: LP

Cũng theo ông Vũ Khắc Căn, ông không nhận được quyết định nào của Hội đồng Quản trị hay tham dự bất cứ cuộc họp nào bàn việc miễn nhiệm, bãi nhiệm chức danh Giám đốc Công ty nên ông không có trách nhiệm bàn giao con dấu hay hồ sơ tài liệu của công ty cho ai. Đến khi nhận được văn bản bãi nhiệm, ông Căn đã tới công ty để bàn giao giấy tờ, con dấu nhưng tất cả các phòng làm việc đều đã bị niêm phong. Trụ sở văn phòng của công ty tại số 196 Lý Thường Kiệt cũng bị chiếm giữ trái pháp luật từ ngày 3/7/2018, cổng ra vào bị khóa, ông và nhiều lao động khác không vào được thì lấy gì bàn giao.

Bà Lê Thị Mừng, nguyên Phó trưởng Phòng Kế toán, Công ty Cổ phần Vật tư Apromaco cũng cho biết, tháng 7/2018, khi ông Hà Tuấn Linh về đã chỉ đạo niêm phong các phòng làm việc ở trụ sở 196 Lý Thường Kiệt. Sau đó người lao động đến làm việc cũng bị đuổi ra.

Ông Vũ Khắc Căn bức xúc: “Công ty Apromaco là chủ thể đã và đang quản lý toàn bộ hồ sơ tài liệu, sổ sách kế toán, tiền bạc và đồ dùng cá nhân của tôi và 6 lao động khác kể từ ngày chiếm giữ công ty (3/7/1998) rồi khởi kiện yêu cầu chúng tôi phải bàn giao hồ sơ, tài liệu thì thật vô lý. Chưa hết, toà án các cấp cũng không xem xét thực tế mà tuyên án để rồi giờ đây cơ quan thi hành án buộc chúng tôi phải chấp hành án thì lấy đâu hồ sơ, tài liệu bàn giao”.

Vụ án tranh chấp liên quan đến việc bàn giao tài sản tại Công ty Cổ phần Apromaco và người lao động đến nay đã kéo dài gần 5 năm vẫn chưa ngã ngũ. Phía bị đơn là ông Vũ Khắc Căn cùng những người lao động khác bị Công ty Cổ phần Vật tư Apromaco sa thải vẫn đang tiếp tục hành trình đi tìm công lý cũng như gửi đơn đến các cơ quan chức năng tố cáo nhiều dấu hiệu gian lận về tài chính, thuế tại Công ty Cổ phần Vật tư Apromaco.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cũng đã có văn bản xác nhận đã nhận đơn đề nghị xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án số 08/2022/KDTM- PT ngày 9/5/2022 của TAND Cấp cao tại Hà Nội về việc tranh chấp giữa công ty với thành viên liên quan đến việc bàn giao tài sản.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc!

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Lấn chiếm vỉa hè để bàn nhậu, quán nhậu Tự Do nói do khách tự kê bàn

Lấn chiếm vỉa hè để bàn nhậu, quán nhậu Tự Do nói do khách tự kê bàn

(Thanh tra) - Theo đại diện quán nhậu Tự Do, hiện trạng bàn nhậu lấn chiếm vỉa hè có thể do khách kê ra. Còn chính quyền thường xuyên nhắc nhở, có những thời điểm đã bị phạt hành chính. Ở khía cạnh khác, nếu nhìn vào con số tăng trưởng về nguồn vốn, tài sản, doanh thu của chủ sở hữu hệ thống quán nhậu Tự Do, có thể lý giải được phần nào việc đơn vị này thường xuyên vi phạm.

Thanh Giang - Trang Nhung

08:00 21/11/2024
Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

(Thanh tra) - Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành, kết quả kiểm tra 17 trạm trộn bê tông thương phẩm và trạm trôn bê tông nhựa nóng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, thì có đến 16 trạm có nhiều lỗi vi phạm, bị xử lý buộc tháo dỡ, di dời, hoặc tạm dừng hoạt động để hoàn thiện hồ sơ, nhưng riêng trạm trộn bê tông tươi Trường An thì không phải dừng hoạt động.

Thành Nam

18:43 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm