Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tìm cách lách luật, không giảm giá bán sữa

Thứ ba, 24/03/2015 - 20:35

Giá sữa không giảm kể từ khi Nghị định 100 (về cấm quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi; thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi...) có hiệu lực vào 1.3.2015. Không những thế, nhiều hãng sữa lại đang tìm cách “lách” luật bằng cách thay đổi lại độ tuổi ghi trên mỗi hộp sữa...

Người tiêu dùng vẫn chưa được hưởng lợi với giá sữa (ảnh minh họa,chụp tại BigC Thăng Long, Hà Nội). Đàm Duy

“Giá sữa giảm, có nằm mơ!”

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã không ít lần khẳng định: “Nghị định 100 sẽ tạo ra hành lang pháp lý quan trọng bảo vệ trẻ em, hạn chế tối đa tác động của quảng cáo, tiếp thị thông tin, truyền thông có thể ảnh hưởng đến quyền được bú sữa mẹ của các em, đồng thời kéo giảm giá sữa”. Với hàng loạt hành vi “cấm” trong quảng cáo sữa của Nghị định 100, Bộ Tài chính cũng tin tưởng sẽ khiến các doanh nghiệp (DN) sữa không thể mạnh tay chi tiền quảng cáo, hoa hồng, tiếp thị như trước, buộc các DN phải giảm chi phí quảng cáo, giảm giá thành sản phẩm sữa.

Tuy nhiên, sáng 22.3, khảo sát thị trường sữa Hà Nội, chúng tôi nhận thấy, các chương trình khuyến mãi sữa cho trẻ dưới 24 tháng vẫn tràn ngập, còn giá sữa thì không hề giảm. Giá bán sữa dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi vẫn được giữ nguyên ở rất nhiều đại lý lớn, không thay đổi so với trước 1.3. Cụ thể, tại một số cửa hàng ở “phố sữa” Tây Sơn, Abbott Grow thường số 3 loại 900gr có giá 255-270 nghìn đồng/hộp; Similac Gain Plus IQ số 3 loại 900gr 395-405 nghìn đồng/hộp; Enfa Grow 3 Brain Plus 90 gr 420-430 nghìn đồng/hộp; Friso Gold 3 loại 1,5gr 595-610 nghìn đồng/hộp…

Chị Vân Anh - chủ một hàng sữa ở phố Hàng Buồm cho hay, các hãng đều không có thông báo giảm giá sữa. Nhiều sản phẩm sữa thì các đại lý cũng không có hàng để bán vì hãng không sản xuất theo vỏ hộp cũ mà đang chuẩn bị chuyển sang vỏ hộp mới, trong đó sẽ tính toán ghi lại hết độ tuổi của trẻ trên mỗi sản phẩm để “né” Nghị định 100. Thậm chí, anh Nguyễn Đăng Hà- chủ một cửa hàng sữa lớn tại phố Tây Sơn tỏ ra thạo tin, khẳng định: “Tới đây, nhiều loại sữa cho trẻ khung từ 1-3 tuổi sẽ được nhà sản xuất thay vào chỉ còn 1-2 tuổi, và sữa cho trẻ từ 3-6 tuổi thành từ 2-6 tuổi hoặc những cách ghi khác nhau nữa để “lách” nghị định, nên người tiêu dùng chỉ có nằm mơ thì giá sữa mới giảm”.

Có được xử lý nghiêm?

Không chỉ giá sữa không giảm mà các quảng cáo sữa vi phạm vẫn còn với lý do đây là các chương trình khuyến mãi đã áp dụng từ trước tết (trước 1.3). Nhiều nhãn sữa bán sữa tặng kèm 1 chai dầu ăn, có nhãn tặng ba lô; có nhãn tặng 1 xe đạp trẻ em hoặc 1 xe lắc; nếu mua số lượng lớn có thể được tặng 1 nồi nấu canh hoặc 1 nồi nấu bột... Một số đại lý sữa không còn trưng các biển khuyến mãi, nhưng khi có khách mua đều thông báo về quà tặng.

Trước phản ánh của báo chí về việc còn nhiều vi phạm trên thị trường sữa, TS Nguyễn Huy Quang-Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, các vi phạm đều cần phải xử lý nghiêm. Không chỉ hãng sữa vi phạm thì xử lý hãng sữa, mà các siêu thị, đại lý kinh doanh bán lẻ, nếu vì kích cầu sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 24 tháng mà tự ý đưa vào các chương trình khuyến mãi cũng sẽ phải xử lý nghiêm.

Còn nhớ, kết luận thanh tra của Bộ Tài chính với 5 DN kinh doanh sữa lớn (công bố cuối năm 2014) cho thấy, năm 2013 và 3 tháng đầu năm 2014, các DN đã chi vượt mức quy định đối với việc quảng cáo dành cho các mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi. 4/5 công ty đã chi 386 tỷ đồng dành cho quảng cáo sữa. Điều này đã làm tăng giá thành, tăng giá bán sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, tương ứng từ 2,18-16,39%.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, các chi phí quảng cáo, tiếp thị… được xem là cái “phao” để các DN vin vào đó mà tăng giá, neo giá cao và không giảm giá. Theo ông Long, thực tế này đã lý giải vì sao giá sữa tại Việt Nam luôn cao ngất và chỉ có tăng không có giảm. Tất cả là do các DN và đại lý sữa đã chi quá nhiều cho quảng cáo, tiếp thị... và chi phí này luôn vượt khung quy định. Thông thường, các hãng sữa nước ngoài chi phí cho quảng cáo, bán hàng tới trên 30% chi phí kinh doanh; thậm chí có DN lên tới 60-70%. Kết quả thanh tra của Bộ Tài chính năm qua cũng cho thấy, giá sữa thường được đẩy lên gấp 2-3 lần giá vốn. Nhiều sản phẩm sữa ngoại, nhất là những loại sữa dùng riêng cho trẻ nhỏ, người bệnh còn được đẩy giá cao tới gần 4 lần giá vốn.


Sau khi có Nghị định 100, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu các DN sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh sữa tính toán, tiết giảm các khoản chi phí, bao gồm chi phí quảng cáo, tiếp thị để giảm giá bán sữa.

Ông Phạm Tất Thắng - Chuyên gia kinh tế:

Câu chuyện tăng-giảm giá sữa đang khúc mắc chủ yếu nằm ở chỗ chi phí quảng cáo đang bất hợp lý, chi phí đó sẽ được bổ vào giá thành sữa. Như vậy, chỉ với quy định cấm quảng cáo của Nghị định 100 mà không có giải pháp để chống bị “lách” thì tới đây bài toán chi phí, giá thành sữa và việc tăng-giảm giá sữa vẫn là bài toán khó cho các cơ quan quản lý. Cơ quan quản lý hiện vẫn còn khó khăn khi không bóc tách và quản lý được các yếu tố cấu thành trong cơ cấu giá sữa như: Giá nhập, thuế, chiết khấu hoa hồng, chi phí quảng cáo…

Ông Nguyễn Mạnh Hùng-Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam:

Luật nào ban ra thì các doanh nghiệp kinh doanh cũng tìm mọi cách để lách vì đó là vấn đề lợi nhuận của họ. Vấn đề là Nghị định 100 phải được thực hiện nghiêm túc, không được để doanh nghiệp sữa “lách” luật. Thực tế hiện nay, tất cả nhãn quảng cáo của các hãng sữa (nội và ngoại) đang có mặt trên thị trường đều ít nhiều vi phạm pháp luật, trong đó chủ yếu là sữa ngoại. Các nhãn sữa ngoại luôn mạnh tay chi hoa hồng để sản phẩm sữa của họ lọt vào tầm mắt của người tiêu dùng.

Nguyễn Phương (ghi)

Theo Mai Hương (Dân Việt)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Phú Thọ nợ đọng xây dựng cơ bản khoảng 1.400 tỷ đồng

Phú Thọ nợ đọng xây dựng cơ bản khoảng 1.400 tỷ đồng

(Thanh tra) - Trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 9 - HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX, ngày 10/12, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Thọ cho biết, qua rà soát đến ngày 30/11/2024, tổng số nợ xây dựng cơ bản toàn tỉnh là khoảng 1.400 tỷ đồng.

Nam Dũng

12:43 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm