Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Công ty Điện lực cần xem xét lại việc hoàn trả vốn lưới điện hạ áp nông thôn cho HTX Triệu Xá

Văn Thanh

Chủ nhật, 02/10/2022 - 22:06

(Thanh tra) - Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ điện Triệu Xá cho rằng bị HTX Dịch vụ điện Đại Đồng (xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đánh tráo tên để lấy tiền hoàn trả lưới điện hạ áp nông thôn của ngành Điện khiến việc bức xúc, khiếu nại kéo dài.

Đơn thư khiếu nại của HTX Triệu Xá cho rằng HTX Đại Đồng đã "đánh tráo" hồ sơ để lấy tiền hoàn trả lưới điện hạ áp nông thôn của HTX Triệu Xá. Ảnh: VT

Theo đơn phản ánh của ông Lê Đình Hóa, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ điện Triệu Xá (HTX Triệu Xá), xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn, năm 2008, HTX  nhận bán điện đến tận hộ dân với giá quy định của Nhà nước. Lúc đó, HTX phải thuê đường dây hạ thế của UBND xã Đồng Tiến với giá 1 triệu đồng/năm. Đến năm 2009, UBND xã Đông Tiến thanh lý đường dây và bán lại cho HTX Triệu Xá với giá 39.500.000 đồng có phiếu thu nộp về ngân sách xã. Thời điểm đó, 8 thành viên trong HTX Triệu Xá đã góp tiền mua dây và cột điện, đồng thời tu bổ đường dây để bán điện cho đỡ hao phí điện năng và an toàn lưới điện.

Đến năm 2012, thực hiện chủ trương của ngành Điện, HTX Triệu Xá bàn giao toàn bộ đường dây hạ thế trạm 1 và trạm 4 của HTX cho Chi nhánh Điện Đông Sơn quản lý. Thế nhưng đến nay, đã nhiều năm trôi qua, vẫn chưa thấy ngành Điện trả tiền hay thông tin gì cho HTX Triệu Xá.

Bức xúc, các thành viên trong HTX Triệu Xá đã tìm hiểu sự việc và làm đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng cho rằng, HTX Triệu Xá là trạm biến áp 1 và trạm biến áp 4 bị HTX Đại Đồng là trạm biến áp 3 “đánh tráo” tên để lấy tiền hoàn trả vốn đầu tư tài sản lưới điện hạ áp nông thôn (HANT) của HTX Triệu Xá.

Phiếu thu tiền thanh lý đường điện và phiếu thu tạm thu tiền nộp khấu hao đường dây do HTX Triệu Xá, xã Đông Tiến nộp vào ngân sách Nhà nước. Ảnh: VT

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Thanh tra, thực hiện Thông báo số 100/TB-BCĐ ngày 14/7/2014 của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Ngọc Hồi, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện việc giao, nhận và hoàn trả vốn đầu tư lưới điện HANT; ngày 30/9/2014, Sở Tài chính phối hợp với các thành viên liên ngành gồm Sở Tài chính, Sở Công thương, Công ty Điện lực Thanh Hóa, UBND huyện Đông Sơn kiểm tra, xem xét hồ sơ, tổng hợp số liệu để thực hiện họp liên ngành thống nhất việc xem xét nội dung đề nghị tại Công văn số 670/UBND-CTh ngày 25/7/2014 của UBND huyện Đông Sơn.

Trong đó có nội dung: “Trạm biến áp số 1 và số 4 xã Đông Tiến biên bản giao nhận tài sản lưới điện nông thôn tiếp nhận thực hiện bán điện đến tận hộ ngày 15/3/2012 với giá trị còn lại là 182.118.000 đồng. Theo biên bản xác định giá trị còn lại tài sản lưới điện HANT ngày 5/3/2012 giữa UBND xã Đông Tiến và Công ty Điện lực Thanh Hóa, nội dung tại mục 5 về phân tích cơ cấu nguồn vốn là vốn của HTX là 182.118.000 đồng và kết luận đã được ghi giá trị này trình lên hội đồng định giá tài sản để thẩm định làm cơ sở cho việc hoàn trả vốn theo Thông tư liên tịch số 06/2010 ngày 3/2/2010 của Bộ Công thương - Tài chính về việc giao nhận và hoàn trả vốn đầu tư lưới điện HANT”.

Biên bản của liên ngành ngày 30/9/2014 có ý kiến của Công ty Điện lực Thanh Hóa cho rằng trạm biến áp số 3 xã Đông Tiến không đủ căn cứ chứng minh nguồn gốc vốn do nhân dân đóng góp nên đề nghị ghi vào phần tài sản không rõ nguồn gốc, thực hiện tăng giảm vốn giữa bên nhận và bên giao (không hoàn vốn). Ảnh: VT

Cũng tại biên bản của liên ngành ngày 30/9/2014, ý kiến của Công ty Điện lực Thanh Hóa cho rằng: “Trạm biến áp số 3 xã Đông Tiến không đủ căn cứ chứng minh nguồn gốc vốn do nhân dân đóng góp nên đề nghị ghi vào phần tài sản không rõ nguồn gốc, thực hiện tăng giảm vốn giữa hai bên giao và bên nhận (không hoàn vốn)”.

Để giải quyết đơn thư khiếu nại của HTX Triệu Xá, ngày 15/9/2022, Điện lực Thanh Hóa và Điện lực Đông Sơn đã làm việc với đại diện HTX Triệu Xá.

Tại cuộc họp này, ý kiến của Công ty Điện lực Thanh Hóa cho rằng: “Qua rà soát hồ sơ về hoàn trả vốn lưới điện HANT và các HTX dịch vụ điện xã Đông Tiến thì trạm biến áp số 2 (HTX Toàn Tân) và trạm biến áp số (HTX Đại Đồng) là có hồ sơ theo quy định tại Thông tư 32/2013 của Bộ Công thương nên được cấp có thẩm quyền phê duyệt thực hiện việc hoàn trả vốn. Riêng trạm biến áp số 1 và 4 (HTX Triệu Xá) không đủ hồ sơ theo quy định nên không được liên ngành xem xét.

Tại Công ty Điện lực Thanh Hóa, hồ sơ của trạm biến áp số 1 và 4 chỉ có một số biên bản như biên bản xác định giá trị còn lại tài sản lưới điện nông thôn để ngành Điện thực hiện bán lẻ đến hộ dân; bảng tổng hợp khối lượng và phân tích giá trị còn lại và biên bản giao nhận tài sản lưới điện nông thôn.

“Việc thanh toán, hoàn trả số tiền 182.118.000 đồng cho HTX Đại Đồng trùng khớp với giá trị bàn giao của trạm biếp áp số 1 và 4 là ngẫu nhiên. Cách tính hoàn trả vốn trạm biến áp số 3 được xác định giá trị hoàn trả theo cơ cấu nguồn vốn với tỷ lệ 83% của giá trị còn lại của 218.121.00 đồng”, ý kiến của Điện lực Thanh Hóa khẳng định.

Cũng tại cuộc họp này, HTX Triệu Xá cho rằng, đơn vị đã cung cấp đầy đủ hồ sơ hoàn trả vốn cho Phòng Công thương huyện Đông Sơn, trong đó có toàn bộ hồ sơ gốc và đã nhiều lần bổ sung hồ sơ theo yêu cầu. Do đó, đề nghị cơ quan chức năng xem xét lại hồ sơ hoàn trả vốn được nêu tại biên bản liên ngành ngày 30/9/2014, trong biên bản nêu lên trạm biến áp số 3 thực hiện tăng giảm tài sản (không hoàn vốn) và giá trị trạm biến áp số 3 mua thanh lý đường điện 39.500.000 đồng thực tế là của trạm biến áp 1 và 4. Các thành viên của HTX Triệu Xá cho rằng, có sự nhầm lẫn về hồ sơ giữa các HTX nên việc chi trả tiền sai đối tượng. Vì vậy, HTX Triệu Xá đề nghị Phòng Công thương huyện Đông Sơn, Công ty Điện lực Thanh Hóa và các đơn vị liên quan kiểm tra hồ sơ để hoàn trả vốn cho HTX Triệu Xá.

Việc HTX Triệu Xá khiếu nại cho rằng, bị HTX Đại Đồng “đánh tráo” tên để lấy tiền hoàn trả lưới điện HANT chưa biết có nhầm lẫn, đúng sai thế nào, thế nhưng qua biên bản họp của liên ngành ngày 30/9/2014 và biên bản làm việc của Công ty Điện lực Thanh Hóa, Điện lực Đông Sơn ngày 15/9/2022 đang có mâu thuẫn nhau.

Thứ nhất, biên bản liên ngành ngày 30/9/2014 ý kiến của Điện lực Thanh Hóa cho rằng: “Trạm biến áp số 3 xã Đông Tiến của HTX Đại Đồng không đủ căn cứ chứng minh nguồn gốc vốn do nhân dân đóng góp nên đề nghị ghi vào phần tài sản không rõ nguồn gốc, thực hiện tăng giảm vốn giữa hai bên giao và bên nhận (không hoàn vốn)”.

Còn tại biên bản làm việc ngày 15/9/2022 theo đơn thư khiếu nại của HTX Triệu Xá thì ý kiến của Công ty Điện lực Thanh Hóa lại cho rằng: “Qua kiểm tra hồ sơ thì trạm biến áp số 3 (HTX Đại Đồng) có hồ sơ theo quy định tại Thông tư 32/2013 của Bộ Công thương nên được cấp có thẩm quyền phê duyệt thực hiện việc hoàn trả vốn. Việc thanh toán hoàn trả số tiền 182.118.00 đồng cho HTX Đại Đồng trùng khớp với giá trị bàn giao trạm biến áp số 1 và 4 của HTX Triệu Xá là ngẫu nhiên”.

Như vậy, qua hai biên bản ghi nhận ý kiến và trả lời của Công ty Điện lực Thanh Hóa ở hai thời điểm khác nhau cũng đã có mâu thuẫn. Vì vậy, đơn thư khiếu nại của HTX Triệu Xá cần được Công ty Điện lực Thanh Hóa xem xét kỹ lưỡng, tránh tình trạng chi trả tiền hoàn trả vốn lưới điện HANT sai đối tượng, tiếp tục gây khiếu nại kéo dài.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

(Thanh tra) - Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành, kết quả kiểm tra 17 trạm trộn bê tông thương phẩm và trạm trôn bê tông nhựa nóng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, thì có đến 16 trạm có nhiều lỗi vi phạm, bị xử lý buộc tháo dỡ, di dời, hoặc tạm dừng hoạt động để hoàn thiện hồ sơ, nhưng riêng trạm trộn bê tông tươi Trường An thì không phải dừng hoạt động.

Thành Nam

18:43 20/11/2024
Bài 2: Cục Quản lý Dược có bất thường trong việc cấp phép một số dòng sản phẩm Obagi?

Bài 2: Cục Quản lý Dược có bất thường trong việc cấp phép một số dòng sản phẩm Obagi?

(Thanh tra) - Như bài viết trước chúng tôi đã đề cập, năm 2017, Công ty Dương Minh được độc quyền nhập khẩu, phân phối các sản phẩm của Obagi Hoa Kỳ. Tháng 9/2017, Công ty Dương Minh chính thức được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế Việt Nam cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với các sản phẩm Obagi và cũng chính thức trở thành nhà nhập khẩu phân phối độc quyền các sản phẩm Obagi ở thị trường Việt Nam.

Đan Quế - Lê Phương - Phương Anh

08:00 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm