Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Quyết nhanh giải pháp “cấp cứu” trước khi các nhà máy lọc dầu kiệt sức, ngừng hoạt động

Thứ năm, 09/04/2020 - 17:57

(Thanh tra)- Hàng loạt nhà máy lọc dầu trên thế giới bắt đầu công bố đóng cửa do mất cân đối thu chi, dưới tác động kép của dịch bệnh Covid-19 và giá dầu giảm mạnh. Ngành lọc hóa dầu Việt Nam cũng không là ngoại lệ trước thực tế các kho chứa quá tải, dòng tiền giảm mạnh, nhà máy có nguy cơ buộc phải dừng hoạt động.

Các nhà máy lọc dầu trong nước đang rất cần những chính sách hỗ trợ kịp thời, quyết liệt từ Chính phủ và các bộ ngành.

La liệt hấp hối, đóng cửa

Trong thư gửi các nhà cung cấp dầu thô mới đây, tập đoàn lọc dầu lớn nhất Ấn Độ IOC thông báo, giảm hoạt động 40% và đang trong quá trình đóng cửa toàn bộ nhà máy lọc hóa dầu Mangalore và IOC tuyên bố đây là tình trạng bất khả kháng. Tương tự, các nhà máy lọc dầu tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan cũng đang tìm cách cắt giảm hoạt động, thậm chí đóng cửa các nhà máy để bảo dưỡng.

Tại Mỹ, các nhà máy khu vực Los Angeles và cơ sở Baytown của Exxon tại Texas đã công bố giảm sản lượng. Nhà máy Baytown lớn nhất của Exxon tại Mỹ, đã đóng cửa bộ phận sản xuất xăng do nhu cầu nhiên liệu của Mỹ sụt giảm.

Còn tại châu Âu, API (Italy) thông báo sẽ đóng cửa hoạt động nhà máy lọc dầu Ancona công suất 85.000 thùng/ngày, tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha công bố cắt giảm 10% hoạt động các nhà máy lọc dầu phức hợp. Phillips thống kê công suất lọc dầu trong quý 1/2020 ở mức thấp nhất kể từ thập niên 80 tới nay, chỉ duy trì hoạt động ở mức tối thiểu để hạn chế thấp nhất về thiệt hại.

Các nhà máy lọc dầu trên khắp thế giới đang đối mặt với tình trạng khó khăn về dòng tiền; bể chứa đầy ắp, càng chế biến, xuất bán càng lỗ. Tại Việt Nam, các nhà máy lọc dầu và các đơn vị kinh doanh xăng dầu cũng ngập trong khó khăn, kinh doanh sa sút, lỗ nặng. Trong khi đó giá dầu thô, giá sản phẩm giảm liên tục do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 và cuộc chiến giá giữa Nga và Saudi Arabia đe dọa nhấn chìm thị trường bằng cách tăng cung ứng dầu thô.

BSR chịu tổn thất giảm giá hàng tồn kho lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 dẫn đến tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn khiến tồn kho của nhà máy luôn cao (có thời điểm trên 90%) lại gặp thêm tình trạng giá dầu giảm mạnh đã làm cho BSR chịu tổn thất giảm giá hàng tồn kho lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Các khách hàng liên tục thông báo giãn, hoãn thời gian nhận hàng, đề nghị chậm thanh thoán; thậm chí khách hàng Skypec đã thông báo không nhận sản phẩm Jet A1 từ 13/3 cho đến hết tháng 4/2020 do các chuyến bay trong nước và quốc tế giảm mạnh. Trong khi đó, BSR phải tiếp nhận sản lượng dầu thô Bạch Hổ tăng so với kế hoạch khoảng 2 triệu thùng trong 5 tháng đầu năm 2020 làm cho mức tồn kho của Nhà máy càng tăng cao.

Tổng sản lượng sản phẩm tiêu thụ của BSR trong Quý I/2020 giảm mạnh so với kế hoạch và cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận âm, tuy vậy vẫn đóng góp gần 1.500 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước.

Cần quyết nhanh, không do dự

Sản xuất xăng dầu trong nước đang ứ đọng song các đầu mối nhập khẩu kinh doanh xăng dầu vẫn liên tục nhập hàng về Việt Nam. Trong quý I năm 2020, tổng sản lượng xăng dầu của hai nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn vào khoảng 3 triệu tấn, đáp ứng gần 100% nhu cầu xăng dầu nội địa. Tuy nhiên, theo số liệu công bố của Tổng cục Hải quan thì tổng lượng nhập khẩu xăng dầu trong 2 tháng đầu và nửa đầu tháng 3 năm 2020 đã hơn 1,63 triệu tấn, chiếm hơn 35% lượng cung xăng dầu nội địa.  Như vậy, trong quý I lượng cung nội địa vượt nhu cầu khoảng 35%, tương ứng với khối lượng nhập khẩu của các đơn vị đầu mối.

Để các nhà máy lọc dầu có thể tiếp tục duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp cho ngân sách hàng nghìn tỷ đồng, các doanh nghiệp đang rất cần những chính sách hỗ trợ kịp thời, quyết liệt từ Chính phủ và các bộ ngành. Nhìn ra thế giới, Chính phủ Nga đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu xăng trong 6 tháng kể từ tháng 4 để bảo vệ sản xuất trong nước. Còn Chính phủ Trung Quốc đã ban hành những chính sách hỗ trợ các nhà máy lọc dầu gia tăng công suất hoạt động, bổ sung xăng dầu dự trữ quốc gia, tận dụng thời điểm giá dầu giảm sốc.

Mới đây, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã bàn thảo các giải pháp phối hợp giữa hai Tập đoàn về hoạt động sản xuất kinh doanh tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn. Cụ thể là giải pháp ứng phó với tình trạng tồn kho tại 2 nhà máy trong bối cảnh nguồn cung đang dư thừa, tiêu thụ giảm sút. PVN cũng đã chính thức kiến nghị Chính phủ tạm dừng nhập khẩu xăng dầu trong giai đoạn này để ưu tiên sử dụng hàng trong nước, tránh tồn kho các doanh nghiệp. Đồng thời kiến nghị Bộ Tài chính và Bộ Công thương sớm xem xét loại bỏ các sản phẩm được chế biến từ tài nguyên dầu thô ra khỏi danh sách các sản phẩm không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu trong nước đang giảm mạnh để thúc đẩy doanh nghiệp xuất khẩu.

Để duy trì dòng tiền hoạt động, các nhà máy lọc dầu cũng mong sớm được giãn thời gian nộp thuế và được vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi để bổ sung nguồn vốn lưu động đang bị thiếu hụt.

Trong quý I năm 2020, tổng sản lượng xăng dầu của Dung Quất và Nghi Sơn vào khoảng 3 triệu tấn, đáp ứng gần 100% nhu cầu xăng dầu nội địa.

Là những cơ sở công nghiệp đang đóng góp hàng nghìn tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước, cũng như tác động đến việc tạo nền tảng cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển; tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn mà các nhà máy lọc dầu nói riêng và ngành Dầu khí nói chung đang phải đối diện trong tình hình hiện nay là vấn đề cấp bách và cũng là sự đảm bảo cho mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước cũng như đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

PV

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

(Thanh tra) - Muốn thu hút được đông đảo người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hoá các phương tiện, thì việc đồng bộ cơ sở hạ tầng là vô cùng cần thiết. Đây được coi là vấn đề then chốt, TP Hà Nội cần phát triển một cách đồng bộ hạ tầng xe buýt và cả các loại hình kết nối khác trong hệ thống VTHKCC.

Cao Sơn

07:05 14/12/2024
Hoà Bình: Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tỉnh đốn đốc các chủ đầu tư

Hoà Bình: Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tỉnh đốn đốc các chủ đầu tư

(Thanh tra) - Tính đến ngày 30/11/2024, toàn tỉnh Hoà Bình đã giải ngân vốn đầu tư công 2.191,4 tỷ đồng, đạt 64% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 58% kế hoạch vốn UBND tỉnh giao chi tiết đến từng dự án. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân không đạt theo yêu cầu của Tỉnh ủy giao là 90%.

Trần Kiên

20:25 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm