Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp gắn với trách nhiệm xã hội

Thứ năm, 13/10/2022 - 18:30

(Thanh tra) - Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp là một trong những yếu tốt cốt lõi hướng tới phát triển bền vững của một doanh nghiệp. Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp ngày nay không chỉ để khẳng định uy tín đối với các đối tác, tính ổn định trong hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn khẳng định doanh nghiệp ăn nên làm ra, có trách nhiệm, thích ứng trước các yêu cầu đổi mới, phát triển của cộng đồng, xã hội.

Vượt khó giữ vững thương hiệu

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dịch COVID-19 khiến hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn. Cứ khoảng 10 doanh nghiệp thì có 9 doanh nghiệp cho người lao động ngừng việc do hoạt động sản xuất kinh doanh kém hiệu quả; tương ứng 90% doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, giảm quy mô lao động.

Dù nhiều khó khăn, nhưng các doanh nghiệp vẫn luôn cố gắng tìm nhiều giải pháp tích cực để duy trì sản xuất, tạo việc làm cho người lao động. Trong số đó, có doanh nghiệp đổi mới chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh; ứng dụng công nghệ thông tin; chuyển đổi, sáng tạo các sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu xã hội và bước đầu gặt hái thành công…

Kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng, cơ điện chuyên nghiệp, ông Trịnh Văn Khanh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư thương mại và xây dựng Vân Khánh chia sẻ, doanh nghiệp đã và đang phục hồi sản xuất rất nhanh. Trong khó khăn,100% công nhân, người lao động đều gắn bó với doanh nghiệp trước, trong và sau đại dịch COVID-19; tham gia xây dựng 14 bệnh viện dã chiến tại thành phố.

Theo ông Khanh, bí quyết của doanh nghiệp là luôn ưu tiên quan tâm và dành nhiều chế độ, chính sách cho người lao động, nhất là ăn, ở, tăng lương và chia sẻ một phần lợi nhuận, giúp người lao động yên tâm ổn định cuộc sống ngay cả khi dịch bệnh bùng phát. Điều này cũng đồng nghĩa với việc thị trường cung - cầu được đảm bảo; lao động việc làm ổn định qua đó không chỉ khẳng định thương hiệu nhà thầu chuyên nghiệp, uy tín đối với các đối tác, khách hàng mà còn tạo được niềm tin đối với công nhân, người lao động an tâm, thi đua lao động sản xuất.

Tương tự, ông Lương Vạn Vinh, Tổng Giám đốc Công ty hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo cho biết, thời điểm “giãn cách xã hội”, doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ”, công nhân lao động sản xuất, ăn ngủ chung trong không gian gò bó, xa nhà. Khi thành phố kiểm soát được dịch bệnh, doanh nghiệp chủ động kết nối giao thương, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; công nhân ăn, ở, đi lại thuận tiện, việc làm cũng nhiều hơn.

Theo ông Vinh, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lâu dài nên việc nỗ lực vượt khó, duy trì và phát triển thương hiệu là điều tất yếu. “Doanh nghiệp lời ít hay nhiều trong những lúc dịch bệnh bùng phát hay phục hồi sản xuất kinh doanh không thật sự là điều quan trọng. Lúc này, hơn hết là phải cố gắng trụ vững, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống cho người lao động để giữ vững thương hiệu của mình”, ông Vinh chia sẻ.

Đối phó với những tác động tiêu cực của dịch COVID-19, Công ty cổ phần May 10 đã chuyển đổi quy trình sản xuất, sản phẩm, thúc đẩy chuyển đổi nhanh kết cấu mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng nhanh. Cụ thể, từ việc sản xuất các mặt hàng veston cao cấp, sơ mi cao cấp... doanh nghiệp đã chuyển sang đồ bảo hộ lao động, may đồ dệt kim, sơ mi truyền thống, tăng tỷ trọng áo khoác, áo rét, đồ mặc nhà, sản xuất khẩu trang vải, đồ bảo hộ trong nước và xuất khẩu... Có thể thấy, doanh nghiệp không chỉ tạo việc làm cho người lao động mà còn vượt khó giữ vững thương hiệu; tiếp tục khẳng định chính mình trong ngành dệt may của cả nước và cả thị trường quốc tế.

Để giữ vững thương hiệu uy tín, đi đầu của ngành hàng bán lẻ, Liên hiệp hợp tác xã thương mại Thành phố (Saigon Co.op) cũng đã tập trung nguồn lực đổi mới nội tại ở tất cả các hoạt động vận hành trên tinh thần “Vượt khó, cách tân- Thị phần giữ vững” nhằm tạo nền tảng tăng tốc cho những năm tiếp theo.

Theo Tổng Giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Anh Đức, đơn vị đặt mục tiêu doanh số năm 2022 tăng trưởng 4,5% so cùng kỳ; tiếp tục phát triển mạng lưới mới từ 3 - 5 điểm theo mô hình siêu thị, đại siêu thị, trung tâm thương mại; mở mới 80 - 100 điểm theo mô hình bán lẻ nhỏ… Saigon Co.op cũng đã có kế hoạch triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như: Đẩy mạnh số hóa - điện toán hóa; tinh chuyển, chấn chỉnh các hoạt động; phát triển kho bãi, logistics, thương mại điện tử; cách tân, đổi mới; hiệu quả đầu tư, hướng đến thương hiệu khu vực…

Trải qua hành trình xây dựng và phát triển doanh nghiệp, có thể thấy, việc phát triển thương hiệu không phải một sớm một chiều. Doanh nghiệp có sản phẩm tốt, ăn nên làm ra chưa đủ sức tạo dựng nên một thương hiệu mà còn đòi hỏi cả lòng tin, uy tín danh tiếng và sẻ chia cùng cộng đồng xã hội.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA), xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp là yêu cầu cấp thiết không chỉ riêng đối với cộng đồng doanh nghiệp mà với cả chính quyền thành phố trong giai đoạn mới. Doanh nghiệp là động lực thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển bền vững của thành phố; vì vậy, thương hiệu phải được nhìn nhận là yếu tố sống còn của doanh nghiệp và cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền.

Sẻ chia cùng cộng đồng xã hội

Theo ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố, hiện nhiều doanh nghiệp không ngừng nâng cao trình độ quản lý, năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo dựng thương hiệu hàng hóa trên thị trường trong nước và quốc tế. Trong chiến lược xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp không chỉ tôn trọng luật pháp, xây dựng văn hoá kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp mà còn quan tâm đời sống người lao động, xem công nhân lao động là vốn quý của doanh nghiệp.

Đặc biệt, những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đã đồng hành cùng công nhân lao động xa nhà qua việc hỗ trợ chi phí thuê nhà trọ, xây dựng nhà ở, khu lưu trú, nhà trẻ với mức chi phí ưu đãi, giúp công nhân yên tâm lao động, gắn bó với doanh nghiệp. “Ngày càng nhiều doanh nghiệp chủ động tham gia chương trình “Tết sum vầy” họp mặt công nhân không về quê đón tết; chương trình “Tấm vé nghĩa tình” đưa công nhân về quê họp mặt gia đình trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc và đón công nhân trở lại làm việc sau Tết...”, ông Tâm chia sẻ.

Điển hình “ăn nên làm ra, có uy tín trong cộng đồng”, Công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng công trình Hùng Vương còn sẻ chia cùng công nhân với mức lương bình quân 9 triệu đồng/người/tháng; hỗ trợ tiền cơm giữa ca 30.000 đồng/suất; tiền xăng 700.000 đồng hàng tháng; nữ công nhân sinh con bằng 1 tháng lương. Ngoài tiền lương, hỗ trợ, doanh nghiệp còn thưởng lương tháng 13 bằng 1,5 tháng tiền lương; thưởng sáng kiến có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên; thưởng công nhân làm việc từ 20 năm đến 30 năm; định kỳ tổ chức tham quan nghỉ mát cùng nhiều hoạt động liên hoan dịp lễ, Tết…

Theo ông Nguyễn Anh Tài,  Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng công trình Hùng Vương, người lao động là tài sản quý nên doanh nghiệp luôn tạo điều kiện để người lao động có cuộc sống ngày càng tốt hơn về vật chất cũng như tinh thần để an tâm làm việc, gắn bó, đồng hành lâu dài vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Để sẻ chia cùng người lao động, doanh nghiệp cũng đã xây 60 nhà trọ cho công nhân; chăm lo Tết Nhâm Dần cho người lao động hơn 1,2 tỷ đồng; đồng thời, thực hiện nghĩa vụ nộp thuế năm 2021 hơn 35,6 tỷ đồng; đóng bảo hiểm xã hội hơn 10 tỷ đồng...

Tương tự, tuy gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng Công ty trách nhiệm hữu hạn Lạc Tỷ (chuyên sản xuất giày thể thao ở quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) vẫn nỗ lực chăm lo đời sống cho hơn 2.600 người lao động. Đặc biệt, trong thời gian dừng hoạt động do COVID-19, doanh nghiệp vẫn chi trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn cho người lao động; tăng số ngày nghỉ so với luật định khi người lao động kết hôn, nhà có hữu sự; tăng phụ cấp ca đêm từ 50% trở lên.

Với ông Lin Chang Yung, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Lạc Tỷ, việc chăm lo tốt cho người lao động cũng chính là thực hiện đầy đủ những cam kết với người đang làm ra sản phẩm đó và cả khách hàng; qua đó góp phần xây dựng thương hiệu sản phẩm hợp lý, trung thực khi cung ứng sản phẩm ra thị trường. “Sản phẩm tốt chưa đủ sức tạo dựng nên một thương hiệu mà nó còn đòi hỏi cả lòng tin, uy tín, danh tiếng nhất là trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay”, ông Lin chia sẻ.

Có thể thấy, hầu hết doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu hiện nay đều duy trì được tốc độ tăng trưởng cao cả về lợi nhuận và doanh thu. Tuy nhiên, thương hiệu không đơn thuần là thông điệp sản phẩm, hình ảnh của doanh mà còn là hình ảnh của quốc gia, của thành phố trong xu thế hội nhập.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh cho rằng, muốn phát triển kinh tế bền vững, có năng lực cạnh tranh cao thì phải có các thương hiệu uy tín trên thị trường. Do đó, cần thiết phải xây dựng và phát triển được các thương hiệu đại diện của thành phố. “Doanh nghiệp có thương hiệu tốt là doanh nghiệp phải biết sản xuất kinh doanh giỏi; thực hiện tốt bảo vệ môi trường; tích cực tham gia xây dựng môi trường xã hội, môi trường sống, môi trường sản xuất tốt. Doanh nghiệp có thương hiệu tốt hiện nay không chỉ là lợi nhuận, mà còn là sự chia sẻ với công nhân, người lao động, với cộng đồng”, ông Hoan nhấn mạnh.

Thương hiệu doanh nghiệp trong trong giai đoạn mới không chỉ là doanh nghiệp có doanh số cao, xuất khẩu lớn, đóng góp cho ngân sách thành phố nhiều, mà còn phải là doanh nghiệp chăm lo tốt cho người lao động, tích cực tham gia các hoạt động xã hội….

Thanh Vũ

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Yên Bái: Đảm bảo 100% hộ dân bị thiệt hại do bão số 3 có nhà mới trước Tết Nguyên đán

Yên Bái: Đảm bảo 100% hộ dân bị thiệt hại do bão số 3 có nhà mới trước Tết Nguyên đán

(Thanh tra) - Chiều 20/11, UBND tỉnh Yên Bái đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố để đánh giá tình hình phân bổ và giải ngân kinh phí hỗ trợ khắc phục thiệt hại do bão số 3, đồng thời dự kiến nguồn kinh phí hỗ trợ từ Mặt trận Tổ quốc. Hội nghị do ông Trần Huy Tuấn, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì, với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, đại diện các sở, ngành và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh.

Bùi Bình

21:53 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm