Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bài 4: Dấu hiệu sai phạm ở chợ An Đông, cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng

Nhóm PV

Thứ sáu, 29/12/2023 - 11:53

(Thanh tra) - Các tiểu thương cho rằng, tình trạng khiếu kiện kéo dài là bởi những thắc mắc của tiểu thương chưa được làm rõ. Đặc biệt là công tác đầu tư hạ tầng, đầu tư thiết bị đưa vào sử dụng chưa được bao lâu thì hư hỏng, xuống cấp. Việc thắc mắc về điều khoản và thời gian trong hợp đồng quyền sử dụng quầy sạp, cho đến những “khuất tất” về thu chi tài chính, hoạt động cho thuê mặt bằng chưa đúng thiết kế quy hoạch...

Việc tranh chấp, khiếu kiện kéo dài giữa các tiểu thương với Ban Quản lý chợ An Đông cần có hồi kết. Ảnh: PV

Nguy cơ mất an toàn phòng cháy chữa cháy

Theo phản ánh của ông Nguyễn Văn Lâm (sạp B30 lầu 1 - đại diện cho nhiều tiểu thương chợ An Đông), Ban Quản lý Trung tâm Thương mại - Dịch vụ (Ban Quản lý chợ An Đông) đã sắp xếp cho thuê quầy sạp không đúng thiết kế quy hoạch. Trong khi toàn bộ khu vực tầng hầm được bố trí là bãi giữ xe của chợ, nhưng Ban Quản lý bố trí kinh doanh buôn bán hàng hóa.

Thậm chí, các hành lang an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) của các tầng, các chân cầu thang, các ô giếng trời cũng được Ban Quản lý “tận dụng” để phân lô bán sạp với khoảng 800 quầy sạp. Điều này khiến các bãi xe bị đẩy ra các con đường thoát hiểm xung quanh, các cửa ra vào của 4 mặt chợ luôn bị quây kín bởi các bãi giữ xe.

“Việc cho thuê không đúng thiết kế quy hoạch, sử dụng không đúng mục đích, ảnh hưởng an toàn PCCC, mất an ninh trật tự và không đảm bảo vệ sinh môi trường. Nguy cơ cho tính mạng, tài sản cũng như công tác cứu hộ nếu như xảy ra hỏa hoạn”, ông Lâm nói.

Các lối ra vào chợ bị vây kín bởi bãi xe máy, nguy cơ mất an toàn PCCC, cứu hộ cứu nạn. Ảnh: PV

Ngoài ra, các tiểu thương còn “tố” Ban Quản lý chợ An Đông thu chi không minh bạch, đặc biệt công tác đầu tư nâng cấp, sửa chữa chợ. Nhiều hạng mục công trình đầu tư hàng chục tỷ đồng mới đưa vào sử dụng đã xuống cấp trầm trọng. Đơn cử là việc sập nhà vệ sinh, hệ thống máy lạnh rò rỉ nước…; việc cho thuê diện tích các mặt tiền ngoài chợ, các bãi trông giữ xe không thông qua đấu giá.

Cụ thể, năm 2015, Ban Quản lý chợ An Đông thông báo tới các tiểu thương đã hoàn thành nâng cấp 2 hạng mục là hệ thống nhà vệ sinh và hệ thống điện động lực với tổng chi phí trên 9 tỷ đồng. Dù được lắp mới, nhưng chỉ sau 30 ngày sử dụng, các thiết bị trong nhà vệ sinh đã hư hỏng và phải sửa chữa lại.

Đến tháng 4/2017, sự cố sập trần tại khu vực nhà vệ sinh tầng trệt của chợ An Đông đã khiến 2 nhân viên bán hàng bị thương.

Đối với hệ thống máy lạnh, Ban Quản lý chợ An Đông đưa vào vận hành từ tháng 6/2018 với số tiền đầu tư hơn 22 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 4 tháng đưa vào sử dụng, nhiều điểm của hệ thống bị rỉ nước chảy xuống các sạp hàng, các tiểu thương vừa lo bảo quản hàng hóa, vừa lo chập cháy điện. Một số tiểu thương phải dùng xô, chậu để hứng nước từ các điểm rò rỉ.

Đầu tư hơn 22 tỷ đồng cho hệ thống máy lạnh nhưng phải dùng xô chậu để hứng nước rò rỉ. Ảnh: PV

Ngoài ra, năm 2016, Ban Quản lý hứa hẹn sẽ lắp đặt 2 thang máy nâng hàng. Đây là thiết bị hết sức cần thiết để vận chuyển hàng hóa từ tầng trệt lên các lầu và ngược lại. Mặc dù hơn 7 năm nay tiểu thương nhiều lần kiến nghị nhưng lãnh đạo Ban Quản lý vẫn chưa thực hiện.

Có dấu hiệu lạm thu và áp đặt các điều khoản trong hợp đồng

Các tiểu thương chợ An Đông cho rằng Ban Quản lý chợ thu nhiều khoản phí thiếu cơ sở pháp lý, có dấu hiệu lạm thu. Vô lý nhất là khoản thu phí diện tích bán hàng, tiểu thương phải đóng hàng tháng 200.000 - 300.000 đồng mà không hiểu là tiền gì bởi họ đã phải đóng một khoản lớn tiền thuê quầy sạp khi ký hợp đồng.

Không những thế, ngoài phí diện tích bán hàng, mỗi tháng các tiểu thương còn phải đóng 4 loại phí khác gồm: Tiền điện, tiền máy lạnh, tiền vệ sinh, tiền thu gom rác. Các tiểu thương thắc mắc, vì sao Ban Quản lý không cộng gộp tiền máy lạnh vào tiền điện; tiền thu gom rác vào tiền vệ sinh mà phải chia ra 4 loại phí mặc dù bản chất cũng chỉ là 2 loại phí (tiền điện và tiền vệ sinh).

Theo phản ánh của bà Lý Cẩm Vân (sử dụng quầy sạp E01), bà sử dụng sạp từ năm 1988, đến năm 1991 bà góp vốn với Công ty Việt Hoa và sử dụng đến năm 2012.

Sau khi Công ty Việt Hoa trả chợ về cho Nhà nước, bà ký hợp đồng với Ban Quản lý chợ An Đông thời gian từ 2012 - 2021.

Thời điểm đó, Ban Quản lý tính phí cho thuê quầy sạp cho bà thời gian 5 năm (2012 - 2016) số tiền là 2.054.000.000 đồng. Sau nhiều lần đấu tranh, đơn vị này giảm số tiền cho thuê xuống 1.058.000.000 đồng. Bà Vân cho rằng, đã nộp tiền thuê quầy sạp rồi thì không lý do gì mỗi tháng phải đóng thêm mấy trăm ngàn tiền phí diện tích bán hàng.

Điều đáng nói, do sự đấu tranh mạnh mẽ của các tiểu thương, nên tên gọi “diện tích bán hàng” được Ban Quản lý chợ An Đông nhiều lần đổi. Từ ban đầu gọi là phí hoa chi, đổi sang phí chợ và nay được gọi “phí sử dụng diện tích bán hàng”. Tiểu thương so sánh, đơn cử chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) cùng xây dựng năm 1991, tiểu thương không phải đóng tiền phí hoa chi, mặc dù ở thời điểm đó số tiền tiểu thương chợ này góp vốn xây dựng chợ thấp hơn nhiều so với tiểu thương chợ An Đông.

Thế nhưng, giữa năm 2019, Ban Quản lý chợ An Đông tự ý đề nghị các tiểu thương thanh lý hợp đồng cũ để ký hợp đồng mới, thời hạn từ ngày 1/1/2019 - 30/12/2028, với những điều khoản “bất lợi” cho tiểu thương.

Đáng chú ý, hợp đồng cũ đến năm 2021 mới hết hiệu lực, nhưng Ban Quản lý chợ An Đông bắt buộc các tiểu thương ký đồng mới bắt đầu thời gian từ 2019. Nếu tính đúng thì thời hạn hợp đồng chỉ còn lại 8 năm.

Các tiểu thương cho rằng bản dự thảo thanh lý hợp đồng thể hiện tính áp đặt, có lợi cho ban quản lý nhưng bất lợi cho tiểu thương. Ảnh: PV

Theo bà Lý Cẩm Vân, nhiều điều khoản trong bản dự thảo hợp đồng mới Ban Quản lý đưa ra có tính chất áp đặt, cố tính xóa dấu vết hợp đồng cũ. Trong bản hợp đồng mới không thể hiện số tiền hơn 1 tỷ đồng mà bà đóng trước đó. Ban Quản lý chợ An Đông còn yêu cầu các tiểu thương “không có bất kỳ tranh chấp nào phát sinh” và “cam kết không khiếu nại gì đối với hợp đồng” tại khoản 1, 2 Điều 2.

Bà Vân cho biết, không hề chống đối mà cần được làm rõ loại phí sử dụng diện tích bán hàng. Đồng thời, đề nghị được ký hợp đồng thời gian từ năm 2021 - 2031 và ghi rõ số tiền bà đã đóng trước đó trong hợp đồng mới này.

Liên quan đến vụ việc, ngày 8/11/2023, trong buổi làm việc với chúng tôi, Chánh Văn phòng UBND quận 5 Nguyễn Xuân Thành cho biết: “Việc khiếu kiện giữa các tiểu thương và Ban Quản lý chợ An Đông đã xảy ra nhiều năm rồi. Chúng tôi đã mời luật sư, chuyên gia để rà soát hồ sơ pháp luật. Thậm chí chúng tôi còn mời đơn vị kiểm toán độc lập kiểm toán toàn bộ quá trình thu thu chi liên quan đến chợ An Đông... rất sạch sẽ, không hề có sai sót...”.

Tại buổi làm việc, để thông tin được khách quan, chúng tôi đề nghị UBND quận 5 cung cấp kết luận kiểm toán độc lập. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nội dung chúng tôi đề nghị vẫn chưa được trả lời.

Cũng tại buổi làm việc, Phòng Kinh tế quận 5 cho rằng, hợp đồng quyền sử dụng quầy sạp được ký mốc thời gian từ 2019 - 2028 là theo nguyện vọng của 145 tiểu thương đề nghị ký trước thời hạn để thế chấp vay vốn.

Tuy nhiên, nhiều tiểu thương phản ánh, việc 145 người không thể đại diện cho hàng ngàn tiểu thương khác. UBND quận 5 và Ban Quản lý chợ An Đông nóng lòng muốn thu tiền nên vội vàng yêu cầu tiểu thương ký hợp đồng mới và xóa dấu vết hợp đồng cũ.

Dư luận cho rằng, các tiểu thương khiếu kiện nhiều năm nhưng UBND quận 5 và Ban Quản lý chợ An Đông không xử lý dứt điểm phải chăng do yếu kém về công tác quản lý? Vì sao Ban Quản lý chợ An Đông không công khai, minh bạch các khoản thu chi?

Bên cạnh đó, nhiều hạng mục công trình chợ An Đông được đầu tư với tổng tiền hàng trăm tỷ đồng đưa vào sử dụng chưa được bao lâu đã hư hỏng, xuống cấp trách nhiệm thuộc về ai? Chủ tịch UBND Quận 5 đã kiểm tra, đôn đốc như thế nào hay có sự “dung túng” cho cấp dưới?

Để kết thúc việc khiếu kiện kéo dài nhiều năm qua, ổn định an ninh trật tự, các tiểu thương yên tâm kinh doanh buôn bán lâu dài, thiết nghĩ UBND TP HCM, UBND quận 5 và các cơ quan chức năng cần vào cuộc kiểm tra, thanh tra toàn diện công tác quản lý chợ An Đông nhằm lấy lại niềm tin cho nhân dân.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Công ty CP Tư vấn Kiểm định và Khảo sát Xây dựng kê khai gian lận trong đấu thầu?

Công ty CP Tư vấn Kiểm định và Khảo sát Xây dựng kê khai gian lận trong đấu thầu?

(Thanh tra) - Công ty CP Tư vấn Kiểm định và Khảo sát Xây dựng kê khai nhân sự Nguyễn Quốc Huy có bằng tốt nghiệp đại học do Trường Đại học Xây dựng cấp. Tuy nhiên, trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, đã phát hiện ông Nguyễn Quốc Huy không có tên trong hồ sơ gốc cấp bằng tốt nghiệp của Trường Đại học Xây dựng.

Ngọc Tuấn

19:00 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm