Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Những dự án lớn cho tương lai lớn

Minh Tân

Thứ hai, 05/02/2024 - 06:30

(Thanh tra)- Tin vui đầu năm mới 2024 đến với người dân Quảng Trị khi Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Những kỳ vọng cho tương lai đã được hình dung khá rõ nét, cụ thể với từng ngành, từng lĩnh vực, vùng miền với những dự án lớn cho tương lai lớn ở phía trước.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng. Ảnh: Minh Tân

Những dự án lớn từ nơi "hồng hoang"

Ngày lễ khởi công Dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng  ở Khu kinh tế (KKT) Đông Nam tỉnh Quảng Trị ở xã Hải An, Hải Ba, huyện Hải Lăng, tình cờ tôi bắt gặp ông Hà Sỹ Đồng lặng lẽ đứng nhìn về phía vùng đất rộng lớn chỉ toàn cát trải dài về hướng biển.

Nụ cười mỉm đầy ý nhị thường trực trên gương mặt cương nghị, ông Đồng vừa nói khi thấy tôi đến gần: Mình thực sự vui mừng, khi cả một vùng đất rộng lớn bời bời cát trắng, cái nắng cái gió cùng cái nghèo cứ bám lấy cư dân bản địa bao đời giờ đang đổi thay.

Dù vẫn còn nhiều công việc, nhiều bước đi để tiến về phía trước nhưng với Dự án Điện khí LNG Hải Lăng góp phần xây dựng tiền đề, cơ sở quan trọng để xây dựng KKT Đông Nam của tỉnh trở thành một KKT năng động, hiện đại và hiệu quả, có tầm cỡ trong khu vực Trung bộ, quốc gia và cả khu vực ASEAN. “Chúng ta có quyền kỳ vọng về một cửa ngõ thông thương với quốc tế, một điểm nhấn về năng lượng trên bản đồ khu vực từ những mảnh đất khô cằn, khắc nghiệt này”, ông Đồng cười nói.

Cùng với các dự án điện gió, điện khí LNG ở KKT Đông Nam, trong tương lai không xa, Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung và cả nước. Ảnh: Minh Tân

Ông tâm sự: Ít người biết rằng, chỉ trong vòng thời gian ngắn, dự án 54.000 tỷ đồng (tương đương 2,32 tỷ USD) sau khi vận hành sẽ cung cấp cho hệ thống điện quốc gia khoảng 8,25 tỷ kWh/năm được khởi công trên vùng đất ví như “hồng hoang” này là sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân Quảng Trị. Không chỉ thế, đó còn là tầm nhìn của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị để vùng đất này có những tiền đề phát triển trong tương lai. Với những gì đã đặt nền móng cho ngày hôm nay, không xa những mỏ khí Kèn Bầu, Báo Vàng ở ngoài khơi sẽ đến với vùng đất Quảng Trị này. Và cùng với “cánh đồng điện gió” ở miền Tây Quảng Trị, từ đây, câu chuyện Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung và cả nước không còn là chuyện viển vông, xa vời.

Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo trên Hành lang Kinh tế Đông Tây (EWEC). Ảnh: Minh Tân

Dù còn chồng chất khó khăn, trắc trở nhưng chỉ thời gian ngắn, KKT Đông Nam Quảng Trị đã và đang đầu tư 128 hạ tầng giao thông, khu tái định cư... và thu hút đầu tư các dự án quy mô lớn như: Khu bến cảng Mỹ Thủy, Khu công nghiệp đa ngành Triệu Sơn - Triệu Trạch với diện tích gần 1.300ha, Kho cảng Xăng dầu Hải Hà, Trung tâm dịch vụ hậu cần và logistics KKT Đông Nam, các dự án điện khí: Nhà máy Điện tua bin khí chu trình hỗn hợp Quảng Trị (340MW), Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng Quảng Trị (3.000-4.500MW), Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng LNG (1.500MW) sử dụng nguồn khí ngoài khơi tỉnh Quảng Trị như mỏ Kèn Bầu, Báo Vàng... hoặc sử dụng nguồn khí LNG nhập khẩu từ các nước khác.

Ở vùng cát trắng Hải Lăng, Quảng Trị cũng vừa khởi công Dự án Khu công nghiệp Quảng Trị hơn 2.000 tỷ đồng. Ảnh: Minh Tân

Có lẽ, trong mắt tôi, KKT vẫn còn là sự sơ khai, vẫn là những trảng cát dài mênh mông, nắng và gió. Thế nhưng, trong câu chuyện và ánh mắt của ông hiện ra về một mô hình kinh tế - giao thương mang tầm vóc quan trọng cho Quảng Trị - lợi thế địa chiến lược về kinh tế quốc tế của KKT, Cảng Mỹ Thủy, sân bay… KKT Thương mại xuyên biên giới Lao Bảo - Densanvan đang mở ra những thế và lực mới cho Quảng Trị.

Con đại bàng bay ra biển lớn

Ngày đầu năm 2024, tin vui đến với người dân Quảng Trị khi Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1737/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Ông Hà Sỹ Đồng chia sẻ: Trong những năm qua, Quảng Trị đã và đang từng bước khai thác tối đa và hiệu quả các lợi thế về vị trí địa kinh tế - chính trị, thực hiện tốt vai trò kết nối giữa các nước thuộc tiểu vùng sông Mêkông và các nước trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây. Và giờ đây, Quảng Trị rất vui mừng, phấn khởi khi quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

KKT Thương mại đặc biệt Lao Bảo sẽ đổi thay với Đề án KKT Thương mại xuyên biên giới Lao Bảo - Densavan đang mở ra những cơ hội phát triển cho Quảng Trị. Ảnh: Minh Tân

Theo đó, mục tiêu tổng quát của quy hoạch đến năm 2030, Quảng Trị đạt trình độ phát triển thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước, có cơ cấu kinh tế cơ bản là một tỉnh công nghiệp - dịch vụ, là một trong những trung tâm kinh tế tổng hợp của khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, trung tâm hậu cần và trung chuyển hàng hóa của khu vực Đông Nam Á và các hành lang giao thông trong khu vực ASEAN, tiểu vùng sông Mê Kông (GMS).

Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Trị trở thành tỉnh có nền kinh tế vững mạnh với cơ cấu chính là công nghiệp - dịch vụ là một trong những động lực phát triển của khu vực, quốc phòng - an ninh được đảm bảo, nhân dân có cuộc sống hạnh phúc.

Từ Quốc lộ 9, nay mai Quảng Trị sẽ phát triển cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo, tạo sự thông thương lớn trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây (EWEC). Ảnh: Minh Tân

“Nói một câu dí dỏm, hình hài Quảng Trị hiện tại và trong tương lai là một con đại bàng đang bay ra biển lớn, phía trước hướng ra biển để khai thác kinh tế biển, sau là Hành lang Kinh tế Đông Tây sang nước bạn Lào và các nước trong Tiểu vùng sông Mê Kông (GMS), 2 cánh sải hướng Bắc, và Nam… dự báo cho Quảng Trị một tương sẽ bay cao, bay xa hơn nữa”, ông Đồng ví von khi nói về tương lai phát triển của tỉnh.

Hướng biển - kinh tế biển chính là KKT Đông Nam hình thành KKT tổng hợp, đa ngành, trở thành cực phát triển  quan trọng của vùng Trung bộ, trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm công nghiệp chế biến, sản xuất điện năng… là những “cánh đồng điện gió” ngoài khơi, là cảng biển, là logictics. Từ đây, thu hút phía “đuôi” là các tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan, Đông Bắc Campuchia, khu vực Trung và Nam Lào qua Cửa khẩu Quốc tế La Lay, KKT Thương mại xuyên biên giới Lao Bảo - Densavan theo cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo, Quốc lộ 15D.

Cùng với đó, dọc theo trục Quốc lộ 1A, cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ - La Sơn, đường ven biển… tạo nên liên kết vùng là “bệ đỡ” để Quảng Trị cất cánh.

Quốc lộ 1A qua trung tâm TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, kết nối giao thông theo trục Bắc - Nam. Ảnh: Minh Tân

“Quảng Trị đang đứng trước cơ hội hết sức thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, liên kết khai thác EWEC nhờ vào lợi thế rút ngắn lộ trình giao thông, qua đó kết nối thành một trục giao thông song song với EWEC, biến từ kết nối giao thông đến thành công kinh tế, đưa Quảng Trị phát triển nhanh và bền vững. Hướng tới tương lai, Quảng Trị khát vọng hình thành không gian phát triển toàn diện, hiện đại, bền vững cả vùng đất, vùng nước, vùng trời, trở thành cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và trung tâm phát triển năng động, toàn diện của Vùng trọng điểm kinh tế miền Trung”, ông Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.

Quảng Trị đang dần định hình cho mình một bước phát triển vượt bậc, khi thế và lực của Quảng Trị đã khác trong tư thế “cá chép hóa rồng". Lợi thế về kết nối không gian chiến lược vùng và quốc tế bước đầu đã được minh chứng từ những dự án đầu tư lớn của doanh nghiệp và các quyết sách của Chính phủ gần đây.

Chiêm nghiệm về sự phát triển của Quảng Trị và nền móng mà Quảng Trị đang xây dựng ngày hôm nay, khi được hỏi về nhân tố có ý nghĩa quyết định cho quá trình hiện thực hóa giấc mơ mới của vùng đất Quảng Trị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cũng chỉ cười đầy ý nhị và nói ngắn gọn: “CON NGƯỜI”.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm