Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bài 3: Ban Quản lý Trung tâm Thương mại - Dịch vụ An Đông nói gì?

Ngân Nga

Thứ ba, 19/12/2023 - 21:44

(Thanh tra) - Liên quan đến việc niêm phong quầy sạp của tiểu thương vào ban đêm mà không thông báo trước, Ban Quản lý Trung tâm Thương mại - Dịch vụ An Đông (Ban Quản lý TTTMDV An Đông) cho rằng hành động này nhằm bảo vệ tài sản thuộc sở hữu Nhà nước và linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, tính chất hoạt động kinh doanh của thương nhân.

Việc tranh chấp, khiếu kiện kéo dài giữa các tiểu thương với Ban Quản lý TTTMDV An Đông cần có hồi kết. Ảnh: Ngân Nga

Báo Thanh tra đã phản ánh việc Ban Quản lý TTTMDV An Đông niêm phong sạp hàng của tiểu thương Sử Thị Ái Oanh, chủ cửa hàng kinh doanh vải, chợ An Đông, quận 5, TP HCM mà không thông báo với chủ sạp, không có lực lượng chức năng liên quan chứng kiến, không có biên bản niêm phong...

Đồng thời, phản ánh đơn vị này tự ý rút ngắn hợp đồng với tiểu thương chỉ đến năm 2028.

Mới đây, Ban Quản lý TTTMDV An Đông đã có công văn gửi Báo Thanh tra phản hồi về những vụ việc trên.

Ban Quản lý TTTMDV An Đông cho rằng, việc niêm phong sạp quầy của bà Sử Thị Ái Oanh là do tiểu thương này sử dụng điểm kinh doanh khi hợp đồng đã hết hạn mà hai bên không có thỏa thuận gia hạn hợp đồng cũng như không thực hiện nghĩa vụ tài chính. Việc niêm phong nhằm bảo vệ tài sản thuộc sở hữu Nhà nước, tránh làm thất thoát, hao mòn tài sản công và ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng, hợp pháp của Nhà nước và của đơn vị.

Ban Quản lý TTTMDV An Đông lý giải: “Xuất phát từ thực tiễn hoạt động kinh doanh của thương nhân, vì trong thời gian trung tâm hoạt động, thương nhân đang hoạt động kinh doanh ở bên trong quầy sạp và trưng bày hàng hóa ở bên ngoài quầy sạp nên không thể thực hiện việc niêm phong. Do đó, sau khi thương nhân thu dọn hàng hóa, khóa cửa quầy sạp và ra về, Ban Quản lý mới tiến hành niêm phong. Việc niêm phong vẫn được ghi nhận bằng biên bản do đội bảo vệ phối hợp với các tổ, đội liên quan chứng kiến và thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Đây là giải pháp linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, tính chất hoạt động kinh doanh của thương nhân”.

Tuy nhiên, theo bà Sử Thị Ái Oanh, Ban Quản lý TTTMDV An Đông không thông báo cho bà cũng như không có sự chứng kiến của lực lượng chức năng, của chủ sạp; không lập biên bản; niêm phong sau giờ hành chính và trái thẩm quyền, sai với trình tự khi niêm phong. Hơn nữa, quầy sạp bị niêm phong hiện đang tranh chấp, khiếu kiện và đang chờ phán quyết của toà án nên Ban Quản lý TTTMDV An Đông không có quyền niêm phong.

Theo Nghị định số 127/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định khái niệm, nguyên tắc; trình tự, thủ tục; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm thực hiện niêm phong, mở niêm phong các loại vật chứng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án như sau:

Chỉ thực hiện niêm phong, mở niêm phong vật chứng khi có yêu cầu phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; niêm phong, mở niêm phong vật chứng phải bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, hình thức, thẩm quyền theo quy định của pháp luật và quy định của nghị định này; bảo đảm nhanh chóng, kịp thời; bảo đảm tôn trọng lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm tính nguyên vẹn của vật chứng.

Người tham gia niêm phong vật chứng gồm: Người chứng kiến hoặc đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi thực hiện niêm phong vật chứng; người liên quan; đại diện cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến vật chứng được niêm phong (nếu có); người bào chữa (nếu có).

Bà Oanh cho rằng, đối chiếu quy định pháp luật trên, Ban Quản lý TTTMDV An Đông niêm phong không có sự chứng kiến chủ sạp, không có người chứng kiến hoặc đại diện chính quyền làm chứng là sai trình tự khi niêm phong.

Lý giải về việc cho thuê địa điểm kinh doanh tại khu vực tầng hầm và bên ngoài chợ, Ban Quản lý TTTMDV An Đông cho biết, các vị trí khai thác dịch vụ bên ngoài chợ do nhiều đơn vị quản lý nhằm cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, cần thiết cho hoạt động của chợ như xếp dỡ hàng hóa, đón hàng, vận chuyển hàng, trông giữ phương tiện...

Nhiều lối thoát hiểm, đường ra vào chợ bị bịt kín tiềm ẩn nguy cơ nếu xảy ra hỏa hoạn. Ảnh: Ngân Nga

Tại Công văn 37/CV-AĐ ngày 10/11/2023 phản hồi Báo Thanh tra, ông Đinh Hồ Duy Ngọc, Giám đốc Ban Quản lý TTTMDV An Đông thông tin: Xuất phát từ thực tiễn hoạt động của Ban Quản lý từ khi thành lập và đưa vào hoạt động từ năm 1991 đến nay, Ban Quản lý chợ vẫn thực hiện công tác quản lý đối với 2 dãy ki ốt phía ngoài, đây là các điểm kinh doanh theo thiết kế và được quản lý như các điểm kinh doanh cố định trong phạm vi chợ.

Riêng vị trí bên trong tầng hầm, Ban Quản lý hiện đang sử dụng các vị trí còn trống để khai thác, phát triển các dịch vụ quảng cáo, giới thiệu sản phẩm. Đây là khu vực được quy hoạch tạm sử dụng vào mục đích phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ, nhằm góp phần phát triển thương mại dịch vụ, thu hút khách du lịch trên địa bàn quận theo chức năng, nhiệm vụ được giao, được hình thành từ khi chợ thành lập và đi vào hoạt động đến nay và được UBND quận 5 giao dự toán hàng năm.

Tuy nhiên, các tiểu thương chợ An Đông cho rằng, các vị trí Ban Quản lý TTTMDV An Đông đang cho thuê (ngoài các sạp, quầy) là những diện tích tầng hầm, lối thoát hiểm, đường hành lang thực hiện an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC). Điều đáng nói, tất cả các lối đi dành cho xe ưu tiên PCCC bị bít kín bởi các bãi xe xung quanh chợ. Tiểu thương cho rằng, việc cho thuê không đúng thiết kế quy hoạch, sử dụng không đúng mục đích, ảnh hưởng an toàn PCCC, mất an ninh trật tự và không đảm bảo vệ sinh môi trường, tiềm ẩn rủi ro về hoả hoạn cũng như công tác cứu hộ cứu nạn (CHCN) khi sự cố xảy ra.

Do đó, các tiểu thương đã gửi đơn đề nghị kiểm tra, rà soát phương tiện PCCC tại khu vực Chợ An Đông lên công an và cảnh sát PCCC và CNCH TP HCM nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho những tiểu thương đang kinh doanh cũng như người mua hàng tại Chợ An Đông.

Không chỉ có tầng hầm, các cửa cầu thang Ban Quản lý chợ An Đông cũng tạo điều kiện để các tiểu thương trưng bày hàng hóa. Ảnh: Ngân Nga

Về việc Ban Quản lý TTTMDV An Đông tự ý yêu cầu các tiểu thương thanh lý hợp đồng cũ khi đang còn hiệu lực để ký hợp đồng mới với thời gian hợp đồng không đúng tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP HCM và yêu cầu bắt buộc tiểu thương không được khiếu nại, khiếu kiện gì về hợp đồng cũ thì đơn vị này không ý kiến phản hồi.

Thiết nghĩ trong tình trạng hiện nay, hàng loạt tiểu thương tại các chợ sỉ đến chợ lẻ ở TP HCM đóng cửa, sang sạp vì chợ truyền thống ngày càng ế ẩm do phải cạnh tranh, phải bán hàng online thì việc tiểu thương cần là sự hỗ trợ, giúp sức từ các ban quản lý chợ là cần thiết. Thay vì ép họ phải rơi vào cảnh đường cùng bằng các dự thảo bất lợi với các tiểu thương, thu nhiều loại phí, cũng như niêm phong quầy sạp như Ban Quản lý TTTMDV An Đông đã thực hiện.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội: Xử lý cơ sở gây ô nhiễm tại Long Biên sau phản ánh của Báo Thanh tra

Hà Nội: Xử lý cơ sở gây ô nhiễm tại Long Biên sau phản ánh của Báo Thanh tra

(Thanh tra) - Ngay sau khi Báo Thanh tra đăng tải bài viết “Hà Nội: Nỗi lo ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tới hàng nghìn người dân tại quận Long Biên”, UBND phường Đức Giang đã tiến hành kiểm tra, yêu cầu cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường tại ngõ 67 phố Đức Giang chấm dứt hoạt động, tháo dỡ máy móc di chuyển ra khỏi khu vực.

Thanh Hoa

11:21 11/11/2024
Còn những vấn đề cần được làm rõ

Còn những vấn đề cần được làm rõ

(Thanh tra) - Liên quan đến việc xử lý những vi phạm trong quá trình thực hiện gói thầu mua sắm bồn nước, bà Hoàng Thị Lan, Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Dân tộc huyện Hướng Hóa đã bị kỷ luật cảnh cáo. Thế nhưng, việc làm rõ những sai phạm, xử lý những cá nhân, đơn vị có liên quan vẫn đang được dư luận quan tâm.

Khánh Anh

15:00 04/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm