Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Những giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển hệ thống truyền tải điện

Thứ ba, 02/07/2019 - 15:11

(Thanh tra)- Với vai trò là "xương sống" trong hệ thống điện Việt Nam, trong những năm qua, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã cơ bản đáp ứng yêu cầu cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân.

Nhiều dự án quan trọng nhằm giải tỏa công suất các nguồn điện, tăng cường năng lực truyền tải điện, giải quyết tình trạng quá tải tại các khu vực và cung cấp điện cho các phụ tải quan trọng đều được Tổng Công ty hoàn thành đúng tiến độ yêu cầu.

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo, EVNNPT tập trung thực hiện một số giải pháp cơ bản nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng các công trình điện, trong đó phải kể đến:

QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH TRUNG HẠN:

Trên cơ sở Quy hoạch Điện lực Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (hiện nay đang thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch Điện VII điều chỉnh) tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016), cùng với việc xây dựng Kế hoạch 5 năm, hàng năm EVNNPT đều xây dựng kế hoạch 1+4, kế hoạch hàng năm… trình Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Công Thương và Chính phủ phê duyệt để kịp thời cập nhật tiến độ thực tế các dự án phù hợp với nhu cầu phát triển hệ thống điện Việt Nam, đảm bảo nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng các công trình.

Cùng với đó, công tác rà soát quy hoạch, xây dựng kế hoạch đầu tư xây dựng phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia, quy hoạch phát triển điện lực địa phương và kiến nghị các giải pháp điều chỉnh quy hoạch, kết nối lưới điện hiệu quả nhằm đảm bảo an toàn, tin cậy, giảm tổn thất điện năng cho hệ thống điện và đáp ứng nhu cầu phụ tải, đảm bảo đồng bộ tiến độ các nguồn điện cũng là một nhiệm vụ hết sức quan trọng trong công tác đầu tư xây dựng.

THU XẾP VỐN CHO CÁC DỰ ÁN:

Theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030, giai đoạn 2017-2020, tổng nhu cầu đầu tư của EVNNPT vào khoảng 105.699 tỷ đồng (trong đó đầu tư thuần là 82.464 tỷ đồng) để thực hiện đầu tư xây dựng 270 dự án đường dây, trạm biến áp 220kV, 500kV. Hội đồng thành viên Tổng Công ty đã kịp thời phê duyệt nguồn vốn cho các dự án khởi công, đóng điện giai đoạn 2018-2020 nhằm kịp thời phân bổ một cách phù hợp nhất nguồn vốn cho các dự án, đây là điều kiện cần thiết để phê duyệt các dự án đầu tư, tạo tiền đề đẩy nhanh các thủ tục đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng các công trình đã giao theo kế hoạch.

Để có thể huy động được số vốn đầu tư như trên, EVNNPT thường xuyên tiếp xúc làm việc với các tổ chức cho vay vốn ODA như: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW).

Với chủ trương giảm nợ công của Chính phủ, thời gian qua EVNNPT đã xúc tiến làm việc với các ngân hàng, tổ chức tài chính nước ngoài để vay tín dụng thương mại không bảo lãnh Chính phủ và đã có những kết quả rất khả quan.

Đặc biệt ngày 10/4/2019, EVNNPT đã được Fitch Rating xếp hạng tín nhiệm BB và BB+, điều này tạo điều kiện cho việc thu xếp vốn vay nước ngoài thuận lợi và có chi phí hợp lý hơn.

Đồng thời, EVNNPT cũng chủ động làm việc với các ngân hàng thương mại trong nước để thu xếp vốn cho các dự án, điều chỉnh lãi suất cho phù hợp với thị trường. Để đảm bảo nguồn vốn đầu tư EVNNPT tiếp tục cân đối vốn trung và dài hạn đồng bộ với tiến độ các dự án theo quy hoạch trong giai đoạn 2021- 2025 và các năm tiếp theo nhằm chủ động rút ngắn thời gian đầu tư cũng như nâng cao hiệu quả đầu tư.

GIẢI PHÁP ĐẢM BẢO TIẾN ĐỘ THỦ TỤC ĐẦU TƯ:

Trên cơ sở các quy định pháp quy, Tổng Công ty đã hoàn thiện, ban hành thống nhất các quy định và nội dung cần thực hiện trong công tác lập dự án đầu tư và thiết kế kỹ thuật. EVNNPT đã xây dựng kế hoạch, tiến độ hàng năm, đẩy nhanh thời gian thẩm định, tiến độ phê duyệt triển khai thực hiện dự án.

Ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất kinh doanh được lãnh đạo EVNNPT đặc biệt quan tâm.

Từ năm 2016, EVNNPT đã xây dựng, đề xuất và được Tập đoàn ban hành Quy định về việc áp dụng công nghệ khảo sát không ảnh trong khảo sát phục vụ thiết kế các công trình đường dây tải điện trên không điện áp 220kV, 500kV trong EVN. Từ đầu năm 2017, EVNNPT đã ứng dụng thiết kế 3D cho các dự án trạm biến áp và đường dây.

Hiện nay, Tổng Công ty đang xây dựng mô hình thông tin công trình BIM, trong đó bao gồm quy định về công tác thiết kế 3D nhằm chuẩn hóa thành quy định của EVN làm cơ sở áp dụng, qua đó nâng cao hiệu quả công tác lựa chọn tuyến, thiết kế công trình và xây dựng tổng mức đầu tư, tổng dự toán sát với thực tế.

Triển khai ứng dụng phần mềm trong công tác lập dự toán cũng từng bước được nâng cao, chú trọng lập biện pháp tổ chức xây dựng chi tiết, cập nhật kịp thời các định mức, đơn giá để xây dựng tổng mức đầu tư, dự toán, dự toán gói thầu phù hợp, tránh việc phải xử lý tình huống về dự toán trong công tác đấu thầu.

Thực hiện đúng chủ trương tối ưu hóa chi phí của EVN, ứng dụng công nghệ mới để nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác khảo sát, tăng cường độ tin cậy của tài liệu khảo sát phục vụ thiết kế xây dựng các công trình đường dây truyền tải điện, tối ưu trong quản lý, sử dụng tối đa số liệu thiết kế, lưu trữ hồ sơ phục vụ tốt công tác quản lý vận hành.

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, việc áp dụng công nghệ khảo sát không ảnh trong khảo sát xây dựng các đường dây truyền tải điện đã mang lại hiệu quả đầu tư rõ rệt. Kết hợp khảo sát không ảnh, thiết kế 3D và xây dựng mô hình thông tin công trình BIM bổ sung cho EVNNPT một bộ số liệu đầu vào khá lớn cho việc hoàn thiện hệ thống GIS mà hiện nay EVNNPT đang tập trung xây dựng, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý vận hành, quản lý tài sản, từng bước tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Cùng với việc tiếp tục hoàn thiện các bộ định mức chuyên ngành trong công tác khảo sát, xây lắp và chế tạo các thiết bị trong nước để sát với thực tế và phù hợp với các ứng dụng công nghệ mới hiện nay đang áp dụng, EVNNPT đã tập trung xây dựng hoàn thành thiết kế chuẩn cho trạm biến áp và đường dây và đã được Tập đoàn ban hành năm 2017 thành Quy định về công tác thiết kế dự án lưới điện cấp điện áp 110kV ÷ 500kV trong EVN.

Việc chuẩn hóa thiết kế đã mang lại lợi ích không nhỏ “rút ngắn thời gian lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt các bước thiết kế”. Đặc biệt, thiết kế chuẩn đã giải quyết được khá nhiều bài toán tối ưu trong công tác thiết kế, nâng cao hiệu quả đầu tư lưới truyền tải điện, từng bước chuẩn hóa và nâng cao chất lượng hồ sơ mời thầu, tiêu chuẩn xét thầu, tăng cường công tác quản lý hợp đồng và quản lý chất lượng các nhà thầu xây lắp, cung cấp vật tư, thiết bị.

Qua đó không chỉ từng bước chuẩn hóa và nâng cao chất lượng hồ sơ mời thầu, tiêu chuẩn xét thầu để thuận lợi trong việc phê duyệt và lựa chọn các nhà thầu có năng lực mạnh cho các dự án lưới điện truyền tải, mà còn kiên quyết loại bỏ các nhà thầu không đủ năng lực làm ảnh hưởng tới chất lượng và tiến độ của dự án.

Hiện  nay, EVNNPT đã báo cáo EVN và Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ xem xét danh mục các dự án cấp bách, cho phép các cơ chế đặc thù trong việc điều chỉnh quy hoạch một số dự án điện, công tác lựa chọn nhà thầu, bồi thường, giải phóng mặt bằng... cho giai đoạn 2019 - 2020 và sau 2020.

Đối với các dự án lưới truyền tải điện đã được phê duyệt trong Quy hoạch Điện VII điều chỉnh đã được các tổ chức cho vay vốn ODA cam kết, EVNNPT cũng đề nghị EVN và Bộ Công Thương xem xét cho phép EVNNPT được thực hiện song song các thủ tục chuẩn bị đầu tư để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt với việc hoàn thiện các thủ tục PO (văn kiện của Hiệp định) theo quy định của Nghị định số 38/2013/NĐ-CP.

GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐẦU TƯ:

Một yếu tố không kém phần quan trọng quyết định đến hiệu quả đầu tư xây dựng các dự án truyền tải điện chính là thực hiện tốt công tác bồi thường (BT) giải phóng mặt bằng (GPMB). Việc ban hành chính sách pháp luật về đất đai chưa ổn định qua các thời kỳ có ảnh hưởng rất lớn đến công tác BT, GPMB, do vậy, công tác này còn gặp nhiều khó khăn. Giá đền bù chưa sát thị trường, người dân sử dụng đất chưa đúng mục đích, xây dựng các công trình trái phép....

Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình BT, GPMB, đẩy nhanh tiến độ các công trình, EVNNPT đã chủ động thực hiện: Lựa chọn tuyến tối ưu, giảm thiểu tối đa qua rừng tự nhiên, qua các khu dân cư đông đúc, qua các khu công nghiệp, khu đất canh tác hiệu quả của các địa phương ngay từ dự án đầu tư; Thực hiện ngay công tác cắm mốc, thực hiện các thủ tục đo vẽ, phương án BT, GPMB ngay sau khi dự án được phê duyệt.

Đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương khi thực hiện BT, GPMB phục vụ công tác thi công, tương tự như BT, GPMB đất đai và tài sản bị ảnh hưởng bởi công trình.

Đề xuất Chính phủ ban hành hướng dẫn và nguyên tắc xác định áp dụng chung một mức giá bồi thường đối với việc mượn mặt bằng thi công và đường tạm phục vụ thi công để các tỉnh áp dụng; Chính phủ có văn bản hoặc bổ sung vào nghị định các quy định về việc ký kết hoàn thành tiến độ BT, GPMB giữa chủ đầu tư và chính quyền địa phươngcùng các chế tài xác định trách nhiệm các bên liên quan đến việc không đảm bảo các cam kết này.

Trong từng giai đoạn của dự án, EVNNPT yêu cầu các đơn vị quản lý dự án phải lập về phê duyệt Tổng tiến độ cũng như tiến độ chi tiết các giai đoạn, các năm để quản lý, đôn đốc để đảm bảo tiến độ từng khâu, từng năm nhằm đảm bảo tiến độ chung của dự án. Yêu cầu tất cả các đơn vị thực hiện đầy đủ và áp dụng triệt để chương trình Quản lý đầu tư xây dựng của EVN nhằm quản lý tiến độ, chất lượng, hiệu quả các dự án trong EVNNPT.

Thực hiện việc quản lý Chi phí, quản lý Chất lượng các công trình theo đúng các quy định, nhằm đảm bảo chất lượng, tối ưu chi phí tất cả các công trình đầu tư xây dựng của EVNNPT.

Bằng việc đúc kết những bài học kinh nghiệm cũng như đề ra các giải pháp cơ bản để nâng cao hiệu quả trong quá trình đầu tư phát triển hệ thống truyền tải điện trên phạm vi cả nước, EVNNPT sẽ thực hiện đầu tư xây dựng các công trình điện theo đúng quy hoạch Tổng sơ đồ lưới điện mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhằm phục vụ đắc lực cho quá trình phát triển kinh tế, xã hội trong điều kiện nước ta đang hội nhập sâu rộng nền kinh tế quốc tế.

Phạm Lê Phú

Phó Tổng Giám đốc

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 1: Xót xa “đất vàng” bỏ hoang

Bài 1: Xót xa “đất vàng” bỏ hoang

(Thanh tra) - Nhiều khu “đất vàng” tại các vị trí đắc địa của thành phố Hà Nội được giao cho các đại gia bất động sản phát triển dự án, nhưng sau nhiều năm vẫn bị bỏ hoang hoặc xây dựng dở dang, chậm tiến độ… khiến người dân không khỏi xót xa cho nguồn lực khổng lồ bị phung phí.

Đông Hà + Thanh Hoa

09:00 12/12/2024
Bài 3: Áp dụng công nghệ hiện đại, mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng

Bài 3: Áp dụng công nghệ hiện đại, mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng

(Thanh tra) - Trong thời đại 4.0 như hiện nay, việc áp dụng công nghệ vào quản lý, điều hành hệ thống vận tải hành khách công cộng là tất yêu và đòi hỏi sự cấp bách. Với chủ trương mang đến những tiện ích tối đa cho khách hành, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông TP Hà Nội đã liên tục hiện đại hoá, áp dụng công nghệ từ khâu tìm kiếm, lựa chọn phương tiện cho tới khâu thanh toán, sử dụng.

Cao Sơn

07:05 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm