Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bài 4: Hệ lụy từ việc buông lỏng quản lý đất đai

Thứ ba, 17/10/2017 - 11:37

(Thanh tra)- Quá trình hơn 9 năm ròng rã khiếu nại đã từng bước giúp công dân Huỳnh Văn Cò hiểu rõ hơn quy định pháp luật về đất đai và tin tưởng rằng quyền lợi hợp pháp của mình sẽ được giải quyết nếu cơ quan quản lý thanh tra toàn diện quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) tại quận 7.

Nhiều diện tích đất ven kênh rạch đã được vô tư "hóa kiếp" thành đất tư nhân với hàng trăm GCNQSDĐ không có hồ sơ gốc. Ảnh: NG

Cấp sai pháp luật

Khi tìm hiểu về 8 thửa đất trên GCNQSDĐ số387/QSDĐ/78, ông Cò bắt đầu phát hiện ra sự thật giật mình là ngoài 13.000m2 đất của gia đình mình bị chiếm đoạt thì diện tích còn lại có nguồn gốc là đất công cộng của Nhà nước. Nhưng không hiểu vì sao lại lọt vào GCNQSDĐ số 387/QSDĐ/78, có tên ông Thống.

Về thẩm quyền ký trên GCNQSDĐ nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân theo Quyết định số 201/QĐ-ĐKTK ngày 14/7/1989, của Tổng Cục địa chính phải là Chủ tịch UBND quận, huyện. Khi Luật Đất đai 1993 có hiệu lực từ ngày 15/10/1993 thì thẩm quyền ký trên GCNQSDĐ nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân càng được quy định rõ hơn là thuộc về Chủ tịch UBND quận, huyện. Thẩm quyền của Chủ tịch UBND quận, huyện về cấp, thu hồi đất nông nghiệp, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cũng đã được quy định trong Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 1994.

Để có thể được công nhận quyền sử dụng 33.903m đất nông nghiệp vào thời điểm 1995, thì ông Thống phải là người có hộ khẩu tại địa phương, có nhu cầu canh tác nông nghiệp, có đơn xin giao cấp đất để sau đó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè thời điểm đó là ông Mai Văn Đường ký quyết định giao đất nông nghiệp trên cơ sở xét duyệt của cơ quan chuyên môn. Vì vậy, ông Trần Ngọc Hùng ký trên GCNQSDĐ số 387/QSDĐ/78, với tư cách ủy viên là không đúng thẩm quyền tại thời điểm 30/12/1995.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của ông Huỳnh Cách Mạng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, ngày 2/10/2017, Thanh tra TP Hồ Chí Minh đã làm việc với ông Cò để công bố quyết định thành lập đoàn thanh tra liên ngành liên quan đến GCNQSDĐ số 387/QSDĐ/78.

Đất công cộng… bốc hơi

Có một thực tế là nhiều diện tích đất ven kênh rạch thuộc địa giới hành chính huyện Nhà Bè khi được chia tách thành quận 7 đã được vô tư biến thành đất tư nhân dù theo quy định pháp luật về đất đai thì các phần đất này là đất công cộng, là tài sản Nhà nước. Hình thức để đất công cộng trở thành đất cá nhân chính là các GCNQSDĐ có chữ ký của ông Trần Ngọc Hùng lúc thì với tư cách là Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, lúc thì là ủy viên giống như GCNQSDĐ số 387/QSDĐ/78 có tên người được công nhận là ông Nguyễn Đức Thống. Cũng có một điều bất thường khác là các giấy chứng nhận loại này đều thất lạc hồ sơ gốc nhưng đến thời kỳ thuộc địa giới hành chính của quận 7 thì lại được chuyển tên, đổi thửa cho các cá nhân mới.

Trong tháng 10/2017, Thanh tra TP Hồ Chí Minh bắt đầu thanh tra toàn diện các vấn đề liên quan đến GCNQSDĐ số 387/QSDĐ/78. Ảnh: NG

Khi đô thị hóa với hàng loạt dự án kinh doanh bất động sản được triển khai tại quận 7 thì các cá nhân có tên trên giấy chứng nhận loại này đã nghiễm nhiên được nhận khoản tiền đền bù, giải tỏa từ chủ đầu tư dù về bản chất ngân sách phải được nhận khoản kinh phí này. Nhưng chưa hết, sau đó ngân sách lại phải khấu trừ tiền sử dụng đất cho các dự án trong đó có cả khoản tiền đền bù, giải tỏa theo báo cáo của chủ đầu tư.

Vấn nạn thiệt đơn thiệt kép cho ngân sách này chỉ bắt đầu sáng tỏ từ vụ việc khiếu nại của ông Cò liên quan đến GCNQSDĐ số 387/QSDĐ/78. Sau khi báo chí phản ánh thì Chủ tịch UBND quận 7 Lê Hòa Bình cũng đã giao Công an quận 7 tiến hành xác minh làm rõ các giấy chứng nhận không có hồ sơ gốc. Nhưng đến thời điểm này kết quả kiểm tra vẫn chưa được công khai vì sau đó ngành công an đã có văn bản đề nghị UBND quận 7 giải quyết theo thẩm quyền.

Hay nói khác hơn khi câu chuyện về 300 GCNQSDĐ không có hồ sơ gốc, có dấu hiệu giả mạo được Báo Thanh tra phản ánh, dù chưa kiểm tra xác minh nhưng lãnh đạo UBND quận 7 đã vội vã cho rằng không có sự việc này. Tuy nhiên câu trả lời sòng phẳng mà dư luận vẫn chờ đợi từ Chủ tịch UBND quận là thực tế có bao nhiêu GCNQSDĐ không có hồ sơ gốc, cấp sai đối tượng trên đất công cộng?.

Giáng Thăng 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sai từ khi lập dự án cho đến thi công và nghiệm thu thanh toán

Sai từ khi lập dự án cho đến thi công và nghiệm thu thanh toán

(Thanh tra) - Như Báo Thanh tra đã phản ánh, dự án đầu tư xây dựng cơ bản công trình sửa chữa, bảo dưỡng đường trục tiểu khu Đông Đoài đi A27, kết nối vào đường gom thị trấn Phú Xuyên đi Vân Từ - Phú Yên, có tổng chiều dài chỉ 1.039m với tổng vốn đầu tư là 14,989 tỷ đồng và đã được Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên kết luận có nhiều sai phạm.

Nam Dũng

16:00 14/12/2024
Phát hiện Công ty CP Đầu tư xây dựng 886 - Thành Nam kê khai gian lận trong đấu thầu

Phát hiện Công ty CP Đầu tư xây dựng 886 - Thành Nam kê khai gian lận trong đấu thầu

(Thanh tra) - Tại gói thầu số 12 thuộc Dự án Mở rộng đường Phú Mỹ - Tóc Tiên (từ khu tái định cư 105ha đến đường Hắc Dịch - Tóc Tiên - Châu Pha), thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, Công ty CP Đầu tư xây dựng 886 - Thành Nam đã bị phát hiện có hành vi gian lận trong đấu thầu…

Ngọc Tuấn

08:00 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm