Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bài 2: Bác bỏ những cáo buộc thiếu căn cứ, tòa tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung

Hoàng Nam - Phương Anh

Thứ năm, 20/04/2023 - 19:20

(Thanh tra) - Ngày 13/04/2023, Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Nguyễn Văn Khuê về tội danh “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” tại Hợp tác xã (HTX) Nghĩa Phương.

Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình, nơi diễn ra phiên xét xử sơ thẩm đối với ông Nguyễn Văn Khuê vào ngày 13/04/2023. Ảnh: HN

Kết luận điều tra không đủ căn cứ để xác định hành vi phạm tội

Sau quá trình tranh tụng, chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Nguyễn Quốc Tuấn đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung do có nhiều tình tiết của vụ án chưa được điều tra làm rõ.

Quyết định trả hồ sơ, điều tra bổ sung đối với vụ án hình sự “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” do thẩm phán, chủ tọa phiên tòa ký có nêu: Việc cơ quan điều tra cho rằng bị cáo Nguyễn Văn Khuê trong vai trò là Giám đốc HTX đã tự ý ký hợp đồng cho thuê 9 ki ốt để thu về số tiền 1,8 tỷ đồng nhưng không nhập quỹ theo hệ thống sổ sách kế toán của HTX là vi phạm chế độ quản lý tài chính kế toán.

Tại phiên tòa, bị cáo đã khai nhận việc sử dụng số tiền 1,8 tỷ đồng kể trên vào việc sửa chữa, nâng cấp chợ Nghĩa Phương. Tuy nhiên, quá trình điều tra chưa làm rõ được số tiền bị cáo Khuê đã chi có đúng như bị cáo diễn giải hay không, nếu có thì các khoản chi nào? Cơ quan điều tra chỉ căn cứ vào số tiền bị cáo tạm thu giữ để xác thực bị cáo chiếm đoạt tài sản là chưa đầy đủ, cần phải làm rõ bị cáo chiếm đoạt trên cơ sở kê khống biên bản chi nào, vào thời gian nào, số tiền là bao nhiêu hoặc làm gì thì mới có căn cứ để xác định hành vi phạm tội của bị cáo theo đúng quy định của pháp luật.

Chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Nguyễn Quốc Tuấn đọc quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung đối với vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Ảnh: HN

Trong thời gian bị cáo thu giữ số tiền 1,8 tỷ, thì còn ký và phiếu chi số tiền hơn 2,6 tỷ. Lời khai của ông Thịnh và ông Chính, là người nhận tiền từ việc chi tạm ứng thể hiện sau khi nhận số tiền này đã giao lại toàn bộ cho bị cáo Khuê, sau đó bị cáo đã đưa lại một phần để thanh toán vào việc xây dựng, sửa chữa chợ Nghĩa Phương vào năm 2016- 2017. Như vậy cần làm rõ HTX đã dùng tiền để sửa chữa chợ Nghĩa Phương từ nguồn chi tạm ứng như thế nào, có phải sử dụng số tiền 1,8 tỷ mà bị cáo Khuê đã thu giữ hay không.

Hơn nữa, việc xây dựng, sửa chữa chợ là chủ trương đã có từ trước, việc không quyết toán được các hạng mục xây dựng, sửa chữa chợ là do Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình có quyết định tạm dừng để giải quyết vụ án dân sự có liên quan, do vậy, cần xác minh thêm về các nội dung này. Tại sao khi đã có quyết định tạm dừng của tòa án, mà HTX và bị cáo Khuê vẫn cho thuê kiốt để thu tiền và xin tạm ứng số tiền cho xây chợ vào năm 2016-2017 - quyết định trả hồ sơ nêu rõ.

Bào chữa cho ông Nguyễn Văn Khuê, luật sư Nguyễn Văn Thi và luật sư Hoàng Thị Sao, Công ty Luật TNHH Minh Đạt, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đưa ra nhiều luận cứ cho rằng, việc điều tra vụ án của cơ quan điều tra vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Luật sư Nguyễn Văn Thi lập luận: Việc chứng minh số tiền ông Khuê dùng để phục vụ việc xây dựng, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp chợ Nghĩa Phương có thể thực hiện được nếu cơ quan điều tra tiến hành giám định giá trị xây dựng công trình chợ Nghĩa Phương do ông Khuê thực hiện. Việc cơ quan điều tra không chấp nhận đề nghị giám định của ông Khuê đã làm ảnh hưởng đến việc chứng minh hành vi của ông Khuê là không có dấu hiệu tội phạm.

Việc chỉ tập trung điều tra theo hướng chứng minh có tội của cơ quan điều tra đã dẫn đến các chứng cứ chứng minh vô tội đã không được cơ quan điều tra xem xét. Điều này là vi phạm quy định tại Điều 15 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành.

Luật sư Nguyễn Văn Thi… Ảnh: PV

Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Khuê căn cứ vào hành vi tự ý thu, quản lý, sử dụng số tiền thông qua việc ký cho thuê các kiốt theo hình thức 10 năm sau đó không thông báo, không nhập về quỹ HTX và chiếm đoạt sử dụng vào mục đích cá nhân. Với tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản này thì yếu tố chiếm đoạt là điều kiện bắt buộc. Cơ quan điều tra lấy lý do không thông báo, không nhập về quỹ để khẳng định đó là hành vi chiếm đoạt là không đúng - luật sư Thi khẳng định.

Vội vàng qui kết

Luật sư Hoàng Thị Sao cho rằng: Trước khi khởi tố, cơ quan điều tra mới chỉ thu thập được 3 trong số 8 Hợp đồng cho thuê ki ốt, cũng chưa trưng cầu giám định mà đã vội vàng quy kết. Sự vội vàng này còn ở việc cơ quan điều tra khởi tố ngay trong đêm bị giam giữ cuối cùng của bản án khác khi ông khuê đang chấp hành.

Việc ông Khuê đứng ra ký hợp đồng cho thuê Kiốt là đúng chức năng nhiệm vụ của mình, không có biểu hiện giấu diếm; việc thu tiền đúng như quy định, nội dung thu thể hiện rõ mục đích và sử dụng đúng mục đích xây chợ. Tuy nhiên, ông Khuê chỉ sai sót là chưa nhập số tiền cho thuê này vào quỹ HTX. Bản thân ông Khuê cũng nhận sai sót này do không được đào tạo và thiếu kinh nghiệm quản lý. Việc chưa nhập tiền thuê vào quỹ HTX chỉ là vi phạm về hành chính kế toán. Lý do chưa nhập về quỹ cũng một phần do công trình chưa thi công xong, đang bị tòa án yêu cầu tạm dừng để giải quyết tranh chấp nên cũng không thực hiện thanh quyết toán công trình được.

Luật sư Hoàng Thị Sao tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: HN

Có thể thấy, việc khởi tố ông Khuê không đúng, không khách quan. Không áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội và có lợi của luật hình sự đối với ông Khuê. Cơ quan điều tra đã bỏ qua chứng cứ có lợi mà chỉ dùng những chứng cứ bất lợi để buộc tội.

Cơ quan điều tra cho rằng ông Khuê không có tài liệu, chứng từ chứng minh chi phí vào việc xây dựng chợ nên quy kết ông Khuê chiếm đoạt 1,8 tỷ đồng. Nghĩa vụ chứng minh thuộc về cơ quan điều tra, đằng này 1 người đang bị giam giữ trong tù thì việc chứng minh quả là bất khả thi - luật sư Hoàng Thị Sao tranh luận.

Ông Khuê trình bày các hợp đồng cho thuê ki ốt và chứng từ, sổ ghi chép liên quan đến hoạt động xây dựng sửa chữa chợ ông lưu giữ tại trong phòng làm việc ở văn phòng HTX.

Tuy nhiên, thời gian ông đang bị tạm giam về tội chống người thi hành công vụ thì Công an thành phố Hòa Bình đã tổ chức khám xét chỗ ở, khám xét nơi làm việc vào ngày 22/01/2021.

Khi khám xét đều không có mặt ông Khuê, tài liệu lưu trữ của ông đều bị Công an thành phố Hòa Bình thu giữ.

Công ty Luật TNHH Minh Đạt có Công văn số 09.06/2022/CV-MĐ ngày 09/06/2022 và Công văn số 12.12/2022/CV-MĐ ngày 12/12/0222 đề nghị HTX Nghĩa Phương cung cấp bản sao biên bản khám xét, biên bản mở niêm phong, biên bản kiểm kê tài liệu và các biên bản liên quan đến việc khám xét trụ sở HTX, phòng làm việc của giám đốc. HTX đã có Công số 115 ngày 15/07/2022 và Công văn số 124 ngày 14/12/2022 trả lời với nội dung: Tháng 10/2022, Công an thành phố Hòa Bình mới trả cho HTX 01 Biên bản khám xét và 01 tờ thống kê tài liệu, ngoài ra không có thêm tài liệu nào liên quan đến việc khám xét. Từ khi khám xét, HTX cũng không được chứng kiến mở niêm phong. Công an thành phố Hòa Bình đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tục trong việc khám xét thu giữ tài liệu vật chứng quy định tại Điều 195 và 198 BLTTHS và Điều 11 Nghị định Số 127/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017.

Tiếp tục trình bày luận điểm của mình, luật sư Hoàng Thị Sao nêu: Trong Kết luận điều tra số 67 ngày 04/11/2022 của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hòa Bình nêu mục đích thực hiện hành vi phạm tội như sau: "Mục đích của việc thu, quản lý, sử dụng số tiền 1,8 tỷ đồng là để phục vụ việc xây dựng, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp chợ Nghĩa Phương tuy nhiên đến thời điểm hiện tại không có căn cứ, tài liệu xác định việc sử dụng số tiền trên của Nguyễn Văn Khuê là có căn cứ”.

Với kết luận này có thể thấy được rằng cảnh sát điều tra đã công nhận ông Khuê đã sử dụng số tiền 1,8 tỷ là để phục vụ việc xây dựng, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp chợ Nghĩa Phương chứ không phải dùng để chi tiêu cho cá nhân.

“Với những việc làm vi phạm pháp luật, thiếu trách nhiệm của Công an thành phố Hòa Bình như trên, làm ông Khuê không có tài liệu chứng minh sự trong sạch cho mình, để rồi bị Công an tỉnh Hòa Bình yêu cầu phải có chứng từ thì đúng là bài toán không có lời giải” - Luật sư Hoàng Thị Sao nói.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

(Thanh tra) - Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành, kết quả kiểm tra 17 trạm trộn bê tông thương phẩm và trạm trôn bê tông nhựa nóng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, thì có đến 16 trạm có nhiều lỗi vi phạm, bị xử lý buộc tháo dỡ, di dời, hoặc tạm dừng hoạt động để hoàn thiện hồ sơ, nhưng riêng trạm trộn bê tông tươi Trường An thì không phải dừng hoạt động.

Thành Nam

18:43 20/11/2024
Bài 2: Cục Quản lý Dược có bất thường trong việc cấp phép một số dòng sản phẩm Obagi?

Bài 2: Cục Quản lý Dược có bất thường trong việc cấp phép một số dòng sản phẩm Obagi?

(Thanh tra) - Như bài viết trước chúng tôi đã đề cập, năm 2017, Công ty Dương Minh được độc quyền nhập khẩu, phân phối các sản phẩm của Obagi Hoa Kỳ. Tháng 9/2017, Công ty Dương Minh chính thức được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế Việt Nam cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với các sản phẩm Obagi và cũng chính thức trở thành nhà nhập khẩu phân phối độc quyền các sản phẩm Obagi ở thị trường Việt Nam.

Đan Quế - Lê Phương - Phương Anh

08:00 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm