Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thiếu điện trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn là “nguy cơ hiện hữu”

Hương Giang

Thứ năm, 12/10/2023 - 06:00

(Thanh tra) - “Chỉ tiêu chủ yếu đánh giá đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia biến động theo chiều hướng bất lợi. Khả năng thiếu điện trong ngắn hạn (2024-2025), trung hạn (2025-2030) và dài hạn (2030-2050) là nguy cơ hiện hữu”, theo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021.

Thiếu điện trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn là “nguy cơ hiện hữu”. Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” sáng ngày 12/10.

3/6 chỉ tiêu biến động theo chiều hướng bất lợi

Báo cáo của đoàn giám sát cho biết, việc cung cấp và nhập khẩu năng lượng cơ bản đáp ứng đủ cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh.

Giai đoạn 2016 -2020, tổng cung cấp năng lượng sơ cấp của Việt Nam có mức tăng trưởng trung bình khoảng 8,7%/năm. Còn tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng tăng bình quân 6,8%/năm.

Theo nhận định của đoàn giám sát, ngành Điện trong giai đoạn 2016 - 2021 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống hàng năm đều tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước, đảm bảo cung cấp điện cơ bản đầy đủ; hệ thống điện vận hành an toàn, ổn định.

Số liệu cho thấy, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu; tổng sản lượng điện thương phẩm tiêu thụ năm 2020 đều tăng 1,5 lần so với năm 2015, khi lần lượt đạt 247 tỷ kWh và 216,9 tỷ kWh.

Sản lượng điện thương phẩm bình quân đầu người tăng 1,42 lần (từ 1.567 kWh/người năm 2015 lên 2.219 kWh/người năm 2020).

Còn tỷ lệ xây dựng lưới điện theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh giai đoạn 2016-2020 đạt mức trung bình khá (trên 52,97% với lưới điện 220 kV; lưới điện 500 kV về đường dây đạt được 58,55%, trạm 500 kV đạt 87,07%).

Dù vậy, theo đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đối mặt với nhiều thách thức; các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu dẫn đến phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn.

“Chỉ tiêu chủ yếu đánh giá đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia biến động theo chiều hướng bất lợi. Khả năng thiếu điện trong ngắn hạn (2024-2025), trung hạn (2025-2030) và dài hạn (2030–2050) là nguy cơ hiện hữu”, báo cáo giám sát nêu.

Đánh giá đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trên cơ sở 6 chỉ tiêu, gồm: Tỷ số trữ lượng và sản xuất của than, dầu thô và khí được quy đổi; sự phụ thuộc vào nhập khẩu than, dầu và khí đốt tự nhiên; tỷ trọng chi phí nhập khẩu trên tổng thu nhập quốc nội; đa dạng hóa nguồn nhập khẩu; đa dạng hóa cơ cấu dữ liệu để phát điện; cường độ năng lượng sơ cấp.

Đoàn giám sát cho hay, trong 6 chỉ tiêu này có 3 chỉ tiêu đang biến động theo chiều hướng bất lợi.

Cụ thể, tỷ số trữ lượng và sản xuất của than, dầu thô và khí đốt tự nhiên ngày càng giảm khi than còn hơn khoảng 70 năm, dầu thô còn 20 năm, khí tự nhiên còn 40 năm. Xu hướng phụ thuộc vào nhập khẩu than, dầu và khí tự nhiên trở nên rõ ràng. Trong khi, tỷ lệ chi phí nhập khẩu than, dầu và khí tự nhiên trong tổng thu nhập quốc nội ngày càng tăng.

Ngành năng lượng ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu

“Đáng lưu ý, ngành Năng lượng nước ta ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu; tài nguyên năng lượng sơ cấp Việt Nam ngày càng cạn kiệt. Tài nguyên năng lượng sơ cấp về thủy điện về cơ bản đã khai thác hết. Sản lượng dầu và khí ở một số mỏ lớn đã suy giảm nhanh, việc phát triển mỏ mới trên Biển Đông gặp nhiều khó khăn”, đoàn giám sát đánh giá.

Những bất cập trong cung ứng năng lượng, nhất là việc chuẩn bị nhiên liệu sơ cấp thực hiện kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia hằng năm, dự trữ xăng dầu đã dẫn đến thiếu xăng dầu cục bộ cuối năm 2022 và thiếu điện ở miền Bắc đầu năm 2023, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Các nguy cơ ảnh hưởng đến bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia thời gian tới được đoàn giám sát chỉ ra.

Đó là, khó tiếp cận năng lượng, thiếu tính đa dạng hóa các nguồn năng lượng, phụ thuộc cao vào các dạng năng lượng truyền thống, mất cân đối giữa cung và cầu năng lượng trong nước, nguồn phát điện giữa các vùng, phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu, nguồn tài chính và công nghệ từ bên ngoài, cơ sở hạ tầng năng lượng tương xứng.

“Một số dự án nguồn điện chưa đưa vào vận hành do chậm tiến độ, chậm khởi công so với quy hoạch, hoặc dừng triển khai” cũng ảnh hưởng đến bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Báo cáo dẫn chứng loạt dự án đang chậm tiến độ như: Nhà máy Điện than Long Phú 1, Thái Bình 2, Sông Hậu 1 của PVN; các dự án: Na Dương II, Quỳnh Lập I, Cẩm Phả III, Hải Phòng III của TKV; chuỗi dự án khí - điện Lô B Ô Môn…

Trong khi đó, việc triển khai quy hoạch các phân ngành năng lượng còn nhiều hạn chế, bất cập, nhất là trong việc tổ chức thực hiện Quy hoạch Điện VII và Quy hoạch Điện VII điều chỉnh đối với việc phát triển điện mặt trời, điện gió, thủy điện nhỏ.

Cụ thể, việc phê duyệt bổ sung tổng số 168 dự án điện mặt trời với tổng công suất 14.707 MW, 123 dự án điện gió với tổng công suất 9.047 MW, phê duyệt riêng lẻ 390 dự án thủy điện nhỏ với tổng công suất 4.138 MW vào quy hoạch phát triển điện lực các cấp giai đoạn 2016 - 2020 đã gây ảnh hưởng đến việc phát điện và truyền tải điện lên hệ thống.

Theo báo cáo giám sát, giai đoạn 2016 - 2021, qua thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế 15.170 tỷ đồng, 5.960 m2 đất, xử lý hành chính 246 tổ chức, 724 cá nhân và chuyển cơ quan điều tra tiếp tục, xem xét, xử lý 23 vụ.

Có thể đề xuất cơ chế đặc thù để dự án nguồn và lưới điện kịp tiến độ

Đoàn giám sát kiến nghị nhiều nhiệm vụ, giải pháp cần làm ngay trong giai đoạn 2024-2025. Trong đó, đoàn giám sát kiến nghị tập trung rà soát, trình Quốc hội việc sửa đổi, bổ sung các luật như Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Khoáng sản, Luật Hóa chất…

Theo đoàn giám sát, trong năm 2023, cần ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII, Quy hoạch Tổng thể năng lượng quốc gia, danh mục các dự án phát triển năng lượng quan trọng quốc gia, cấp bách trong giai đoạn 2023-2030.

Nghiên cứu, rà soát, đánh giá tác động, có cơ chế phù hợp, nếu cần thiết đề xuất cơ chế đặc thù để triển khai kịp tiến độ các dự án nguồn và lưới điện cấp bách theo quy hoạch.

“Không để thiếu điện, than, xăng dầu và khí đốt cho nền kinh tế, sinh hoạt của người dân trong mọi tình huống”, đoàn giám sát nêu quan điểm.

Cùng với đó, nghiên cứu, rà soát việc quyết định các chủ trương và lộ trình nâng mức dự trữ quốc gia về dầu thô và sản phẩm xăng dầu đến năm 2030; đầu tư hệ thống kho dự trữ quốc gia về dầu thô và sản phẩm xăng dầu; ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng kho, cảng nhập khẩu khí hoá lỏng (LNG), quy mô lớn quốc gia.

Hệ thống hạ tầng kho, cảng trung chuyển than và dự trữ than phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc liên vùng cũng cần được đầu tư, theo kiến nghị của đoàn giám sát.

Đoàn giám sát còn kiến nghị trong năm 2023 trình Quốc hội thông qua Quy hoạch Không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2045, làm cơ sở thu hút đầu tư phát triển hợp lý điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi, điện khí, công nghệ nhiên liệu hydro...

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Âm nặng dòng tiền, liên tục bị xử phạt về thuế, liệu Đạt Phương “có cửa” trúng gói thầu gần 1.800 tỷ đồng?

Âm nặng dòng tiền, liên tục bị xử phạt về thuế, liệu Đạt Phương “có cửa” trúng gói thầu gần 1.800 tỷ đồng?

(Thanh tra) - Gói thầu xây lắp phần đường và cầu vượt nút giao ĐT994 thuộc dự án đường nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vừa mới mở thầu ngày 18/10/2024. Dự toán gói thầu là hơn 1.792,4 tỷ đồng. Liên danh của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương đưa ra giá dự thầu là hơn 1.684,6 tỷ đồng… Mới đây, doanh nghiệp liên tục bị Tổng cục Thuế bị xử phạt do vi phạm hành chính về thuế.

Chu Tuấn - Quang Dân

14:25 22/11/2024
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ra “tối hậu thư” chấp thuận dự án xử lý chất thải tập trung ở Thọ Xuân

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ra “tối hậu thư” chấp thuận dự án xử lý chất thải tập trung ở Thọ Xuân

(Thanh tra) - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn vừa ký văn bản yêu cầu các sở, ngành đẩy nhanh tốc độ chuẩn bị các bước tiếp theo để trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho dự án xử lý chất thải tập trung cấp vùng tại xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân trước ngày 30/12/2024.

Văn Thanh

12:45 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm