Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phải làm rõ thực trạng chậm, hủy chuyến bay

Thứ ba, 08/07/2014 - 07:38

(Thanh tra) - Đây là yêu cầu được Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng đặt ra với Cục Hàng không Việt Nam tại cuộc làm việc ngày 7/7. Theo đó, muộn nhất đến 11/7, Cục Hàng không phải có báo cáo cụ thể về thực trạng chậm, hủy chuyến hiện nay.

Cần siết chặt quản lý Nhà nước đối với các hãng hàng không để nâng cao chất lượng dịch vụ và an toàn cho khách hàng. Ảnh: T.A

Theo Phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, riêng trong tháng 5/2014, các hãng khai thác tổng cộng 9.684 chuyến bay thì có 1.417 chuyến chậm giờ và 184 chuyến bị hủy. Trong đó, chỉ có 27 chuyến chậm giờ và 10 chuyến bị hủy vì lý do thời tiết.

Tính đến hết tháng 5/2014, tỷ lệ chậm hủy chuyến trên tổng số chuyến bay của các Hãng hàng không Việt Nam là 25%. Trong đó, Jetstar Pacific là 50%, VietJet Air 51%. So với cùng kỳ năm 2013, tỷ lệ này chỉ 16%.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu, nhân lực của Vietjet Air còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu qua vụ việc hạ cánh nhầm sân bay vừa qua. Thậm chí, khi chuyến bay số hiệu VJ 8575 với lý trình thay đổi Hà Nội - Đà Lạt đã cất cánh khỏi sân bay Nội Bài 28 phút, khi Cảng vụ sân bay quốc tế Nội Bài điện hỏi đến lần thứ 3 thì Vietjet Air mới phát hiện có sự nhầm lẫn. Trước đó, vào tháng 4, tháng 5 vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam đã có cuộc thanh tra toàn diện đối với Vietjet Air, cũng đã phát hiện ra lỗi nhưng chỉ khuyến cáo.  

Thực trạng này đang gây ảnh hưởng rất lớn đối với chất lượng dịch vụ hành khách. Nhất là khi tỷ lệ hủy, chậm chuyến bay bất khả kháng do thời tiết chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ còn lại nguyên nhân chủ yêú vì yếu tố kỹ thuật, khai thác thương mại gia tăng. "Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề chậm chuyến tuy nhiên có đến 50% số chuyến bị chậm, hủy có nguyên nhân liên quan đến việc dồn chuyến, hủy chuyến vì lý do thương mại, cơ sở vật chất của cảng hàng không vào các giờ cao điểm" - đại diện Phòng Vận tải hàng không nhận định.

Trong khi đó, đại diện Phòng Tiêu chuẩn an toàn bay cho hay, từ đầu năm 2014 đến hết tháng 6 đã có 131 sự cố liên quan đến an toàn hàng không.

Đáng nói, sự cố do nguyên nhân kỹ thuật là 66 vụ, do thời tiết chỉ có 13, và sự cố do yếu tố con người là 23 vụ. Bên cạnh đó, sự cố liên quan đến an toàn hàng không trong 6 tháng cũng đã tăng 39 vụ so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù tỷ lệ bị chậm hủy chuyến trong hàng không gia tăng mạnh, song theo đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam, việc thông tin cho hành khách đối với các chuyến bay bị chậm thời gian dài, thậm chí chưa xác định được thời gian khởi hành còn chưa thỏa đáng.

Điều này đã khiến hành khách chờ đợi lâu, mệt mỏi, bức xúc dẫn đến việc gây lộn, cự cãi với nhân viên. Tại các sân bay lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng... ghi nhận ngày càng nhiều vụ việc, khách hàng đòi khiếu nại tập thể vì tình trạng chậm hủy chuyến.

Khách hàng làm thủ tục bay tại Sân bay Đà Nẵng. Ảnh: T.A

Theo nhận định của Phòng Tiêu chuẩn an toàn bay, về cơ bản, thái độ phục vụ hành khách, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết các vấn đề và xử lý tình huống luôn được các hãng hàng không hoàn thiện và nâng cao. Tuy nhiên, đối với các hãng hàng không giá rẻ như Jetstar Pacific, Vietjet Air vẫn còn xảy ra nhiều trường hợp hành khách bức xúc, tranh cãi, lớn tiếng khi bị chậm, hủy, cắt khách, làm mất an ninh trật tự tại nhà ga. “Do một số nhân viên của hãng chuyên môn còn hạn chế, cách trả lời giải thích cho hành khách chưa thỏa đáng. Đồng thời, vào một số thời điểm không có nhân viên của đại diện hãng tại khu vực làm thủ tục để giải quyết những bức xúc của hành khách”, đại diện Phòng Tiêu chuẩn an toàn bay nhận định.

Tại buổi làm việc với Cục Hàng không Việt Nam 7/7, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam trong thứ 6 tuần này (ngày 11/7) phải có báo cáo cụ thể về thực trạng chậm, hủy chuyến hiện nay. “Phải làm việc ngay với các Hãng hàng không, phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan là gì, do đơn vị nào…”.

Bên cạnh đó, ông Đinh La Thăng yêu cầu lập tức công khai toàn bộ chuyến bay bị hủy, chậm chuyến và thời gian cụ thể bị chậm của các Hãng hàng không. Theo lãnh đạo Bộ GTVT, không thể chấp nhận việc chậm chuyến liên tục như thời gian qua.

Trong thời gian tới, Cục Hàng không Việt Nam phải xây dựng Đề án tái cơ cấu, đổi mới toàn diện ngành hàng không. Trong việc sửa Luật hàng không, phải xem xét, rà soát lại toàn bộ quy trình, quy phạm bay, tiêu chuẩn bay… để nâng cao hiệu quả quản lý.

Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Bộ GTVT đã có văn bản chấp thuận duy trì Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Mekong Air đến hết ngày 31/12/2014 . Cục Hàng không Việt Nam theo dõi, giám sát, kiểm tra thực tiễn, hướng dẫn, chỉ đạo Mekong Air trong việc duy trì Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không để thực hiện tái cơ cấu và khai thác trở lại. Nếu hết thời hạn 31/12/2014, Mekong Air không khai thác trở lại sẽ hủy bỏ Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Mekong Air theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ.

An - Dương

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Công ty TNHH Giải pháp công nghệ Gia Phúc bị cấm thầu 3 năm tại tỉnh Cà Mau

Công ty TNHH Giải pháp công nghệ Gia Phúc bị cấm thầu 3 năm tại tỉnh Cà Mau

(Thanh tra) - Ngày 10/12/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi đã ký quyết định cấm Công ty TNHH Giải pháp công nghệ Gia Phúc tham gia hoạt động đấu thầu trong thời gian 3 năm đối với các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách do các cơ quan, ban, ngành thuộc tỉnh và các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Cà Mau quản lý, tổ chức lựa chọn nhà thầu.

Chu Tuấn

18:30 12/12/2024
Bộ Giao thông Vận tải bàn cách giải ngân gần 23.000 tỷ đồng

Bộ Giao thông Vận tải bàn cách giải ngân gần 23.000 tỷ đồng

(Thanh tra) - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn năm 2024 là 56.666 tỷ đồng, quá trình thực hiện, được giao bổ sung 18.815 tỷ đồng, nâng tổng kế hoạch vốn năm 2024 của Bộ GTVT là 75.481 tỷ đồng.

Trần Quý

18:29 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm