Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cưa, chặt cây trong đất bà Nhường - đúng hay sai?

Thứ ba, 25/08/2015 - 08:26

(Thanh tra)- Bà Nguyễn Thị Nhường, sinh năm 1941, ngụ tại ấp Xuân Thiện, xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, có Đơn khiếu nại về việc gia đình đang canh tác ổn định hơn 30 năm nay (từ năm 1983) trên diện tích 7.000m2, thửa số 95, tờ bản đồ 17 thuộc xã Xuân Thiện, nhưng năm 2014, Nông trường Cao su Bình Lộc (thuộc Tổng Công ty Cao su Đồng Nai) cho người tự ý chặt cây, san ủi để trồng cao su mà không thông báo…

Bà Nhường trên mảnh đất bị cưa, chặt cây cối và giải tỏa trắng. Ảnh: Quốc Trung

Đất của ai?

Một khiếu nại nhìn qua thì là “xâm hại tài sản công dân”, song phía sau lại tiềm ẩn những khúc mắc trong quá trình quản lý, sử dụng đất đai, dẫn đến tranh chấp pháp lý và bức xúc trong cộng đồng dân cư tại đây.

Theo hồ sơ chúng tôi có được, chồng bà Nhường là ông Nguyễn Đức Tâm, trước kia từng là Đội trưởng Đội 3 của Nông trường Bình Lộc, rồi Phó Giám đốc Nông trường Bình Lộc, có nhiều đóng góp cho Nông trường. Từ năm 1983, ông Tâm khai phá 7.000m2 đất (nay là thửa số 95, tờ bản đồ 17) để trồng cà phê, nhiều lần chuyển đổi cây trồng từ cà phê đến xoan, muồng đen… Sau khi ông Tâm mất, gia đình ông vẫn canh tác cho đến năm 2014.

Tháng 8/2014, Nông trường Cao su Bình Lộc cho người đến chặt cây trong diện tích đất của bà Nhường và mang bán, giải tỏa trắng khu đất này nhưng gia đình bà Nhường không nhận được thông báo gì. Cho rằng tài sản gia đình bị phá hoại, xâm phạm, bà làm đơn trình báo công an và chính quyền địa phương.

Sau nhiều lần hòa giải chưa có kết quả, sự việc cũng đặt ra mấy vấn đề:

Thứ nhất, diện tích đất này thuộc sở hữu của ai? Thực tế cho thấy, đất là do ông Nguyễn Đức Tâm khai phá và canh tác ổn định từ năm 1983, nhưng về sở hữu, gia đình ông Tâm lại chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCN QSDĐ) diện tích này.

Thứ hai, đất này có thuộc về Nông trường Bình Lộc hay không? Năm 1983, UBND tỉnh Đồng Nai đã có Quyết định 1689/QĐ-UBT ngày 29/10/1983 về việc cho phép Công ty Cao su Đồng Nai khai hoang phục hóa trồng cao su cho kế hoạch năm 1984 thuộc các huyện Tân Phú, Xuân Lộc, Thống Nhất, Long Thành. Khi ấy, Nông trường Bình Lộc thuộc địa bàn huyện Xuân Lộc. Theo Quyết định 1689, Nông trường Bình Lộc được khai phá 600 ha thuộc xã Xuân Bình, huyện Xuân Lộc. Còn tại huyện Thống Nhất, trên diện tích 1.513 ha có 02 Nông trường đảm nhận là Nông trường Trảng Bom (975 ha thuộc xã Trảng Bom 1 và xã An Viễn); Nông trường An Viễn (538 ha thuộc xã Bình Sơn và xã Lộ 25). Xã Xuân Thiện và xã Xuân Thạnh tách ra từ huyện Long Khánh nhập vào huyện Thống Nhất, theo lý thì không nằm trong phạm vi diện tích được quy định tại Quyết định 1689.

Thứ ba, khi ông Tâm khai phá 7.000m2 tại ấp Tín Nghĩa, xã Xuân Thiện vào thời điểm năm 1983, nơi này không thuộc phạm vi Công ty Cao su Đồng Nai khai hoang theo Quyết định 1689. Chiếu theo luật định, ông Tâm khai phá trước 1993 và canh tác ổn định tới năm 2014, không có tranh chấp, được các hộ liền kề xác nhận, thì ông Tâm phải được xem xét cấp GCN QSDĐ.

Về phía Nông trường Cao su Bình Lộc, năm 2008 mới có GCN QSDĐ diện tích 14.538.352m2 tại xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Như thế, quyền và nghĩa vụ về đất đai của Nông trường phát sinh từ năm 2008, không thể mang GCN này ra tranh chấp với mảnh đất ông Tâm đã khai phá từ năm 1983. Theo đúng trình tự sử dụng đất, ông Tâm có quyền đề nghị được cấp GCNQSDĐ. Nếu thu hồi gia đình ông Tâm phải được bồi thường thỏa đáng.

Quản lý sử dụng đất - còn bỏ ngỏ!

Đặt vấn đề nếu ông Tâm khai phá trên đất đã được quy hoạch, thì việc quản lý, sử dụng đất công phải được xem xét lại.

Cây cối xanh tốt của các hộ liền kề đất nhà bà Nhường.Ảnh: Quốc Trung

Từ năm 1983, khi chấp thuận giao đất cho Công ty Cao su Đồng Nai, Quyết định 1689 đã nêu rõ: “Công ty Cao su Đồng Nai có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo các nông trường khai hoang đúng khu vực; khai hoang đến đâu phải hoàn chỉnh và đưa đất vào trồng cao su đến đó, không bỏ đất trống… Thời gian khai hoang từ tháng 11/1983 đến tháng 11/1984; thời gian đưa đất vào sản xuất từ 01/4/1984 đến 30/10/1984…”.

Thực tế, nhiều diện tích đất thuộc vùng khai hoang theo Quyết định 1689 bị bỏ hoang, các hộ gia đình khai phá canh tác như hộ ông Tâm vẫn hiện hữu. Việc quản lý sử dụng đất không sát thực tế, không chính xác dễ gây hiểu nhầm khi xử lý vụ việc. Ví dụ, năm 2008 Nông trường Cao su Bình Lộc được cấp “sổ đỏ” cho 14.538.352m2 tại xã Xuân Thiện. Lúc này ông Tâm khai phá và canh tác cây cà phê, cây xoan, cây muồng đen tại xã Xuân Thiện đã được 25 năm; nhưng thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường năm 2008 thì thửa 95, tờ bản đồ 6 tại xã Xuân Thiện thuộc về Nông trường Bình Lộc với tài sản gắn liền trên đất là cây cao su! Cho đến 7 năm sau, tức là khi xảy ra vụ việc đất của gia đình ông Tâm, bà Nhường bị giải tỏa trắng, Nông trường mới đưa ra lý do giải tỏa là để trồng cây cao su!

Sở hữu đất đai và không sử dụng một thời gian dài, để các hộ dân khai phá canh tác và không tranh chấp, các Nông trường cần xem lại quyền sở hữu của mình.

Trở lại mảnh đất của gia đình ông Tâm, bà Nhường, dù chưa được cấp GCN QSDĐ nhưng họ khai phá khi đất không thuộc về doanh nghiệp nào, canh tác ổn định, lâu dài, họ có quyền đề nghị được sở hữu.

Việc Nông trường Cao su Bình Lộc không xem xét nguồn gốc và quá trình sử dụng đất, không giải quyết thỏa đáng kiến nghị của bà con đã gây bức xúc và khiếu kiện. Tại Điều III, Quyết định 1689 đã hướng dẫn: “Đối với đất dân đã canh tác, Công ty Cao su có trách nhiệm cùng với UBND các huyện giáo dục, vận động để chuyển giao đất trồng cao su và giải quyết thỏa đáng mọi vướng mắc ngay tại địa phương…”. Hành vi tự ý cưa, chặt cây cối hoa màu đem bán và giải tỏa trắng 7.000m2 đất nhà bà Nhường mà không căn cứ vào quy định pháp lý nào, không có văn bản thông báo, hướng dẫn hay làm việc với gia đình bà Nhường là không đúng trình tự. Ông Tâm vốn là công nhân, rồi là Đội trưởng, Phó Giám đốc của Nông trường, về lý và tình, Nông trường làm như thế là không phải lẽ.

Cho đến nay, sau nhiều phiên hòa giải, phía Nông trường chưa đưa ra một giải pháp nào hợp lý hợp tình cho 2 vấn đề: Đất của gia đình bà Nhường và cây cối hoa màu bị phá hủy. Giải pháp đền bù cho bà Nhường với giá không thỏa đáng không giải quyết được việc bà bị mất đất đai, hoa màu đã canh tác hơn 30 năm qua.

Đề nghị Nông trường Cao su Bình Lộc và UBND xã Xuân Thiện, UBND huyện Thống nhất xem xét kỹ và có hướng giải quyết trước khi câu chuyện trở nên phức tạp hơn.

Quốc Trung

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Phát hiện Công ty CP Đầu tư xây dựng 886 - Thành Nam kê khai gian lận trong đấu thầu

Phát hiện Công ty CP Đầu tư xây dựng 886 - Thành Nam kê khai gian lận trong đấu thầu

(Thanh tra) - Tại gói thầu số 12 thuộc Dự án Mở rộng đường Phú Mỹ - Tóc Tiên (từ khu tái định cư 105ha đến đường Hắc Dịch - Tóc Tiên - Châu Pha), thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, Công ty CP Đầu tư xây dựng 886 - Thành Nam đã bị phát hiện có hành vi gian lận trong đấu thầu…

Ngọc Tuấn

08:00 14/12/2024
Công ty CP Tư vấn Kiểm định và Khảo sát Xây dựng kê khai gian lận trong đấu thầu?

Công ty CP Tư vấn Kiểm định và Khảo sát Xây dựng kê khai gian lận trong đấu thầu?

(Thanh tra) - Công ty CP Tư vấn Kiểm định và Khảo sát Xây dựng kê khai nhân sự Nguyễn Quốc Huy có bằng tốt nghiệp đại học do Trường Đại học Xây dựng cấp. Tuy nhiên, trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, đã phát hiện ông Nguyễn Quốc Huy không có tên trong hồ sơ gốc cấp bằng tốt nghiệp của Trường Đại học Xây dựng.

Ngọc Tuấn

19:00 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm