Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cụm di tích cấp quốc gia đình, chùa làng La Phù “kêu cứu”!

Quang Đông

Thứ tư, 12/01/2022 - 22:10

(Thanh tra)- Cụm di tích đình làng La Phù và chùa Trung Hưng - chùa Cả thuộc xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia. Thế nhưng, từ nhiều năm nay, khuôn viên cụm di tích bị nhiều công trình xây dựng kiên cố bủa vây, trong đó có khu chợ tạm gây mất mỹ quan, vệ sinh môi trường, phá vỡ cảnh quan tôn nghiêm nơi thờ tự.

Cụm di tích đình, chùa La Phù đang bị xâm hại, phá vỡ cảnh quan tâm linh. Ảnh: QĐ

Nguyện vọng “giải vây” cho cụm di tích trăm năm tuổi

Theo đơn phản ánh của Ban Khánh tiết cụm di tích đình làng La Phù và chùa Trung Hưng - chùa Cả (đình, chùa La Phù) là những công trình có lịch sử hàng trăm năm tuổi.

Ngày 22/3/1988, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 191/VHQĐ công nhận di tích cấp 1uốc gia và khoanh vùng bảo vệ thể hiện bằng bản đồ tỷ lệ 1/1.000.

Thế nhưng, từ nhiều năm nay, cụm di tích này đã bị xâm hại. Trong khu vực vùng lõi tồn tại một số công trình như: Trường mầm non, nhà văn hóa xã, chợ tạm; tình trạng xây dựng nhà cao tầng sát chùa Trung Hưng, phá vỡ cảnh quan di tích; chợ tạm gây mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến khu vực vùng lõi di tích... khiến người dân địa phương bức xúc.

Khu chợ tạm họp trên phần đất của cụm di tích cấp quốc gia. Ảnh: QĐ

Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Thanh tra vào ngày 10/1/2022 cho thấy, khi bước qua cổng Tam quan, bên trái của khuôn đình làng tồn tại một khối nhà văn hóa xã La Phù xây kiên cố cao 2 tầng, cùng phía còn có một khối trường mầm non. Phía bên phải là khu vực chợ tạm lợp mái tôn, nơi người dân trong khu vực kinh doanh buôn bán đủ thứ mặt hàng.

Qua quan sát, quanh khu vực cửa đình La Phù đều bị hàng quán án ngữ gây nên tình trạng mất vệ sinh môi trường, rác xả bừa bãi, nước thải lênh láng. Chợ họp ngay trên trục đường chính của làng gây ách tắc, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.

Còn khoảng sân sau đình và trước cửa chùa được các tiểu thương tận dụng làm chỗ để xe máy. Tất cả tạo nên một khung cảnh nhếch nhác, phá vỡ không gian tôn nghiêm, thanh tịnh nơi thờ tự tâm linh.

Ở mặt trước, phía bên trái đình làng là các khối công trình kiên cố nhà văn hóa, trường mầm non; bên phải bị "bủa vây" bởi chợ tạm nhếch nhác, ô nhiễm. Ảnh: QĐ

Trước thực trạng nói trên, từ nhiều năm nay, Ban Khánh tiết cụm di tích đình làng La Phù đã liên tục có đơn “kêu cứu” gửi tới các nơi, đề nghị các cấp chính quyền có phương án ngăn chặn hành vi lấn chiếm đất đình, chùa; dừng việc họp chợ, trả lại phần diện tích đất đang sử dụng để làm nhà văn hóa xã, trường mầm non; và có biện pháp tôn tạo bảo vệ 3 cây đa hơn 500 tuổi, đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam xếp hạng Cây Di sản Việt Nam.

Hai khối công trình kiên cố nhà văn hóa, trường mầm non hiện đang nằm trong khuôn viên vùng lõi di tích. Ảnh: QĐ

Cái khó của chính quyền cấp cơ sở

Theo hồ sơ lưu trữ tại Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội, tháng 12/1986, các cơ quan chức năng đã tiến hành lập bản đồ khoanh vùng bảo vệ khu di tích đình, chùa La Phù tỷ lệ 1/1.000 để làm căn cứ tiến hành cấp công nhận di tích cấp quốc gia vào năm 1988.

Khu vực I (vùng lõi) của cụm di tích này gồm các thửa đất số từ 1130 đến 1133 được thể hiện trên bản đồ rải thửa (không có thông tin trích dẫn từ nguồn nào); khu vực II từ ranh giới khu vực I kéo dài ra mỗi phía 30m. Căn cứ vào hồ sơ nói trên, và đối chiếu với vị trí chợ tạm trên thực tế, thì khu chợ này hiện đang nằm trong vùng lõi bảo vệ của di tích.

Phía sau cụm di tích, tiếp giáp với chùa là các công trình cao tầng của các hộ dân. Ảnh: QĐ

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra, bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND xã La Phù cho biết: Bản đồ khoanh vùng bảo vệ khu di tích đình chùa La Phù tỷ lệ 1/1.000 dựa trên bản đồ địa chính của xã những năm 1936 và 1986. Tại thời điểm đó, bản đồ địa chính của xã đã thể hiện và quản lý các ô số thửa đất như trên. Tuy nhiên, bản đồ tỷ lệ 1/1.000 này lại có không mốc giới thực tế, tọa độ cụ thể để tiện cho việc quản lý.

Đối với các công trình hiện đang tồn tại trong vùng lõi bảo vệ di tích như hiện nay, bà Bình cho biết có những yếu tố do lịch sử để lại.

Cụ thể: Nhà văn hóa xã, hay trường mầm non trước kia đều là khu trường học có từ những năm 1950 - 1960 khi triển khai chương trình bình dân học vụ. Khu vực chợ tạm sơ khai tự phát từ những năm 1960, sau này theo thời gian, nhu cầu cuộc sống dân sinh, khu chợ tạm này phát triển như hiện nay. Hay như các hộ dân làng ở sát liền với khuôn viên chùa thì cũng đã sinh sống ổn định từ nhiều đời.

Bản đồ khoanh vùng bảo vệ khu di tích được lập năm 1986, với vạch kẻ (màu đỏ) là phạm vi bảo vệ khu vực I; những vị trí với dấu tích (màu xanh) nơi có các công trình nhà văn hóa, trường mầm non, chợ tạm, nhà dân. Ảnh: QĐ

Phó Chủ tịch UBND xã La Phù Nguyễn Thanh Bình cũng cho biết thêm, nhiều năm về trước, khu chợ tạm đã có 2 lần di dời ra nơi khác nhưng sau đó các hộ lại quay về kinh doanh họp chợ tại đây. Hiện xã không tổ chức thu phí chợ, mà chỉ thu phí vệ sinh môi trường đối với mỗi hộ họp chợ. Xã cũng không có chủ trương xây ki-ốt quanh khu vực cụm di tích đình chùa La Phù.

Đối với các công trình kiên cố như nhà văn hóa, trường mầm non, hay các hộ dân sống khu vực vùng lõi muốn di dời ra ngoài thì phải có kế hoạch giải phóng mặt bằng của các cấp có thẩm quyền.

Trong danh mục các công trình dự án thực hiện trong quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 của huyện Hoài Đức, khu chợ tạm tại cửa đình La Phù hiện nay sẽ được di dời ra khu Thửa - khu Gốc Dứa, xã La Phù.

Được biết, hiện UBND TP Hà Nội đã chấp thuận về mặt chủ trương, nhưng để triển khai di dời các công trình đến vị trí mới rộng hơn, đáp ứng nhu cầu của người dân thì chính quyền cấp cơ sở vẫn đang phải chờ các cấp có thẩm quyền ra quyết định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, phân bổ vốn đầu tư công làm cơ sở để triển khai.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Khi nào mới xử lý hành vi gian lận trong đấu thầu của Công ty TNHH Xây dựng Gia Phúc Lộc?

Khi nào mới xử lý hành vi gian lận trong đấu thầu của Công ty TNHH Xây dựng Gia Phúc Lộc?

(Thanh tra) - Trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, tổ chuyên gia phát hiện một nhân sự của Công ty TNHH Xây dựng Gia Phúc Lộc sử dụng bằng cấp giả mạo. Với hành vi này, tổ chuyên gia đã kết luận Công ty TNHH Xây dựng Gia Phúc Lộc đã có hành vi gian lận theo khoản 4, Điều 16 của Luật Đấu thầu năm 2023.

Chu Tuấn

15:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm