Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch nêu cách thu hút, giữ chân tập đoàn lớn tại Việt Nam

Hương Giang

Thứ bảy, 02/03/2024 - 22:33

(Thanh tra) - Hạ tầng và đất đai, nguồn nhân lực, cải cách thể chế là những đột phá Việt Nam cần làm ngay để thu hút, giữ chân các nhà đầu tư, các tập đoàn lớn tại Việt Nam, theo Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương.

Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nêu các đột phá để thu hút, giữ chân tập đoàn lớn. Ảnh: N.Bắc

Tại họp báo Chính phủ chiều tối ngày 2/3, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, bên cạnh cải thiện môi trường kinh doanh, Việt Nam cần thực hiện ba đột phá để thu hút các nhà đầu tư, giữ chân tập đoàn lớn.

Theo ông Phương, các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm tới hạ tầng và đất đai, họ đưa ra yêu cầu về hạ tầng rất cao. Vì thế, Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng quy mô lớn đang làm.

Luật Đất đai được Quốc hội thông qua đầu 2024, với nhiều điểm tháo gỡ, thúc đẩy thu hút đầu tư trong lĩnh vực đất đai. Ông Phương cho rằng, các văn bản hướng dẫn thi hành luật này cần sớm ban hành, đáp ứng mong chờ của nhà đầu tư.

Đột phá nữa Việt Nam cần làm ngay để giữ chân các nhà đầu tư là nhân lực. Theo mục tiêu phát triển nguồn nhân lực, Việt Nam phấn đấu có 100.000 lao động chất lượng cao, trong đó 50.000 kỹ sư ngành chip bán dẫn để đón sóng đầu tư lĩnh vực này. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Giáo dục Đào tạo đang đẩy nhanh, để sớm trình Chính phủ đề án này.

“Nhà đầu tư đòi hỏi cao về nhân lực. Việt Nam có lợi thế nhân lực dồi dào, đang trong thời kỳ dân số vàng, song cần tập trung nâng cao trình độ, kỹ năng người lao động”, ông Phương nhấn mạnh.

Đột phá thứ 3 là về thể chế. Theo ông Phương, thời gian qua, Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua rất nhiều chính sách đột phá mới và có tác động tích cực đến tăng trưởng, thu hút đầu tư như là Luật Đất đai, Luật Đấu thầu và các luật khác…

“Quan trọng hơn, chúng ta cần nghiên cứu tập trung sâu hơn là những chính sách mang tính khích lệ, động viên, cũng như tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư có quy mô lớn để thực hiện các dự án lớn tại Việt Nam”, ông Phương nêu quan điểm.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến 20/2, tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 4,3 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng vốn đăng ký mới tăng gấp đôi năm ngoái, đạt 3,6 tỷ USD.

Lý do, theo ông Phương nhờ lượng dự án mới tăng 55% và quy mô vốn đầu tư lớn (400-600 triệu USD).

“Đây là tín hiệu cho thấy cam kết của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Mặt khác, tỷ lệ vốn, dự án mới tăng cao sẽ tác động tích cực tới tăng trưởng”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Vì sao tăng trưởng tín dụng thấp?

Cũng tại buổi họp báo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà lý giải nguyên nhân tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm thấp.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà. Ảnh: N.Bắc

Ông Hà cho hay, năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 15%, làm cơ sở để giao chỉ tiêu phân bổ công khai cho từng tổ chức tín dụng.

Qua hai tháng tăng trưởng chậm hơn so với cùng kỳ trong khi thanh khoản dồi dào, theo ông Hà, nguyên nhân là do “yếu tố mùa vụ”. Cụ thể, tháng 12/2023, có tăng trưởng mạnh với 4,35%, trong khi tháng 1 và 2 là tháng Tết nên hoạt động tín dụng giảm do nhu cầu vay vốn giảm.

“Năm nay, còn có yếu tố nữa là nền kinh tế thế giới thực sự chưa khởi sắc. Các thị trường chính của chúng ta cũng chưa phát triển mạnh mẽ nên ảnh hưởng đến yếu tố đầu ra, xuất khẩu. Trong khi đó thị trường trong nước còn khó khăn nên cầu về tín dụng cũng có sự suy giảm”, Phó Thống đốc lý giải.

Nhiều giải pháp để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đưa ra.

Trong đó, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu tăng cường rà soát, đơn giản hóa các thủ tục cho vay; áp dụng chuyển đổi số… để tăng khả năng tiếp cận vốn của khách hàng;

Ngân hàng Nhà nước cũng tổ chức hội nghị để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Tiếp tục rà soát các văn bản để chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn và tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho khách hàng.

“Thanh khoản rất dồi dào và ngân hàng sẵn sàng nguồn vốn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, cần sự phối hợp chính sách của các cơ quan đồng bộ hơn”, ông Hà Nói.

Về phía doanh nghiệp, Phó Thống đốc đề nghị tích cực thực hiện giải pháp tái cơ cấu hoạt động; có thêm các dự án đầu tư hay sản xuất kinh doanh khả thi, tăng cường năng lực tài chính để việc thẩm định cho vay tốt hơn trong thời gian tới.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm