Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo

Thứ hai, 09/03/2015 - 11:49

(Thanh tra) - Việc thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ Đông Xuân 2014 - 2015 được tiến hành từ ngày 1/3 đến 15/4 để ổn định giá lúa, gạo.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện nguồn cung lúa, gạo từ vụ lúa Đông Xuân 2014 - 2015 của các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang tăng cao, nhất là sản lượng trong tháng 2 và tháng 3 đã lên tới 3,65 triệu tấn quy gạo, trong khi lượng hợp đồng xuất khẩu gạo trong quý I/2015 đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2014.

Số liệu cụ thể từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, lượng hợp đồng đăng ký xuất khẩu gạo đến ngày 31/1/2015 chỉ khoảng 1 triệu tấn (trong đó còn 504 nghìn tấn chuyển sang từ năm 2014). Hiện nay, các nước có tiềm năng xuất khẩu lớn như Thái Lan, Ấn Độ đang cạnh tranh quyết liệt với Việt Nam, nhất là phân khúc gạo chất lượng trung bình và thấp tại các thị trường Trung Quốc, Malaysia, Mexico, Indonesia... Trong khi nguồn cung dồi dào khiến thị trường xuất khẩu lúa gạo trong tháng 1 và nửa đầu tháng 2 khá trầm lắng, gây áp lực rất lớn đến tình hình xuất khẩu gạo trong những tháng sắp tới.

Để việc giảm áp lực về tiêu thụ, ổn định thị trường cũng như tạo điều kiện thu mua lúa gạo cho nông dân đảm bảo lợi nhuận tối thiểu trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT đề nghị Thủ tướng cho mua tạm trữ thóc, gạo với số lượng 1 triệu tấn quy gạo các loại được sản xuất trong vụ Đông Xuân 2014 - 2015 tại ĐBSCL.

Từ ý kiến của liên bộ, Thủ tướng Chính phủ đồng ý việc thu mua tạm trữ lúa gạo vụ Đông Xuân 2014 - 2015 ở ĐBSCL sẽ mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo theo tỷ lệ quy đổi thóc: gạo là 2:1; bao gồm các loại thóc, gạo (kể cả gạo tẻ, nếp, thơm và tấm các loại). Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo một số ngân hàng thương mại cho vay mua tạm trữ thóc, gạo trong thời gian tối đa 6 tháng kể từ ngày mua tạm trữ đến hết ngày 31/8/2015. Ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay mua thóc, gạo tạm trữ với thời gian hỗ trợ lãi suất tối đa là 4 tháng kể từ ngày mua tạm trữ đến hết ngày 30/6/2015.

VFA tổ chức việc phân giao cho các thương nhân trực tiếp sở hữu kho chứa thóc, gạo đúng quy chuẩn theo quy định thực hiện mua số thóc, gạo tạm trữ trên, đồng thời phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở vùng ĐBSCL trong việc phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ và chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức mua tạm trữ thóc, gạo. Các thương nhân thực hiện mua thóc, gạo tạm trữ theo cơ chế thị trường, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh.

Ai là người hưởng lợi?

Từ nhiều năm nay, chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo đã được thực hiện với mục tiêu hướng đến nâng cao thu nhập, nâng cao vị thế của người nông dân Việt Nam trong chuỗi giá trị lúa gạo. Việc thu mua tạm trữ gạo hầu như vụ mùa nào cũng được triển khai. Tuy nhiên, mục tiêu hướng đến đối tượng chính là nông dân dường như không khả thi mà phần lớn lại thuộc về đối tượng trung gian là thương lái.

Liên quan đến vấn đề này, không ít lần các chuyên gia ngành Nông nghiệp đã đưa ra nhận định, chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo được thực hiện song hành với chính sách đảm bảo người nông dân có lãi ít nhất 30%. Song, trên thực tế, hiệu quả của chính sách này chưa thực sự rõ ràng. Điều này được thể hiện qua phân tích của nhóm các nhà nông nghiệp học đến từ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp (Casrad). Họ cho rằng, người nông dân không được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách này, bởi các doanh nghiệp Nhà nước thu mua lúa trực tiếp từ thương lái, không phải từ người nông dân như chính sách thu mua tạm trữ của Thái Lan, Ấn Độ.

Trước những bất cập của chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo hiện nay, nhóm chuyên gia của Casrad cho rằng, cần phải sửa đổi chính sách tạm trữ lúa gạo theo hướng khi giá lúa trên thị trường xuống thấp hơn giá lúa ấn định thì Nhà nước nên cho phép các hợp tác xã vay tiền theo khối lượng lúa của các xã viên đang tạm trữ lúa được ứng trước một số tiền để đáp ứng cho nhu cầu cấp bách của nông hộ. Đến khi giá lúa tăng trở lại họ sẽ bán lúa và trả lại tiền tạm ứng của Nhà nước. Số lượng lúa tạm trữ sẽ được hỗ trợ tối đa 100% lãi suất cho hợp tác xã của Nhà nước. Như vậy, người nông dân sẽ được hưởng hoàn toàn sự hỗ trợ của Nhà nước. Còn như hiện nay, người nông dân đang là đối tượng được hưởng lợi ít nhất từ chính sách này.

Bên cạnh đó, cần phải thay đổi phần gốc, đó là tổ chức lại sản xuất theo mô hình hợp tác xã, áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại như thay vì đưa tiền cho doanh nghiệp thu mua tạm trữ thì thông qua các hợp tác xã "đưa tiền" trực tiếp cho nông dân để họ tạm trữ. Nông dân lấy tiền đó trả nợ ngân hàng và tái đầu tư sản xuất vụ mới. Khi giá lúa tăng, nông dân có thể bán lúa và trả tiền lại cho Nhà nước.

Lê Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

(Thanh tra) - Muốn thu hút được đông đảo người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hoá các phương tiện, thì việc đồng bộ cơ sở hạ tầng là vô cùng cần thiết. Đây được coi là vấn đề then chốt, TP Hà Nội cần phát triển một cách đồng bộ hạ tầng xe buýt và cả các loại hình kết nối khác trong hệ thống VTHKCC.

Cao Sơn

07:05 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm