Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Du lịch Hà Nội: Chuyển mình với các gói kích cầu nội địa tour hay, giá mềm

Thái Hải

Thứ ba, 30/03/2021 - 07:00

(Thanh tra) - Sau thời gian ngấm “đòn Covid-19,” để phục hồi thị trường du lịch Hà Nội, cần tạo ra những tour mới mang tính đặc trưng phù hợp các đối tượng khách nội địa khác nhau, đồng thời đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch, quyết tâm thu hút thị trường khách nội địa đến Thủ đô trải nghiệm.

Du lịch Hà Nội giới thiệu nhiều sản phẩm mới, độc đáo và mang đến nhiều cảm xúc cho người trải nghiệm. Ảnh minh họa: Internet

Nhiều sản phẩm mới, độc đáo

Theo đại diện Sở Du lịch Hà Nội, hiện nay, nhiều chương trình và hoạt động nhằm phục hồi du lịch đã được triển khai. Từ đầu tháng 3/2021, hoạt động du lịch Thủ đô đã có dấu hiệu phục hồi, các điểm đến di tích từ khi mở cửa lại (vào ngày 8/3 hoặc ngày 13/3) như: Chùa Hương, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn, Làng cổ ở Đường Lâm… đã đón lượng khách du lịch khá đông, nhất là vào dịp cuối tuần.

Đặc biệt, tiếp đà phục hồi hiện nay, nhiều doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn Hà Nội cũng đã giới thiệu nhiều sản phẩm mới, độc đáo và mang đến nhiều cảm xúc cho người trải nghiệm. Chẳng hạn: Công ty Lữ hành Hà Nội Tourist ra mắt tour du lịch caravan Tây Bắc, Vietravel với các gói combo Đà Nẵng, Mũi Né, Vũng Tàu; Vietfoot Travel giới thiệu tour Hỏa Lò về đêm với các chủ đề hấp dẫn…

Các doanh nghiệp khác cũng đã chủ động xây dựng và triển khai nhiều tour du lịch kích cầu hấp dẫn như: Tour du lịch chùa Hương giảm 15% giá vé, tour du lịch đền Gióng - Quốc Tử Giám giảm 15% giá vé, tour du lịch khách sạn Sofitel Metropole và city tour giảm 20% giá vé; phát triển các tour mới phục vụ du khách như tham quan Thăng Long Tứ Trấn; đình Chèm - chùa Bồ Đề - Bát Tràng - Hà Nội, đền Sóc - làng hoa Mê Linh và các tour kết nối Hà Nội với các địa phương như Ninh Bình, Quảng Ninh, Lào Cai…

Lãnh đạo Sở Du lịch cho hay, đã chủ động thực hiện kết nối giữa cơ quan quản lý, hiệp hội, câu lạc bộ doanh nghiệp du lịch, các đơn vị dịch vụ như hàng không, đường sắt, ôtô, khách sạn, lữ hành, điểm đến... hưởng ứng xây dựng sản phẩm kích cầu du lịch, triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến, thu hút khách du lịch nhằm đẩy mạnh hoạt động du lịch của Thủ đô.

Người Hà Nội đi du lịch Hà Nội

Để kích cầu du lịch thời kỳ sau dịch, điều quan trọng là phải tạo niềm tin, sự yên tâm cho du khách khi đến Việt Nam và Hà Nội. Muốn làm được điều này, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh việc quảng bá, làm mới hình ảnh TP Hà Nội là điểm đến “an toàn, thân thiện, y tế đảm bảo”.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, bà Đặng Hương Giang cho biết, Sở đang phối hợp với các ngành đẩy mạnh chương trình kích cầu du lịch thành phố, đồng thời tổ chức nhiều sự kiện trong năm 2021. Cụ thể, từ nay đến cuối năm, thông qua việc liên tục tổ chức các chương trình, sự kiện du lịch như lễ hội ẩm thực, lễ hội áo dài, phối hợp với các đại sứ quán, tổ chức quốc tế tại Việt Nam tổ chức cuộc thi ẩm thực...

Bên cạnh việc thu hút khách du lịch từ các địa phương trong cả nước đến tham quan, trải nghiệm Hà Nội, thì phương án “Người Hà Nội đi du lịch tại Hà Nội” cũng đươc xem là một “cánh cửa” được đánh giá khả quan.

Vấn đề này khá mới mẻ nhưng thực sự là một tiềm năng, bởi lẽ từ trước tới nay, người ta chỉ biết tới việc đưa khách Hà Nội đi du lịch các vùng miền khác hay ra nước ngoài mà bỏ qua việc thu hút khách Hà Nội khám phá chính nơi họ đang sống.

Trong khi đó, ngay ở vùng nội đô của Hà Nội còn rất nhiều nơi khách có thể chưa khám phá hết, ví như nghỉ dưỡng tại khách sạn hạng sang, tham quan các công trình kiến trúc cổ, thưởng lãm vùng trồng hoa khu vực Hồ Tây…

Nhiều người dân Thủ đô cũng chưa đặt chân đến vùng ngoại thành Hà Nội với tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng rất lớn, với vô số các khu du lịch, khu nghỉ dưỡng, các làng cổ, làng nghề.

Chưa kể, khu vực Ba Vì, Sóc Sơn có rất nhiều tiềm năng về du lịch sinh thái, văn hóa, nghỉ dưỡng, thể thao… thích hợp với các gia đình, các nhóm khách và các cơ quan, đoàn thể.

Các doanh nghiệp lữ hành có thể tổ chức sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh hay có thể gắn kết việc thăm thú Hà Nội với các địa phương lân cận nhưng có ít nhất 1 đêm lưu trú tại Hà Nội. Nếu tổ chức tốt thì chương trình này có thể kéo giãn khách những điểm ùn tắc khác trong dịp lễ. Việc thực hiện chương trình người Hà Nội đi du lịch tại Hà Nội hiệu quả sẽ kéo được khách các tỉnh về Hà Nội.

Tạo ra những sản phẩm riêng, đặc thù

Hà Nội vốn có thế mạnh về du lịch văn hóa, được nhiều du khách yêu thích và được ngành du lịch Thủ đô đầu tư khai thác, phát huy trong nhiều năm qua.

Song trong thời điểm cần kích cầu mạnh như hiện nay, việc sản phẩm mới, độc đáo, có dấu ấn riêng sẽ hấp dẫn du khách hơn. Bởi vậy, cùng với việc duy trì sản phẩm truyền thống như trước kia, ngành du lịch Hà Nội đang khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng những tour tuyến, sản phẩm du lịch mới, mang dấu ấn đặc trưng.

Ngoài yếu tố giảm giá tour, các doanh nghiệp cũng cần tập hợp và cùng nhau xây dựng các chương trình kích cầu, làm mới lại sản phẩm cũng như cùng xây dựng những chuỗi sản phẩm, dịch vụ mang tính tương trợ cho nhau; đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá cho du lịch Hà Nội, phối hợp các quận, huyện, thị xã như Hoàn Kiếm, Sơn Tây, Mỹ Đức xây dựng tour đặc trưng của Hà Nội. Trước mắt tập trung khai thác và quảng bá sản phẩm du lịch "Hà Nội 12 mùa hoa" để hấp dẫn khách nội địa, tiến tới thu hút khách quốc tế. Đồng thời, để thu hút du khách còn đòi hỏi doanh nghiệp phải có sản phẩm chất lượng cao, giá cả hợp lý và quan trọng nhất vẫn là chất lượng dịch vụ tốt.

Các doanh nghiệp cần rà soát lại sản phẩm du lịch, cấu trúc, cơ cấu lại sản phẩm để tạo độ hấp dẫn hơn. Ngay với thế mạnh của du lịch Hà Nội là sản phẩm du lịch văn hóa, các doanh nghiệp cũng nên tạo ra những sản phẩm riêng của mình.

Chẳng hạn, Hanoitourist phối hợp cùng Hoàng thành Thăng Long, Di tích Nhà tù Hỏa Lò xây dựng tour du lịch đêm. Sắp tới, Hanoitourist sẽ xây dựng tour làng nghề với dấu ấn riêng trên cơ sở làm mới các tour cũ.

Các doanh nghiệp du lịch cần phối hợp với các cơ quan chức năng tập trung phát triển tour du lịch đêm, sẽ tạo ra lợi ích kép. Theo khảo sát, trong số khách tham gia hoạt động du lịch đêm, có tới 70% khách ăn đêm, 20% uống và 10% chơi. Chính hoạt động du lịch đêm sẽ thu hút được khách rõ nhất và buộc họ phải lưu trú tại Hà Nội.

Trong khi đó, khu phố cổ Hà Nội (quận Hoàn Kiếm) và phố Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ) có lợi thế phát triển kinh tế đêm, kinh doanh, giới thiệu ẩm thực Hà thành. Đây cũng là lợi thế ít tỉnh, thành nào có được.

Đặc biệt, đẩy mạnh khai thác tiềm năng, thế mạnh Thủ đô, từ đó xây dựng sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, ví dụ như những tháng đầu năm, TP Hà Nội với mùa hoa loa kèn là hình ảnh đặc trưng, doanh nghiệp nên tận dụng thế mạnh này để xây dựng tour du lịch thu hút du khách các tỉnh về Hà Nội…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm