Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Không tính phí quảng cáo, các hãng sữa bày chiêu trò lách luật

Thứ sáu, 17/04/2015 - 14:50

Nhiều hãng sữa vẫn tìm cách lách luật để không giảm giá, thậm chí còn tăng giá bằng việc thay đổi bao bì, độ tuổi của các sản phẩm.

Ngày 15/4, quy định loại bỏ chi phí quảng cáo ra khỏi giá thành đối với sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em dưới 2 tuổi chính thức có hiệu lực. Đây là một trong những biện pháp nhằm ổn định thị trường sữa.

Tuy nhiên, bất chấp các quy định của Bộ Tài chính, nhiều hãng sữa vẫn tìm cách lách luật để không giảm giá, thậm chí còn tăng giá bằng việc thay đổi bao bì, độ tuổi của các sản phẩm sữa bột. Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế lại cho rằng, kiểu tư duy “không quản được thì cấm” có thể sẽ gây ra những tác dụng ngược.

Nhiều hãng sữa tìm cách “lách luật”

Khảo sát tại một số đại lý, cửa hàng sữa tại Hà Nội cho thấy, thời gian gần đây, thị trường sữa đã có nhiều thay đổi khi hàng loạt hãng sữa thay đổi bao bì, mẫu mã mới.

Đáng chú ý trước đây, sữa công thức các loại dành cho trẻ từ 0-6 tháng tuổi, từ 6 - 12 tháng, từ 1-3 tuổi, từ 3 tuổi trở lên… nay bị bất ngờ thay đổi theo chuẩn mới, theo đó, tách sữa dành cho trẻ từ 1-3 tuổi thành 2 loại: 1-2 tuổi và từ 2-4 tuổi. Đơn cử, với sản phẩm Enfamil A+ 360 loại Brain Plus đã thay đổi về độ tuổi dành cho trẻ và giá bán được điều chỉnh tăng thêm.

Theo giải thích của một số hãng sữa, việc phân lại độ tuổi là để phù hợp với quy định mới cấm quảng cáo đối với sản phẩm cho trẻ dưới 2 tuổi trở xuống.

Thế nhưng, tại một số cửa hàng kinh doanh sữa như một cửa hàng trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, Hà Nội, các nhân viên cho biết, thực tế các sản phẩm sau khi phân lại độ tuổi thì không khác biệt về công thức.

“Do mới đây nhà nước cấm quảng cáo sữa cho trẻ dưới 2 tuổi, nên hàng loạt hãng sữa đã ồ ạt đổi mẫu. Thực ra đó là cách đối phó, trốn tránh với thủ tục hành chính thôi chứ công thức không có gì thay đổi cả. Mức giá của các sản phẩm sữa không thay đổi, không giảm gì cả, có hãng còn tăng giá”, một đại lý sữa cho biết.

Nghị định số 100 của Chính phủ có hiệu lực từ 1/3/2015, có điều khoản “Nghiêm cấm quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi, thức ăn bổ sung cho trẻ em dưới 6 tuổi”. Bộ Tài chính đã yêu cầu các công ty loại bỏ chi phí quảng cáo trong cơ cấu giá, giảm giá tương ứng với mức chi phí quảng cáo đã loại trừ và thực hiện kê khai giá lại theo quy định trước ngày 15/4/2015.

Mục đích của việc làm này là để khuyến khích cho trẻ dùng sữa mẹ. Đồng thời, đây cũng là một trong những yếu tố để giảm giá bán, có lợi cho người tiêu dùng. Bởi thời gian qua, chi phí quảng cáo chiếm đến 20% - 30% giá thành sản phẩm sữa, khiến giá sữa bị đẩy lên cao.

Mặc dù đã có quy định cấm quảng cáo với sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 2 tuổi, nhưng thực tế giá sữa chưa giảm như mong đợi của người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng: “Việc cấm quảng cáo đồng nghĩa với giảm giá thành, nên về nguyên tắc thì giá sữa phải giảm tương ứng. Việc sửa bao bì, ghi lại độ tuổi để lách luật là cách làm ăn không sòng phẳng với người tiêu dùng, không lấy người tiêu dùng làm trung tâm. Để xử lý vấn đề này, rất cần cơ quan quản lý Nhà nước điều tra, công bố, công khai sản phẩm nào lách luật”.

Trong khi đó, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại trước những quy định về cấm quảng cáo sữa dành cho trẻ dưới 2 tuổi có thể gây ra tác dụng ngược, khi các doanh nghiệp tiếp tục sử dụng nhiều mánh khóe để ứng phó.

Thực tế, để ra một công thức sữa, các hãng sữa thường phải nghiên cứu trong nhiều năm, dựa trên thể trạng của hàng nghìn trẻ em. Trước đây, chỉ cấm quảng cáo sữa dành cho trẻ dưới 1 tuổi, nay nâng lên 2 tuổi, khiến doanh nghiệp buộc phải phân lại độ tuổi, thay đổi mẫu mã, bao bì…làm tăng thêm chi phí.

Cấm quảng cáo sữa có phải là tối ưu?

Để đảm bảo lợi nhuận, doanh nghiệp sẽ phải tìm cách đưa ra cấu trúc giá mới không thấp hơn giá cũ. Chưa kể, việc cấm quảng cáo, tuyên truyền còn khiến người tiêu dùng không thể tiếp cận được thông tin tìm loại sữa phù hợp cho con.

Theo ông Ngô Trí Long, chuyên gia giá cả, thị trường, khi kinh doanh trong cơ chế thị trường, doanh nghiệp cần có quảng cáo tiếp thị ở mức độ hợp lý, trung thực, minh bạch và không lợi dụng quảng cáo để tăng chi phí lên người tiêu dùng.

Bởi vậy, không được quảng cáo sản phẩm sữa cho trẻ dưới 2 tuổi để loại chi phí này ra khỏi giá thành, không những người tiêu dùng bị thiệt (vì không biết thông tin để lựa chọn sản phẩm), mà thị trường còn rối loạn hơn và không phù hợp với những nỗ lực cải cách môi trường đầu tư kinh doanh mà Chính phủ đang đặt ra.

“Kinh doanh trong cơ chế thị trường thì cần có quảng cáo tiếp thị nhưng ở trong mức độ hợp lý. Nếu loại bỏ hẳn ra, người tiêu dùng thì cần biết thông tin, bây giờ để tự tìm hiểu là khó. Có lẽ chỉ có Việt Nam làm việc này chứ các nước không làm việc đó. Hiện nay cấm chi phí quảng cáo dưới 2 tuổi là biện pháp hành chính không phù hợp với điều kiện cải cách môi trường đầu tư hiện nay. Đây là 1 nội dung hoạt động của doanh nghiệp. Biện pháp này vô hình chung là rào cản cải thiện môi trường đầu tư hiện nay. Có một điều rất dở là không quản được thì cấm. Điều đó là cực kỳ sai”, ông Ngô Trí Long chỉ rõ.

Thời gian qua, chi phí quảng cáo sữa được xem là một trong những nguyên nhân khiến cho giá sữa tại Việt Nam tăng cao. Song theo các chuyên gia, nếu cấm quảng cáo thì doanh nghiệp có thể lại dùng các chiêu trò khác như mạnh tay chi cho đại lý, bác sĩ tư vấn, tiếp thị thông qua kênh phân phối bán lẻ…

Trong khi đó, sữa là lĩnh vực phức tạp, do chủng loại đa dạng và cấu thành giá khác nhau, nên bên cạnh việc nâng cao năng lực quản lý, kiểm tra chi phí giá của doanh nghiệp, thì cần thiết phải đưa ra các quy định chặt chẽ, song phải có tính khả thi và hạn chế được các chiêu trò lách luật. Cần tăng chế tài xử phạt với những trường hợp vi phạm để lành mạnh thị trường sữa và tránh thiệt hại cho người tiêu dùng./.

Theo VOV

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

(Thanh tra) - Muốn thu hút được đông đảo người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hoá các phương tiện, thì việc đồng bộ cơ sở hạ tầng là vô cùng cần thiết. Đây được coi là vấn đề then chốt, TP Hà Nội cần phát triển một cách đồng bộ hạ tầng xe buýt và cả các loại hình kết nối khác trong hệ thống VTHKCC.

Cao Sơn

07:05 14/12/2024
Hoà Bình: Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tỉnh đốn đốc các chủ đầu tư

Hoà Bình: Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tỉnh đốn đốc các chủ đầu tư

(Thanh tra) - Tính đến ngày 30/11/2024, toàn tỉnh Hoà Bình đã giải ngân vốn đầu tư công 2.191,4 tỷ đồng, đạt 64% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 58% kế hoạch vốn UBND tỉnh giao chi tiết đến từng dự án. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân không đạt theo yêu cầu của Tỉnh ủy giao là 90%.

Trần Kiên

20:25 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm