Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tháng 7/2016, taxi phải có hóa đơn tính tiền cho hành khách

Thứ sáu, 28/03/2014 - 15:54

(Thanh tra) - Dự thảo Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có nhiều quy định mới, sẽ tạo điều kiện cơ quan có thẩm quyền quản lý chặt chẽ hơn loại hình kinh doanh đặc thù này vốn có nhiều bất cập như dư luận phản ánh trong thời gian qua. Những điểm mới trong Dự thảo sẽ siết chặt tình trạng taxi lừa đảo, nạn xe khách dù... và hạn chế tai nạn giao thông.

Từ 1/7/2016, taxi phải có hóa đơn tính tiền cho hành khách. Ảnh minh họa.

Ngày 20/3/2014, tại Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT) TP. Hồ Chí Minh, Bộ GT-VT đã tổ chức Hội nghị Dự thảo Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô lấy ý kiến đóng góp từ các tỉnh, thành phía Nam (từ Đà Nẵng trở vào) và các đơn vị liên quan. Theo đó, kể từ ngày 1/7/2016, taxi phải có thiết bị in hoá đơn kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe, lái xe phải in hóa đơn tính tiền và trả cho hành khách. Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và chống được tình trạng taxi lừa đảo, bóp chẹt tiền của khách.  

Để bảo đảm an toàn giao thông và tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng quản lý hoạt động vận tải và quản lý hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải, từ ngày 1/7/2016, buộc các loại xe như: Taxi, xe đầu kéo sơ mi rơ moóc kinh doanh vận tải, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 10 tấn trở lên phải gắn thiết bị giám sát hành trình (GSHT). Thiết bị GSHT được lưu giữ và truyền dẫn được các thông tin như: Hành trình, tốc độ vận hành, số lần và thời gian dừng đỗ, đóng hoặc mở cửa xe, thời gian lái xe liên tục, thời gian lái xe trong 24 giờ của từng lái xe. 

Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định cũng quy định rõ xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách phải bố trí chỗ ngồi riêng người già, trẻ em dưới 6 tuổi và phụ nữ đang mang thai từ 1/1/2016 và có chỗ ngồi riêng cho người khuyết tật sử dụng xe lăn kể từ ngày 1/1/2017.

Đối với lái xe phải có hợp đồng lao động và được đơn vị kinh doanh vận tải đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế theo quy định. Tất cả các lái xe hoạt động trong lĩnh vực này phải có chứng nhận khám sức khỏe định kỳ theo quy định của Bộ Y tế và phải được tập huấn về nghiệp vụ lái xe kinh doanh vận tải theo quy định của Bộ GT-VT.

Để tránh tình trạng xe khách dù, vận chuyển hành khách núp bóng với danh nghĩa xe chạy hợp đồng, du lịch lữ hành dự thảo cũng nêu rõ: Đối xe ô tô có trọng tải thiết kế từ 10 hành khách trở lên, trước khi thực hiện hợp đồng đơn vị kinh doanh vận tải phải thông báo tới Sở GT-VT nơi cấp giấy phép kinh doanh vận tải các thông tin: Hành trình (điểm đầu, điểm cuối, điểm đón, trả khách), thời gian thực hiện hợp đồng, số lượng khách bằng văn bản hoặc qua thư điện tử (email) hoặc qua tờ khai điện tử trên trang thông tin điện tử của Sở GT-VT. Thời hạn áp dụng từ ngày 1/7/2015.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh đồng tình với phần lớn nội dung Dự thảo nhằm siết chặt an toàn giao thông vận tải, tạo hành lang pháp lý để quản lý kinh doanh vận tải. Nên cần kinh doanh vận theo tổ chức, không để cá nhân tự kinh doanh sẽ tạo điều kiện phát triển manh mún, rất khó quản lý. Ngoài ra, ông Thanh cho rằng, không nên bắt buộc taxi phải có hóa đơn tính tiền cho hành khách mà chỉ khuyến khích các doanh nghiệp. Vì in hóa đơn sẽ gây tốn kém cho doanh nghiệp, mà taxi có gắn thiết bị GSHT và chịu sự giám sát cơ quan quản lý.  

Với quy định mới xe buýt phải có sức chứa 17 chỗ trở lên, Phó Giám đốc Sở GT-VT TP. Hồ Chí Minh Dương Hồng Thanh kiến nghị, do đăc thù lịch sử để lại, hầu hết các tuyết đường tại TP. Hồ Chí Minh đều quá nhỏ, phần lớn rộng không quá 7m. Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh có hơn 300 xe buýt nhỏ 12 chỗ được Chính phủ cho phép hoạt động đến năm 2018. Do vậy, dự thảo cũng nên tạo điều kiện cho các địa phương có tính đặc thù sử dụng loại xe buýt nhỏ này. Ông Thanh cho biết thêm, sắp tới TP. Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với Samco sản xuất các loại xe buýt nhỏ này sẽ gom khách trong khu dân cư đến các tuyến xe buýt lớn và chở học sinh. Phó Giám đốc Sở GT-VT Long An Phan Minh Giàu đồng tình với ý kiến này, vì ngoài đặc thù địa phương các loại xe buýt nhỏ dưới 17 chỗ sẽ rất cần thiết cho các tuyến đường giao thông nông thôn, đường liên xã.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, rất khó thực hiện điều kiện xe ô tô kinh doanh vận tải phải có chỗ ngồi riêng cho người khuyết tật sử dụng xe lăn, vì hầu hết các loại xe đang sử dụng đều không có chỗ dành riêng cho người khuyết tật. Mà cải tạo chỗ cho người khuyết tật sử dụng xe lăn sẽ chiếm diện tích. Mặt khác, các loại xe nhập khẩu hiện nay phần lớn không có thiết kế dành riêng người khuyết tật sử dụng xe lăn, để có điều kiện này rất khó cho các nhà kinh doanh vận tải.  

Được biết, ngày 21/3/2014, tại Hà Nội, Bộ GT-VT cũng đã tổ chức Hội nghị Dự thảo Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô lấy ý kiến đóng góp từ các tỉnh, thành phía Bắc.

Hoàng Tuấn

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

(Thanh tra) - Muốn thu hút được đông đảo người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hoá các phương tiện, thì việc đồng bộ cơ sở hạ tầng là vô cùng cần thiết. Đây được coi là vấn đề then chốt, TP Hà Nội cần phát triển một cách đồng bộ hạ tầng xe buýt và cả các loại hình kết nối khác trong hệ thống VTHKCC.

Cao Sơn

07:05 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm