Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ bảy, 17/05/2014 - 07:41
(Thanh tra)- Những ngày qua, người trồng hồ tiêu ở huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, thủ phủ hồ tiêu của cả nước, xôn xao việc thương lái Trung Quốc thông qua tiểu thương trên địa bàn lùng mua rễ và gốc cây hồ tiêu. Không rõ việc thu mua này nhằm mục đích gì, tuy nhiên không loại trừ việc thu mua để phá hoại nền kinh tế. Do đó, chính quyền các cấp của huyện Chư Sê đã vào cuộc, vận động người dân không được chặt phá bừa bãi gốc, rễ cây hồ tiêu đem bán.
Các vườn tiêu ở huyện Chư Sê đang bị thương lái Trung Quốc “nhòm ngó”. Ảnh: Trung Đức
“Gom” gốc, rễ hồ tiêu sống
Từ cuối tháng 4/2014, người dân xã Ia Blang truyền tai nhau thông tin thương lái Trung Quốc mua gốc và rễ hồ tiêu sống với giá cao. Sự việc này khiến người trồng hồ tiêu vô cùng hoang mang. Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên tình trạng này diễn trên địa bàn huyện Chư Sê.
Bắt đầu từ năm 2012, ông Lê Thành Thiết, trú tại phường Tây Sơn, TP Pleiku đặt vấn đề với ông Mai Xuân Dũng ở thôn 4, xã Ia Blang về việc thu mua lại gốc, rễ cây hồ tiêu. Tuy nhiên, ông Dũng không nhận lời vì chưa có hàng để bán. Đến tháng 10/2012, anh Lê Phước Tiến (cháu ông Dũng) có nhu cầu phá bỏ, cải tạo lại vườn tiêu già cỗi, vì vậy ông Dũng đã liên hệ với ông Thiết để đặt vấn đề bán gốc, rễ hồ tiêu và được ông Thiết đặt cọc 2 triệu đồng. Sau đó, ông Dũng cùng vợ con tiến hành thu gom gốc, rễ hồ tiêu tại vườn nhà anh Tiến, tổng cộng được 450kg cả gốc và rễ khô.
Thời gian này, sự việc bị chính quyền địa phương phát hiện, ngăn chặn nên ông Dũng tạm dừng việc thu mua rễ và gốc cây hồ tiêu. Bẵng đi một thời gian dài, thấy tình hình đã lắng xuống, ông Dũng tiếp tục huy động gia đình thu mua gốc rễ hồ tiêu.
Vào cuối tháng 3/2014, một số hộ gia đình ở thôn Vinh Hà, xã Ia Blang có nhu cầu phá bỏ vườn tiêu già cỗi nên ông Dũng đã đặt vấn đề thu mua. Đợt này, số gốc, rễ hồ tiêu ông Dũng thu gom được khoảng 200kg. Có hàng, ông Dũng gọi điện cho ông Thúy và được ông này đồng ý thu mua với giá 45.000 đồng/kg, với điều kiện chỉ mua rễ chứ không mua gốc. Tuy nhiên, lần này ông Thúy không trực tiếp đến nhà mua mà yêu cầu ông Dũng “tập kết” hàng ra quốc lộ 14 để xe khách chở về TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Trung tuần tháng 4/2014, khi ông Mai Xuân Dũng đang gom số rễ hồ tiêu trên ra quốc lộ 14 chờ xe khách đến chở đi thì bị trinh sát Công an huyện Chư Sê phối hợp với Công an xã Ia Blang bắt giữ.
Chưa rõ mục đích thu mua
Cho đến lúc này, người trồng tiêu ở xã Ia Blang và các xã trọng điểm ở huyện Chư Sê cũng không hiểu thương lái mua gốc, rễ hồ tiêu về để làm gì. Bà Văn Thị Gái, một người dân ở thôn 4 lo lắng: “Không hiểu người ta thu mua rễ hồ tiêu để làm gì, nhưng việc này rõ ràng đã gây hệ lụy không tốt cho người trồng tiêu chúng tôi. Với người nông dân, không ai dại gì phá bỏ cả cây hồ tiêu chỉ để lấy gốc và rễ để bán, trong thời điểm giá đạt mức rất cao 150.000 đồng/kg như lúc này. Chỉ sợ một số kẻ xấu lợi dụng việc này chặt trộm cây để lấy gốc và rễ, gây ảnh hưởng đến vườn tiêu của bà con”.
Không như năm trước, năm nay, thương lái chỉ thu mua rễ cây tiêu sống. Ông Mai Xuân Dũng, tiểu thương thu gom rễ hồ tiêu ở xã Ia Blang cho biết: “Người ta mua chỉ mua rễ sống, không tróc da, còn rễ chết người ta không mua. Theo nhận xét của tôi thì tiêu chết rồi là không còn chất gì nữa”. Mặc dù là người trực tiếp đứng ra thu mua rễ cây hồ tiêu từ các hộ dân nhưng ông Dũng vẫn không biết thực chất mục đích việc thu mua để làm gì, mà chỉ biết mang máng là người ta mua về để làm thuốc. “Có lần ông Thúy đã dẫn theo một thương lái người Trung Quốc tên là A Trung đi cùng một phiên dịch viên xuống gặp tôi, giải thích mục đích thu mua gốc và rễ cây hồ tiêu về để làm thuốc. Thấy người ta có nhu cầu mua nên tôi nhận lời đứng ra làm trung gian thu gom”, ông Dũng cho biết thêm. Hiện tại, ông Dũng cũng đã báo cáo sự việc này cho chính quyền và Công an xã Ia Blang.
Việc tái diễn tình trạng thương lái người Trung Quốc thu mua gốc và rễ cây hồ tiêu đã làm người trồng tiêu ở Chư Sê hoang mang và rộ lên nhiều nghi vấn về những tiêu cực ẩn chứa phía sau. Trong đó, nghi vấn tập trung nhiều nhất vào việc gốc và rễ cây hồ tiêu, đặc biệt là những cây già cỗi chứa rất nhiều mầm bệnh. Nếu việc thu mua nhằm mục đích nghiên cứu để chế ra các chế phẩm gây hại thông qua phân bón, thuốc trừ bệnh hay thuốc kích thích tăng trưởng… trên cây hồ tiêu, rồi sau đó xuất ngược sang Việt Nam bán cho người trồng hồ tiêu thì hậu quả sẽ là khôn lường.
Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng thương lái Trung Quốc thu mua gốc, rễ hồ tiêu để xay rồi trộn vào sản phẩm hồ tiêu chất lượng nhằm kiếm lời, làm xấu hình ảnh của hồ tiêu Việt Nam trên thị trường thế giới. Bởi gốc, rễ hồ tiêu cũng có vị cay, có thể người ta mua rồi làm mịn ra, trộn vào sẽ bán lợi chênh lệch thêm 50.000 - 70.000 đồng/kg. “Trước mắt chưa hiểu mục đích như thế nào nên chúng tôi đã khuyên bà con cần tỉnh táo, đừng tham gia vào việc mua bán vì “lợi bất cập hại”, bởi việc đào bới gốc, rễ sẽ ảnh hưởng đến cây”, ông Lê Sỹ Quý, Phó phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Chư Sê kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê nói.
Trước tình trạng này, UBND huyện Chư Sê đã có văn bản yêu cầu các xã, thị trấn cũng như Công an và các ngành chức năng vào cuộc ngăn chặn việc thu mua gốc, rễ cây hồ tiêu, tránh gây phức tạp tình hình an ninh trật tự cũng như ảnh hưởng đến phát triển kinh tế trên địa bàn. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai cũng rất thận trọng và cảnh giác trước việc thương lái người Trung Quốc thu mua gốc và rễ cây hồ tiêu còn sống. Theo thống kê, hiện toàn tỉnh Gia Lai hiện có trên 10.000ha cây hồ tiêu, giá trị kinh tế mỗi năm lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Trong đó, vựa tiêu Chư Sê chiếm hơn 2.500ha, với doanh thu bình quân hơn 1.000 tỷ/năm cho toàn vùng. Vì vậy, nếu như cây hồ tiêu bị phá hoại sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế của địa phương.
Ông Bùi Sỹ Nguyên, Chánh Văn phòng UBND huyện Chư Sê cho biết: “Đúng là thời gian qua trên địa bàn huyện có diễn ra tình trạng thương lái thu mua gốc rễ hồ tiêu, tuy nhiên mức độ đang còn rải rác. Tuy vậy, chúng tôi đã chỉ đạo UBND xã Ia Blang và các cơ quan chức năng ngăn chặn kịp thời, không để sự việc ngoài tầm kiểm soát. Qua đó, UBND xã Ia Blang và công an xã đã quản lý ngay hộ thu mua, xác định những địa bàn đang diễn ra việc thu mua để kịp thời vận động, tuyên truyền cho bà con hiểu tác hại của việc đào bới gốc, rễ hồ tiêu đem bán, nếu có người lạ đến thu mua phải báo ngay cho chính quyền địa phương để kịp thời xử lý”.
Ngày 15/5, Công an huyện Chư Sê cho biết, vừa có công văn đề nghị Công an tỉnh Gia Lai chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp với Công an TP Nha Trang làm rõ vụ việc, nguyên nhân, cách thức mua bán, trong đó tập trung làm rõ số đối tượng làm đầu mối thu mua, lý do thu mua rễ và gốc hồ tiêu. Công an huyện Chư Sê cũng có công văn đề nghị lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Chư Sê chỉ đạo các phòng, ban có liên quan phối hợp với UBND xã Ia Blang tổ chức nắm tình hình, vận động các gia đình có liên quan ngừng việc thu mua rễ hồ tiêu, không vận chuyển số rễ hồ tiêu đã thu ra khỏi địa bàn huyện, tránh trường hợp các gia đình cố tình tìm cách vận chuyển.
Trung Đức
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Nhiều khu “đất vàng” tại các vị trí đắc địa của thành phố Hà Nội được giao cho các đại gia bất động sản phát triển dự án, nhưng sau nhiều năm vẫn bị bỏ hoang hoặc xây dựng dở dang, chậm tiến độ… khiến người dân không khỏi xót xa cho nguồn lực khổng lồ bị phung phí.
Đông Hà + Thanh Hoa
09:00 12/12/2024(Thanh tra) - Trong thời đại 4.0 như hiện nay, việc áp dụng công nghệ vào quản lý, điều hành hệ thống vận tải hành khách công cộng là tất yêu và đòi hỏi sự cấp bách. Với chủ trương mang đến những tiện ích tối đa cho khách hành, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông TP Hà Nội đã liên tục hiện đại hoá, áp dụng công nghệ từ khâu tìm kiếm, lựa chọn phương tiện cho tới khâu thanh toán, sử dụng.
Cao Sơn
07:05 12/12/2024TC
18:00 11/12/2024ĐT
14:46 11/12/2024Nam Dũng
12:43 11/12/2024N. Phó
Thu Huyền
Hương Giang
Trần Quý
Ngọc Phó
Hải Hà
TK
T.Thanh
Phương Anh
Cảnh Nhật
Văn Thanh